Không đủ cơ sở kết tội Th về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”
Qua nghiên cứu bài viết “Không có người thực hiện hành vi phạm tội, xử lý tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" được không?” của tác giả Nguyễn Thị Thu Hiếu đăng ngày 19/7/2024 tôi đồng tình với quan điểm thứ hai của tác giả.
Điều 323 BLHS năm 2015 quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đây là điều luật quy định tội danh kép, bao gồm hai tội là tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là hành vi tuy không hứa hẹn trước nhưng đã tiêu thụ tài sản mà mình biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Thực tế xét xử cho thấy, hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thường được thực hiện bởi các hành vi như: mua, bán, thuê, cho thuê…
Về nội dung này, tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (TTLT số 09/2011) hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền hướng dẫn như sau:
“1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).
2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.
3. Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản”.
Khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Như vậy, để có thể truy cứu trách nhiệm về tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, thì tiêu chí, điều kiện đầu tiên phải xác định được tài sản mà người đó tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có. Tức là, phải xác định được người giao tài sản cho người đó tiêu thụ phạm một tội theo quy định của BLHS năm 2015, thông thường là các tội xâm phạm quyền sở hữu quy định tại Chương XVI BLHS năm 2015.
Khoản 1 Điều 1 TTLT số 09/2011 quy định “tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua). Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản (khoản 3 Điều 1 TTLT số 09/2011).
Như vậy, có nghĩa là để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì phải xác định được một tội danh của người thực hiện hành vi phạm tội trước đó, làm tiền đề, cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Quay trở lại nội dung vụ án, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Th về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì phải xác định được S phạm tội trộm cắp tài sản. Trường hợp S không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản (có thể do S chưa đủ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự) thì trường hợp này cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với Th với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng áp dụng cho hành vi mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Trên đây là quan điểm của tác giả trao đổi về vụ án rất mong nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đồng nghiệp và bạn đọc.
Tòa án nhân dân huyện Krông Năng, Đăk Lăk xét xử trực tuyến vụ án hình sự - Ảnh: Lương Ngọc
Bài liên quan
-
Trần Đức C phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
-
Hành vi của Trần Đức C đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS
-
Trần Đức C phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
-
Trần Đức C có phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận