Thẩm quyền kiến nghị khởi tố của Tòa án – Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện

Trong phạm vi bài viết này, các tác giả nêu lên một số vướng mắc và đề xuất hoàn thiện quy định về thẩm quyền kiến nghị khởi tố của Tòa án trong giai đoạn xét xử các vụ án hình sự.

1. Quy định chung về kiến nghị khởi tố

Theo quy định tại khoản 3 Điều 144 BLTTHS năm 2015 thì "Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm".

Về lý luận, cần phân biệt trường hợp nào cơ quan Nhà nước là chủ thể của tin báo về tội phạm và trường hợp nào là chủ thể của kiến nghị khởi tố:

- Cơ quan Nhà nước là chủ thể của kiến nghị khởi tố trong trường hợp thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xét xử… phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan, kèm theo văn bản kiến nghị khởi tố gởi đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị khởi tố vụ án.

- Cơ quan Nhà nước là chủ thể của tin báo về tội phạm trong trường hợp thông qua công tác quản lý hoặc công tác khác, phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực mình quản lý thì cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Theo sự phân tích trên, chúng ta thấy, pháp luật quy định chỉ có cơ quan Nhà nước mới có quyền kiến nghị khởi tố. Từ đó, có thể hiểu: Kiến nghị khởi tố là việc các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức kinh tế... thông qua công tác kiểm tra, thanh tra và khi thực hiện các nhiệm vụ khác phát hiện có dấu hiệu tội phạm và có văn bản kèm theo tài liệu liên quan, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, khởi tố vụ án hình sự, khởi tố đối với người có hành vi phạm tội để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Như vậy, bất kỳ cơ quan nhà nước nào, qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều có quyền kiến nghị khởi tố. Các cơ quan này có thể là: Tòa án, Cơ quan thanh tra (theo Luật Thanh tra, Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan Thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra); Kiểm toán Nhà nước (theo Luật Kiểm toán nhà nước); Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thông qua hoạt động giám sát (theo Luật Phòng, chống tham nhũng)…

2. Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng

Theo Điều 143 BLTTHS 2015 quy định về căn cứ khởi tố vụ án hình sự như sau:

Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

- Tố giác của cá nhân;

- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi BLTTHS 2017 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:

“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Trong thực tiễn, thông thường là văn bản kiến nghị khởi tố của cơ quan Thanh tra, TAND. Đối với Cơ quan Thanh tra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, phải chuyển hồ sơ vụ việc đó và bản kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

Đối với TAND kiến nghị khởi tố được thể hiện bằng văn bản “Yêu cầu khởi tố vụ án” của Hội đồng xét xử. Khoản 4 Điều 153 BLTTHS năm 2015 quy định: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm”.

Tuy nhiên, hiện nay BLTTHS và các văn bản pháp luật khác chưa có phân biệt rõ ràng giữa Kiến nghị khởi tố và Yêu cầu khởi tố. Tại Điều 144 BLTTHS năm 2015 quy định "Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản …." nhưng khoản 4 Điều 153 BLTTHS năm 2015 lại quy định: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm”. Như vậy, việc quy định như trên là không thống nhất.

Theo chúng tôi, BLTTHS cần xác định tên gọi chung là Kiến nghị khởi tố đối với các chủ thể là cơ quan Nhà nước, tổ chức, vì đây là văn bản mang tính pháp lý, có tính chất về việc công. Còn đối với cá nhân, khi có ý kiến đề nghị khởi tố thì được gọi là văn bản Yêu cầu khởi tố, điều này phù hợp với quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại tại Điều 155 BLTTHS năm 2015.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 280 BLTTHS năm 2015 đối với trường hợp có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà BLTTHS  quy định là tội phạm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung và tại khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP  quy định về phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ điều tra bổ sung: 

1. Khi có căn cứ để cho rằng bị can hoặc bị cáo còn thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm, còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Thẩm phán (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

a) Viện kiểm sát truy tố về một hay nhiều tội, nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can hoặc bị cáo đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác;

b) Ngoài hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can hoặc bị cáo về một hay nhiều tội khác;

c) Ngoài bị can hoặc bị cáo đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác liên quan đến vụ án, nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Hiện nay, thực tiễn áp dụng đối với trường hợp này còn nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất, trong mọi trường hợp có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị cáo còn thực hiện hành vi khác mà BLHS  quy định là tội phạm thì Hội đồng xét xử ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Quan điểm thứ hai, trong trường hợp có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị cáo còn thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm có liên quan đến tội phạm bị cáo bị xét xử thì Hội đồng xét xử ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, nếu không có liên quan đến tội phạm bị cáo bị xét xử thì Hội đồng xét xử vẫn tuyên án và kiến nghị Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự.

Các tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bỡi lẽ tại Điều 25 BLTTHS 2015 quy định Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai. Nếu bị cáo đã được đưa ra xét xử và các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đủ cơ sở kết án đối với bị cáo thì cần tuyên án để đảm bảo nguyên tắc xét xử kịp thời. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị cáo còn thực hiện hành vi khác mà BLHS  quy định là tội phạm nếu không có liên quan đến tội phạm bị cáo bị xét xử thì Hội đồng xét xử vẫn tuyên án và kiến nghị Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự mà không trả hồ sơ điều tra bổ sung là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 153 BLTTHS năm 2015.

3. Hướng đề xuất

Quy định tại Điều 153 BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền yêu cầu khởi tố vụ án của Hội đồng xét xử cần sửa đổi cho phù hợp như sau: “...Hội đồng xét xử kiến nghị Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm”. Đồng thời, TANDTC cần có văn bản hướng dẫn trường hợp nào Hội đồng xét xử kiến nghị Viện kiểm sát khởi tố vụ án, trường hợp nào trả hồ sơ điều tra bổ sung nếu có việc bỏ lọt tội phạm hoặc có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị cáo còn thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm.

*ThS. Tòa án nhân dân Tp Cà Mau, tỉnh Cà Mau

Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn, Quảng Nam xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Nguyễn Đình Nhật Nam

 

NGUYỄN BÍCH NHƯ, TRƯƠNG THANH QUỐC*