Tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có - Bất cập và kiến nghị
Trong bài viết này, tác giả phân tích quy định về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại Điều 323 Mục 4 Chương XXI BLHS năm 2015, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể.
1. Quy định về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Điều 323 BLHS năm 2015 quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đây là điều luật quy định tội danh kép, bao gồm 02 tội là tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung phân tích, làm rõ quy định về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Điều luật quy định cụ thể như sau:
“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Về các yếu tố cấu thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, gồm:
* Về chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, có nghĩa là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo quy định của BLHS năm 2015. Pháp nhân thương mại không phải là chủ thể của tội phạm này.
* Về khách thể: Khách thể chính của tội phạm này là trật tự an toàn xã hội, ngoài ra, còn gián tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
* Về mặt khách quan: Tội phạm được thực hiện với hành vi khách quan là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
* Về mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội biết rõ tài sản mà họ tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có.
Người thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có sẽ bị phạt với các khung hình phạt tương xứng tại khoản 1 - khoản 4 điều luật này và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại khoản 5 của điều luật.
Có thể thấy, điều luật không đưa ra khái niệm cụ thể thế nào là phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tuy nhiên, căn cứ nội dung điều luật, có thể hiểu:
Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là hành vi tuy không hứa hẹn trước nhưng đã tiêu thụ tài sản mà mình biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Thực tế xét xử cho thấy, hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thường được thực hiện bởi các hành vi như: mua, bán, thuê, cho thuê, …
Về nội dung này, tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (TTLT số 09/2011) hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền hướng dẫn như sau:
“1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).
2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.
3. Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản”.
TTLT số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại BLHS năm 1999, tuy nhiên, đến nay nội dung hướng dẫn này vẫn còn giá trị.
Một số lưu ý khi áp dụng quy định tại Điều 323 BLHS năm 2015 về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, cụ thể:
- Việc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không có sự hứa hẹn trước với người giao tài sản là sẽ tiêu thụ tài sản mà người đó phạm tội mà có. Trường hợp có sự hứa hẹn trước với người giao tài sản là người này thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản thì sẽ tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có thì lức này người tiêu thụ tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm của người giao tài sản chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
- Người tiêu thụ tài sản phải biết rõ tài sản mà mình thực hiện việc tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có.
- Đối tượng phạm tội là tài sản do phạm tội mà có. Việc định tội danh không cần xác định giá trị của tài sản này mà chỉ cần xác định được đó là tài sản do phạm tội mà có; còn việc xác định giá trị cụ thể của tài sản do phạm tội mà có được dùng làm căn cứ xác định tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều luật này.
2. Một số hạn chế, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện đối với tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
2.1. Về tên gọi của điều luật
Khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015 quy định:
“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Như vậy, để có thể truy cứu trách nhiệm về tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, thì tiêu chí, điều kiện đầu tiên phải xác định được tài sản mà người đó tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có. Tức là, phải xác định được người giao tài sản cho người đó tiêu thụ phạm một tội theo quy định của BLHS năm 2015, thông thường là các tội xâm phạm quyền sở hữu quy định tại Chương XVI BLHS năm 2015.
Khoản 1 Điều 1 TTLT số 09/2011 quy định “tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua). Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản (khoản 3 Điều 1 TTLT số 09/2011).
Như vậy, có nghĩa là để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì phải xác định được một tội danh của người thực hiện hành vi phạm tội trước đó, làm tiền đề, cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Ví dụ: A thực hiện hành vi trộm cắp 01 chiếc xe đạp trị giá 05 triệu đồng, sau đó, B là người thực hiện hành vi tiêu thụ chiếc xe đạp này. Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với B về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì phải xác định được A phạm tội trộm cắp tài sản. Trường hợp A không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản (có thể do A chưa đủ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự) thì trường hợp này cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với B với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng áp dụng cho hành vi mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Như vậy, so sánh quy định giữa 02 văn bản quy phạm pháp luật này thì thấy có một khoảng cách rất lớn về chế tài mà người thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Cụ thể, nếu không xác định được tội phạm tiền đề trước đó, hay nói cách khác, không xác định được người giao tài sản cho người tiêu thụ là người phạm tội thì cũng chỉ có thể áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với người tiêu thụ tài, kể cả trong trường hợp tài sản trộm cắp có giá trị rất lớn.
Đây là một bất cập, hạn chế, tạo điều kiện cho một số chủ thể lợi dụng để thực hiện hành vi bất hợp pháp.
Do đó, tác giả kiến nghị, để bảo đảm nâng cao việc phòng, chống loại tội phạm này thì khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 cần sửa đổi tên và nội dung Điều 323 BLHS năm 2015.
Tác giả kiến nghị sửa đổi như sau:
“Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác vi phạm pháp luật mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác vi phạm pháp luật mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…”.
Đồng thời, để có sự phân hóa giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính thì nhà làm luật cần nghiên cứu tổng thể về giá trị tài sản tiêu thụ để có sự phân loại phù hợp, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa đối với loại tội phạm này.
2.2. Về chủ thể của tội phạm
Theo quy định tại khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015 thì chủ thể của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là cá nhân có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Đồng thời, việc thực hiện hành vi phạm tội phải thỏa mãn một số điều kiện đã phân tích ở trên.
Việc giới hạn chủ thể của loại tội phạm này chỉ bao gồm cá nhân mà không bao gồm pháp nhân thương mại còn căn cứ vào quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015 quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này. Điều đó có nghĩa là, pháp nhân thương mại không thể là chủ thể của tội phạm quy định tại Điều 323 BLHS năm 2015 vì luật không quy định.
Nghiên cứu quy định tại khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015 thì thấy, chủ thể thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chủ yếu là vì mục đích vụ lợi. Điều này thỏa mãn đặc điểm cơ bản của pháp nhân thương mại - chủ thể của tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 75 BLDS năm 2015, theo đó: “1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên”.
Như vậy, hoạt động của pháp nhân thương mại là để tìm kiếm lợi nhuận, tức là không loại trừ việc thực hiện hành vi phạm tội vì mục đích vụ lợi. Và điều này dẫn đến thực tế là có thể có những pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội quy định tại Điều 323 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, với quy định của BLHS hiện hành, việc không ghi nhận chủ thể của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bao gồm cả pháp nhân thương mại phạm tội có thể dẫn đến bỏ sót tội phạm và chưa đủ sức răn đe nếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này do pháp nhân thương mại phạm tội thực hiện theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Tác giả cho rằng, đây là một hạn chế, thiếu sót cần sớm được khắc phục, hoàn thiện.
Với việc quy định chủ thể của tội phạm này chỉ có thể nhân và không bao gồm pháp nhân thương mại là chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các trường hợp phạm tội, chưa đảm bảo yêu cầu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do vậy, để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đặt ra cũng như phù hợp với bản chất pháp lý của pháp nhân thương mại là hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Tác giả kiến nghị, khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015, nhà làm luật cần bổ sung quy định tại Điều 76 theo hướng pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại Điều 323. Nội dung Điều 76 được sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
“Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300, 323 và 324 của Bộ luật này”.
Kết luận
Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là một trong những loại tội phạm xảy ra khá phổ biến hiện nay, tội phạm gây hoang mang dư luận xã hội, ảnh hưởng, xâm phạm đến trật tự công cộng, đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, quy định của pháp luật hình sự hiện hành còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa bảo đảm được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật đối với tội phạm này là một đòi hỏi tất yếu, khách quan.
1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
2. Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.
4. Trần Thị Ngọc Hiếu, Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tại sản do người khác phạm tội mà có theo luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số chuyên đề tháng 9/2016, tr.10.
5. Thái Chí Bình, Bàn thêm về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 24(232), tr.30.
6. Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính.
TAND huyện Bình Chánh, TPHCM vụ án “Cướp giật tài sản” và “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” - Ảnh: Khánh Nhung
Bài liên quan
-
Trần Đức C phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
-
Hành vi của Trần Đức C đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS
-
Trần Đức C phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
-
Trần Đức C có phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận