Hành vi của Nguyễn Văn A đã cấu thành tội Giết người

Sau khi nghiên cứu bài viết của các tác giả Nguyễn Văn Vũ và Phạm Thị Thủy đăng ngày 31/10/2023, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng Nguyễn Văn A đã phạm tội Giết người.

Mặc dù theo quy định tại Điều 123 BLHS không mô tả cụ thể thế nào là giết người, tuy nhiên, theo thực tiễn xét xử và các nghiên cứu chuyên ngành, ta có thể hiểu giết người là hành vi  tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Để xem xét A có phạm tội Giết người hay không ta cần xem xét dựa trên các dấu hiệu pháp lý của tội Giết người như sau:

-Thứ nhất, về chủ thể: Chủ thể của tội Giết người là chủ thể thường và là người từ đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự. Trong vụ án trên, A sinh năm 1998, đến thời điểm phạm tội A đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Vì nội dung vụ án không đề cập nên ta coi như A có năng lực trách nhiệm hình sự nên A đã thỏa mãn về mặt chủ thể.

- Thứ hai, về mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội Giết người là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Trong đó, hành vi tước đoạt tính mạng của người khác là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Những hành vi này có thể là đâm, chém, bắn,… Bên cạnh đó, hành vi khách quan của tội giết người có thể là không hành động, nghĩa là người có nghĩa vụ phải hành động để đảm bảo an toàn cho người khác nhưng đã không hành động gây ra cái chết cho người khác. Hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải là hành vi trái pháp luật, hành vi tự tước đoạt tính mạng của mình hay hành vi tước đoạt tính mạng người khác trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc thi hành án tử hình không phải là hành vi khách quan của tội Giết người.

Trở lại vụ án, ngay từ đầu A đã nảy sinh ý định đánh V do có mâu thuẫn trong việc trả tiền ngày công. Sau khi đi dự tiệc, thấy V lấy xe máy để đi về thì A cũng lấy xe máy để đuổi theo với mục đích đánh V. Khi đến đoạn đường vắng, A chặn đầu xe của V, dùng tay đấm nhiều cái vào mặt V và cả hai có đánh qua lại. Khi bị V đấm vào mặt, A bị đau nên đã mở cốp xe lấy thanh sắt dài 60 cm, đánh một phát vào ngực, một phát vào đầu, một phát vào chân V. Việc dùng thanh sắt dài 60 cm đánh vào vùng trọng yếu trên cơ thể V là vùng đầu, ngực có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Khi V bỏ chạy được, A tiếp tục đuổi theo và đánh vào ngực V thêm hai cái nữa. Khi được mọi người can ngăn, A lên xe chạy đi nhưng sau khi V đi được khoảng 500 m thì A tiếp tục đuổi theo. Vì A đang cầm hung khí và đã bị A đánh đau nên V tăng tốc, đâm vào trụ điện dẫn đến tử vong. Ở đây ta thấy, việc A đã chuẩn bị sẵn hung khí mang theo để tìm đánh V và khi V bỏ chạy hai lần, A đuổi theo để nhằm mục đích đánh A thể hiện A đã thực hiện hành vi một cách quyết liệt, liên tục, thể hiện sự hung hãn. Chính vì sự truy đuổi của A và đã bị đánh trước đó, V mới tăng tốc độ lái xe, không làm chủ được phương tiện, đâm vào trụ điện dẫn đến tử vong.

- Về yếu tố lỗi, lỗi của A là lỗi cố ý gián tiếp, mặc dù A không mong muốn tước đoạt tính mạng của V nhưng khi dùng hung khí là thanh sắt dài 60 cm và dùng xe máy truy đuổi bằng được V, A phải nhận thức được rõ hành vi đó có thể ảnh hưởng đến tính mạng của V. Tuy nhiên, A có ý thức chấp nhận cho hậu quả xảy ra, cụ thể là anh V chết.

- Về khách thể: A đã xâm phạm đến tính mạng của người khác được pháp luật bảo vệ. Cụ thể là tước đoạt tính mạng của anh V.

Do đó, hành vi của Nguyễn Văn A đã thỏa mãn cấu thành tội Giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý độc giả.

TAND tỉnh Gia Lai  xét xử phúc thẩm vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến- Ảnh: Trần Sĩ

 

 

[1] Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7

NGUYỄN THANH HUYỀN*