“Tòa án” dưới triều Nguyễn thời kỳ độc lập (1802 – 1884)
Dưới triều Nguyễn chưa có Tòa án riêng biệt. Vì vậy, ở đây viết “Tòa án” chỉ để dễ hình dung về cách tổ chức thực hiện công việc xét xử dưới triều Nguyễn.
1.Tổ chức và thẩm quyền của các cấp “Tòa án"
Ngay từ khi Nguyễn Ánh làm chủ vùng đất Gia Định vào vào năm 1789, tổ chức tòa án và trình tự tố tụng đã được ấn định theo mẫu của nhà Lê (1). Cách tổ chức này được duy trì trong suốt thời kỳ độc lập của nhà Nguyễn .
1.1. Ở địa phương
Cấp tổng, xã: Dưới huyện là tổng. Mỗi tổng khoảng mười xã, đứng đầu tổng là Chánh tổng (hay Cai tổng). Không rõ Chánh tổng có vai trò gì trong việc giải quyết tranh chấp ở làng xã. Dưới tổng là xã, xã có Lý trưởng, một hoặc hai Phó lý, Trương tuần, tuần đinh (gọi chung là lý dịch). Những việc kiện nhỏ nhặt trong dân gian như: chửi nhau, công nợ, đánh nhau bị thương nhẹ, đều do Lý trưởng giải quyết bằng lời, nếu không đồng ý thì kiện lên huyện, huyện xử mà vẫn còn “oan ức” thì cho khiếu lên phủ. (2)
Theo quy định này, Lý trưởng làm nhiệm vụ hòa giải, Emmanuel Poisson gọi đây là tòa cấp 1 (3). Ngoài ra, đối với những vụ có án mạng (giết người, trộm cướp làm chết người), Lý trưởng tại nơi xảy ra án mạng hoặc ở gần nơi đó phải lùng bắt can phạm, canh giữ xác nạn nhân và cùng quan phủ, quan huyện khám nghiệm (4). Lý trưởng còn có trách nhiệm quản thúc những người từ 14 tuổi trở xuống vi phạm pháp luật (5), giữ gìn an ninh ở xã mình, nếu để xảy ra trộm cướp sẽ bị trách phạt, nếu trong khoảng 3 năm yên ổn, không xảy ra những việc đó thì được khen thưởng (6). Năm Tự Đức thứ 5 (1852 ) còn quy định: những người từ 18 tuổi trở lên đến 55 tuổi đã chấp hành xong hình phạt đồ (khổ sai), nếu có thân thuộc thì giao thân thuộc quản lý, nếu không có thì giao lý dịch quản thúc chặt chẽ (7).
Cấp phủ, huyện: Một phủ có một số huyện (hoặc châu). Ở phủ, huyện có Tri phủ, Tri huyện. Tri huyện giao dịch thẳng với quan tỉnh không phải qua Tri phủ. Tri phủ, Tri huyện đồng thời là quan tòa.
Tri huyện xét xử những việc kiện về ruộng đất, hộ khẩu, giá thú, đánh bạc, đánh nhau, trộm cắp vặt (8). Xét xử lại những vụ xã đã giải quyết nhưng đương sự khiếu nại lên.
Tri phủ xét xử các việc trộm cướp và những việc huyện đã xử nhưng bị khiếu nại lên. Những vụ có án mạng thì phủ, huyện xử tạm (lấy lời khai) và trình hồ sơ vụ án lên tỉnh (9).
Theo Gs.Vũ Văn Mẫu thì các quan phủ, huyện cũng có nhiệm vụ hòa giải cho các đương sự, nếu không hòa giải được thì mới xét xử. Các án phạt trượng thì phải trình lên quan Án sát ở cấp tỉnh để thẩm xét lại. (10). Các tội về quân, lưu, đồ thì cấp phủ, huyện quyết định nơi phát đi đày (11). Có thể hiểu là cấp phủ, huyện có trách nhiệm thi hành các án này.
Tri huyện xét xử - Ảnh: TL
Cấp tỉnh: Ở tỉnh có quan Án sát xét việc hình, quan Bố chính xét việc hộ liên quan đến ruộng đất (12). Giúp việc cho quan Bố chính là Phiên ty với năm phòng tương đương với năm bộ, ngoại trừ Bộ Hình. Giúp việc cho quan Án sát là Niết ty do một thư lại điều hành một số nhân viên nhiều ít tùy tỉnh (13) .
Theo quy định về thẩm quyền xét xử của cấp phủ, huyện như nêu trên thì tỉnh có thẩm quyền xét xử lại những vụ phủ đã xét xử rồi nhưng có khiếu nại và xét xử những việc nặng như tội quân, lưu, đồ, xử tử (14).
Những vụ án các địa phương đã xử rồi mà có sự oan ức thì cho kêu lên quan công đồng xét lại (15). Tuy nhiên, theo quy định thì huyện xét xử rồi, nếu có oan ức cho khiếu lên phủ xử lại, nếu vẫn còn oan ức cho phép kêu lên tỉnh xử lại. Nếu ba bản án của các nha môn ấy cùng xử giống nhau thì không được xin xét xử lại nữa. Nếu còn xin xét lại nữa thì tùy theo nặng nhẹ mà trị tội (16).
1.2. Ở trung ương
Cũng như dưới triều Lê, chính quyền trung ương có 6 bộ: Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Công, Bộ Hình, các bộ này đều có quyền phúc thẩm những vụ án quan trọng thuộc quyền hạn của bộ mình, khi xét xử nếu có viên quan nào từ tam phẩm trở lên phải giáng cấp đổi đi hoặc cách chức, thì phải tâu trình lên nhà Vua (17). Bộ Hình có trách nhiệm “tổng hợp các việc hình án, nặng nhẹ, tha buộc” (18). Xét lại những án ở tỉnh có quan hệ đến nhân mạng mà chỉ xử phạt quân, lưu trở xuống. Đối với các án tử hình, Bộ Hình phải làm thành 3 danh sách: “Hạng tội tình đích thực; hạng nên hoãn việc xử quyết; hạng tình đáng thương, đáng ngờ, cho đình thần giữ mức công bằng xem kỹ bàn lại rồi tâu lên”.
Minh Mạng năm thứ 6 (1825 ) có Dụ rằng, sau khi đã giao đình thần xét lại các án này “…đến khi tâu trình lên, ta lại thân tự mở coi hai ba lần, xét xem kỹ có lẽ nào có thể cho sống được không, hoặc kẻ nào tội trạng rõ ràng đích xác, muôn phần không có phần nào đáng thương mà khoan rộng cho được, thì cũng còn xét đi xét lại năm sáu lần trong bản danh sách trích ra ấy. Đến khi móc bỏ ra cũng còn châm chước bàn xét cho đến khi không còn một chút nào nghi ngờ nữa , bấy giờ mới móc bỏ ra… (người viết in đậm) (19). Quan điểm chỉ quyết án khi không còn một chút nghi ngờ nào nữa quả là rất tiến bộ .
Công đồng được vua Gia Long định ra vào năm 1803, theo đó các quan văn từ chức Tham tri, tức đứng thứ hai sau Thượng thư ở các Bộ, võ từ chức Thống chế, Phó Đô Thống chế, Phó Tướng trở lên, mỗi tháng vào 4 ngày mồng 1, 8, 15, 23 đều phải đến họp ở tả vu (gian bên trái điện Cần Chánh) để họp công đồng. Năm thứ 4 (1804 ), các ngày công đồng đổi sang mồng 2, 9, 16, 24. Nơi họp cũng không ở tả vu nữa mà ở công thự của bên võ (Vũ công thự). Các quan văn, võ phải đến đông đủ, nếu vắng không xin cáo trước, thì lần đầu bị công nghị phê bình, lần hai công đồng phải trình lên Vua việc này.
Công đồng có nhiệm vụ:
-Những việc quan trọng mà các Bộ và quan có trách nhiệm không dám tự mình quyết được, sẽ trình công đồng quyết định. Nếu khó giải quyết không quyết được thì trình lên Vua.
-Các vụ án đã do quan tỉnh giải quyết rồi, nhưng đương sự thấy còn oan ức thì cho khiếu lên công đồng xét lại, chỉ những việc quan trọng khó xử thì mới phải trình lên Vua để lĩnh chỉ. Nếu chưa khiếu nại ở địa phương mà vượt bậc kêu lên công đồng thì đều không cho phép. Những quân, dân bị cường hào áp chế cũng cho kiện lên công đồng xét xử, nếu việc quan trọng thì trình lên Vua (20).
Lại cho đặt dưới cửa khuyết một hòm thư để mọi quân, dân ai có điều gì oan uổng hay bị người hãm hại thì làm đơn ký rõ họ tên bỏ vào hòm thư ấy để công đồng xét rõ phải trái (21).
Đình nghị, năm 1820, vua Minh Mạng đổi tên công đồng là đình nghị. Thành phần họp đình nghị được mở rộng: quan văn từ Thiêm sự ( bậc chánh tam phẩm) trở lên, võ từ Chưởng cơ (bậc tòng nhị phẩm) trở lên phải họp vào các ngày mồng 2, 8, 16, 24 tại Vũ công thự. Nếu có viên nào trong những ngày ấy bận việc (công hay tư) đều phải trình bày mới được cho miễn họp (22).
Ty Tam pháp, năm Minh Mạng thứ 13 (1832), ty Tam pháp được thiết lập, thay thế định chế đình nghị. Chỉ dụ lập ty nói: “Thần dân có sự kêu kiện, tất phải có quan giữ pháp luật xét rõ, để được công bằng thỏa đáng. Xét thêm về điển lệ của Bắc triều, có Bộ Hình, Viện Đô sát, Đại lý tự họp thành ty Tam pháp, để cho hình chính được công bằng, lại có đặt ra cái trống Đăng văn, cho thông đạt những tình u uẩn. Nay ba nha ấy ngoài chức vụ của ty mà làm việc, lại được gọi riêng là ty Tam pháp…”.
Công thự của ty này có biển đề là “Công chính đường”. Tam pháp ty có ấn bạc khắc chữ triện “tam pháp ty ấn” và dấu bằng ngà khắc chữ triện “tam pháp ty”. Mỗi tháng vào những ngày mồng 6, 16, 26 đường quan ở Bộ Hình, Viện Đô sát, Đại lý tự phải trực để nhận đơn kiện. Đơn kiện phải gồm 1 bản chính, 1 bản phụ. Khi ngồi xét việc, Bộ Hình ngồi giữa, Viện Đô sát ngồi bên trái, Đại lý tự ngồi bên phải, cùng bàn xử, sau đó làm thành tập đóng ấn triện, trình lên Vua.
Sau khi có chỉ của vua thì việc của nha nào chuyển cho nha ấy thực hiện theo chỉ. Ngoài 3 ngày đó, nhân viên ty Tam pháp thay nhau ứng trực, nếu có phong thư kín dân tố mật, và sự việc đích xác là quan trọng, oan khuất thì cho đánh 4,5 tiếng trống Đăng văn (23).
Minh Mạng năm thứ 15 (1834 ) lại quy định: Nha môn ty Thông chính (ty có nhiệm vụ tiếp nhận sớ tấu, kiểm phát văn thư, chuyển nhận công văn …), mỗi ngày phải cử 1 người cùng với người của ty Tam pháp trực ở công chính đường. Khi có người đánh trống Đăng văn nộp đơn kiện thì phải ghi lấy, phòng ty Tam pháp giấu đi hay để chậm xét đơn, thì ty Thông chính phải tham hặc ngay(24).
Như vậy,các định chế công đồng, đình nghị, ty Tam pháp có thẩm quyền xét xử cao nhất, tương tự như Tòa án tối cao ngày nay.
2.Thời hạn xét xử
2.1.Thời hạn sơ thẩm
Gia Long năm thứ nhất (1802) quy định: Các án nhân mạng, trộm cướp, tranh chấp giới hạn đất đai hạn là 3 tháng; các án hộ, hôn, điền thổ, tài sản, đánh nhau hạn là 2 tháng; các án lăng mạ, tiền nợ, tất cả các việc kiện lặt vặt hạn là 2 tháng, ngay sau đó loại việc này được rút ngắn thời hạn xuống còn 1 tháng.(25)
Minh Mạng năm thứ 8 (1827), quy định cụ thể hơn các thời hạn này : những tội nên xử giảo giam hậu cũng vẫn giữ hạn xét xử là 3 tháng ; tội nên xử lưu, đồ thì hạn là 2 tháng ; tội nên phạt xuy, trượng thì hạn là 1 tháng (26).
Về án mạng, thời hạn 3 tháng tính từ ngày bắt được can phạm đến xét hỏi; các việc khác, thời hạn đều tính từ ngày bên bị cáo đến đối chất cung khai.
Đối với những vụ án tình tiết phức tạp khó khăn, không thể xét xử trong hạn định được thì cho phép trình rõ với quan trên xin gia hạn thêm cho một hạn và không được xin gia hạn thêm lần nữa (27).
Đối với những việc tạp tụng bình thường, khi đã gọi hai bên đến nha môn, các phủ, huyện, châu phải xét hỏi ngay, “lấy lời phân xử” (có thể hiểu là hòa giải ?!), nếu sự việc đã rõ ràng thì xử đoán ngay rồi tha cho hai bên đều về (28). Có thể thấy ngay từ thời này, những vụ án đơn giản, rõ ràng đã được giải quyết ngay trong ngày đến “tòa”, mà không có thời hạn xét xử như các vụ án khác.
2.2.Thời hạn phúc thẩm
Như đã dẫn ở trên, các vụ án được kháng cáo hai lần: Huyện xử rồi, được kháng cáo lên phủ, phủ xử lại mà vẫn không phục thì được kháng cáo lên tỉnh, tỉnh xử phúc thẩm lần thứ hai mà vẫn giữ như án của phủ và huyện thì không được khiếu nữa. Tuy nhiên, không thấy quy định về thời hạn phúc thẩm, nhưng năm 1827, vua Minh Mạng lại có quy định về thời hạn “xét duyệt” án đã xử: huyện xét xử xong thì giải lên phủ, trong hạn 20 ngày phủ phải xét duyệt xong rồi giải lên trấn (đến 1831-1832, trấn đổi là tỉnh) và cũng trong 20 ngày trấn phải xét duyệt cho xong rồi giải lên nha môn trên (29) . Ở đây không rõ “xét duyệt” cụ thể là thế nào.
3. Chế tài đối với việc để án quá hạn, xử án oan sai
3.1 Đối với việc để án quá hạn: Hàng năm các huyện, phủ, Phiên ty, Niết ty phải làm báo cáo nêu rõ thời hạn xét xử các vụ án của mình. Nếu để án quá hạn xét xử thì tùy theo nặng, nhẹ mà bị phạt bổng, trừ lương, giáng cấp lưu nhiệm,giáng cấp đổi đi. Thí dụ: Nếu viên quan nào xét xử những án có thời hạn xét xử 3 tháng, 2 tháng mà đều chậm nhất cả, thì cộng số án theo mức nặng mà nghị tội, nhưng cũng chỉ đến giáng ba cấp được lưu nhiệm. Nếu xét xử những án có thời hạn xét xử 3 tháng, 2 tháng, 1 tháng mà đều về hạng chậm nhất cả thì bị giáng 4 cấp đổi đi (30).
3.2 Đối với việc xử án oan sai: Khi xét xử lại những án, nếu thấy quan xét xử trước không công bằng, thì quan xét xử sau chiếu theo việc nặng nhẹ mà xử phạt quan xét xử trước. Viên nào bị phạt từ hai lần trở lên, thì xử tội biếm hay bãi (31). Viên quan nào theo ý riêng của mình mà xử thiên lệch, hoặc án nặng mà cho là việc vặt thì theo mức nặng mà trị tội (32). Xử oan cho người thì quan xử trước bị xử tội “cố ý hoặc lầm lỡ buộc tội cho người”(33). Nếu kẻ tù phạm khiếu nại rõ ràng là oan ức, mà công đồng không xét lại cho công bằng thì cũng bị chiểu luật mà trị tội (34).
Có thể thấy chế tài đối với việc xét xử quá hạn và xét xử oan sai cũng rất nghiêm khắc, quan triều đình ở công đồng mà xử không công bằng cũng bị trị tội.
4. Kết luận
Tiếp thu kinh nghiệm từ triều Lê, triều Nguyễn đã tổ chức hệ thống “Tòa án“ có nhiều điểm tiến bộ.
Tổ chức cấp xã có thẩm quyền hòa giải để giảm bớt việc kiện tụng trong nhân dân.
Những việc đơn giản, rõ ràng được phủ và huyện “lấy lời phân xử” không phải qua thủ tục như những việc khác.
Tổ chức một hệ thống “tòa án “ đa cấp đảm bảo việc kiểm tra ,giám sát chặt chẽ tránh việc lạm quyền, oan sai. Đảm bảo việc xét xử được công minh.
Việc xét duyệt án tử hình rất thận trọng, quan điểm của vua Minh Mạng chỉ khi không còn một chút nào nghi ngờ nữa mới chuẩn y án tử hình là một quan điểm rất tiến bộ. Ngày nay, đây là nguyên tắc chỉ kết tội một người khi đã vượt qua sự nghi ngờ hợp lý được ghi nhận trong nhiều hệ thống tố tụng hình sự trên thế giới.
Chú thích
(1) Lê Thành Khôi , Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc dến giữa thế kỷ XX- Nhã Nam- Nxb Thế giới 2014, tr 392 ,
(2) Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ ( KDĐNHĐSL ), Nxb Thuận Hóa ,Huế 1993, Tập 11 tr 153, Tập 12 tr 236,237
(3) Emmanuel Poisson, Quan và lại ở miền bắc Việt Nam, một bộ máy hành chính trước thử thách (1820-1918 ), Nxb Đà Nẵng 2006, tr 43,
(4) KĐĐNHĐSL Tập 11 tr 154, Tập 12 tr 126,
(5) KĐĐNHĐSL Tập 12 tr 13,17
(6) KĐĐNHĐSL Tập 12 tr 113
(7) Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ tục biên Tập 8Nxb Khoa học xã hội 2009 ,tr 106,
(8) KĐĐNHĐSL Tập 11 tr 153, 154
(9) KĐĐNHĐSL Tập 3 tr 105, Tập 12 tr 470
(10) Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử diễn giảng, quyển thứ hai, Chương trình cử nhân luật năm thứ hai, Sài Gòn 1975, tr 245 ,
(11) KĐĐNHĐSL Tập 12 tr 467
(12 ) Vũ Quốc Thông, Pháp chế sử Việt Nam, Sài Gòn 1968, tr383
(13 ) Emmanuel Poisson, Sdd, tr 42
(14) Tội xuy: đánh bằng roi mây nhỏ (có 5 bậc), tội trượng: đánh bằng sợi mây to vừa ( có 5 bậc), tội đồ: bắt làm nô lệ (có 5 bậc ), tội lưu: đem đày đi nơi xa (có 3 bậc ), tội quân là sung làm quân ở nơi xa, tội xử tử có hai bậc: thắt cổ cho chết (giảo) và chém chết (trảm).
(15)KĐĐNHĐSL Tập 11 tr 219,
(16) KĐĐNHĐSL Tập 12 tr 236,
(17 )KĐĐNHĐSL Tập 11 tr 43,
(18 ) KĐĐNHĐSL Tập 11 tr 265, ,
(19) KĐĐNHĐSL Tập 12 tr 473, 485,
(20) KĐĐNHĐSL Tập 11 tr 219,
(21 )KĐĐNHĐSL Tập 12 tr 230,
(22 )KĐĐNHĐSL Tập 3 tr 163, 168
(23)KĐĐNHĐSL Tập 14 tr 191,192,
(24) KĐĐNHĐSL Tập 14 tr 188,
(25)KĐĐNHĐSL Tập 3 tr 104, Tập 11 tr 156
(26)KĐĐNHĐSL Tập 11 tr 245,
(27)KĐĐNHĐSL Tập 11 tr 156, 240,
(28)KĐĐNHĐSL Tập 11 tr 155, 240, 250,
(29)KĐĐNHĐSL Tập 11 tr 244 ,
(30) KĐĐNHĐSL Tập 11 tr 253,
(31) KĐĐNHĐSL Tập 12 tr 236,
(32 )KĐĐNHĐSL Tập 12 tr 238, 364,
(33) KĐĐNHĐSL Tập 12 tr 465
( 34 ) KĐĐNHĐSL Tập 12 tr 467
Cổng Tam pháp ty - Ảnh: Thái Vũ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận