Vẫn xử lý được Nguyễn Tấn Th tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”
Sau khi nghiên cứu bài viết của các tác giả Nguyễn Thị Thu Hiếu đăng ngày 19/7/2024, đặt vấn đề có xử lý được Nguyễn Tấn Th tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” hay không?”, tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất.
Thứ nhất, dưới góc độ pháp lý, mặt khách quan của tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” chỉ yêu cầu nhận thức được tài sản do phạm tội mà có. Theo khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015, mặt khách quan, chủ quan của tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chỉ yêu cầu: “Người nào không hứa hẹn trước mà… tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có”.
Theo khoản 2 Điều 1, khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC: “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội; “Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó”.
Tham khảo khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của TANDTC, trường hợp biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có là một trong các trường hợp sau đây: a) Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có);... d) Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó)”.
Trong trường hợp được nêu, theo lời khai của Th đây là chiếc xe do S (không rõ lai lịch) nhờ Th bán giúp, nguồn gốc xe Th biết do S trộm cắp mà có. Như vậy, hành vi của Th được xác định là “tiêu thụ tài sản”, “biết rõ là do người khác phạm tội mà có” (chỉ cần có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội, không cần phải có phán quyết của cơ quan có thẩm quyền, với việc biết rõ thông qua trực tiếp biết được hoặc phải biết theo quy định pháp luật), thoả mãn cấu thành “người nào không hứa hẹn trước mà… tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” tại khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015.
Đặc biệt, trong tường hợp tương tự, tham khảo mục 8.I Công văn 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính: “Theo quy định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn nêu trên thì mặt chủ quan của tội phạm này chỉ bắt buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết tài sản đó do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa. Do vậy, trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Thứ hai, thực tiễn, một số Toà án đã xét xử tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” trong trường hợp tương tự, kể cả khi đối tượng phạm tội (“người khác”) đã bỏ trốn, chưa xác định được.
Vụ án thứ nhất (theo Bản án số: 91/2023/HS-PT ngày 07/6/2023 của TAND Tp Đà Nẵng): Ngày 18/4/2022 Trần Văn A có hành vi mua của Trần Văn C (đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đang truy nã) 30 chiếc điện thoại các loại, giá trị là 73.910.000 đồng. Khi mua A biết rõ đây là tài sản do phạm tội mà có nhưng với mục đích trừ nợ và ham rẻ A đã đồng ý mua. Hành vi của bị cáo Trần Văn A đã phạm vào tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại khoản 1 Điều 323 BLHS.
Vụ án thứ hai (theo Bản án số: 229/2018/HS-ST ngày 24/8/2018 của TAND Thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương): Vào lúc 17 giờ đến 19 giờ ngày 09/5/2018 tại phòng trọ số 02 nhà trọ số 55B, thị xã D A, tỉnh Bình Dương, bị cáo Trần Đình Th biết rõ tài sản gồm 04 xe mô tô, tổng trị giá 95.000.000 đồng do H (đang bỏ trốn, chưa bắt được) phạm tội mà có nhưng vẫn nhận xe cất giấu vào nơi mình thuê để ở. Như vậy, hành vi của bị cáo Trần Đình Th đã đủ yếu tố cấu thành tội “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015.
Vụ án thứ ba (theo Bản án số: 338/2018/HS-ST ngày 27/9/2018 của TAND Tp Biên Hoà tỉnh Đồng Nai): Khoảng 08 giờ 30 phút ngày 10/6/2018, tại nhà nghỉ “D” phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai, mặc dù bị cáo S biết rõ 02 chiếc điện thoại di động, tổng giá trị 7.979.000 đồng là tài sản do đối tượng tên Linh (đã bỏ trốn, chưa xác định được) phạm tội mà có nhưng bị cáo S vẫn đồng ý tiêu thụ. Do vậy, có căn cứ kết luận hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định tại khoản 1 Điều 323 của BLHS năm 2015.
TAND tỉnh Quảng Trị xét xử vụ án hình sự- Ảnh: Lê Thanh Nhàn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận