Bàn thêm về hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ

Bài viết này xin trao đổi thêm về hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ được viết trong bài “Quyền khởi kiện của chủ thể mua nợ trong hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ” của các tác giả Trần Văn Thiết, Đào Tấn Anh, Nguyễn Ý Quyết, đăng ngày 04/3/2024.

1. Bản chất và luật điều chỉnh của hợp đồng mua, bán nợ

Trước hết, để xác định được các quy tắc chi phối hay luật điều chỉnh đối với một đối tượng pháp lý nào đó thì điều cần làm là phải xác định bản chất của chúng.

Hiển nhiên, hợp đồng mua, bán nợ (hay đúng hơn là quyền đòi nợ) về cơ bản là một hợp đồng, nên chúng sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định chung liên quan đến hợp đồng trong BLDS năm 2015.

Ngoài ra, vì quyền đòi nợ còn được xem là quyền tài sản1 hay một loại tài sản, nên hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ vẫn sẽ ít nhiều tuân theo các quy tắc của chế định hợp đồng mua bán tài sản nói chung. Song, quyền đòi nợ là một quyền tài sản đặc biệt, cụ thể hơn nó là quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ về tài sản của một bên (chủ nợ hay bên có quyền) đối với một bên khác (bên mắc nợ hay bên có nghĩa vụ)[2]. Chính những điều này đã dẫn đến hai hệ quả chính sau:

- Là quyền tài sản (một dạng tài sản): hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ sẽ được xem là một dạng hợp đồng mua bán tài sản nói chung và cụ thể hơn một chút là dạng mua bán quyền tài sản nói riêng (Điều 450 BLDS năm 2015).

- Là quyền yêu cầu: hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ sẽ còn được điều chỉnh bởi các quy định về chuyển giao quyền yêu cầu (Điều 365 - 369 BLDS năm 2015).

Bên cạnh BLDS năm 2015, hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ còn được điều chỉnh thêm bởi các quy định chuyên ngành khác. Song, các quy định chuyên ngành chỉ đóng vai trò như là các quy tắc riêng hay ngoại lệ của quy tắc chung, do đó sẽ có phạm vi giới hạn trong một số trường hợp nhất định mà không thể có hiệu lực bao quát như của BLDS năm 2015.

Trong số các quy định chuyên ngành ấy, phải kể đến Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 18/2022/TT-NHNN ngày 26/12/2022) vốn là văn bản có quy định trực tiếp về hợp đồng mua, bán nợ. Tuy nhiên, theo Điều 1 của Thông tư này thì phạm vi điều chỉnh của nó chỉ giới hạn ở các hoạt động mua, bán nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay (kể cả khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ một số ngoại lệ theo khoản 2 điều này).

Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc thù, việc mua bán nợ còn có thể được xem là hoạt động thương mại và chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật có liên quan như Luật Thương mại[3].

Tóm lại, các quy định của BLDS năm 2015 sẽ đóng vai trò là các quy tắc chung điều chỉnh bao quát hợp đồng mua, bán nợ và các quy định khác như của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN là các quy tắc riêng, đặc thù áp dụng cho những trường hợp nhất định.

2. Đối tượng của hợp đồng mua, bán nợ

Khi nói đến đối tượng của hợp đồng, người ta muốn nói đến đối tượng của các nghĩa vụ chính yếu mà hợp đồng tạo ra[4]. Do đó, mỗi hợp đồng cụ thể sẽ có một đối tượng đặc trưng tương ứng, và nếu đối tượng trái pháp luật hoặc không thể thực hiện được thì hợp đồng cũng vô hiệu.

Trong hợp đồng mua bán tài sản, nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu (vốn có đối tượng là tài sản) là một nghĩa vụ cốt lõi tạo nên bản chất của hợp đồng. Chính bởi lý do này nên Điều 431 BLDS năm 2015 đã xem tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán. Mà hợp đồng mua, bán nợ cũng là một dạng hợp đồng mua bán tài sản, được đặc trưng bởi việc chuyển giao quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ[5]. Do đó, có thể nói rằng đối tượng của hợp đồng mua, bán nợ chính là quyền đòi nợ.

Ngoài ra, vì hợp đồng mua, bán nợ còn đồng thời là việc chuyển giao quyền yêu cầu, nên theo Điều 368 BLDS năm 2015: “Trường hợp quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao quyền yêu cầu bao gồm cả biện pháp bảo đảm đó”.

Theo đó, có quan điểm cho rằng đối tượng của hợp đồng mua, bán nợ bao gồm cả “quyền đòi nợ” và “tài sản bảo đảm của khoản nợ”[6]. Song, đây là một quan điểm chưa đúng đắn.

Trước hết, cần phải phân biệt giữa việc chuyển giao “biện pháp bảo đảm” và chuyển nhượng “tài sản bảo đảm”. Thực chất, việc chuyển giao quyền đòi nợ chỉ kéo theo việc chuyển giao các biện pháp bảo đảm, tức chỉ làm thay đổi chủ thể có quyền lợi được bảo đảm mà không thay đổi hiện trạng quyền sở hữu tài sản. Chính Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã xác nhận cách lý giải này khi quy định tại khoản 1 Điều 28 rằng: “Bên mua, bên nhận chuyển nhượng hoặc bên nhận chuyển giao khác về quyền sở hữu trở thành bên nhận bảo đảm trong trường hợp quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác có biện pháp bảo đảm được bán, được chuyển nhượng hoặc được chuyển giao khác về quyền sở hữu”.

Có thể làm rõ vấn đề này thông qua ví dụ như sau: A cho B vay, và để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ, B thế chấp căn nhà của mình cho A. Một thời gian sau, A bán quyền đòi nợ của mình cho C, và điều này kéo theo việc chuyển giao biện pháp thế chấp nêu trên. Khi đó khoản nợ vẫn tiếp tục được bảo đảm bằng việc thế chấp, nhưng có thay đổi về người nhận thế chấp (từ A sang C) và đi cùng với đó sự chuyển giao các quyền và nghĩa vụ tương ứng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tài sản thế chấp vẫn không thay đổi gì, nó vẫn thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp và vẫn đang được dùng làm tài sản bảo đảm.

Về bản chất, việc chuyển giao biện pháp bảo đảm khi chuyển giao quyền đòi nợ chỉ là một nội dung phụ, thứ yếu. Bởi lẽ, việc có hay không biện pháp bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của việc mua bán quyền đòi nợ. Nếu không có tài sản bảo đảm, hoặc giả sử như biện pháp bảo đảm vô hiệu hay không thể thực hiện được thì hợp đồng mua, bán nợ cũng không vì vậy mà vô hiệu. Nói cách khác, sự tồn tại của các biện pháp bảo đảm không góp phần tạo nên bản chất của hợp đồng mua, bán nợ. Chính vì lý do này mà ta có thể kết luận rằng, các biện pháp bảo đảm (cũng như tài sản bảo đảm) cho quyền đòi nợ không phải là đối tượng của hợp đồng mua, bán nợ.

3. Thời điểm hợp đồng mua bán, nợ có hiệu lực

Việc xác định thời điểm hợp đồng có hiệu lực là quan trọng, bởi kể từ thời điểm này, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết[7]. Trong bài viết nói trên, các tác giả đã nhận định rằng, thời điểm mà hợp đồng mua, bán nợ có hiệu lực trên thực tế là thời điểm bên bán nợ thông báo bằng văn bản cho bên mắc nợ về việc khoản nợ đã được bán[8]. Song, đây là một nhận định không chính xác, bởi lẽ:

Về bản chất, hợp đồng là sự thỏa thuận riêng tư giữa hai bên, và chủ yếu cũng nhằm xác lập quan hệ pháp lý giữa đôi bên. Chính vì vậy, mà chí ý hay mong muốn của các bên đóng một vai trò quyết định đối với hầu hết các vấn đề liên quan đến hợp đồng, bao gồm cả thời điểm có hiệu lực. Học thuyết gọi đây là nguyên tắc tự do ý chí[9]. Hệ quả là hợp đồng sẽ có hiệu lực tại thời điểm mà ý chí các bên thống nhất, vốn thường là thời điểm giao kết, mà không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài nào. Các ngoại lệ nếu có sẽ do luật chủ động xác định dựa trên lợi ích công cộng và việc bảo vệ người yếu thế.

Thừa nhận lý thuyết này, khoản 1 Điều 401 BLDS năm 2015 đã quy định: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác”.

Như đã đề cập, hợp đồng mua, bán nợ cũng chịu sự điều chỉnh bởi các quy tắc chung trong chế định hợp đồng của BLDS năm 2015. Song, trên thực tế, BLDS năm 2015 không có bất kỳ quy định nào về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua, bán nợ hay của việc chuyển giao quyền yêu cầu. Ngay cả Thông tư số 09/2015/TT-NHNN cũng không quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua, bán nợ. Do đó, theo quy định hiện hành thì trừ khi các bên trong hợp đồng có thỏa thuận khác, nếu không hợp đồng mua, bán nợ sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm hợp đồng giao kết.

Thực chất vấn đề thông báo cho bên mắc nợ không phải là một yêu cầu để hợp đồng mua, bán nợ có hiệu lực mà đây chính là điều kiện để hợp đồng mua, bán nợ có hiệu lực đối kháng với người mắc nợ, như sẽ được đề cập chi tiết hơn ở phần dưới đây.

4. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với “quyền đòi nợ”

Trong các hợp đồng mua bán tài sản, thời điểm hợp đồng có hiệu lực không phải lúc nào cũng đồng nhất với thời điểm chuyển quyền sở hữu. Thật vậy, hợp đồng mua bán nhà ở là một ví dụ điển hình. Theo đó, trong các trường hợp mua bán thông thường (không phải mua bán với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở) thì thời điểm hợp đồng có hiệu lực là thời điểm hợp đồng được công chứng, chứng thực[10], còn thời điểm chuyển quyền sở hữu lại là thời điểm bên mua nhận bàn giao nhà ở và đã thanh toán đủ tiền mua[11].

Điều tương tự cũng áp dụng cho hợp đồng mua, bán nợ. Theo đó, vì quyền đòi nợ là một quyền tài sản, nên thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ cũng sẽ được áp dụng tương tự như việc chuyển quyền sở hữu quyền tài sản, vốn được quy định tại khoản 3 Điều 450 BLDS năm 2015, cụ thể “thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ về quyền sở hữu đối với quyền tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định”.

Vì pháp luật hiện hành chưa có bất kỳ quy định nào về việc đăng ký khi chuyển nhượng quyền đòi nợ/quyền yêu cầu, cho nên theo nguyên tắc, thì thời điểm mà bên mua xác lập quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ sẽ là: thời điểm mà họ nhận được giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ đó[12]. Ví dụ, nếu khoản nợ là số tiền đã vay, thì giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu quyền đòi nợ ở đây có thể là hợp đồng vay, hoặc thỏa thuận cho vay. Khi đó thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ sẽ là thời điểm bên mua nhận được các giấy tờ này.

Song, nguyên tắc này có một ngoại lệ đối với các hợp đồng mua, bán nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN nói trên. Bởi trong các trường hợp này, thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ có thể được các bên trong hợp đồng thỏa thuận mà không phụ thuộc vào thời điểm chuyển giao giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu[13].

Tuy nhiên, cần phải lưu ý, thời điểm chuyển quyền sở hữu không đồng nghĩa với thời điểm hoàn thành hợp đồng. Thật vậy, việc quyền sở hữu có thể được chuyển giao trước khi hợp đồng được hoàn thành. Các hợp đồng mua trả góp đồ gia dụng là một ví dụ điển hình. Trong đó, các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận về việc chuyển quyền sở hữu trước khi hoàn tất việc thanh toán[14]. Điều tương tự cũng có thể xảy ra trong hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ. Nói cách khác, thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với “quyền đòi nợ” và thời điểm hoàn tất hợp đồng không liên quan và phụ thuộc lẫn nhau về mặt pháp lý. Thật ra, chính Thông tư số 09/2015/TT-NHNN cũng thừa nhận trường hợp này, khi cho phép bên mua nợ và bên bán nợ được thỏa thuận về việc bên mua nợ được trả tiền mua nợ (một phần hoặc toàn bộ số tiền mua nợ) sau thời điểm bên mua nợ đã nhận chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ [15].

Chính vì vậy, nhận định của các tác giả trong bài viết, rằng thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ là thời điểm hợp đồng được hoàn thành[16], cũng như các đề xuất về việc pháp luật nên hoàn thiện thêm về thời điểm này[17], là chưa chính xác và không cần thiết.

5. Sự tách biệt giữa hiệu lực của hợp đồng và hiệu lực đối kháng của hợp đồng  

Để có quyền yêu cầu bên nợ (người mắc nợ) phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình (đi kèm là quyền khởi kiện khi nghĩa vụ bị vi phạm) thì người mua quyền đòi nợ phải sở hữu “món nợ” hay quyền đòi nợ đó. Nhưng chỉ việc này không thôi thì chưa đủ. Bởi mấu chốt của việc xác định khi nào người mua nợ có quyền ràng buộc đối với người mắc nợ, còn nằm ở chỗ xác định hiệu lực đối kháng của hợp đồng.

 Ở đây, chúng ta cần phải lưu ý sự khác biệt giữa hiệu lực của hợp đồng (hay hiệu lực ràng buộc, hiệu lực tạo lập nghĩa vụ trong mối quan hệ giữa hai bên giao kết) và hiệu lực đối kháng của hợp đồng (hay hiệu lực của hợp đồng trong mối quan hệ với người thứ ba). Sự phân biệt này vốn đã được ngầm thể hiện tại khoản 2 Điều 3 BLDS năm 2015 rằng: “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Trong đó “hiệu lực thực hiện đối với các bên” chính là nội dung chính của vấn đề hiệu lực của hợp đồng, còn “sự tôn trọng của chủ thể khác” chính là vấn đề về hiệu lực đối kháng.

Nói đến vấn đề hiệu lực của hợp đồng, khoản 2 Điều 401 BLDS năm 2015 quy định: “từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết”. Nói cách khác, khi một hợp đồng có hiệu lực thì nó sẽ ràng buộc các bên ký kết và cũng chỉ giữa những người này mới phát sinh các quyền và nghĩa vụ với nhau. Trong bối cảnh hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ đó có thể là những nghĩa vụ như cung cấp các chứng từ ghi nhận nợ, thanh toán tiền mua quyền đòi nợ, chuyển giao quyền đối với biện pháp bảo đảm, trách nhiệm thông báo cho các bên liên quan, v.v.

Còn đối với những người thứ ba không tham gia hợp đồng thì, ngoại trừ một số ngoại lệ nhất định, họ sẽ không có bất kỳ quyền yêu cầu hay nghĩa vụ nào đối với các bên trong hợp đồng hay ngược lại[18]. Thay vào đó, người thứ ba chỉ có nghĩa vụ tôn trọng sự tồn tại của hợp đồng. Cách tiếp cận này thực ra từng được quy định minh thị trong các BLDS cũ của nước ta vào thời Pháp thuộc (Điều 698 Bộ Dân luật Bắc kỳ và Điều 739 Bộ Dân luật Trung kỳ) cũng như là trong BLDS Pháp hiện hành (Điều 1199).

 Tuy nhiên, vì hợp đồng chỉ là sự thỏa thuận riêng tư của hai bên nên người thứ ba có thể không biết đến hợp đồng, cũng như không thể biết rằng liệu nội dung mà các bên thỏa thuận có thực sự có thật hay không (ít nhất là trong việc xác định liệu hợp đồng có được ký kết vào một ngày tháng chắc chắn). Trước kia, Điều 698 Bộ Dân luật Bắc kỳ và Điều 739 Bộ Dân luật Trung kỳ vốn đã từng quy định: “hiệp ước không thể hại đến người đệ tạm được, mà muốn viện ra để tranh nại với người đệ tam thời chỉ tuỳ trường hợp cùng điều kiện trong luật đã định mới được”. Có thể nói, vì quyền sở hữu tài sản và vật quyền nói chung là các quyền tuyệt đối có thể ràng buộc mọi người nên vấn đề hiệu lực đối kháng sẽ có một vị trí rất quan trọng trong các hợp đồng chuyển giao các quyền sở hữu, hay xác lập vật quyền. Ngược lại vấn đề này sẽ ít cần thiết hơn nếu đối tượng của hợp đồng là công việc hay dịch vụ, vốn chỉ liên hệ với hai bên trong hợp đồng.

Chính lý do trên, mà cả học thuyết[19] và luật thực định[20] đã ghi nhận, mặc dù không được rõ ràng, rằng: để các hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu (hay xác lập vật quyền khác) có thể được người thứ ba tôn trọng hay có hiệu lực đối kháng thì điều cần thiết là hợp đồng phải đáp ứng một số biện pháp nhất định, tùy thuộc vào từng loại giao dịch. Chỉ khi hợp đồng đáp ứng các điều kiện này thì lúc đó hợp đồng mới có giá trị đối kháng đối với người thứ ba.

Theo đó, tuỳ từng trường hợp mà những biện pháp này có thể là các yêu cầu về công chứng, chứng thực, đăng ký, hoặc thông báo, v.v. Ví dụ như trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm các bên ký kết (trừ các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP). Kể từ thời điểm đó các bên đã phát sinh các quyền và nghĩa vụ đối với nhau, ví như nghĩa vụ của bên thế chấp phải giao giấy tờ ghi nhận tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp. Tuy nhiên để hợp đồng thế chấp có hiệu lực với bên thứ ba (bao gồm cả những người nhận thế chấp khác), để họ có thể biết về hợp đồng và tôn trọng nó, cũng như các vật quyền của bên nhận thế chấp đối với tài sản, thì hợp đồng thế chấp phải được đăng ký như quy định tại khoản 1 Điều 297 BLDS năm 2015.

Một ví dụ khác là hợp đồng mua bán động sản (như các việc mua đồ ở tiệm tạp hóa). Hợp đồng vốn có hiệu lực kể từ thời điểm được giao kết xong, kể từ thời điểm này các bên đã có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng (như giao vật và trả tiền). Đồng thời việc chuyển giao quyền sở hữu có thể tùy ý các bên quyết định theo khoản 1 Điều 161 BLDS năm 2015. Song để hệ quả của hợp đồng (việc chuyển quyền sở hữu) có giá trị đối kháng với người thứ ba, thì người mua cần phải chiếm hữu động sản là đối tượng của hợp đồng[21]. Nếu người mua không chiếm hữu vật, thì người thứ ba có thể viện dẫn rằng họ không biết đến sự tồn tại của hợp đồng và có thể nói rằng người bán vẫn đang chiếm hữu vật nên họ vẫn là chủ sở hữu, theo nguyên tắc suy đoán tại Điều 184 BLDS năm 2015. Nói cách khác, thỏa thuận chuyển giao quyền sở hữu đơn thuần (vốn cũng là hệ quả của hợp đồng) không mặc nhiên tự động ràng buộc người thứ ba.

6. Hiệu lực đối kháng của hợp đồng mua, bán nợ

Theo các tác giả bài viết, thời điểm xác lập quyền sở hữu cũng chính là thời điểm mà bên mua nợ có quyền khởi kiện bên mắc nợ[22]. Tuy nhiên điều này không hẳn chính xác, vì việc chuyển giao quyền sở hữu không phải lúc nào cũng có thể đối kháng được với người thứ ba như ví dụ đã kể ở trên.

Giống như các hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản khác, hợp đồng mua, bán nợ là một hợp đồng riêng tư giữa hai bên (bên bán nợ và bên mua nợ) và để hợp đồng có hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì các bên cần phải đáp ứng một số biện pháp nhất định. Điều này có nghĩa là ngay cả khi bên mua nợ đã xác lập quyền sở hữu đối với món nợ thì việc này cũng có thể sẽ không có giá trị ràng buộc được người thứ ba nếu các biện pháp đối kháng chưa được thực hiện.

Song, hợp đồng mua, bán nợ cũng có phần khác với những hợp đồng mua bán khác vì trong trường hợp này có một người thứ ba đặc biệt đó là người mắc nợ - nghĩa vụ của họ gián tiếp phần nào bị ảnh hưởng bởi hợp đồng. Gọi là gián tiếp phần nào vì về bản chất nội dung của nghĩa vụ (khoản nợ) không thay đổi mà chỉ thay đổi chủ thể tiếp nhận nghĩa vụ mà thôi.

Chính vì sự đặc biệt này nên để hợp đồng mua, bán nợ có thể đối kháng với người thứ ba[23], mà đặc biệt là người mắc nợ, pháp luật đã đặt ra một yêu cầu về thủ tục về việc thông báo (khoản 2 Điều 365 BLDSnăm  2015 và điểm a khoản 2 Điều 17 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN).

Thật vậy, nếu không được thông báo, thì người mắc nợ có thể không bị ràng buộc phải trả nợ cho người mua quyền đòi nợ (đồng nghĩa với việc không tôn trọng hiệu lực của hợp đồng mua, nợ) như đã được quy định tại Điều 369 BLDS 2015. Cụ thể là:

“1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu và người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.

2. Trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình”.

Như vậy, một khi người mắc nợ đã được thông báo về việc bán nợ, thì họ sẽ bị buộc phải tôn trọng hợp đồng mua, bán nợ và có trách nhiệm sẽ thanh toán khoản nợ cho người đã mua nợ. Nói cách khác, cũng kể từ thời điểm này mà bên mua nợ sẽ có thể ràng buộc người mắc nợ (hay có quyền yêu cầu, khởi kiện người mắc nợ khi họ vi phạm nghĩa vụ). Trên thực tế, đây cũng là một giải pháp được công nhận trong pháp luật của Pháp để việc chuyển giao quyền đòi nợ có hiệu lực đối kháng với người mắc nợ (xem thêm Điều 1324 BLDS Pháp).

 

1 Điều 14 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, xem quyền đòi nợ là một loại quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng. Xem thêm: Nguyễn Ngọc Điện, Giáo trình Luật Dân sự, tập 2, Nxb. Đại học Quốc gia TP. HCM, 2022, tr.340.

[2] Nguyễn Ngọc Điện, tlđd, tr.340.

[3] Xem thêm khoản 7 Điều 3 Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

[4] Nguyễn Mạnh Bách, Dân luật Việt Nam, Nghĩa vụ, Ấn quán Trường Thọ, 1974, tr.56; Nguyễn Ngọc Điện, tlđd, tr.57.

[5] Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN.

[6] Nguyên văn: “… theo đó, hợp đồng mua, bán nợ được hiểu là sự thỏa thuận giữa bên bán nợ và bên mua nợ, trong đó bên bán nợ chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ (và tài sản bảo đảm của khoản nợ nếu có) cho bên mua nợ, còn bên mua nợ có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán nợ”.

[7] Khoản 2 Điều 401 BLDS năm 2015.

[8] Nguyên văn: “… Trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc theo thỏa thuận giữa bên bán nợ và bên nợ hoặc trong trường hợp cần thiết, bên bán nợ thông báo bằng văn bản việc bán nợ cho bên nợ trước khi ký kết hợp đồng mua, bán nợ (điểm a khoản 2 Điều 17 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN), kể từ thời điểm thông báo này, hợp đồng mua, bán nợ mới có hiệu lực trên thực tế”.

[9] Vũ Văn Mẫu, Việt Nam Dân luật lược khảo - Quyển 2: Nghĩa vụ và Khế ước, Bộ Quốc gia Giáo dục, 1963, tr.38-39.

[10] Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 và khoản 1 Điều 164 Luật Nhà ở 2023.

[11] Khoản 1 Điều 12 Luật Nhà ở 2014 và khoản 2 Điều 12 Luật Nhà ở 2023.

[12] Nguyễn Ngọc Điện, tlđd, tr.340.

[13] Xem thêm điểm h khoản 2 Điều 13 và khoản 1 Điều 14 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư số 18/2022/TT-NHNN).

[14] Khoản 1 Điều 453 BLDS năm 2015.

[15] Điều 10a Thông tư số 09/2015/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-NHNN).

[16] Nguyên văn: “Hay có thể nói, việc xác định hợp đồng mua, bán nợ đã được hoàn thành hay chưa là một yếu tố quan trọng trong việc xác định khoản nợ đã chuyển giao cho bên mua nợ hay chưa”.

[17] Nguyên văn: “Cụ thể, pháp luật về hợp đồng mua, bán quyền đòi nợ cần có quy định cụ thể về thời điểm hoàn thành và chưa hoàn thành của hợp đồng mua, bán quyền đời nợ, từ đó nhằm thống nhất được thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ”.

[18] Nguyễn Ngọc Điện, tlđd, tr.123

[19] Nguyễn Mạnh Bách, tlđd, tr.102-103.

[20] Ví dụ khoản 1 Điều 297 và khoản 2 Điều 310 BLDS năm 2015.

[21] Chiếm hữu vật cũng là một trong số những điều kiện thường gặp để các hợp đồng có tượng là tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Ví dụ như Hợp đồng cầm cố (khoản 2 Điều 310 BLDS năm 2015), hợp đồng tặng cho tài sản là động sản, v.v.

[22] Nguyên văn: “… kể từ thời điểm bên mua nhận được các giấy tờ chứng minh quyền đòi nợ của bên bán thì bên mua quyền đòi nợ đã trở thành “chủ nợ”, và từ thời điểm này bên mua quyền đời nợ có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nếu bên nợ không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả nợ”.

[23] Nguyễn Ngọc Điện, tlđd, tr.340.

NGUYỄN NGÔ THÀNH DANH (Chuyên gia bộ phận R&D của IPGeekLab)