Hành vi của Hồ Tấn Q phạm hai tội Trộm cắp tài sản và Cướp tài sản
Sau khi nghiên cứu bài viết “Hành vi chiếm đoạt cùng một tài sản của bị hại hai lần ở hai địa điểm thì phạm một hay hai tội?” của tác giả Phan Thành Nhân đăng ngày 21/3/2024, tôi đồng ý với quan điểm thứ ba.
Chúng tôi cho rằng, hành vi của Hồ Tấn Q phạm tội “Trộm cắp tài sản” và “Cướp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 và khoản 1 Điều 168 của BLHS.
Hành vi chiếm đoạt chiếc xe mô tô của Hồ Tấn Q diễn ra hai giai đoạn.
- Giai đoạn thứ nhất: Hồ Tấn Q lén lút đi vào nhà ông Trần Văn H là cha chồng chị Hồ Thị B để lấy trộm chiếc xe mô tô biển số 66H5-3438 của chị B. Tội phạm đã hoàn thành vào thời điểm Q dịch chuyển chiếc xe mô tô ra khỏi sân nhà của ông Trần Văn H. Hành vi của Q là lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của chị B để lén lút, bí mật chiếm đoạt chiếc xe mô tô, đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS.
- Giai đoạn thứ hai: Khi Q đang điều khiển xe mô tô chạy trên đường thì Q nhìn thấy bà N bị tai nạn giao thông nên Q dẫn đường cho người thân bà N chở bà N đến Trạm y tế xã V để cấp cứu. Sau đó, chị B đi ngang Trạm y tế xã V thì phát hiện chiếc xe mô tô của mình nên đã giằng co để giữ lại tài sản. Q dùng tay phải đánh một cái trúng vào gò má bên trái rồi dùng chân đạp vào đùi và chân của chị B làm cho chị B phải lùi lại phía sau. Q quay đầu xe mô tô hướng ra đường ngồi lên xe nổ máy định chạy thì chị B dùng hai tay nắm vào yên xe kéo lại, Q quay lại nói “bà buông tay ra, không tôi đánh bà” rồi Q dùng tay đánh một cái từ trên xuống trúng vào mu bàn tay trái của chị B. Như vậy, Q đã có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để nhằm mục đích chiếm đoạt cho bằng được chiếc xe mô tô của chị B. Việc bỏ xe để tẩu thoát là do nguyên nhân khách quan chứ không phải do ý chí của Q. Do đó, hành vi của Q đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản” theo khoản 1 Điều 168 của BLHS.
Đối với quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi của Hồ Tấn Q chỉ phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS với lập luận: Hành vi của Q chiếm đoạt chỉ có một tài sản duy nhất là chiếc xe mô tô biển số 66H5-3438 của chị Hồ Thị Bé B và hành vi lén lút lấy trộm chiếc xe mô tô đã hoàn thành, chiếc xe này đang trong sự quản lý của Q và việc Q dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực đối với chị B là để nhằm tẩu thoát, là không phù hợp. ghị quyết số 01-HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS thì việc chuyển hóa tội phạm quy định như sau:
- Nếu là trường hợp kẻ phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản rồi, nhưng chủ tài sản hoặc người khác đã lấy lại được tài sản đó hoặc đang giành giật tài sản còn ở trong tay kẻ phạm tội, mà kẻ phạm tội dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được, thì cần định tội là cướp tài sản…
Theo hướng dẫn tại Mục 6 Phần I, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP quy định về tình tiết “Hành hung để tẩu thoát” của tội trộm cắp tài sản như sau:
6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”.
Trong vụ án này nếu không xác định hành vi của Q phạm tội “Cướp tài sản” là bỏ lọt tội phạm.
Đối với quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi của Hồ Tấn Q phạm tội “Cướp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 168 của BLHS, với lập luận: Hành vi của Q lén lút lấy trộm chiếc xe mô tô biển số 66H5-3438 của chị Hồ Thị Bé B đã hoàn thành và sau đó chị B phát hiện chiếc xe của mình bị mất, đã giằng co, nắm giữ lại được tài sản của mình nhưng Q lại có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để nhằm mục đích chiếm đoạt cho bằng được chiếc xe. Do đó, hành vi của Q được coi là chuyển hóa từ tội “Trộm cắp tài sản” thành tội “Cướp tài sản” cũng không phù hợp vì hành vi của Q không có sự liên tục về mặt thời gian. Hành vi lấy trộm chiếc xe mô tô của chị B đã hoàn thành vào khoảng thời gian 03 giờ ngày 09/9/2023 và thỏa mãn dấu hiệu tội Trộm cắp tài sản. Đến khoảng 07 giờ 00 phút cùng ngày thì chị B mới phát hiện ra chiếc xe mô tô bị mất của mình và có hành vi giằng co với Q. Q đã có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực với chị B để chiếm đoạt chiếc xe mô tô đã thỏa mãn cấu thành tội Cướp tài sản.
Về nguyên tắc, khi một người thực hiện hành vi đủ yếu tố cấu thành tội được BLHS quy định thì sẽ xác định là tội danh đó. Tuy nhiên, trên thực tế, diễn biến hành vi phạm tội có thể thay đổi. Trong một số trường hợp hành vi phạm tội diễn ra theo nhiều chiều hướng khác nhau và có thể dẫn đến những hành vi diễn biến sau đó lại đủ yếu tố cấu thành một tội danh khác. Khi đó, tội phạm đã được chuyển hóa. Trường hợp chuyển hóa tội phạm từ trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản là: Ban đầu người phạm tội có hành vi lén lút, bí mật dịch chuyển trái phép tài sản của người khác; nhưng sau đó diễn biến hành vi thay đổi, đã đủ yếu tố cấu thành cướp tài sản. Khi đó, tội phạm đã được chuyển hóa từ trộm cắp tài sản sang cướp tài sản. Trong vụ án trên, diễn biến hành vi phạm tội của Q không liên tục về mặt thời gian nên nếu xác định hành vi của Hồ Tấn Q chỉ phạm tội “Cướp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 168 của BLHS là bỏ lọt tội phạm.
Trên đây là quan điểm của tác giả về bài viết, mong nhận được sự trao đổi của đồng nghiệp và độc giả.
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử ba bị cáo là nguyên cán bộ Công an huyện Mỹ Đức về tội "Trộm cắp tài sản" - Ảnh: Chu Dũng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận