Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng - Vướng mắc và kiến nghị
Tác giả phân tích dựa trên quy định của pháp luật và nêu ra một số khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra đề xuất kiến nghị hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý các hành vi khai thác trái phép thông tin tài khoản ngân hàng.
Trong thời đại chuyển đổi số hóa như hiện nay, phương thức giao dịch trực tuyến trở thành xu hướng đem lại hiệu quả cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, bên cạnh đó đối với tội phạm với hình thức thu thập, sử dụng trái phép các thông tin khách hàng nhằm thu lợi bất chính cho cá nhân, từ đó gây thiệt hại cho nhiều chủ thể và khó khăn cho việc quản lý của Nhà nước và các tổ chức có liên quan. Mặt khác, còn tiếp tay cho nhiều loại tội phạm có sử dụng công nghệ cao như đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
1. Quy định của pháp luật
Khoản 1 Điều 291 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng như sau:
“1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
Theo đó, dấu hiệu pháp lý của tội phạm này được hiểu như sau:
Về khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm vào trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và lĩnh vực tài chính ngân hàng; xâm phạm những quy định của Nhà nước về bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc công dân; quy định của Nhà nước về bảo đảm an toàn mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác.
Về mặt khách quan của tội phạm: Thực hiện hành vi trao đổi, thỏa thuận mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm có được các thông tin về tài khoản để thu lợi bất chính. Số lượng tài khoản mua bán thông tin từ 20 tài khoản ngân hàng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm gồm có: (1) thu thập trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác; (2) tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác; (3) trao đổi trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác; (4) mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác; (5) công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác.
- Hành vi thu thập trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng được hiểu là hành vi tìm kiếm, tập hợp các thông tin về tài khoản ngân hàng mà không được sự cho phép của ngân hàng hoặc cơ quan có thẩm quyền.
- Hành vi trao đổi trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, được hiểu là hành vi chuyển qua lại cho nhau những thông tin về tài khoản ngân hàng của nhau mà không được sự cho phép của ngân hàng hoặc cơ quan có thẩm quyền.
- Hành vi mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản để trao đổi lấy thông tin về tài khoản ngân hàng mà không được sự cho phép của ngân hàng hoặc cơ quan có thẩm quyền.
- Hành vi công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng được hiểu là hành vi đưa thông tin về tài khoản ngân hàng trở thành thông tin rộng rãi mà ai cũng có thể biết (như đưa lên mạng Internet) mà không được sự cho phép của ngân hàng hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Thông tin về tài khoản ngân hàng là tập hợp các thông tin về chủ tài khoản, loại tài khoản, số tài khoản và các thông tin khác của tài khoản do ngân hàng tạo lập. Thông tin tài khoản ngân hàng phải là thông tin tài khoản ngân hàng của người khác là dấu hiệu bắt buộc của tội này.
Chủ thể của tội phạm: bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật và mong muốn thực hiện hành vi đó. Mục đích và động cơ phạm tội (vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác) không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Thứ nhất, về việc xác định tư cách người tham gia tố tụng còn nhiều quan điểm chưa thống nhất.
Chẳng hạn như vụ án sau: Khoảng đầu năm 2020, thông qua các mối quan hệ xã hội, Trần Ngọc Q quen biết Hoàng Thị L. Q có liên lạc với L thông qua ứng dụng Zalo nhưng không thường xuyên. Q biết L là nhân viên ngân hàng TMCP Quân đội (Ngân hàng MB), làm việc tại Phòng giao dịch PX, chi nhánh MB tại MN.
Từ tháng 7/2022, đến tháng 9/2022, Q được một đối tượng (quen biết ngoài xã hội khi giao dịch mua bán sim, tài khoản số đẹp) liên hệ, đề nghị Q hỗ trợ để mua thông tin về tài khoản ngân hàng, cụ thể là: Thông tin liên quan đến sao kê chi tiết giao dịch tài khoản (gọi tắt là sao kê tài khoản) hoặc thông tin cá nhân đăng ký tài khoản tại ngân hàng MB (gọi tắt là thông tin cá nhân). Để có thông tin theo đề nghị của các đối tượng, Q đã nhắn tin qua ứng dụng Zalo cho L, đề nghị L giúp Q thu thập thông tin về tài khoản ngân hàng cung cấp cho Q. Đồng ý với đề nghị của Q, L đã sử dụng User cá nhân (được ngân hàng MB cấp) truy vấn thông tin của các số tài khoản Q yêu cầu, sau đó L sử dụng điện thoại di động chụp ảnh thông tin hiển thị màn hình máy tính và gửi qua ứng dụng Zalo cho Q. Sau khi nhận, Q cung cấp các thông tin L gửi cho các đối tượng yêu cầu để bán lấy tiền, sau đó Q chuyển tiền vào tài khoản L để cảm ơn. Số tiền Q thu được khi bán thông tin về tài khoản ngân hàng cho các đối tượng là từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng trên mỗi thông tin. Với phương thức trên, tổng số thông tin về tài khoản ngân hàng mà Hoàng Thị L và Trần Ngọc Q đã thu thập, mua bán trái phép trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 9/2022 là 55 thông tin tài khoản ngân hàng khác nhau. Số tiền mà Hoàng Thị L và Trần Ngọc Q thu lợi bất chính là 8.324.997 đồng. Với những hành vi như trên Hoàng Thị L và Trần Ngọc Q bị điều tra, truy tố, xét xử về tội “thu thập, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” theo quy định tại Điều 291 BLHS năm 2015. Thông qua vụ án trên còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định tư cách người tham gia tố tụng.
Quan điểm thứ nhất cho rằng:
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: là Ngân hàng TMCP Quân đội.
- Người làm chứng: Các chủ sở hữu về tài khoản ngân hàng.
Quan điểm này giải thích rằng: Ngân hàng TMCP Quân đội là người sử dụng lao động thông qua hợp đồng ký kết dân sự giữa Ngân hàng với Hoàng Thị L và trong quá trình làm việc đã để cho nhân viên thuộc quyền quản lý của mình sử dụng những thông tin tài khoản cá nhân của các khách hàng dùng vào mục đích bất hợp pháp để thu lợi bất chính. Đồng thời, Ngân hàng là người cung cấp dịch vụ tài khoản ngân hàng cho nên cần phải xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ đến vụ án. Còn đối với các chủ sở hữu về tài khoản ngân hàng là những người biết được về tài khoản của mình bị thu thập, mua bán cho nên xác định là người làm chứng.
Quan điểm thứ hai cho rằng:
- Bị hại: Các chủ sở hữu về tài khoản ngân hàng.
- Người làm chứng: Ngân hàng TMCP Quân đội
Căn cứ Điều 62 BLTTHS năm 2015 thì “bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần…”. Theo đó, các chủ sở hữu về tài khoản ngân hàng đã bị thiệt hại về thông tin cá nhân gây ảnh hưởng rất lớn trong quá trình giao dịch hoặc sử dụng đối với các tài khoản trên cho nên được xác định là bị hại. Còn đối với Ngân hàng phải có trách nhiệm giữ bí mật thông tin khách hàng và chỉ được cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bên thứ ba khác theo quy định của pháp luật được cho phép. Riêng đối với các thông tin về khách hàng sẽ không được phép cung cấp cho bất kỳ bên thứ ba nào kể cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu không có sự đồng ý của khách hàng. Về nguyên tắc, ngân hàng có trách nhiệm bảo mật toàn bộ thông tin của khách hàng và chỉ cung cấp trong giới hạn một số thông tin mà pháp luật cho phép theo yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc cho bên thứ ba khi được khách hàng đồng ý. Do đó, Ngân hàng không thực hiện đúng quy định và để cho nhân viên vi phạm về tính bảo mật thông tin của khách hàng. Vì vậy, Ngân hàng được xác là người làm chứng trong vụ án.
Thứ hai, chưa quy định rõ khái niệm “thông tin về tài khoản ngân hàng” đó là tập hợp về thông tin trên thẻ của khách hàng hay bao gồm tất cả các thông tin về số dư tài khoản, thông tin liên quan đến giao dịch rút tiền, chuyển tiền, nhận tiền của khách hàng? điều này gây khó khăn trong quá trình nhận thức, áp dụng pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng để xác định đúng hành vi phạm tội từ đó có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, về việc xác định số tiền thu lợi bất chính
Việc xác định số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng có ý nghĩa để xác định điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng để xác định được số tiền thu lợi này lại đang gặp khó khăn và chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa có văn bản nào quy định cụ thể về việc xác định số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.
Trong đó, ở một số địa phương, khi làm rõ về số tiền các đối tượng thu lợi bất chính trong hành vi mua, bán cơ quan chức năng đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, xác định số tiền thu lợi bất chính là số tiền nhận được trừ đi số tiền bỏ ra mua, các chí phí có liên quan.
3. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện
Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống đối với tội phạm thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin vể tài khoản ngân hàng tác giả đề xuất, kiến nghị hoàn thiện như sau:
Một là, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết đối với việc xác định rõ tư cách người tham gia tố tụng đối với tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng và ban hành hướng dẫn, giải thích làm rõ khái niệm thông tin về tài khoản ngân hàng.
Hai là, việc xác định số tiền thu lợi bất chính cần dựa vào số tiền thu được trên thực tế.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Văn Biên - Đinh Thế Hưng (đồng chủ biên), Bình luận Khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nxb. Hồng Đức, năm 2018.
2. TS. Nguyễn Đức Mai, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.
3. Nguyễn Việt Phương, Thực tiễn áp dụng pháp luật về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 7, năm 2023.
Bài liên quan
-
Một số vấn đề về thu thập, cung cấp chứng cứ của đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và đề xuất, kiến nghị
-
PV GAS và PV Power ký hợp đồng mua bán chuyến tàu LNG đầu tiên cung cấp cho chạy thử các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4
-
Tăng cường quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán, sử dụng hóa chất độc hại và nguy hiểm
-
Bàn về một số vấn đề liên quan đến đăng ký thay đổi hộ kinh doanh theo văn bản thỏa thuận mua bán - tặng cho trong lĩnh vực công chứng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận