Án treo – từ thực tiễn thi hành Nghị quyết số 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC
Nghị quyết số 01/2013/NQ- HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS về án treo quy định chi tiết, bổ sung, giải quyết những hạn chế, vướng mắc của Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của HĐTP TANDTC, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng chính xác, thống nhất các quy định của pháp luật về việc cho người phạm tội được hưởng án treo. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng những hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013 nêu trên cũng có nhiều bất cập, nhất là khi Bộ luật hình sự 2015 hạn chế việc áp dụng hình phạt tù mà tăng cường áp dụng hình phạt không tước tự do, thì việc sửa đổi Nghị quyết số 01/2013 là yêu cầu cấp bách hiện nay...
1.Khái niệm về án treo và thực tiễn áp dụng.
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ, hạn chế quyền lợi của người phạm tội. Theo Điều 31 Bộ luật hình sự năm 2015 thì “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”. Bên cạnh việc áp dụng các hình phạt, Việt nam cũng như một số quốc gia khác còn sử dụng các biện pháp khác trong đó có án treo.
Ở nước ta, chế định án treo được qui định ngay từ những năm đầu của Nhà nước dân chủ nhân dân và tồn tại cho đến ngày nay, mặc dù chưa có văn bản luật nào đưa ra định nghĩa chính thức án treo là gì, song nhìn chung các văn bản đều đưa ra những qui định về án treo, điều kiện được hưởng án treo. Trải theo dòng lịch sử lập pháp Việt Nam, các quy định về án treo có một số thay đổi và ngày càng hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.
Kế thừa và phát huy các quy định của pháp luật về chế định án treo, Nghị quyết số 01/2013 ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra khái niệm về án treo như sau:
“Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần buộc phải chấp hành hình phạt tù”.
Từ khái niệm chung về án treo, rút ra nhận xét về đặc điểm của án treo như sau:
Thứ nhất: án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, không phải là hình phạt tù, đây là điểm cần phân biệt. Pháp luật Hình sự Việt Nam quy định bảy hình phạt chính trong đó có hình phạt tù,và án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù trong các trại giam khi người phạm tội có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành;.
Thứ hai: Người được hưởng án treo sẽ phải chịu một thời gian thử thách từ một đến năm năm, thời gian thử thách bằng hoặc lớn hơn mức phạt tù. Trong thời gian thử thách phải chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan tổ chức được Tòa án giao trách nhiệm giám sát, giáo dục;
Thứ ba: Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù bị xóa bỏ, người được hưởng án treo buộc phải chấp hành hình phạt tù trong bản án mà Hội đồng xét xử đã cho hưởng án treo trước đó và tổng hợp với hình phạt của bản án về tội phạm mới theo quy định tại Điều 56 BLHS 2015.
Có thể khẳng định, chế định án treo là một chế định pháp luật tiến bộ, biểu hiện cụ thể nguyên tắc trừng trị kết hợp với khoan hồng, tính nhân đạo trong pháp luật hình sự của nước ta. Và điều này tiếp tục được minh chứng, khi Bộ luật Hình sự 2015 tiếp tục duy trì điều luật quy định về án treo, đồng thời hạn chế áp dụng hình phạt tù, bổ sung quy định áp dụng hình phạt tiền đối với cả những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng đối với các tội phạm thuộc Chương các tội phạm về quản lý kinh tế.
Trong những năm qua, việc áp dụng chế định án treo trong công tác xét xử của các Tòa án nhân dân trong toàn quốc, cơ bản là áp dụng đúng các quy định của pháp luật và vận dụng đúng các điều kiện để cho hưởng án treo, tác dụng của việc áp dụng chế định án treo, cũng có nhiều tác dụng trong việc giáo dục người phạm tội hướng thiện, tỷ lệ tái phạm đối với người được hưởng án treo thấp hơn nhiều so với người bị phạt tù tái phạm. Ví dụ như ở tỉnh Bắc Ninh, trong ba năm 2015, 2016, 2017, Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh xét xử 7.508 bị cáo, trong đó cho hưởng án treo 2.205 bị cáo, thì số người phạm tội trong thời gian thử thách là 3%. Áp dụng hình phạt tù là 5.303 bị cáo, thì số tái phạm là 11,8%. Qua tỷ lệ trên, cũng đã chứng minh những kết quả tích cực của việc áp dụng chế định án treo – tạo điều kiện cho những người trót lầm lỡ mà phạm tội, có bản chất tốt, phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nhân thân tốt được có cơ hội cải sửa. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay, hạn chế những hình phạt mang tính chất giam giữ. Đồng thời cũng cho thấy hiệu quả giáo dục của việc áp dụng chế định án treo, cao hơn so với việc áp dụng hình phạt tù.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp, không ít nơi có sự lạm dụng việc cho hưởng án treo nên đã gây ra sự nghi ngờ có tiêu cực từ phía Thẩm phán. Nhiều trường hợp đáng xử phạt tù giam thì lại cho hưởng án treo đã gây ra tâm lý coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. Chính vì lý do đó mà nhiều người cho rằng, đằng sau bản án treo là có tiêu cực, trước những dư luận xã hội thiếu tích cực đối với tình hình áp dụng án treo, cho rằng án treo không có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm, đồng thời cũng nghi ngờ có tiêu cực của thẩm phán. Lý do khác là quy chế kỷ luật trong quản lý Thẩm phán cũng làm cho một số Thẩm phán e ngại trong áp dụng án treo, khiến nhiều Thẩm phán có tâm lý ngại xử án treo, dẫn đến nhiều trường hợp người phạm tội có đủ điều kiện để hưởng án treo mà không được hưởng án treo gây thiệt thòi cho họ và không bảo đảm các nguyên tắc nhân đạo và công bằng trong Luật hình sự Việt Nam.
Vấn đề đó thể hiện trong việc thanh tra của Tòa án nhân dân tối cao về công tác xét xử năm 2017, đã kiến nghị và kháng nghị nhiều vụ án mà người phạm tội đáng được hưởng án treo nhưng cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo.
So sánh việc cho hưởng án treo của Việt Nam với các nước khác trên thế giới thì tỷ lệ cho hưởng án treo của Việt Nam còn thấp hơn nhiều. Theo nghiên cứu của Phó Giáo sư. Tiến sĩ Trần Văn Độ thì “trong khoảng 10 năm (2007-2016), tỉ lệ bị cáo được hưởng án treo tăng đến năm 2009 và giảm dần; đặc biệt là từ năm 2014, sau khi Nghị quyết 01 được ban hành và có hiệu lực. Năm 2008 tỉ lệ các bị cáo được hưởng án treo chiếm khoảng 28% người bị kết án”. Kết quả xét xử phúc thẩm cũng cho thấy số bản án sơ thẩm bị sửa từ phạt tù chuyển sang cho hưởng án treo thường cao gấp 3-4 lần số bản án sơ thẩm bị sửa từ án treo sang phạt tù. Từ đó cho thấy nhiều bị cáo đáng lẽ có thể được hưởng án treo nhưng tòa không mạnh dạn quyết định. Ở các nước, tỉ lệ người phạm tội bị kết án phạt tù chỉ chiếm 50%-60%, còn ở Việt Nam khoảng 80 – 83%”.
Cũng theo số liệu thống kê, tổng hợp của Tòa án nhân dân tối cao thì:
– Năm 2015: có 21.450 bị cáo được hưởng án treo/106.078 bị cáo; chiếm tỷ lệ 20,2%.
– Năm 2016: có 18.443 bị cáo được hưởng án treo/103.985 bị cáo; chiếm tỷ lệ 17,7%.
Năm 2017: có 17.644 bị cáo được hưởng án treo/94.423 bị cáo; chiếm tỷ lệ 18,7%.
Sở dĩ có tình trạng trên, là do hướng dẫn áp dụng án treo quá chặt, thu hẹp phạm vi áp dụng; tâm lý, thói quen phạt tù trong truyền thống xét xử của Tòa án, coi phạt tù là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất trong phòng, chống tội phạm.
Tóm lại: Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Việc cho bị cáo được hưởng án treo thể hiện chính sách nhân đạo của Pháp luật xã hội chủ nghĩa, có mục đích khuyến khích người bị kết án tự lao động cải tạo dưới sự giám sát của xã hội, sự giúp đỡ khuyến khích của cộng đồng, người thân, tạo cho họ có cơ hội trở thành người có ích mà không nhất thiết bắt buộc cách ly họ ra khỏi xã hội.
2.Những vướng mắc về việc cho hưởng án treo xuất phát từ chính hướng dẫn tại Nghị quyết số 01 ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Nghị quyết số 01/2013/NQ- HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS về án treo quy định chi tiết, bổ sung, giải quyết những hạn chế, vướng mắc mà Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của HĐTP TANDTC để lại, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng chính xác, thống nhất các quy định của pháp luật về việc cho án treo phạm tội được hưởng án treo. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng những hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013 nêu trên cũng có nhiều bất cập, nhất là khi Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 theo hướng hạn chế bớt việc áp dụng hình phạt tù mà tăng cường áp dụng hình phạt không tước tự do, thì việc sửa đổi Nghị quyết số 01/2013 là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Chính vì lý do đó, từ các ngày 4 – 5/11/2017 tại thị xã Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết thực tiễn thi hành Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06-11-2013 hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo”. Do PGS.TS Nguyễn Hòa Bình – Bí thư Trung ương Đảng – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chủ trì.
Thông qua Hội thảo cho thấy, Nghị quyết số 01/2013 nói trên đã bộc lộ nhiều bất cập và vướng mắc không còn phù hợp với những quy định tại Bộ luật hình sự 2005 như sau:
Thứ nhất: Tại điểm b khoản 1 Điều 2 nêu:
Chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây: (được quy định tại 5 điểm, từ a đến đ, và phải có đủ các điều kiện này)
“a) Bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 8 của Bộ luật hình sự;
b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật.”
Trên thực tiễn có rất nhiều trường hợp bị cáo là công dân của địa phương nào đó, nhưng không cư trú và sinh sống tại địa phương đó mà đi làm ăn ở nơi khác, mỗi năm chỉ về 1, 2 lần nên họ không biết việc phải đóng góp các nghĩa vụ tại địa phương như thế nào nên không đóng góp đầy đủ. VD: không đóng quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa…..Trường hợp này có bị coi là không “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú” hay không?, Khi áp dụng tình tiết này có cần thiết phải có ý kiến nhận xét, đánh giá của chính quyền địa phương hay không? Như báo đài đã đưa tin, có trường hợp học sinh đỗ Đại học nhưng UBND xã khi xác nhận lý lịch đã ghi gia đình không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ở địa phương, gây khó khăn cho HS khi nhập trường. Theo chúng tôi, đây là một tình tiết bất lợi cho bị cáo, vì vậy không nên áp dụng.
Điểm đ quy định:
“đ) Có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng”.
Như thế nào là ảnh hưởng xấu? Đây là quy định mang tính định tính dẫ đến nhiều cách hiểu khác nhau và không thể áp dụng thống nhất được. do vậy, cần phải có hướng dẫn, giải thích, làm rõ nếu không thì không nên quy định.
Thứ hai: Không cho hưởng án treo nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“a) Người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị quy định tại khoản 2 Điều 3 của Bộ luật hình sự bao gồm: người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”.
Hiện nay chưa có văn bản nào về giải thích từ ngữ thế nào là “lưu manh”, chỉ có hướng dẫn tại một số tội phạm về tình tiết “côn đồ”; VD: trong tội Cố ý gây thương tích có tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt là “có tính chất côn đồ”. Nếu bị cáo gây thương tích cho bị hại với tỷ lệ tổn thương dưới 11% nhưng thuộc trường hợp “có tính chất côn đồ” hoặc tỷ lệ tổn thương từ trên 11% đến dưới 31% và cũng thuộc trường hợp “có tính chất côn đồ”, nhưng họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 46 (nay là Điều 51) và không có tình tiết tăng nặng TNHS (hoặc có tình tiết tăng nặng nhưng khi đối trừ vẫn đảm bảo đủ 2 tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1) thì có cho hưởng án treo không?
Trong trường hợp này, nếu cho hưởng án treo thì phù hợp với quy định tại điểm d Điều 1 của Nghị quyết, nhưng lại trái với quy định tại điểm a Điều 2.
“d) Không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự; nếu có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phải có từ ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự”.
– Về tình tiết “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội”. Sau khi Nghị quyết ra đời, việc áp dụng đường lối xét xử các vụ án liên quan đến chức vụ, quyền hạn rất khó khăn. Thực tế tại tỉnh Bắc Ninh đã xét xử nhiều vụ án cán bộ xã, cán bộ thôn “bán đất trái phép” để lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương như: đường, trường, trạm…phục vụ cho lợi ích cục bộ của địa phương. Các bị cáo đều không chứng minh được có tư lợi. Đối với các vụ án này, các bị cáo đều bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 BLHS. Theo đúng Nghị quyết hướng dẫn thì các bị cáo không được hưởng án treo.
Quy định “cứng” như vậy là không hợp lý, bởi lẽ đối với các bị cáo giữ chức vụ có tính quyết định như Chủ tịch, Bí thư xã…không cho hưởng án treo là phù hợp, nhưng đối với các đồng phạm khác như các cán bộ thôn (trưởng thôn, bí thư, chủ nhiệm, thủ quỹ…) mà xử phạt tù giam, mặc dù họ có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ…là không phù hợp với nguyên tắc xử lý tội phạm. Hơn nữa về thiệt hại do các hành vi phạm tội này gây ra về lý luận thì có vẻ như gây thiệt hại về vật chất cho lợi ích của Nhà nước, nhưng về thực tiễn thì địa phương và người dân lại được hưởng lợi, còn người vi phạm không được hưởng lợi gì, nhưng lại phải vào tù.
– Điểm d quy định không cho hưởng án treo trong trường hợp: “Bị cáo bỏ trốn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án đã đề nghị truy nã”
Vậy đối với trường hợp trong giai đoạn điều tra, truy tố; bị can, được tại ngoại nhưng đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở cho việc điều tra vụ án, cơ quan điều tra phải ra lệnh truy nã sau mới bắt được nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS thì có cho hưởng án treo không? Đây là vấn đề mà NQ chưa nêu.
Điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP quy định: “….. không được xử phạt án tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án……” Vậy như thế nào là tội phạm mà dư luận xã hội đặc biệt lên án. Trong xã hội công nghiệp hóa hiện đại hóa như hiện nay, người dùng mạng xã hội, các tờ báo điện tử xuất hiện ngày càng nhiều, tầm ảnh hưởng từ những thông tin trên mạng xã hội, trên các báo “không chính thống” tác động trực tiếp đến tâm lý của người dân. Có những thông tin không chính xác, xuyên tạc xuất hiện có “sự tác động của người trong cuộc” cố tình tạo ra để thu hút, kích động người dân gây áp lực cho cơ quan tiến hành tố tụng và tạo nên làn sóng dư luận dữ dội khiến chính người cầm cân nảy mực phần nào đó cảm thấy lúng túng trong việc xác định có thuộc trường hợp “dư luận xã hội lên án” hay không?
Tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết cũng đã nêu: “Trường hợp người phạm tội có án tích nhưng đã được xóa án tích, được đương nhiên xóa án tích thì coi là chưa bị kết án; đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật thì được coi là chưa bị xử lý hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật, nhưng không phải là có nhân thân tốt”. Theo chúng tôi, hướng dẫn như vậy cũng chưa phù hợp, vì quy định về xóa án tích là quy định hướng thiện nhằm tạo điều kiện cho người đã phạm tội có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng và là động lực để phấn đấu hoàn lương, nếu hướng dẫn như trên thì vô hình dung chúng ta đã khẳng định một người nào đó chỉ một lần phạm tội thì cả đời không bao giờ được coi là người có nhân thân tốt! Theo cách hiểu của tôi, luật pháp đã quy định “người được xóa án tích thì coi như chưa bị kết án” và như vậy cũng cần hiểu họ coi như chưa phạm tội vì chỉ có phạm tội thì mới bị kết án!
Thứ ba: Về quyết định hình phạt dưới mức khởi điểm của khung hình phạt quy định:
“b) Những trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nếu có đủ điều kiện để áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự thì cũng phải xử trong khung hình phạt liền kề là đã thể hiện chính sách khoan hồng đối với họ; không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng;…”. Quy định trên không còn phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự 2015 vì:
Theo khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 thì “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.”Do vậy, nếu không sửa đổi lại hướng dẫn trên tại Nghị quyết số 01/2013, thì vô hình dung hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013 đã trái với quy định của Bộ luật hình sự 2015.
Thứ tư: Về quy định mới tại khoản 5 Điều 65 BLHS 2015 về án treo.
Khoản 5 Điều 65 BLHS 2015 có quy định:
“Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”
Theo quy định tại Điều 64 Luật Thi hành án hình sự, thì nghĩa vụ của người được hưởng án treo là:
“1.Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục.
Trường hợp người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên thì phải khai báo tạm vắng.
Ba tháng một lần trong thời gian thử thách người được hưởng án treo phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục; trường hợp đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng, thì phải có nhận xét của Công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình với Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người đó”.
Quy định tại Điều 64 Luật Thi hành án là cần thiết, song thực tế có tới gần 100% những người được hưởng án treo không biết tới quy định tại Điều 64 nói trên và đã có bao nhiêu UBND cấp xã phổ biến cho người được hưởng án treo biết được nghĩa vụ của họ phải tuân thủ như quy định tại Điều 64 Luật Thi hành án hình sự? Trong khi đó quy định tại Điều 64 lại có vẻ chung chung và cũng còn mang tính định tính và ngặt nghèo như: Thế nào là thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân, như trên phân tích, nếu không đóng góp vào các quỹ như khuyến học, đền ơn đáp nghĩa thì có bị coi là chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân không? Đã có bao nhiêu trường hợp được hưởng án treo mà đi khỏi địa phương từ 01 ngày trở lên mà khai báo tạm vắng chưa? Rồi ba tháng một lần trong thời gian thử thách người được hưởng án treo tự giác làm bản tự nhận xét… Theo tôi cần phải có một đợt tổng kiểm tra các địa phương về việc quản lý, giám sát những người được hưởng án treo xem mức độ tuân thủ Điều 64 Luật thi hành án hình sự đến đâu, từ đó có những biện pháp cụ thể giáo dục, tuyên truyền cho những người được hưởng án treo biết được và phải tuân thủ các quy định tại Điều 64 nói trên, nếu họ cố tình không thực hiện thì mới xem xét theo quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS. Nếu áp dụng ngay, không cẩn thận sẽ thành áp dụng tràn lan và không bảo đảm sự công bằng, vô tư của chính quyền cấp xã khi quản lý những người được hưởng án treo và phải chịu thời gian thử thách theo quy định của pháp luật.
Khoản 5 Điều 65 BLHS cũng chỉ quy định chung chung về thẩm quyền của Tòa án “có thể buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho họ hưởng án treo…”. Theo tôi đây là thủ tục tố tụng đặc biệt, song Bộ luật tố tụng hình sự 2015 lại không có điều luật nào quy định về vấn đề này. Vậy, giả sử có trường hợp người được hưởng án treo mà trong thời gian thử thách vi phạm nhiều lần nghĩa vụ theo quy định tại Điều 64 Luật Thi hành án hình sự thì xử lý như thế nào? Theo trình tự nào? Thủ tục thông thường hay thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm? Nếu là thủ tục thông thường thì việc ra quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho họ hưởng án treo là thẩm quyền của Tòa án nào? Tòa án đã xử sơ thẩm hay Tòa án nơi người đó cư trú? Nếu là Tòa án nơi cư trú thì giả sử Tòa án xử cho họ được hưởng án treo là Tòa án tỉnh mà Tòa án nơi cư trú lại là Tòa án huyện, thì trong trường hợp này Tòa án cấp huyện coi như đã sửa bản án đã có hiệu lực pháp luật của cấp tỉnh, như vậy có đúng không? Có phải thành lập Hội đồng để ra quyết định hay chỉ cần quyết định của một mình Thẩm phán hay thuộc thẩm quyền của Chánh án, Phó chánh án. Đây là vấn đề phức tạp cần có hướng dẫn cụ thể để có căn cứ áp dụng thống nhất trong toàn quốc!
Thứ năm: Về vấn đề phạm tội trong thời gian thì theo hướng dẫn tại tiểu mục 6.3 khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 01 ngày 02/10/2007
“6.3. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì trong mọi trường hợp Toà án quyết định buộc họ phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của BLHS”.
Sau khi đã có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đặc biệt là hướng dẫn tại điểm 6.3 thì có thể hiểu, trong mọi trường hợp bất cứ người nào được hưởng án treo mà phạm tội trong thời gian thử thách, thì trong mọi trường hợp, mức án treo đã được tuyên ở bản án trước sẽ được chuyển thành án giam, tổng hợp với mức hình phạt của bản án mới, buộc người này phải chịu hình phạt chung cho cả hai bản án theo quy định tại Điều 51 (nay là Điều 56) Bộ luật hình sự. Cho dù bản án trước chưa có hiệu lực pháp luật, nếu Thẩm phán nào không tổng hợp theo quy định tại Điều 60 (nay là Điều 65) và Hướng dẫn tại Nghị quyết số 01 thì bản án sẽ bị hủy. Theo chúng tôi, đã là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn thì bắt buộc các Tòa án cấp dưới phải chấp hành. Tuy nhiên, theo tôi hướng dẫn như vậy cũng chưa hợp lý, vì hướng dẫn như vậy thì kể cả trường hợp một người nào đó được hưởng án treo và kể cả trường hợp bản án chưa có hiệu lực pháp luật mà phạm tội mới thì hình phạt án treo của người đó đã được tuyên sẽ được chuyển thành án giam để tổng hợp với hình phạt của bản án mới. Ví dụ: Nguyễn Văn D bị Tòa án thành phố BN xử 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự. Án sơ thẩm xử xong được chín ngày thì D lại phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Như vậy, khi xét xử Tòa án xử D 24 tháng tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đồng thời chuyển 09 tháng án treo tại bản án trước thành án giam để tổng hợp buộc D phải chịu hình phạt chung cho cả hai tội.
Hướng dẫn trên là chưa phù hợp bởi lẽ: Tại Điều 72 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, được sửa đổi, bổ sung theo NQ số 51/2001/QH 10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội và Điều 9 của BBLTTHS năm 2003 đã quy định “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Tại Điều 255 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định “Những bản án và quyết định được thi hành là những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật…”. Tại Điều 31 Hiến pháp 2013 và Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật…” Trong trường hợp ví dụ trên, rõ ràng bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án thành phố BN xét xử Nguyễn Văn D 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội trộm cắp là chưa có hiệu lực pháp luật, vì khi D phạm tội mới thì bản án xét xử đối với D mới là chín ngày, vẫn trong thời hạn chống án, mà bản án chưa có hiệu lực thì cũng chưa thể coi D là người có tội và phải chịu hình phạt vì bản án đối với D thực chất cũng chưa có quyết định được thi hành. Do vậy, việc tổng hợp hình phạt đối với D theo Điều 51 (nay là Điều 56) Bộ luật hình sự là bất lợi cho D, giả xử bản án của Tòa án thành phố BN mà có kháng cáo, kháng nghị và Tòa án cấp phúc thẩm thấy chưa đủ cơ sở để kết tội bị cáo thì sao. Theo chúng tôi trong trường hợp này nên áp dụng theo hướng dẫn tại Điều 7 của Nghị quyết 01/2013 hướng dẫn về trường hợp người được hưởng án treo bị đưa ra xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo là
“Trường hợp một người đang được hưởng án treo mà sau đó lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác, thì Tòa án xét xử, quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không cho hưởng án treo một lần nữa. Người phạm tội đồng thời phải chấp hành hai bản án”.
3.Kiến nghị, đề xuất
Cần sửa đổi toàn diện hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013 hoặc ban hành Nghị quyết mới thay thế toàn bộ Nghị quyết số 01/2013 theo hướng:
Thứ nhất: Quy định lại điều kiện có thể xem xét cho hưởng án treo cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 2 (từ b1 đến b11) theo hướng người đã có tiền án đã được đương nhiên xóa án tích; người có tiền sự (theo Luật xử phạt vi phạm hành chính) đã hết thời gian được coi là chưa bị xử lý hành chính như quy định tại Nghị quyết số 01/2013, để mở rộng việc áp dụng chế định án treo phù hợp với tinh thần của Bộ luật hình sự 2015.
Thứ hai: Cách dùng một số từ ngữ trong Nghị quyết cũng cần có sự chuẩn xác hoặc phải có sự giải thích như một số cụm từ như: “Lưu manh”; “không gây ảnh hưởng xấu”; “dư luận xã hội lên án”. Theo tôi nên bỏ bớt những quy định mang tính định tính trừu tượng, cũng như thuật ngữ không rõ nghĩa. Thực tế Điều 3 của Bộ luật hình sự 2015 quy định về nguyên tắc xử lý cũng đã bỏ thuật ngữ “Lưu manh”
Thứ ba: Không nên quy định “cứng” trong Nghị quyết không cho hưởng án treo đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; cần quy định theo hướng mở đối với loại tội danh này để vừa xử lý nghiêm khắc (người chủ mưu, cầm đầu…), nhưng vẫn có tính khoan hồng, nhân đạo đối với người đồng phạm vai trò thứ yếu, bảo đảm được nguyên tắc xử lý như quy định tại Điều 3 BLHS 2015 và bảo đảm việc cụ thể hóa hành vi, cá thể hóa hình phạt.
Thứ tư: Không nên hướng dẫn người được xóa án tích vẫn không được coi là có nhân thân tốt vì quy định như vậy đã phủ nhận tính chất khoan hồng, nhân đạo trong chính sách hình sự của Việt Nam
Thứ năm: Cần có hướng dẫn cụ thể trường hợp được hưởng án treo nhưng khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì người phạm tội lại phạm tội mới tránh gây bất lợi cho người phạm tội.
Thứ sáu: Nên quy định bị can, bị cáo bỏ trốn trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử thì không được hưởng án treo.
Thứ bảy: Cần có hướng dẫn kịp thời về trình tự xử lý các trường hợp theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự 2015.
Trên đây là một số ý kiến về chế định án treo và sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết mới của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thay thế cho Nghị quyết số 01/2013 của HĐTPTANDTC ngày 06/11/2013. Rất mong các đồng nghiệp cùng chia sẻ.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận