Thông qua Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Dự thảo gồm có 4 chương, 48 điều, tăng thêm 3 điều, chỉnh lý 15 điều so với Dự thảo ngày 15/8, đáp ứng đầy đủ mục đích, yêu cầu đặt ra…
Trước khi xem xét thông qua Dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh này. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với TANDTC, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và VKSNDTC khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận tại phiên họp; đồng thời, gửi dự thảo Pháp lệnh xin ý kiến các cơ quan có liên quan; bảo đảm hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật của dự thảo Pháp lệnh trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Điều chỉnh phù hợp
Liên quan đến đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã rà soát các đối tượng bị xử phạt trong dự thảo Pháp lệnh nhằm bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh bổ sung quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với Hội thẩm nếu có hành vi cản trở hoạt động tố tụng, để thống nhất với khoản 8 Điều 89 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân: “Hội thẩm… nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”. Dự thảo Pháp lệnh cũng bỏ quy định liên quan đến xử phạt hành chính đối với Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý, vì đối tượng này là viên chức (theo quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý), do đó, nếu thực hiện hành vi vi phạm thì họ sẽ bị xử lý theo Luật Viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo - Ảnh: Hồ Long
Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, cụ thể: chỉnh lý quy định về mức xử phạt đối với một số hành vi trong dự thảo Pháp lệnh; một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng nhưng đã được quy định tương tự trong các Nghị định của Chính phủ, thì dự thảo Pháp lệnh dẫn chiếu thực hiện theo các quy định tương ứng đó.
Cụ thể: khoản 4 Điều 19 quy định Thừa phát lại tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án không đúng quy định thì áp dụng theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; khoản 7 Điều 22 quy định Nhà báo đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án thì áp dụng theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, quy định hình thức xử phạt đối với hành vi trong dự thảo Pháp lệnh còn phải bảo đảm các yêu cầu thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn; tuân thủ nguyên tắc tại điểm c khoản 1 Điều 3 Luật Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng”…
Đối với các ý kiến tán thành quy định tại Chương III của dự thảo Pháp lệnh, đồng thời, đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, bổ sung Điều 32, Điều 40 và khoản 9 Điều 41 quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong tất cả các giai đoạn tố tụng (từ giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử), trừ các vụ án thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp trong quân đội.
Ngoài ra, dự thảo Pháp lệnh đã tiếp thu và quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đồng thời có thẩm quyền xử phạt trong tất cả các giai đoạn tố tụng để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được khẩn trương, kịp thời. Vì vậy, các cơ quan đều thống nhất quy định như dự thảo Pháp lệnh là phù hợp.
Thường trực Ủy ban Tư pháp đã rà soát, chỉnh lý điểm b khoản 4 Điều 23 của dự thảo Pháp lệnh, chỉ quy định về hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự; đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát toàn diện dự thảo Pháp lệnh, bổ sung 01 điều quy định về trách nhiệm tổ chức thi hành, chỉnh lý một số điều, khoản cụ thể khác để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi và hoàn thiện về kỹ thuật văn bản.
Theo đó, phạt tiền từ 7 - 15 triệu đồng với hành vi “ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự”.
Dự thảo Pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gồm có 4 chương, 48 điều; so với dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận ngày 15/8/2022 tăng thêm 03 điều, chỉnh lý 15 điều. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, dự thảo Pháp lệnh đáp ứng đầy đủ mục đích, yêu cầu đặt ra…
Bảo đảm phán quyết công tâm, đúng luật
Phát biểu tại phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, các quy định về xử phạt hành vi ghi âm trong Pháp lệnh không phải Tòa án nghĩ ra mà đã được quy định trong các luật tố tụng hình sự, hành chính, dân sự.
Toàn cảnh phiên họp
Lý giải về lý do có quy định về việc cấm ghi âm, ghi hình, livestream tại phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau khi dự thảo được cho ý kiến lần đầu, có nhà báo gọi điện cho ông, đặt câu hỏi: Tại sao pháp lệnh không cho nhà báo ghi âm, ghi hình livetream. Đó là quyền đưa tin của nhà báo?
"Tôi có giải thích là nhà báo có quyền như vậy, nhưng con người cũng có quyền rất thiêng liêng. Tôi lấy ví dụ nếu anh có người em đang liên quan tới vụ án hôn nhân. Tại phiên tòa, phải trình bày lý do ly hôn, tiền bạc phân chia như thế nào thì người ta livestream lên mạng cho toàn thế giới người ta xem thì anh có chịu được không? Anh có đồng ý việc đó không?", Chánh án nói và cho biết, một nguyên tắc lớn là phải bảo vệ quyền con người.
"Anh không thể sẵn sàng ghi âm, ghi hình người ta để đưa lên mạng được. Cho nên luật luật phải vệ quyền riêng tư của con người", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Kể cả trong vụ án hình sự cũng vậy. "Không chỉ có bị can, bị cáo là những người bị hạn chế quyền mà còn có người khác như bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan... Người ta có quyền bảo vệ bí mật cá nhân. Một vụ xâm hại nhân thân, nhân phẩm mà cũng ghi âm, ghi hình, livestream đưa hết lên mạng thì không được", Chánh án TANDTC nói, và cho biết hành vi này là "vi phạm quyền con người".
Bên cạnh đó, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, mục tiêu tối thượng khi tổ chức một phiên tòa là hướng đến một bản án đúng pháp luật, công tâm. Do đó, nhiệm vụ của hội đồng xét xử là phải toàn tâm, toàn ý cho việc đưa ra phán quyết, bảo đảm phán quyết công tâm, đúng luật.
Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Hồ Long
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyễn Văn B có phạm tội “tàng trữ trái phép súng săn không”?
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất tại Luật BHXH năm 2024
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thừa Thiên – Huế: Buôn lậu gỗ, cựu cán bộ kiểm lâm lĩnh án tù
Bình luận