A có phạm tội trộm cắp tài sản?

Đến nhà người nợ tiền lấy một bàn ghế để buộc người nợ phải trả tiền, hành vi đó có phạm tội trộm cắp tài sản hay không? Tình huống này hiện có những quan điểm giải quyết khác nhau.

A (dân tộc thiểu số, trình độ học vấn 6/12) và B có thoả thuận với nhau về việc B vay tiền của A để xây nhà. Số tiền vay theo thoả thuận là 200 triệu đồng, không có lãi suất, thời hạn vay là đến khi xây xong nhà. Khi công trình thi công và nghiệm thu xong, B trả cho A 110 triệu đồng, số tiền còn nợ lại B là 90 triệu đồng hẹn 1 tháng sau sẽ trả đủ. Tháng sau, do không thấy B trả số tiền còn lại nên A gọi điện cho B nhiều lần để đòi nợ, nhưng do B đổi số điện thoại nên không liên lạc được.

Sau nhiều lần gọi điện nhưng không liên lạc được, A đến nhà B để nói chuyện. Đến nơi thì B đi công tác dài ngày không có ở nhà, A chỉ gặp C là người giúp việc của B (A và B có quen nhau do đã nhiều lần qua nhà chơi). Lúc này, A thấy trong kho của B có bộ bàn ghế gỗ nên đã nảy sinh ý định lấy để gán nợ. Vì vậy A đã thuê xe đến chở bộ bàn ghế của B với tổng trị giá khoảng 30 triệu đồng về nhà. Lúc này C biết nhưng tưởng rằng A và B đã thoả thuận với nhau về việc này nên không có ý kiến gì.

Nửa tháng sau B về thì phát hiện trong kho mất bộ bàn ghế gỗ, sau khi được C kể lại sự việc trên, B đã đến cơ quan chức năng để trình báo sự việc. Tại cơ quan chức năng A khai báo rằng mục đích mình lấy bọ bàn ghế là để giữ cho đến khi B trả hết số tiền sẽ trả lại chứ không nhằm muc đích chiếm đoạt tài sản. Thực tế số tài sản đó vẫn đang được cất giữ tại nhà của vợ A.

* Quan điểm về vụ án

- Quan điểm thứ nhất: A phạm tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 173 BLHS, do A đã có hành vi lén lút đối với chủ sở hữu tài sản là B để lấy số tài sản trên. Thời điểm tội phạm hoàn thành khi tài sản được dịch chuyển ra khỏi kho nhà B. Nếu A không có ý định trộm cắp thì tại sao sau khi lấy tài sản không thông báo cho C biết về việc mình giữ tài sản nhằm mục đích buộc B phải trả nợ cho mình và trong suốt một thời gian dài (nửa tháng) vẫn không thông báo cho B biết. Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi quyền sở hữu đối với tài sản được pháp luật bảo vệ, không ai có thể hạn chế hoặc tước đoạt quyền sở hữu của người khác trái quy định của pháp luật.

- Quan điểm thứ hai: Hành vi của A không đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” bởi vì: Trước khi đến nhà B, A đã gọi điện nhiều lần cho B nhưng không liên lạc được nên không thể thông báo cho B biết việc mình lấy bộ bàn ghế. Hơn nữa do A là người đồng bào dân tộc thểu số, nhận thức còn đơn giản nên A nghĩ rằng việc có thông báo cho C biết hay không cũng không ảnh hưởng gì; việc mình lấy số tài sản đó chỉ là để làm điều kiện cho B phải trả số tiền nợ còn lại.

Bên cạnh đó, đối với tội trộm cắp tài sản thì mục đích chiếm đoạt tài sản là một yếu tố quan trọng trong cấu thành tội phạm. Chiếm đoạt tài sản là hành vi cố ý dịch chuyển một cách trái pháp luật tài sản, quyền tài sản đang thuộc sự quản lý của chủ sở hữu hợp pháp thành tài sản thuộc sở hữu của mình. Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự thì quyền sở hữu tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Trong trường hợp này A chỉ giữ tài sản để làm cơ sở buộc B phải trả số tiền còn nợ chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Vì vậy không thể xét xử A về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 BLHS.

Trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều trường hợp lấy tài sản để gán nợ, những hành vi trên cần được xem xét và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Trên đây là nội dung và quan điểm về hình huống trên, rất mong nhận được sự trao đổi từ đồng nghiệp và bạn đọc./.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử vụ án Trộm cắp tài sản - Nguồn: TAND GL

BÙI VIẾT VINH (Toà án Quân khu 5)