Thẩm quyền quyết định hiệu lực thi hành của thỏa thuận tiền tố tụng trọng tài
Trong các hợp đồng kinh doanh thương mại nhằm giúp các bên giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả, các điều khoản trọng tài đa tầng (Multi-tiered dispute resolution - MDR) đã được các bên ưu tiên sử dụng, đặc biệt là dự án có quy mô lớn.
Tuy nhiên việc thực hiện này lại có thể gây ra một số vấn đề pháp lý rất phức tạp khi một trong các bên không tuân thủ các thủ tục tiền tố tụng trọng tài. Hiện nay, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 không quy định rõ ràng về giá trị pháp lý của loại thỏa thuận này cũng như thẩm quyền xem xét hiệu lực thi hành khi các bên xảy ra tranh chấp, dẫn tới việc các tòa án đã đưa ra các quyết định khác nhau về hậu quả của việc vi phạm thỏa thuận tiền tố tụng trọng tài, ảnh hưởng đáng kể tới quyền lợi của các bên tranh chấp.
1.Đặt vấn đề
Thỏa thuận trọng tài đa tầng (MDR) là điều khoản ghi nhận sự thỏa thuận của các bên về việc thực hiện các thủ tục tiền tố tụng trọng tài trước khi đưa tranh chấp lên giải quyết ở trọng tài. Nghĩa là các bên trong vụ tranh chấp sẽ thực hiện các bước (mechanisms) như thương lượng, hòa giải hay Ban xử lý tranh chấp (Dispute Board) tuỳ theo các bên lựa chọn, và khi tranh chấp không thể được giải quyết một cách thiện chí thông qua các phương thức này thì các bên có thể đưa tranh chấp lên trọng tài để giải quyết. Tuy nhiên vấn đề pháp lý đặt ra là khi một trong các bên không tuân thủ các thủ tục tiền tố tụng trọng tài như đã được nêu tại điều khoản MDR thì hội đồng trọng tài có thẩm quyền thụ lý và giải quyết hay không? Hồi đồng trọng tài có thẩm quyền xem xét ý chí của các bên tại điều khoản MDR và quyết định về hiệu lực thi hành của các thỏa thuận đó hay không? Bởi lẽ hiện nay chưa có quy định pháp luật minh thị giải quyết vấn đề về hiệu lực thi hành của thỏa thuận trọng tài đa tầng và thực tiễn xét xử vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Do đó bài viết nhằm cung cấp quan điểm của tác giả về tính cần thiết phải xác định chủ thể có thẩm quyền xem xét và quyết định hiệu lực thi hành của thỏa thuận trọng tài đa tầng.
2.Giải quyết hệ quả pháp lý của việc không thực hiện thủ tục tiền tố tụng trọng trọng tài
Nhìn chung, hiện nay sẽ có hai cách tiếp cận chính trong việc xử lý các tình huống khi một bên đã đệ trình yêu cầu khởi kiện lên trọng tài trước khi tuân thủ điều khoản trọng tài đa tầng, cụ thể là không thực hiện đầy đủ các thủ tục tiền tố tụng và một trong các bên phản đối về việc vi phạm thủ tục tố tụng.
2.1.Xem MDR là điều khoản mang tính nội dung hợp đồng
Cách tiếp cận này còn được gọi là cách tiếp cận thực chất (substantive approach)[1], bởi lẽ điều khoản MDR trong cách tiếp cận này sẽ được xem xét như một điều khoản thực chất quy định về nội dung hợp đồng, hội đồng sẽ xem xét điều khoản này tương tự như các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các bên. Có thể thấy vì nội hàm của điều khoản MDR sẽ quy định về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp nên cách tiếp cận này trong thực tiễn thương mại quốc tế hiện đại ít được sử dụng rộng rãi bởi các tòa án hay trọng tài.
Theo đó, nếu một bên không tuân thủ nghĩa vụ của mình để cố gắng giải quyết tranh chấp một cách thân thiện (không thực hiện đúng theo thỏa thuận tại điều khoản MDR), bên đó sẽ phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm hợp đồng với bên kia. Và dựa trên quan điểm đây là vi phạm nội dung của hợp đồng nên việc vi phạm sẽ không ảnh hưởng đến thẩm quyền của hội đồng trọng tài cũng như sẽ không ảnh hưởng đến thủ tục tố tụng trước hội đồng trọng tài[2].
Hầu hết các học giả thường không đồng tình với cách tiếp cận thực chất vì nó không có tính thực tế. Cụ thể, khi Nguyên đơn đã đưa tranh chấp lên hội đồng trọng tài trước hạn[3] (premature submission) thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bị đơn về việc vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, Bị đơn sẽ rất khó chứng minh bất kỳ thiệt hại thực tế nào mà họ phải chịu cho hành động này của Nguyên đơn. Do đó, trong những tình huống mà Bị đơn không thể chứng minh bất kỳ thiệt hại thực tế nào mà họ phải chịu trên cơ sở Nguyên đơn bỏ qua các thủ tục tiền tố tụng, sẽ rất khó để xác định Nguyên đơn vi phạm nghĩa vụ theo điều khoản trọng tài đa tầng và chịu các chế tài. Tuy nhiên, họ đã bỏ sót một quyền cụ thể mà Bị đơn có thể yêu cầu khi hội đồng trọng tài đã thụ lý và bắt đầu thủ tục tố tụng. Cụ thể, Bị đơn có quyền yêu cầu Nguyên đơn có nghĩa vụ phải cố gắng tiếp tục giải quyết tranh chấp một cách thân thiện theo điều khoản MDR như đã thỏa thuận, nghĩa là buộc Nguyên đơn tiếp tục thực hiện hợp đồng và yêu cầu hội đồng trọng tài hoãn thủ tục tố tụng.
Trong trường hợp này, nếu Nguyên đơn gửi đơn khởi kiện lên trọng tài thì theo cách tiếp cận này, Bị đơn sẽ có quyền yêu cầu các trọng tài viên không tiếp tục thực hiện thủ tục tố tụng hay còn được xem là một “lệnh cấm” Nguyên đơn được tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài. Như vậy có thể thấy cách tiếp cận này sẽ bảo vệ đầy đủ quyền của Bị đơn, vì nó sẽ dễ dàng cho Bị đơn để có được “lệnh cấm” trong thủ tục tố tụng trọng tài, Bị đơn sẽ chỉ phải chứng minh rằng Nguyên đơn đã vi phạm nghĩa vụ cố gắng giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua việc Nguyên đơn đã không cố gắng thực hiện các nghĩa vụ tiền tố tụng tại thỏa thuận trọng tài đa tầng. Tuy nhiên, sau khi phân tích cẩn thận hơn, rõ ràng lập luận này không có cơ sở và cách tiếp cận thực chất không phải là giải pháp tối ưu cho Bị đơn. Bởi vì một số lý do như sau:
Thứ nhất, nếu các bên đã ký kết điều khoản đa tầng, Bị đơn không chỉ có quyền yêu cầu Nguyên đơn tham gia vào cơ chế tiền trọng tài theo hợp đồng trong trường hợp phát sinh tranh chấp, mà còn có quyền yêu cầu Nguyên đơn tham gia vào các cơ chế tiền trọng tài được đề cập trước khi tranh chấp được đệ trình theo các điều kiện được quy định trong điều khoản đa tầng. Việc chấp nhận cách tiếp cận “thực chất” sẽ không có cơ sở cho Bị đơn thực hiện quyền đó vì cách tiếp cận “thực chất” quy định rằng việc vi phạm nghĩa vụ cố gắng giải quyết tranh chấp một cách thiện chí trước khi tố tụng trọng tài bắt đầu hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc bắt đầu hoặc tiếp tục trọng tài. Trên thực tế, điều này sẽ yêu cầu Bị đơn tham gia vào thủ tục tố tụng trọng tài mặc dù điều kiện hợp đồng để bắt đầu thủ tục trọng tài không được đáp ứng. Hơn nữa, ngay cả khi Bị đơn có được “lệnh cấm” nói trên yêu cầu Nguyên đơn thực hiện thủ tục tiền tố tụng, một lần nữa điều này sẽ không nhất thiết phải đình chỉ hay dừng (dismiss) thủ tục trọng tài. Cụ thể, nếu Nguyên đơn quay về các bước hương lượng hay hòa giải, thủ tục trọng tài vẫn có thể tiếp tục song song với nỗ lực của Nguyên đơn để giải quyết tranh chấp. Do đó, một mặt, Bị đơn sẽ có quyết định của hội đồng trọng tài ra lệnh cho Nguyên đơn cố gắng giải quyết tranh chấp một cách thiện chí bằng việc thực hiện lại các nghĩa vụ ở giai đoạn tiền tố tụng, mặt khác, thủ tục tố tụng trọng tài vẫn sẽ tiếp tục. Do đó, điều này sẽ làm mất quyền của Bị đơn yêu cầu Nguyên đơn không đưa tranh chấp ra trọng tài vì Nguyên đơn sẽ được thực hiện các biện pháp quy định tại điều khoản đa tầng song với thủ tục trọng tài đang diễn ra.
Thứ hai, chấp nhận cách tiếp cận này sẽ không giữ được những mục đích chính của các điều khoản trọng tài đa tầng là để “lọc” các tranh chấp trước khi đưa đến trọng tài. Ý chí của các bên khi thiết lập thỏa thuận trọng tài đa tầng là nhằm hạn chế tối đa khả năng phải đưa ra tranh chấp ra trọng tài hoặc tòa án nhằm giữ gìn hòa khí giữa các bên cũng như mối quan hệ làm ăn lâu dài. Các bên mong muốn sẽ tối đa hóa việc giải quyết các tranh chấp bằng chính nổ lực của các bên với tinh thần thiện chí và tự nguyện. Do đó nếu nếu theo cách tiếp cận này thì sẽ không tạo được điều kiện cho các bên trong tranh chấp tự giải quyết.
2.2.Xem MDR là điều khoản quy định về mặt thủ tục tố tụng
Theo cách tiếp cận về mặt thủ tục này, điều khoản trọng tài đa tầng có tính chất là một quy trình thủ tục và toàn bộ thủ tục tiền trọng tài cần phải được thực hiện trước khi thủ tục trọng tài có thể bắt đầu hoặc tiếp tục. Khi Nguyên đơn đệ trình tranh chấp lên hội đồng trọng tài và bỏ qua các cơ chế tiền trọng tài theo hợp đồng, hội đồng trọng tài có hai lựa chọn sau:
1.Đình chỉ giải quyết tranh chấp
Theo cách tiếp cận này, nếu Nguyên đơn đệ trình tranh chấp lên trọng tài mặc dù chưa thực hiện đầy đủ tất cả các cơ chế tiền trọng tài được quy định trong điều khoản trọng tài đa tầng, hội đồng trọng tài nên bác bỏ Đơn khởi kiện. Lý do đằng sau cách tiếp cận này là các cơ chế tiền trọng tài được quy định trong điều khoản đa tầng đưa ra điều kiện về thủ tục tiền tố tụng trọng, thủ tục tố tụng trọng tài hoàn toàn không thể bắt đầu và cần được kết thúc khi chưa đáp ứng được các điều kiện này.[4]
Có vẻ như các hội đồng trọng tài và tòa án có xu hướng sẽ bác bỏ khiếu kiện nếu Nguyên đơn chưa sử dụng tất cả các phương thức giải quyết tranh chấp tiền trọng tài như đã thỏa thuận. Ví dụ, trong Quyết định của mình tại Vụ tranh chấp Cour de Cassation của Pháp cho rằng hòa giải là bắt buộc nên cần được thực thi vì nó “hợp pháp và ràng buộc các bên cho đến khi kết thúc thủ tục hòa giải”[5]. Hơn nữa, tòa án tuyên bố rằng nếu Nguyên đơn không tuân thủ thủ tục tiền trọng tài quy định thì sẽ không xem xét đến nội dung vụ tranh chấp.
Chẳng hạn như tại vụ tranh chấp ICC số 6276 năm 1990, điều khoản đa tầng quy định như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện Hợp đồng sẽ được giải quyết trên cơ sở thiện chí giữa hai bên; nếu không thì sẽ được giải quyết theo quy định tại Khoản 63 Điều kiện chung của Hợp đồng.”
Khoản 63 tiếp tục quy định rằng tranh chấp phải được đệ trình lên Bên thứ ba là chuyên gia là kỹ sư (The Engineer) để quyết định tranh chấp và quy định rất chi tiết thủ tục mà các bên và Kỹ sư phải tuân theo. Nguyên đơn đã cố gắng giải quyết tranh chấp, nhưng không đưa tranh chấp cho Kỹ sư giải quyết theo yêu cầu của Điều 63 của hợp đồng. Hội đồng trọng tài kết luận rằng Nguyên đơn đã không tuân theo cơ chế tiền trọng tài bắt buộc trong điều khoản trọng tài đa tầng và quyết định thực thi thỏa thuận đó, Hội đồng trọng tài thấy rằng điều kiện tiên quyết để phân xử trọng tài đã không được đáp ứng và việc khiếu kiện là quá sớm vào thời điểm này.
Tuy nhiên có thể thấy nếu theo cách giài quyết này, hội đồng trọng tài sẽ đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp và thẩm quyền của hội đồng trọng tài sẽ kết thúc, khi đó các bên sẽ có thể phải thực hiện lại toàn bộ quy trình tiền tố tụng và bắt đầu chọn một hội đồng trọng tài khác. Như vậy có thể thấy toàn bộ quy trình này sẽ khá tốn thời gian cũng như tốn kém chi phí khi phải trả thêm 1 lần phí trọng tài cho lần sau.[6] Hơn nữa nếu hội đồng trọng tài đình chỉ giải quyết, một vấn đề khác cũng có thể xảy ra là hết thời hiệu, vì trong một số luật, việc bác bỏ khởi kiện sẽ dẫn đến giả định như thể yêu cầu khởi kiện hoàn toàn xem như chưa được đệ trình.
2.Tạm hoãn thủ tục tố tụng trọng tài và yêu cầu các bên thực hiện thủ tục tiền tố tụng
Đối với hai lựa chọn trong cách tiếp cận thủ tục tố tụng (nên giữ thủ tục tố tụng hay bác bỏ đơn khởi kiện và kết thúc thủ tục tố tụng), các học giả chủ yếu lựa chọn ở lại thủ tục tố tụng, vì lựa chọn đó được coi là có lợi hơn cho cả hai bên. Cụ thể, khi hội đồng trọng tài quyết định tiếp tục tố tụng, lợi ích của Bị đơn được bảo vệ hợp lệ vì thủ tục tố tụng trọng tài sẽ không được tiếp tục cho đến khi Nguyên đơn không hoàn thành nghĩa vụ của mình để cố gắng giải quyết một cách thân thiện tranh chấp phát sinh từ điều khoản trọng tài đa tầng. Mặt khác, lợi ích của Nguyên đơn cũng được bảo vệ vì nó sẽ không phải trả phí gấp đôi cho thủ tục trọng tài và sẽ giảm đi nguy cơ hết thời hiệu. Hơn nữa, cả hai bên sẽ được hưởng lợi nhanh chóng vì không cần thiết phải chỉ định một hội đồng trọng tài khác, trong một số trường hợp có thể tốn thời gian và phát sinh thêm chi phí.
Cách tiếp cận này cho thấy rằng khi hội đồng trọng tài thấy việc khiếu kiện của Nguyên đơn là chưa thõa mãn điều kiện về thủ tục tiền tố tụng, họ sẽ yêu cầu Nguyên đơn thực hiện các cơ chế tiền trọng tài bắt buộc theo hợp đồng và hội đồng trọng tài sẽ duy trì thủ tục tố tụng trong thời gian tiến hành quá trình tiền trọng tài bắt buộc được thực bằng việc tạm thời hoãn thủ tục trọng tài và sẽ tiếp tục nếu như các bên đã thực hiện đầy đủ các “bước” nhưng vẫn không giải quyết đợc tranh chấp.
Cách tiếp cận này được các tòa án thông luật áp dụng và họ ra lệnh duy trì thủ tục tố tụng. Ví dụ, trong trường hợp Hooper Bailie Associated Ltd. v Natcon Group Pty Ltd, Hooper Bailie đã ký hợp đồng thầu phụ công việc xây dựng cho Natcon và hợp đồng được đề cập có điều khoản trọng tài. Sau đó, khi tranh chấp phát sinh giữa các bên và trọng tài đã bắt đầu, Hooper Bailie và Natcon đã đồng ý giải quyết một số vấn đề thông qua thủ tục hòa giải. Tuy nhiên, phía Natcon sau đó muốn tiếp tục các thủ tục tố tụng trọng tài. Hooper Bailie ngay lập tức gửi yêu cầu lên Tòa án Tối cao New South Wales để cấm Natcon tiếp tục thủ tục tố tụng trọng tài. Tòa án thấy rằng thỏa thuận về hòa giải là bắt buộc và có hiệu lực thi hành. Do đó, tòa án đã yêu cầu tạm dừng thủ tục tố tụng trọng tài cho đến khi kết thúc thủ tục hòa giải theo quy định.[7]
3.Thẩm quyền quyết định hiệu lực của thủ tục tiền tố tụng trọng tài
Trong một số trường hợp khi thủ tục được quy định bởi điều khoản trọng tài đa tầng không được Nguyên đơn tuân thủ và Nguyên đơn khiếu kiện lên trọng tài, Bị đơn khẳng định rằng các trọng tài viên không có thẩm quyền xem xét vấn đề này vì trọng tài chỉ có thể bắt đầu sau khi toàn bộ thủ tục được quy định trong điều khoản trọng tài đa tầng đã được tuân thủ, nghĩa là các vấn đề thủ tục tiền tố tụng trọng tài sẽ không do hội đồng trọng tài xem xét.
Trên thực tế, hội đồng trọng tài đã quyết định trong hầu hết các trường hợp rằng vấn đề này nằm trong việc áp dụng theo nguyên tắc Kompetenz-Kompetenz.[8] Nguyên tắc Kompetenz-Kompetenz được coi là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của trọng tài thương mại quốc tế. Theo nguyên tắc này, hội đồng trọng tài có thể tự quyết định thẩm quyền của mình.[9] Điều này có nghĩa là nếu hội đồng trọng tài thấy rằng điều khoản trọng tài đa tầng có hiệu lực thi hành, hội đồng trọng tài có thẩm quyền quyết định thẩm quyền của mình và cũng có thẩm quyền ra lệnh cho Nguyên đơn tuân thủ điều khoản và xác định rằng việc khởi kiện lên trọng tài là quá sớm. Điều này phù hợp với bản chất của các điều khoản đa tầng. Việc Nguyên đơn không cố gắng giải quyết tranh chấp một cách thiện chí theo các điều kiện được nêu trong điều khoản đa tầng, không ảnh hưởng đến thẩm quyền của hội đồng trọng tài, mà chỉ ảnh hưởng đến điều kiện thụ lý trong việc xem xét yêu cầu khởi kiện.[10]
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, hồi đồng trọng tài ở Hoa Kỳ đã giải thích các điều khoản trọng tài đa tầng theo nhiều hướng khác nhau. Các hồi đồng trọng tài đã giải thích các điều khoản đa tầng là ý định của các bên là các “tầng” trong điều khoản chính là điều kiện tiền thủ tục trọng tài và nếu chưa đáp ứng được các thủ tục này thì trọng tài hoàn toàn không thể bắt đầu. Do đó, các hồi đồng trọng tài đã nhận thấy rằng họ có thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến việc thực thi các điều khoản trọng tài đa tầng và trách nhiệm thực thi của Nguyên đơn vì không tuân theo cơ chế của điều khoản này.
Đối chiếu với pháp luật Việt Nam hiện nay, Luật Trọng tài Thương mại 2010 (“LTTTM”) hiện đang còn bỏ ngỏ quy định về hiệu lực pháp lý của các thỏa thuận tiền tố tụng trọng tài. Điều 9, Điều 38 và Điều 58 của LTTTM có quy định về hòa giải, thương lượng, nhưng chỉ nhận diện các phương thức này như một bộ phận cấu thành của thủ tục tố tụng trọng tài. Vì vậy, không đơn giản để có thể nhận định về mối quan hệ pháp lý giữa phương thức giải quyết tranh chấp tại giai đoạn tiền tố tụng trọng tài và chính thủ tục tố tụng trọng tài đã được các bên thỏa thuận trong điều khoản MDR cũng như thẩm quyền của hội đồng trọng tài trong vấn đề này. Theo như thực tiễn xét xử tại Việt Nam, hầu hết các hội đồng trọng tài đều tự mình xem xét thẩm quyền của mình căn cứ theo khoản 1 Điều 43 LTTTM. Tuy nhiên, vấn đề xem xét thẩm quyền của hội đồng trọng tài và xem xét về điều kiện thụ lý (admissibility) là khác nhau, dó đó vẫn chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng cho việc xác định hội đồng trọng tài là chủ thể có quyền xem xét hiệu lực thi hành đối với thủ tục tiền tố tụng.
Nhiều học giả ngày nay cho rằng hội đồng trọng tài nên có thẩm quyền quyết định hậu quả pháp lý trong trường hợp Nguyên đơn không tuân thủ thủ tục tiền trọng tài theo hợp đồng. Đây có vẻ như là một cách tiếp cận tốt và hợp lệ. Nếu tòa án áp dụng lý do được đề cập rằng mọi điều kiện tiền lệ cơ chế tiền trọng tài đều vô hiệu hóa thẩm quyền của tòa án, điều này sẽ mở ra đáng kể cánh cửa cho bên kia lạm dụng cơ chế tiền trọng tài nói trên và tránh trọng tài. Ví dụ, Bị đơn có thể từ chối thương lượng với Nguyên đơn và sau đó lập luận rằng vì thương lượng trước trọng tài không được tiến hành, tòa án không có thẩm quyền
Như vậy cần thiết bổ sung vào khoản 1 Điều 43 LTTTM về việc Hội đồng Trọng tài xem xét thủ tục tiền tố tụng Trọng tài mà các bên đã thỏa thuận trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp. Nếu các bên đã thỏa thuận thủ tục tiền tố tụng Trọng tài là bắt buộc mà chưa thực hiện thì Hội đồng Trọng tài tiến hành hoãn hoặc tạm ngừng hoặc tạm đình chỉ giải quyết tranh chấp để tạo điều kiện cho các bên thực hiện các thủ tục tiền tố tụng đó. Hiện tại, LTTTM chưa có quy định về tạm ngừng hay tạm đình chỉ giải quyết tranh chấp nên cần bổ sung các quy định này.
Việc trao quyền cho hội đồng Trọng tài đánh giá tính bắt buộc của thủ tục tiền tố tụng Trọng tài là phù hợp bởi lẽ hội đồng trọng tài mới có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và đánh giá các vấn đề pháp lý của vụ tranh chấp, kể cả vấn đề thủ tục tiền tố tụng trọng tài[11]. Có thể thấy chẳng hạn như việc có tồn tại thỏa thuận trọng tài hay không, thỏa thuận trọng tài có vô hiệu hay không, dù có thủ tục tiền tố tụng bắt buộc hay không và các bên có tiền hành thủ tục tiền tố tụng hay chưa thì khi nguyên đơn nộp khởi kiện tại trọng tài thì thủ tục tố tụng trọng tài cũng được bắt đầu và tiến hành cho đến khi hội đồng trọng tài được thành lập và chính hội đồng trọng tài sẽ xem xét, đánh giá các vấn đề này. Hướng giải quyết này cũng đã từng được Hong Kong Court of Appeal (in case C v D)[12] xác nhận rằng việc chấp nhận hay không yêu cầu khởi kiện là vấn đề thuộc phạm vi quyết định của hội đồng trọng tài. Điều này dẫn đến kết quả là nếu hội đồng trọng tài quyết định rằng yêu cầu về thủ tục tố tụng tiền trọng tài là điều kiện tiên quyết nhưng chưa được đáp ứng thì hội đồng trọng tài có thể ra lệnh tạm ngưng thủ tục trọng tài trong khi chờ sự thực hiện các điều kiện tiên quyết đó.
Trên cơ sở đó, Tòa án cũng tiếp cận tương tự khi xem xét khiếu nại về thẩm quyền của Trọng tài, xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp các bên có vi phạm về thủ tục tiền tố tụng Trọng tài. Nếu các bên có vi phạm về thủ tục tiền tố tụng nhưng hội đồng trọng tài đã xem xét, đã tạo điều kiện cho các bên khắc phục trong tố tụng trọng tài thì Tòa án công nhận thẩm quyền của hội đồng trọng tài, không hủy Phán quyết trọng tài. Ngược lại, nếu có vi phạm về thủ tục tiền tố tụng Trọng tài, vi phạm về các bước giải quyết tranh chấp đa tầng mà các bên đã thỏa thuận, hội đồng trọng tài không xem xét, không tạo điều kiện cho các bên khắc phục, thực hiện thủ tục tiền tố tụng thì đó là vi phạm điểm b, điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại 2010 và phán quyết trọng tài trong trường hợp đó sẽ bị hủy. Từ thực tiễn giải quyết của Tòa án, cũng cần xây dựng và ban hành Án lệ về vấn đề này.
[1] Marko Mécar (2015), Enforceability of Multi-tiered Clauses Leading to Arbitration, Central European University, tr. 35.
[2] Christopher Boog (2006), “How to Deal with Dispute Resolution”, Tạp chí Kluwer Law, số 26 (1), tr. 107.
[3] Trường hợp các bên chưa thực hiện hay chưa hoàn thành các bước trong thủ tục tiền tố tụng trọng tài
[4] Alexander Jollies (2006), “Consequence of Multi-tier Arbitration Clauses: Issues of Enforcement”, Tạp chí Arbitration, số 72( 4), tr. 331.
[5] Case Medissimo v Logica, 29 April 2014, No. 12-27.004, decision from the French Cour de Cassation from 29 April 2014, trích dẫn từ Gregory Travaini: “Dispute resolution clauses, a friendly warning” [https://arbitrationblog.kluwerarbitration.com/2014/09/30/multi-tiered-dispute-resolution-clauses-a-friendly-miranda-warning/ ] (truy cập ngày 10/12/2023)
[6] Álvaro López De Argumedo Piñeiro (2010), “Multi-Step Dispute Resolution Clauses”, Tạp chí Wolters Kluwer España, tr. 733 - 745.
[7] Case Hooper Bailie Associated Ltd. v. Natcon Group Pty Ltd., (1992) 28 N.S.W.L.R. 194. Trích dẫn từ Didem Kayali (2010), “Enforceability of Multi-Tiered Dispute Resolution Clauses”, Tap chí International Arbitration, số 27(6), tr.562.
[8] Alexander Jollies (2006), tlđd (4), tr. 335
[9] Fouchard, Gaillard, Goldman (1999), “On International Commercial Arbitration”, Tạp chí Kluwer Law International, tr. 213.
[10] Alexander Jollies (2006), tlđd (4) , tr. 335
[11] Kieu Anh Vu (2023), “Multi-tiered Dispute Resolution clauses in commercial arbitration in Viet Nam”,[ https://mcac.vn/dieu-khoan-giai-quyet-tranh-chap-da-tang-trong-trong-tai-thuong-mai-tai-viet-nam], (truy cập ngày 18/11/2023)
[12] Clifford Chance (2022), “Multi-tier Dispute Resolution clauses and the distinction between jurisdiction and admissibility – Hong Kong Court of appeal confirms approach”, [https://www.cliffordchance.com/content/dam/cliffordchance/briefings/2022/07/multi-tier-dispute-resolution-clauses.pdf ] (truy cập ngày 18/11/2023).
Bài liên quan
-
Thực tiễn giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vì không hợp pháp hóa lãnh sự tại Việt Nam
-
Nghị quyết đại hội đồng cổ đông không nhất định phải hủy thông qua hình thức Tòa án hoặc Trọng tài
-
Về trường hợp khách hàng tại Bắc Ninh bị đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý và chiếm đoạt tiền trong tài khoản
-
Khởi kiện trọng tài viên, trung tâm trọng tài thương mại - liệu có khả thi?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận