Không thể xử lý về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” khi không xác định được người thực hiện tội phạm ban đầu

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Nguyễn Thị Thu Hiếu, đăng ngày 19/7/2024, bàn về vấn đề xử lý trong trường hợp không xác định được người thực hiện hành vi phạm tội ban đầu nhưng vẫn xác định được người chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng, Nguyễn Tấn Th không phạm tội “Tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS.

Theo Điều 323 BLHS, “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt...” . Ngoài ra, tham khảo Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC có hướng dẫn như sau:

“1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hi lộ...) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua); 2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có ” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.

Do vậy, đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản do người khác phạm tội mà có, đây là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội ( như tài sản trộm cắp, cướp, công nhiên chiếm đoạt, tham ô, nhận hối lộ...) hoặc có được từ việc mua bán, trao đổi bằng tài sản có được từ việc thực hiện hành vi phạm tội như bất động sản dùng tiền nhận hối lộ để mua... Có thể thấy, để xác định tội phạm này, ta cần xác định được hai yếu tố chính đó là không hứa hẹn trước mà tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và phải biết rõ đó là tài sản có được từ hành vi phạm tội.

Cũng theo Thông tư trên, tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó.  Đối với việc biết là tài sản do hành vi phạm tội mà có thì cần có căn cứ chứng minh người tiêu thụ biết rõ được nguồn gốc của tài sản này nhưng vẫn có hành vi tiêu thụ. Vậy vấn đề tác giả đã đưa ra đó là nếu người tiêu thụ biết là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng không thể xác định được người đã thực hiện hành vi phạm tội ban đầu thì người tiêu thụ có phải chịu TNHS hay không?

Theo hướng dẫn tại mục 8 Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao: “...mặt chủ quan của tội phạm này chỉ bắt buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết tài sản đó do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa. Do vậy, trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Như vậy, chỉ khi xác định được hành vi phạm tội ban đầu mới có cơ sở để xác định tài sản tiêu thụ là do phạm tội mà có, không chỉ dựa vào lời khai của người tiêu thụ. Bởi lẽ nếu không chứng minh được hành vi phạm tội ban đầu thì không thể chứng minh được nguồn gốc của tài sản. Điều luật này yêu cầu cần xác định được tội phạm ban đầu mà không yêu cầu người tiêu thụ phải biết rõ là ai thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó. Trở lại vụ án, Th khai nhận chiếc xe Yamaha Sirius là do S (không rõ lai lịch) nhờ Th bán giúp, nhưng thực tế không thể xác định được S là ai, có thực sự thực hiện hành vi phạm tội là trộm cắp tài sản của chị L hay không, nên không đủ căn cứ để xác định Th tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Do vậy, không thể xử lý hình sự đối với Th về hành vi này.

Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý độc giả và đồng nghiệp.

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)

Tòa án nhân dân huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm bằng hình thức trực tuyến  “Cướp tài sản" và  "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”- Ảnh: Trần Văn Hiển