Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những dấu ấn sâu đậm với hệ thống Tòa án nhân dân
Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đến thăm, làm việc với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, dự Hội nghị triển khai công tác Tòa án… và để lại những ý kiến phát biểu chỉ đạo rất sâu sắc.
“Biểu tượng nền công lý quốc gia”
GS.TS Nguyễn Phú Trọng từng viết: “Tòa án là nơi biểu hiện tập trung tính chất dân chủ và công khai trong hoạt động bảo vệ pháp luật. Ở đó con người tìm thấy lẽ công bằng, tính nhân đạo, thiện và ác một cách trực tiếp và cụ thể qua các sự kiện pháp lý cụ thể”[1].
Ở cương vị lãnh đạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: Trong bộ máy Nhà nước ta, Tòa án nhân dân có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Quá trình phát triển của Tòa án luôn gắn liền với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước ta. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các Tòa án ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển đất nước. “Những đóng góp bền bỉ, thầm lặng của các thế hệ cán bộ, Thẩm phán đã làm nên truyền thống tốt đẹp của ngành Tòa án; luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và trân trọng”- Tổng Bí thư đánh giá tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, diễn ra ngày 14/1/2019.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Trước đó, ngày 20/3/2015, trong buổi làm việc với Ban cán sự Đảng, lãnh đạo chủ chốt Tòa án nhân dân tối cao về công tác Tòa án từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI đến tháng 3/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương công tác phòng, chống tham nhũng - cũng đã khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Tòa án, “một thiết chế thực hiện quyền lực Nhà nước, có nhiệm vụ chăm lo bảo vệ công lý, là nơi biểu hiện sâu sắc nhất bản chất của Nhà nước, là biểu tượng nền công lý quốc gia”[2].
Tổng Bí thư nói: Tòa án Việt Nam là Tòa án của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Với tinh thần cải cách tư pháp thể hiện trong Hiến pháp 2013, hoạt động của Tòa án là trọng tâm của công tác tư pháp. Trong suốt quá trình từ khi ra đời, Tòa án ngày càng phát triển, trưởng thành, đóng góp rất lớn cho việc bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của nhân dân.
Ngày 22/1/2008, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2008, đã chia sẻ khó khăn và hoan nghênh tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tòa án. Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên tinh thần cầu thị, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tòa án tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện không ngừng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2008
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý, mỗi cán bộ, công chức của ngành Tòa án phải thực sự là người “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, phải thực sự hiểu dân, gần dân, giúp dân và học dân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, ngành Tòa án cần khẩn trương tập trung nâng cao chất lượng xét xử, phấn đấu không để xảy ra các vụ xét xử oan, sai nghiêm trọng; Khắc phục bằng được việc để quá hạn xét xử các vụ án và hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị sửa, bị hủy.
Mới đây, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài viết: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân, đã nhấn mạnh: “Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí luôn đau đáu với vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, vì Nhân dân, do Nhân dân”. Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đặt mục tiêu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại…
Vì vậy, Tổng Bí thư luôn dành sự quan tâm lớn đến hệ thống Tòa án nhân dân, luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt của Tòa án, là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…
“Không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội”
Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, sau khi điểm qua những kết quả nổi bật là: Hệ thống Tòa án đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trung tâm của hoạt động tư pháp; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Tòa án các cấp đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta; Tòa án có nhiều đóng góp tích cực, có hiệu quả vào công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong phạm vi cả nước; tập trung xây dựng Tòa án nhân dân công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; hệ thống tổ chức của Tòa án các cấp không ngừng được hoàn thiện; đội ngũ cán bộ của Tòa án đã trưởng thành qua thực tiễn, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới… Tổng Bí thư đã nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng các thành tích và trân trọng biểu dương sự cố gắng, nỗ lực, những đóng góp thiết thực của hệ thống Tòa án.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc với TANDTC năm 2015
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số vấn đề: Đó là, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ Thẩm phán thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, có tấm lòng nhân ái. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong Tòa án. Chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra cho Tòa án trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao năng lực trong các hoạt động của Ngành trong cả nước.
Nói về xét xử các vụ án tham nhũng, Tổng Bí thư đánh giá: Hình phạt mà các Toà án quyết định đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng là sự cảnh báo nghiêm khắc cho sự lạm dụng quyền lực và tuỳ tiện, vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của nhà nước và nhân dân. Qua xét xử, nhiều hội đồng xét xử cũng chỉ ra nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm; kiên quyết khởi tố tại phiên toà khi phát hiện tội phạm chưa được điều tra, xử lý; kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, những kẽ hở của cơ chế, chính sách để các cơ quan liên quan có biện pháp phòng ngừa, khắc phục hiệu quả[3].
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhắc nhở: Ngành Tòa án cần nhận thức sâu sắc tình hình, quyết tâm khắc phục tồn tại yếu kém, phát huy ưu điểm và những kết quả đã đạt được, nâng cao hơn nữa vai trò, thực hiện thật tốt chức năng nhiệm vụ của mình, xứng đáng là công cụ đắc lực, sắc bén trong việc xử lý các vi phạm, tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân.
Tổng Bí thư chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại TANDTC năm 2015
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trong công tác xét xử phải đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng, giảm mạnh các bản án, quyết định của Tòa án có sai sót do chủ quan, bảo đảm các phán quyết của Tòa án thực sự công bằng, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, đúng pháp luật... "Bên cạnh đó, cần tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, công tâm, đúng pháp luật, qua tranh tụng tìm ra chân lý; tập trung hơn nữa vào một số vụ án trọng điểm về phòng, chống tham nhũng, các vụ án lớn, trọng điểm; quan tâm phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm bảo đảm thi hành án, không để dây dưa kéo dài, nhất là việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng".
"Chất lượng của nền tư pháp xét cho cùng là do cán bộ tư pháp quyết định"
Một câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hôm đó khiến các đại biểu nhớ mãi: “Chất lượng của nền tư pháp xét cho cùng là do cán bộ tư pháp quyết định, vì họ là những người trực tiếp “cầm cân nảy mực”. Mỗi sai sót trong thực thi công vụ của cán bộ tư pháp đều ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và lợi ích, thậm chí cả tính mạng của người dân. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là các Thẩm phán thanh liêm, chính trực, công tâm, trong sáng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật phải là ưu tiên hàng đầu của các Tòa án”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo TANDTC và các đại biểu tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý: “Người Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải công tâm, khách quan, thượng tôn pháp luật, không vì lợi ích riêng tư, không để nén bạc đâm toạc công lý, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện cho được lời dạy của Bác Hồ là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư,” gần dân, học dân, hiểu dân, giúp dân và cũng là giúp chính chúng ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị ngành Tòa án tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn, nâng cao trình độ cán bộ công chức, nhất là đội ngũ Thẩm phán; chấn chỉnh tác phong lề lối công tác, kiên quyết làm trong sạch, lành mạnh đội ngũ những người làm công tác xét xử[4].
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định và nhắn nhủ: “Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm, chăm lo, bảo đảm các điều kiện và nguồn lực xây dựng hệ thống Tòa án trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, tôi mong rằng, với nỗ lực và quyết tâm cao; với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dù phải đối mặt trước những khó khăn, thách thức và không ít cám dỗ, đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp sẽ luôn thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân”.
Những lời phát biểu tâm huyết và sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành những tài sản tinh thần quý giá mà cán bộ, Thẩm phán, công chức, viên chức... trong hệ thống Tòa án nhân dân cả nước không bao giờ lãng quên!
[1] https://lsvn.vn/ve-nguyen-tac-toa-an-xet-xu-cong-khai-va-quyen-tham-du-phien-toa-cua-nguoi-dan-1706453338.html
[2] https://vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-kien-quyet-lam-trong-sach-doi-ngu-lam-cong-tac-xet-xu-389393.vov
[3] https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-tai-hoi-nghi-trien-khai-cong-tac-toa-an-nam-2019-102250799.htm
[4] https://nhandan.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-lam-viec-voi-toa-an-nhan-dan-toi-cao-post227852.html
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo TANDTC chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cùng các đại biểu dự Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2019 _Ảnh: TTXVN
Bài liên quan
-
Cụ thể hóa việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024
-
Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
-
Mối quan hệ giữa quyền tư pháp và quyền lập pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam
-
Hoàn thiện quy định quyền tư pháp của Tòa án nhân dân theo Hiến pháp năm 2013
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận