Quy định của BLHS 2015 về chuẩn bị phạm tội - So sánh với quy định về chuẩn bị phạm tội trong BLHS của Nhật Bản
Quy định về chuẩn bị phạm tội trong BLHS 2015 có nhiều điểm tương đồng với quy định về chuẩn bị phạm tội trong BLHS của Nhật Bản. Tuy nhiên, quy định về trường hợp chuẩn bị phạm tội tại khoản 6 Điều 134 là chưa hợp lý...
1.Quy định của hai BLHS
1.1. BLHS Nhật Bản (sửa đổi, bổ sung ngày 24/6/2011 ) không quy định về chuẩn bị phạm tội ở phần chung mà cấu tạo điều luật riêng tại các chương tội phạm ở Phần các tội phạm của bộ luật. Cụ thể như sau :
Tại Chương 2 Các tội liên quan đến nội loạn, Điều 78 (Chuẩn bị và âm mưu) quy định: “Người nào đã chuẩn bị hoặc âm mưu nội loạn thì bị phạt tù cấm cố từ 1 năm đến dưới 10 năm”.
Tại Chương 3 Tội liên quan đến ngoại xâm, Điều 88 (Tội chuẩn bị và âm mưu) quy định: “Người nào chuẩn bị hoặc âm mưu thực hiện các hành vi quy định tại Điều 81 hoặc Điều 82 thì bị phạt tù trên 1 năm đến dưới 10 năm”.
Tại Chương 4 Tội liên quan đến quan hệ ngoại giao, Điều 93 (Tội chuẩn bị và âm mưu chiến tranh với mục đích cá nhân) quy định: “Người nào chuẩn bị hoặc âm mưu với mục đích gây chiến tranh cá nhân với nước ngoài thì bị phạt tù cấm cố từ trên 3 tháng đến dưới 5 năm. Tuy nhiên, nếu tự thú thì sẽ được miễn hình phạt”.
Tại Chương 9 Tội phóng hỏa và tội làm cháy lan, Điều 113 (Chuẩn bị phạm tội) quy định: “Người nào chuẩn bị với mục đích phạm các tội được quy định tại Điều 108 hoặc khoản 1 Điều 109 thì bị phạt tù dưới 2 năm. Tuy nhiên, tùy theo tình tiết có thể miễn hình phạt này”.
Tại Chương 16 Tội chế tạo tiền giả, Điều 153 (Chuẩn bị làm tiền giả, v.v…) quy định: “Người nào với mục đích sử dụng, chuẩn bị máy móc, vật liệu để làm giả hoặc sửa đổi tiền xu, tiền giấy, hoặc tín phiếu ngân hàng thì bị phạt tù từ trên 3 tháng đến dưới 5 năm”.
Tại Chương 18-2 Tội liên quan đến thẻ tín dụng dữ liệu điện tử dùng để trả tiền, Điều 163-4 (Chuẩn bị làm không đúng thẻ tín dụng dữ liệu điện tử dùng để trả tiền) quy định: “1. Người nào có được thông tin dữ liệu điện tử với mục đích cung cấp dùng cho việc phạm tội theo quy định của khoản 1 Điều 163-2 thì bị phạt tù dưới 3 năm hoặc phạt tiền dưới 50 vạn Yên. Người nào biết được thông tin mà cung cấp thông tin đó thì cũng bị phạt tương tự . 2. Người nào với mục đích bảo quản thông tin dữ liệu điện tử giả theo quy định của khoản 1 Điều 163-2, thì cũng bị phạt tương tự như khoản đó. 3. Người nào chuẩn bị nguyên liệu và máy móc cho việc thực hiện hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 thì cũng bị phạt tương tự như khoản ấy”.
Tại Chương 26 Tội giết người, Điều 201 (Chuẩn bị phạm tội) quy định: “Người nào chuẩn bị nhằm mục đích phạm tội được quy định tại Điều 199 thì bị phạt tù dưới 2 năm. Tuy nhiên, tùy theo tình tiết có thể được miễn trừ hình phạt”. (Điều 199 quy định: Người nào giết người thì bị phạt tử hình; tù chung thân; hoặc phạt tù trên 5 năm).
Tại Chương 27 Tội gây ra thương tích, Điều 208-3 (Tập hợp và tụ tập chuẩn bị hung khí) quy định: “1. Với mục đích cùng nhau làm hại cho sinh mạng, thân thể, hay tài sản của người khác mà tập trung trên 2 người chuẩn bị hung khí, hoặc biết có sự chuẩn bị mà tập trung lại thì người đó sẽ bị phạt tù giam dưới 2 năm hoặc bị phạt tiền dưới 30 vạn Yên. 2. Trong trường hợp của khoản trên, nếu người nào chuẩn bị hung khí hoặc biết những người đó đã chuẩn bị để cho họ tập trung lại thì sẽ bị phạt tù dưới 3 năm.”
Tại Chương 33 Tội bắt cóc dùng vũ lực hoặc lừa gạt, Điều 228-3 (Chuẩn bị cưỡng đoạt với mục đích tống tiền) quy định: “Người nào với mục đích của khoản 1 Điều 225-2 mà chuẩn bị phạm tội thì bị phạt tù dưới 2 năm. Tuy nhiên, nếu người đó ra tự thú trước khi bắt tay thực hiện, thì được giảm nhẹ hình phạt đó, hoặc miễn trừ hinh phạt”.
Tại Chương 36 Tội trộm cắp và cướp của, Điều 237 (Chuẩn bị cướp của) quy định: “Người nào chuẩn bị với mục đích cướp của , thì bị phạt tù dưới 2 năm”.
1.2.BLHS Việt Nam năm 2015 quy định về chuẩn bị phạm tội tại Điều 14 và Điều 57.
Khoản 2 Điều 14 quy định: “Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự”. Khoản 2 Điều 57 quy định: “Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể”.
2.So sánh giữa hai BLHS
Có thể thấy cũng tương tự như BLHS của Nhật Bản, BLHS 2015 đã quy định rõ những trường hợp chuẩn bị phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ khác ở chỗ BLHS 2015 liệt kê 25 trường hợp chuẩn bị phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong một điều luật và quy định ở Phần chung của bộ luật. Và cũng tương tự như BLHS của Nhật Bản, tại các điều luật cụ thể của BLHS 2015 không mô tả hành vi chuẩn bị phạm tội mà chỉ quy định hình phạt đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội đó; duy nhất khoản 6 Điều 134 mô tả hành vi chuẩn bị phạm tội này: “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị …”. Quy định này của khoản 6 Điều 134 rất giống với quy định tại khoản 1 Điều 208-3 của BLHS Nhật Bản được dẫn ra ở trên.
Cần phải nói rõ là BLHS Nhật Bản không quy định ranh giới giữa hành vi tội phạm với hành vi không phải là tội phạm đối với tội Cố ý gây thương tích, Điều 204 của Bộ luật này chỉ quy định: “Người nào gây ra thương tích cho người khác thì bị phạt tù dưới 15 năm hoặc phạt tiền dưới 50 vạn Yên”. Mặc dù điều luật quy định “Người nào gây ra …”, nhưng cần được hiểu là “cố ý gây thương tích” vì vô ý gây thương tích được quy định tại Điều 209 của bộ luật.
Xin được nói thêm là BLHS Nhật Bản không nêu ra khái niệm tội phạm và cũng không phân loại tội phạm theo mức độ nguy hiểm, bởi vì những tội phạm hình sự nhỏ đã được quy định trong Luật riêng về tội phạm ít nghiêm trọng. Trong khi đó khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 quy định rõ chỉ bị coi là phạm tội khi gây thương tích từ 11% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k của khoản này, điểm a là trường hợp “Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm…”, điểm b là trường hợp “Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm”, điểm đ là trường hợp “Có tổ chức”, tức là đã bao hàm tất cả các “hành vi chuẩn bị” mô tả ở khoản 6. Do đó, quy định ở khoản 6 Điều 134 rõ ràng là mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 của điều luật này.
3. Vấn đề cần trao đổi
Vấn đề khác cần trao đổi là khoản 6 Điều 134 BLHS 2015 nhắc lại quy định tại khoản 1 Điều 14 của bộ luật về hành vi “thành lập,tham gia nhóm tội phạm”, nhưng bộ luật không đưa ra quy định thế nào là nhóm tội phạm. Khoản 1 Điều 208-3 BLHS Nhật Bản quy định từ trên hai người “ tập hợp và tụ tập “với nhau nhằm thực hiện tội phạm có nên được hiểu là thành lập, tham gia nhóm tội phạm hay không? Khác với BLHS 2015 và BLHS Nhật Bản, BLHS 1996 của Liên bang Nga đã đưa ra quy định về nhóm tội phạm,tổ chức tội phạm tại Điều 35 như sau :
“1. Tội phạm được coi là thực hiện bởi một nhóm người nếu có sự cùng tham gia thực hiện của hai người trở lên mà không có bàn bạc từ trước.
“2. Tội phạm được coi là thực hiện bởi một nhóm người có bàn bạc từ trước nếu những người tham gia đã trao đổi, bàn bạc trước đó về việc cùng nhau thực hiện tội phạm.
“3. Tội phạm được coi là thực hiện bởi một nhóm có tổ chức nếu nhóm người này có tổ chức ổn định, đã được tập hợp lại trước đó để thực hiện một hoặc một số tội phạm.
“4. Tội phạm được coi là thực hiện bởi một tổ chức tội phạm (liên minh tội phạm) nếu đây là một nhóm có bộ máy tổ chức rõ ràng hoặc là sự hợp nhất các nhóm có tổ chức lại, hoạt động dưới sự chỉ huy của một người duy nhất, các thành viên liên minh lại với nhau nhằm mục đích cùng nhau thực hiện một hoặc một số tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng hòng trực tiếp hoặc gián tiếp nhận được khoản lợi tài chính hoặc khoản lợi vật chất khác…
**
Từ những điều đã viết ở trên cho thấy quy định về chuẩn bị phạm tội trong BLHS 2015 có nhiều điểm tương đồng với quy định về chuẩn bị phạm tội trong BLHS của Nhật Bản. Tuy nhiên, quy định về trường hợp chuẩn bị phạm tội tại khoản 6 Điều 134 là chưa hợp lý khi gần như sao chép quy định tại khoản 1 Điều 208-3 BLHS của Nhật Bản. Thiết nghĩ quy định này cần được sửa đổi cho hợp lý hơn.
Ngày 27/12/2023, TAQS Thủ đô Hà Nội vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á và Học viện Quân y - Ảnh: TL
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận