Thực tiễn thực hiện pháp luật về quảng cáo thương mại Việt Nam và một số kiến nghị

Quảng cáo được hiểu là sự trình bày để giới thiệu rộng rãi cho nhiều người biết nhằm tranh thủ được nhiều khách hàng.[1] Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động quảng cáo mang tính chất lành mạnh, vẫn tồn tại tình trạng quảng cáo “sai sự thật và cạnh không lành mạnh”[2], thậm chí gây hiểu nhầm hoặc lừa dối người tiêu dùng. Do đó, cần hoàn thiện pháp luật về quảng cáo thương mại.

1.Một số vi phạm về phổ biến về các hành vi quảng cáo thương mại tại Việt Nam

1.1. Hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam là một trong những hành vi vi phạm phổ biến nhất hiện này. Các chủ thể quảng cáo luôn muốn tạo ra những sản phẩm quảng cáo gây ấn tượng mạnh, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Do vậy, họ không ngần ngại sử dụng những hình ảnh, ngôn ngữ, nội dung quảng cáo trái với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, gây bức xúc trong các luận. Chẳng hạn như người xem truyền hình rất bức xúc với tình trạng vừa quảng cáo phản cảm vừa không đúng thời điểm, ví dụ như quảng cáo nước rữa bồn cầu, băng vệ sinh... vào khung giờ mọi người đang ăn cơm.

Đối với những quảng cáo như vậy thì pháp luật quy định về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trước đây tđiểm b khoản 2 Điều 58 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định việc quảng cáo băng vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da, thuốc tẩy giun sán, dung dịch vệ sinh phụ nữ và các loại sản phẩm hàng hóa tương tự trên đài phát thanh, đài truyền hình trong khoảng thời gian từ 18h – 20h hàng ngày sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi.

Tuy nhiên, kể từ ngày 01/6/2021, khi Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo có hiệu lực đã không quy định xử phạt hành chính đối với hành vi nêu trên. Điều này có nghĩa là được phép quảng cáo băng vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da, thuốc tẩy giun sán, dung dịch vệ sinh phụ nữ và các loại sản phẩm hàng hóa tương tự trên đài phát thanh, đài truyền hình trong khoảng thời gian từ 18h – 20h. Ngoài những hành vi vi phạm một cách trắng trợn như trên, có những hành vi khó xác định được là có vi phạm hay không do quy định của pháp luật không cụ thể. Hiểu như thế nào là thiểu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục là còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá chủ quan của mỗi người. Do đó, để tạo điều kiện cho các chủ thể quảng cáo thực hiện quảng cáo không vi phạm pháp luật và giúp các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm, pháp luật cần có quy định để định nghĩa về các từ ngữ trên.

1.2.  Quảng cáo có sử dụng những lời phát biểu, hình ảnh của các chuyên gia có uy tín trong các lĩnh vực liên quan đến hàng hóa, dịch vụ

Đây là một dạng quảng cáo rất phổ biến hiện nay và mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với những dạng quảng cáo khác.

Chúng ta không khó để có thể thấy được trong các hội thảo quảng cáo về các loại thực phẩm chức năng thường có những bài phát biểu, hình ảnh của các bác sĩ chuyên gia y tế. Hay các hội thảo quảng cáo về các sản phẩm làm đẹp thì không thể thiếu các bác sĩ da liễu, đối với thực phẩm hỗ trợ yếu sinh lý thì cũng có một chuyên gia về sinh sản... Đối với người hay xem các chương trình giao lưu trực tuyến, tư vấn sức khỏe trên một số kênh truyền hình thì mặc dù nội dung hoàn toàn nói về chuyên môn, những logo sản phẩm vẫn hay xuất hiện và các bác sĩ không quên nhắc đến tên sản phẩm để người xem ghi nhớ, thậm chí còn đề cập đến tính năng công dụng của các sản phẩm này. Bên cạnh đó, các sản phẩm quảng cáo còn sử dụng các hình ảnh công an, quân đội để tạo sự tin tưởng của người dân vào sản phẩm quảng cáo.

Với tâm lý của người tiêu dùng, việc tin tưởng vào lời nói của một vị bác sĩ, một chuyên gia... là chuyện khó tránh khỏi. Trong trường hợp thông tin đúng sự thật thì không sao, nhưng nếu sai sự thật thì sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng đối với sức khỏe của con người, mà đặc biệt là người mẹ và trẻ em.

Hiện nay, pháp luật có quy định cấm "sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tin, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm” và cấm “quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh” tại Điều 6, Điều 7 Thông từ 09/2015/TT-BYT quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Nếu vi phạm quy định trên thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, cụ thể là bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cải chính thông tin, buộc tháo dỡ, tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo

Tuy nhiên, đây chỉ là chế tài xử phạt đối với người quảng cáo, còn đối với những chuyên gia phát biểu trong các quảng cáo thì không có quy định nào về trách nhiệm pháp lý khi họ phát biểu không đúng sự thật trong nội dung quảng cáo gây thiệt hại cho người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng người quảng cáo sẽ lợi dụng điều này thông đồng với các chuyên gia, bác sĩ có uy tin trong các lĩnh vực liên quan đến hàng hóa, dịch vụ quang cáo để thực hiện quảng cáo sai sự thật đem lại lợi nhuận cho mình.

1.3. Vấn đề về quảng cáo tài trợ

Hiện nay, ngoài những cách thức quảng cáo được quy định trong luật thì quảng cáo tài trợ là một dạng quảng cáo mà được các doanh nghiệp sử dụng rất phổ biến và mang lại hiệu quả rất cao. Đó là dạng quảng cáo mà doanh nghiệp tài trợ nguồn kinh phí cho các chương trình thực tế, phim truyện,... để các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hay những logo của họ xuất hiện trên các chương trình này.

Hoạt động quảng cáo tài trợ này vừa giúp nhà sản xuất có nguồn kinh phí để thực hiện chương trình thực tế, phim truyện,... vừa giúp các doanh nghiệp quảng cáo được sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình. Tuy nhiên để đạt được mục đích tối đa, các doanh nghiệp đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hay logo của họ xuất hiện liên tục làm cho chất lượng của các chương trình, phim truyện giảm xuống khiến cho người xem rất bức xúc.

Trong khi đó pháp luật không có quy định cụ thể để điều chỉnh về vấn đề này, do đó dạng quảng cáo này có thể xuất hiện xuyên suốt chương trình mà không bị giới hạn về thời lượng phát sóng như các hình thức quảng cáo khác. Các cơ quan chức năng cũng khó khăn trong việc quản lý do không có cơ sở pháp lý.

2.Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quảng cáo thương mại

Thứ nhất, pháp luật về quảng cáo thương mại nên bổ sung qui định về khung giờ và chế tài xử lý đối với một số sản phẩm quảng cáo để bảo đảm tính thẩm mỹ

Pháp luật quảng cáo thương mại nên quy định việc quảng cáo băng vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da, thuốc tẩy giun sán, dung dịch vệ sinh phụ nữ và các loại sản phẩm hàng hóa tương tự trên đài phát thanh, đài truyền hình trong khoảng thời gian từ 18h - 20h và từ 11 giờ đến 12h hàng ngày sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung thêm các quy định về khung giờ đối với một số sản phẩm quảng cáo mang tính chất kinh dị, cụ thể là cấm phát hành các sản phẩm quảng cáo có hình ảnh, âm thanh mang tính chất kinh dị vào ban đêm (từ 22h đến 2h), vì đây là khung giờ khá nhạy cảm đối với người già, trẻ em, người có tiền sử về bệnh tim mạch… quy định như vậy nhằm đảm bảo sức khỏe cho họ.

Thứ hai, pháp luật quảng cáo thương mại cần quy định trách nhiệm pháp lý của các chủ thể dựa vào uy tín của mình để phát biểu về các thông tin sai sự thật trong nội dung quảng cáo

Để hạn chế tình trạng các chủ thể dựa vào uy tín của mình để phát biểu về các thông tin sai sự thật trong nội dung quảng cáo, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, pháp luật quảng cáo thương mại nên có quy định điều chỉnh về trách nhiệm pháp lý của các chủ thể này. Cụ thể là quy định về mức xử phạt và bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, những chủ thể có uy tín trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thuốc hiệu việc phát biểu, trao đổi thông tin nhằm có ý đưa ra các thông tin quảng cáo sai sự thật thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.       

 

LÊ BÁ HƯNG  (Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế, Thông từ 09/2015/TT-BYT quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
  2. Chính phủ, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo.
  3. Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 1997.
  4. Kenfox, Quảng cáo sai sự thật & Cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam, https://kenfoxlaw.com/vi/dich-vu/viet-nam/so-huu-tri-tue/quang-cao-sai-su-that-canh-tranh-khong-lanh-manh-tai-viet-nam, truy cập 5/5/2024.
  5.  Lê Văn Vin (2022), Pháp luật thương mại về hoạt động quảng cáo, khuyến mại, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

[1] Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 1997, tr.774

[2] Lê Văn Vin (2022), Pháp luật thương mại về hoạt động quảng cáo, khuyến mại, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Luật, Đại học Huế, tr.8.

[3] Kenfox, Quảng cáo sai sự thật & Cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam, https://kenfoxlaw.com/vi/dich-vu/viet-nam/so-huu-tri-tue/quang-cao-sai-su-that-canh-tranh-khong-lanh-manh-tai-viet-nam, truy cập 5/5/2024.

 

Hoạt động quảng cáo giúp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp với khách hàng - Ảnh:  Diễn đàn doanh nghiệp