Anh hùng Phan Đình Giót
Nhớ về người Anh hùng đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai
Phan Đình Giót là một trong 16 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tuyên dương vì thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam và Huân chương Quân công hạng Nhì.
Phan Đình Giót sinh năm 1922, quê ở thôn Vĩnh Yên, xã Tam Quan (nay là xã Cẩm Quan), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông rất nghèo, ông phải đi ở, làm thuê từ năm 13 tuổi.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”, Phan Đình Giót hăng hái tham gia tự vệ thôn chiến đấu. Năm 1950, ông xung phong đi bộ đội chủ lực. Trong cuộc đời quân ngũ của mình, ông đã tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Anh hùng, liệt sĩ Phan Đình Giót. Ảnh tư liệu |
Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Phan Đình Giót cùng đơn vị hành quân gần 500km, vượt qua nhiều đèo, dốc, mang vác nặng. Chân ông bị nứt nẻ, đau buốt, rướm máu nhưng vẫn cố gắng tiếp tục đi.
Chiều ngày 13-3-1954, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 được lệnh nổ súng tấn công tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 của Phan Đình Giót triển khai đội hình chiến đấu từ 15 giờ. Anh em truyền tay nhau đọc thư Bác Hồ và lệnh động viên của Đại tướng Tổng tư lệnh. Đến giờ pháo bắn, anh em rút ra khỏi rừng. Cùng với sự chi viện của pháo binh, pháo cao xạ ta lần đầu xuất trận đã tạo nên không khí hào hùng chưa từng có kể từ ngày thành lập Quân đội.
Các chiến sĩ Đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín và bị thương ở đùi, nhưng ông vẫn xung phong đánh quả tiếp theo. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa, bộ đội ta bị thương rất nhiều.
Lúc này Phan Đình Giót thay mặt cán bộ chỉ huy trung đội ở cánh giữa. Thấy hỏa điểm địch bắn chặn đồng đội, Phan Đình Giót dùng quả lựu đạn cuối cùng đánh hỏa điểm. Địch ngừng bắn. Xung kích ta tiến lên thì hỏa điểm lại khôi phục. Lúc này Phan Đình Giót bị thương lần thứ ba vào vai, máu chảy đầm đìa, ngất đi. Lúc tỉnh dậy, thấy đồng đội bị chặn lại bởi một hỏa điểm đột nhiên xuất hiện, hai chiến sĩ đặt trung liên tìm cách dập tắt hỏa điểm nhưng bị địch bắn bị thương.
Phan Đình Giót lấy thân mình bịt lỗ châu mai. Ảnh: Dienbien.gov.vn |
Tình hình lúc này thật căng thẳng, hỏa điểm của địch chưa bị dập tắt thì máu của đồng đội còn phải đổ. Cán bộ trung đội bị thương vong hết, Phan Đình Giót tự đảm nhiệm vai trò chỉ huy trung đội. Các chiến sĩ vẫn thay nhau xông lên tìm cách diệt hỏa điểm nhưng đều hy sinh, hỏa điểm địch từ lô cốt vẫn bắn mạnh vào bộ đội ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại. Phan Đình Giót nhìn trừng trừng vào hỏa điểm địch rồi ông ép người sát mặt đất, bò nhích lên từng tý, thận trọng gần đến lỗ châu mai, với ý nghĩ cháy bỏng, duy nhất là phải dập tắt ngay nó. Anh nâng khẩu tiểu liên bắn mạnh vào lỗ châu mai. Hết đạn, ông thay băng khác tiếp tục bắn nhưng khi xung kích xung phong lên thì hỏa điểm địch vẫn bắn ra ác liệt. Đồng đội thấy ông đứng lên ngồi xuống bên lỗ châu mai địch.
Ông đã dùng hết sức còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai và hét to: “Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân”, rồi rướn người, lấy đà, tay bám chặt vào những thân cây gỗ phía trên lỗ châu mai rồi xoay người thật nhanh lại, áp lồng ngực vào lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bia mộ Anh hùng Phan Đình Giót tại Nghĩa trang A1 thành phố Điện Biên
Phan Đình Giót hy sinh lúc 22 giờ 30 phút ngày 13-3-1954, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 31-3-1955. Khi hy sinh, ông là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, ông còn được tặng Huân chương Quân công hạng Nhì.
Để ghi nhớ chiến công của Anh hùng Phan Đình Giót, ngoài thành phố Hà Tĩnh, quê hương của Phan Đình Giót, thủ đô Hà Nội, quận Hà Đông và nhiều thành phố, thị xã trong cả nước đều có đường phố mang tên ông.
Bài liên quan
-
Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế hướng về chiến thắng Điện Biên Phủ
-
Petrovietnam tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
-
Ấn tượng đẹp về Điện Biên Phủ - 70 năm lịch sử hào hùng
-
70 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên giá trị
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
Bình luận