Ông Phan không phạm tội

Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội

Sau khi nghiên cứu nội dung vụ án và các quan điểm mà tác giả Hải Hàđưa ra đối với trường hợp  “Ông Phan phạm tội gì?”  đăng trên Tạp chí nhân dân điện tử ngày 05 tháng 4 năm 2018, từ nội dung diễn biến của vụ án và các quan điểm mà tác giả bài viết xung quanh, tôi có ý kiến như sau:

Tôi đồng ý với quan điểm 3 với những lý do mà tác giả đưa ra và chỉ xin làm rõ thêm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, trong cấu thành cơ bản của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì về mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở 2 điểm mấu chốt sau: Một là, hành vi gian dối được thể hiện, thực hiện sau khi chủ thể của tội phạm đã nhận được tài sản thông qua các hình thức hợp đồng… một cách ngay tình, hợp pháp; sau khi nhận được tài sản vì mục đích chiếm đoạt không trả, không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, theo thỏa thuận thì chủ thể của tội phạm mới nảy sinh dùng thủ đoạn gian dối để không trả, không thực hiện thỏa thuận, không thực hiện hợp đồng. Tức là thủ đoạn gian dối xuất hiện sau khi đã nhận được tài sản.

Hai là, việc dùng thủ đoạn gian dối là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Sự khác nhau căn bản giữa Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” chính ở điểm “hành vi gian dối” được thực hiện trước hay sau khi nhận được tài sản, nhận được tiền… Nếu “hành vi gian dối” thực hiện trước là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; còn nếu  thực hiện sau khi có tài sản thì là “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhưng cả 02 tội này dấu hiệu mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

Trở lại vụ án trên mặc dù, ông Phan đã có hành vi gian dối sau khi vay được tiền của Ngân hàng X, cụ thể: Vì,ngân hàng X đã giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông nên sẵn bản viết tay giấy tờ mua bán nhà đất giữa ông và chủ cũ từ năm 2010, ông Phan đã làm thêm 1 kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 1 bản vẽ xác định mốc giới nhà đất của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh V cấp. Hành vi này rõ ràng là đã dùng thủ đoạn gian dối đối với Ngân hàng X và bà Kim. Tuy nhiên, dấu hiệu có chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng X hay bà Kim hay không thì với nội dung của vụ án chưa thể khẳng định được. Mặc dù, hành vi gian dối là có nhưng chưa hẳn ông Phan dùng hành vi gian dối này như là một phương tiện, công cụ để chiếm đoạt được tài sản của bà Kim hay Ngân hàng X. Bởi lẽ, thời hạn đáo hạn chưa đến tức là nghĩa vụ thanh toán của ông Phan với Ngân hàng chưa xảy ra. Đến hạn thanh toán lãi suất ông vẫn trả đầy đủ. Như vậy, vấn đề ở đây là Ngân hàng chưa có thiệt hại xảy ra và bà Kim cũng vậy. Mặc dù, mới chỉ phía Ngân hàng đứng ra tố cáo nhưng các Cơ quan tố tụng đã vội kết luận khởi tố ông Phan về tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo tôi là chưa có cơ sở;

Thứ hai, xét về mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả, như trên đã phân tích thì mặc dù, có hành vi gian dối nhưng hậu quả ở đây là sự thiệt hại từ phía Ngân hàng chưa xảy ra, cụ thể là Hợp đồng vay vốn của ông Phan chưa đáo hạn, ông Phan chưa có nghĩa vụ thanh toán gốc vay mà mới chỉ thanh toán lãi suất theo hợp đồng. Trong khi đó một vấn đề hết sức cơ bản đó là: Tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là tội có cấu thành vật chất, tức là giữa hành vi và hậu quả có mối quan hệ trực tiếp với nhau. Hành vi gian dối đem đến hậu quả xảy ra là sự thiệt hại của chủ tài sản. Trong vụ án này, theo tôi chưa có thiệt hại xảy ra.

Do vậy, ông Phan không phạm tội. Có chăng, ở đây ông Phan đã vi phạm nghĩa vụ trong thực hiện hợp đồng vay vốn với Ngân hàng X đó là việc tự ý bán nhà khi chính ngôi nhà đó đang được thế chấp tại Ngân hàng. Tuy nhiên, việc sai phạm này chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà chỉ có thể là lỗi vi phạm hành chính và bị xử lý theo Luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Ngân hàng.

Từ những phân tích trên tôi cho rằng ông Phan không phạm tội.

Xin được trao đổi với tác giả bài viết cùng quý bạn đọc và đồng nghiệp./.

Th.S ĐỖ NGỌC BÌNH