Huyện Krông Búk, Đắk Lắk: Dự án điện gió đang vi phạm đất rừng, dân lo lắng ô nhiễm môi trường?
Người dân xã Cư Né bức xúc phản ánh lên chính quyền các cấp về các dự án điện gió trên địa bàn xã về tình trạng ô nhiễm môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng, vi phạm đất rừng, đất nông nghiệp… chưa được chuyển đổi nhưng chính quyền địa phương đã cho chủ đầu tư thi công dự án rầm rộ.
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí Tòa án nhân dân, tại huyện Krông Búk (Đắk Lắk) có 4 dự án điện gió được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm: Nhà máy điện gió Cư Né 1, Nhà máy điện gió Cư Né 2, Nhà máy điện gió Krông Búk 1 và Krông Búk 2. Cả 4 dự án cùng do người đại diện pháp nhân quốc tịch Trung Quốc.
Theo các Quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư, 4 dự án này phải hoàn thành các thủ tục pháp lý trước khi thi công. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 7.878 tỉ, công suất 200MW (50MW/1 nhà máy), toàn dự án có 73 vị trí tua bin gió với diện tích khoảng 61,7 ha, được triển khai trên địa bàn 4 xã Chứ Kbô, Cư Pông, Ea Sin và Cư Né của huyện Krông Búk. Tuy nhiên, dù chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục nhưng đến nay các dự án đã lắp đặt xong các tua bin gió, hoàn thành công tác đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.
Ông Phạm Văn K, một người dân sống trên địa bàn xã Cư Né lo lắng: “Các dự án điện gió triển khai trên, người dân chúng tôi không những mất đất sản xuất, mà còn lo lắng về tình trạng đường dây điện lắp đặt trên đất rừng không đảm bảo an toàn, không được nhà nước cho phép, ô nhiễm môi trường tiếng ồn khi các trụ điện đi vào hoạt động…”
Trụ điện gió được lắp đặt, xây dựng trên địa bàn huyện Krông Búk
Ông Bùi Đình Hiếu, Chủ tịch UBND xã Cư Né cho biết, mặc dù chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã tiến hành thu mua, đền bù đất của người dân và thực hiện giải phóng mặt bằng để tiến hành xây dựng các dự án. Theo Chủ tịch UBND xã Cư Né Bùi Đình Hiếu: “Năm 2023, xã đã lập biên bản xử phạt gửi chủ đầu tư, và gửi các phòng ban chuyên môn UBND huyện về các dự án điện gió Cư Né 1, Cư Né 2 vi phạm đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường".
Theo ông Hiếu, hiện có khoảng gần 150 đơn thư, khiếu nại của người dân gửi lên địa phương phản ánh về dự án.
Theo tìm hiểu của PV, việc triển khai thực hiện các dự án điện gió của chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa đảm bảo các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và môi trường, nên xảy ra đơn thư kiếu nại của người dân trên địa bàn.
Tại Công văn số 5606/UBND-NNMT của UBND tỉnh Đắk Lắk, ngày 03/07/2023 về xử lý kiến nghị của UBND huyện Krông Búk liên quan đến việc lắp đặt cáp của các dự án điện gió cho biết: Để nhà máy điện gió Krông Búk 1, Krông Búk 2, Cư Né 1, Cư Né 2 được thi công tạm thời việc lắp đặt cáp trên mặt đất theo hướng tuyến cáp ngầm thiết kế đã được phê duyệt đi qua phần diện tích đất rừng không có cây rừng như đề xuất của UBND huyện Krông Búk, trên nguyên tắc lắp đặt cáp trên mặt đất nhưng không tác động vào đất rừng và cây rừng (nếu có). UBND huyện Krông Búk chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và quy định của pháp luật đối với nội dung đề xuất tại Tờ trình số 94/TTr – UBND, ngày 23/6/2023. Đồng thời có giải pháp giám sát, kiểm tra Nhà đầu tư trong quá trình lắp đặt trên mặt đất theo hướng tuyến cáp ngầm thiết kế đã được phê duyệt đi qua phần diện tích đất rừng sản xuất.
Đường dây điện gió được lắp đặt trên đất rừng thuộc địa bàn xã Cư Né huyện Krông Búk
Trong đó, yêu cầu nhà đầu tư bảo vệ nguyên trạng, không làm ảnh hưởng hoặc tác động đến đất lâm nghiệp, cây rừng, bảo vệ môi trường xung quanh, có biển cảnh báo đám bảo an toàn trong phạm vi khu vực tuyến cáp đi qua và phải chịu trách nhiệm nếu để nhà đầu tư tác động đến diện tích đất lâm nghiệp nêu trên nếu chưa đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Nếu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong Thông báo số 326-TB/HU, ngày 08/06/2022 của Huyện ủy Krông Búk về tình hình triển khai các dự án điện gió trên địa bàn có nêu rõ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc thi công các hạng mục công trình nếu liên quan đến rừng và đất rừng, kiên quyết xử lý các vị phạm theo quy định của pháp luật. Văn bản chỉ đạo là vậy, nhưng chính quyền UBND huyện Krông Búk lại làm “một nẻo”.
Theo tìm hiểu của PV, trong Biên bản cuộc họp của UBND huyện Krông Búk cùng các phòng, ban về việc sử dụng diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp để xây dựng tuyến cáp ngầm 22kV thuộc các dự án điện gió trên địa bàn, ngày 23/6/2023 có nhiều điều bất thường, vô lý. Người chủ trì cuộc họp là ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk lại không hề thể hiện ý kiến chỉ đạo, kết luận, cũng không có chữ ký của vị chủ trì cuộc họp và một số thành phần tham dự. Điều “bất thường” là việc tổ chức cuộc họp của UBND huyện Krông Búk đã đúng quy định chưa? Có vi phạm vào Quyết định số 45/2018/QĐ -TTg của Thủ tướng CP về quy định quy chế họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính Nhà nước?
Trụ sở UBND - HĐND huyện Krông Búk
Ngay sau đó, ngày 23/6/2023, UBND huyện Krông Búk đã có Tờ trình số 94/TTr-UBND do ông Y Ni Mlô, Phó chủ tịch UBND huyện ký, về việc sử dụng diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp để xây dựng tuyền cáp ngầm 22 kV thuộc các dự án điện gió trên địa bàn huyện này.
Việc làm vội vàng của UBND huyện Krông Búk liệu có vi phạm vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Số 05/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng chiếm đất rừng trái pháp luật hay không? Đó là câu hỏi lớn xuất phát từ việc Huyện ủy chỉ đạo một đằng, UBND huyện làm một nẻo đang xảy ra ở Krông Búk. Dư luận nhân dân bất bình khi chủ đầu tư hàng ngày phá đất rừng để làm điện gió. Đề nghị các cấp, ban ngành của tỉnh Đăk Lắk, các bộ, ban ngành Trung ương kiểm tra làm rõ vấn đề đất rừng trên địa bàn huyện Krông Búk đang dần biến mất để làm điện gió khiến người dân bức xúc?
Bài liên quan
-
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Liên danh PTSC - Sembcorp được cấp phép khảo sát biển cho Dự án điện gió ngoài khơi, xuất khẩu điện sang Singapore
-
Công ty Cổ phần điện gió Phong Liệu & Công ty Cổ phần Patec
-
Thanh Hóa: Cựu Chủ tịch UBND huyện bị khởi tố vì biến 5.000 m2 đất rừng thành đất ở
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận