Áp dụng pháp luật nước ngoài trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Bài viết dưới đây là phần tiếp theo và hết về "Vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài trong giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án Việt Nam".

2. Về việc áp dụng pháp luật nước ngoài của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Như đã nêu ở trên, kết quả tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật nước ngoài trong giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài khi xây dựng BLTTDS năm 2005 cho thấy, trong 10 năm thi hành BLTTDS, chưa phát sinh vụ việc dân sự mà Tòa án các cấp phải áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết.

Trong năm 2020, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 132/TANDTC-HTQT ngày 27/8/2020 yêu cầu các Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp cao báo cáo về việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và đề xuất các biện pháp, giải pháp tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, bất cập (nếu có). Theo báo cáo của 63 Tòa án cấp tỉnh và 03 Tòa cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, thì từ năm 2016 đến tháng 8 năm 2020, các Tòa án đều chưa tiếp nhận bất kỳ đơn khởi kiện, đơn yêu cầu nào mà sau khi thụ lý, thì Tòa án phải áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết.

Như vậy, trong 18 năm vừa qua, kể từ khi BLTTDS được ban hành đến nay, chưa phát sinh yêu cầu áp dụng pháp luật nước ngoài trong giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam. Trong thời gian này, các Tòa án Việt Nam đều áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết, xét xử vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Có thể lý giải vấn đề Tòa án Việt Nam chưa áp dụng pháp luật nước ngoài để xét xử, giải quyết vụ việc dân sự trong 18 năm vừa qua như sau:

Các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà Tòa án Việt Nam đã thụ lý, giải quyết, xét xử chủ yếu liên quan đến bất động sản tại Việt Nam (quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, thừa kế tài sản tại Việt Nam và hôn nhân và gia đình mà chủ yếu là yêu cầu ly hôn.

Đối với vấn đề ly hôn, các đương sự trong vụ án ly hôn đa phần là giữa công dân Việt Nam ở trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài hoặc giữa công dân Việt Nam ở trong nước với công dân nước ngoài ở tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài.

Như vậy, đối với những loại vụ việc trên, không phát sinh yêu cầu áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết. Việc Tòa án áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết các vụ việc liên quan đến bất động sản có tại Việt Nam cũng như vụ việc ly hôn nêu trên là đúng với quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự mà Việt Nam là thành viên và thông lệ quốc tế.

3. Một số khó khăn, thách thức của việc thu thập, cung cấp, áp dụng nội dung pháp luật nước ngoài

Như đã nêu ở trên, trong thời gian 18 năm liên tiếp, Tòa án Việt Nam chưa giải quyết bất kỳ vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nào có phát sinh yêu cầu áp dụng pháp luật nước ngoài đối với vụ việc đó. Tuy nhiên, trên phương diện lý thuyết, đương sự, Tòa án Việt Nam có thể gặp phải một số khó khăn, thách thức trong quá trình thu thập, cung cấp, xác định, áp dụng nội dung pháp luật nước ngoài. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về loại văn bản, tài liệu có chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự phải nộp cho Tòa án

Việc xác định loại văn bản, tài liệu có chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự phải nộp cho Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 481 BLTTDS là một vấn đề có thể phát sinh nhiều ý kiến khác nhau.

Theo đó, có ý kiến cho rằng văn bản, tài liệu có chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài đương nhiên là văn bản, tài liệu do cơ quan nhà nước ban hành. Do đó, đương sự chỉ phải nộp các văn bản, tài liệu chứa đựng nội dung quy định của pháp luật nước ngoài liên quan trực tiếp đến quan hệ phát sinh tranh chấp và yêu cầu cụ thể của đương sự trong vụ án đó và do cơ quan nhà nước ban hành mà thôi.

Ngược lại, có ý kiến khác cho rằng việc áp dụng quy định pháp luật của nước ngoài cần phải phù hợp với cách thức quy định của nước ngoài đó. Trên tinh thần đó, đương sự có quyền sử dụng nhiều văn bản, tài liệu khác nhau để chứng minh nội dung pháp luật nước ngoài cụ thể cần được Tòa án Việt Nam áp dụng và nội dung, cách hiểu của quy định pháp luật nước ngoài đó. Nghĩa là, bên cạnh văn bản pháp luật, đương sự còn được phép sử dụng các loại tài liệu, văn bản khác có nội dung giải thích, diễn giải về nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự đề nghị Tòa án áp dụng.

Về vấn đề này, trước hết cần xác định việc cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài là vấn đề thuộc lĩnh vực chứng cứ. Theo đó, nội dung pháp luật nước ngoài cụ thể nào cần được áp dụng là vấn đề mà đương sự phải chứng minh; pháp luật nước ngoài không đương nhiên được thừa nhận và được áp dụng như pháp luật Việt Nam. Trên tinh thần đó, đương sự phải tìm kiếm, thu thập để yêu cầu Tòa án áp dụng. Do đó, về nguyên tắc, đương sự được quyền sử dụng các văn bản, tài liệu có chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài, kể cả tài liệu giải thích, bình luận...về quy định của pháp luật nước ngoài mà đương sự đề nghị Tòa án áp dụng.

Như vậy, không có cơ sở để hạn chế việc đương sự cung cấp các văn bản tài liệu để phục vụ việc chứng minh pháp luật nước ngoài cần được áp dụng và cách thức áp dụng pháp luật nước ngoài đó trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ cho Thẩm phán trong việc thẩm định, đánh giá, chấp nhận ý kiến của đương sự về nội dung pháp luật nước ngoài cần được áp dụng và cách thức áp dụng nội dung pháp luật nước ngoài.

Thứ hai, về việc xác định tính chất hợp pháp của văn bản, tài liệu chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự cung cấp cho Tòa án.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 481 BLTTDS, đương sự phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự cung cấp cho Tòa án. Quy định về tính hợp pháp nêu trên được đặt ra trong BLTTDS để bảo đảm nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự cung cấp cho Tòa án được thu thập từ nguồn hợp pháp, chính thức, đáng tin cậy.

Từ đây, vấn đề đặt ra là nội dung pháp luật nước ngoài được thu thập từ nguồn nào thì được xác định là hợp pháp hoặc không hợp pháp? Theo quy định tại Điều 481 BLTTDS, Tòa án có quyền yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài. Như vậy, có thể nói rằng tài liệu, văn bản chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài được coi là hợp pháp, có độ tin cậy cao nhất về tính hợp pháp nếu được cơ quan nhà nước nước ngoài cấp, xác nhận, chứng thực hoặc được Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp cho Tòa án. Cùng với đó, cũng được coi là hợp pháp nếu văn bản, tài liệu nêu trên được cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài cung cấp theo yêu cầu của Tòa án.

Ngoài các nguồn hợp pháp nêu trên, trong một số trường hợp, văn bản, tài liệu chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự cung cấp cho Tòa án, có thể làm phát sinh nhiều ý kiến khác nhau về “tính hợp pháp” của văn bản, tài liệu đó. Cụ thể, đó là những trường hợp mà một hoặc các bên đương sự nộp cho Tòa án văn bản, tài liệu không rõ nguồn gốc hoặc không thể truy nguyên nguồn gốc. Theo đó, đương sự đã thu thập tài liệu, văn bản đó từ mạng internet nhưng không phải từ nguồn cơ sở dữ liệu đáng tin cậy như: trang điện tử của cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế, cơ sở dữ liệu luật thuộc các trường đại học luật, khoa luật nước ngoài hoặc của tổ chức nước ngoài, chính phủ nước ngoài hoặc của các nhà xuất bản sách, tạp chí về luật có uy tín được thừa nhận rộng rãi trên trường quốc tế...Cùng với đó, những văn bản, tài liệu mà đương sự cung cấp cho Tòa án cũng không đủ điều kiện để thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự. Như vậy, những loại văn bản, tài liệu loại này khó có thể được Tòa án chấp nhận là loại văn bản, tài liệu hợp pháp, đáng tin cậy.

Thứ ba, về chất lượng dịch văn bản, tài liệu có chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài

Về nguyên tắc, đương sự phải tuân thủ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 478 của BLTTDS khi cung cấp cho Tòa án nội dung pháp luật nước ngoài. Theo đó, đương sự phải gửi văn bản, tài liệu có chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài và bản dịch ra tiếng Việt có công chứng hoặc chứng thực chữ ký của người dịch về nội dung pháp luật nước ngoài đó, thì Tòa án mới công nhận.

Tuy nhiên, vấn đề dịch ra tiếng Việt nội dung pháp luật nước ngoài có thể là một thách thức lớn cho cả đương sự và Tòa án trong các trường hợp sau đây:

- Nội dung pháp luật nước ngoài thể hiện bằng ngôn ngữ không phổ biến và có ít hoặc không có phiên dịch viên có đủ khả năng để dịch ra tiếng Việt;

- Chất lượng dịch nội dung pháp luật nước ngoài ra tiếng Việt không đáp ứng được yêu cầu như: sử dụng từ ngữ không phù hợp, dịch sai, dịch thiếu...;

- Cùng một nội dung pháp luật nước ngoài nhưng các đương sự cung cấp bản dịch ra tiếng Việt có nội dung khác nhau.

Trong những trường hợp nêu trên, chất lượng bản dịch tiếng Việt ảnh hưởng rất lớn đến cách hiểu nội dung pháp luật nước ngoài và việc áp dụng nội dung pháp luật đó để giải quyết vụ việc cụ thể của Tòa án. Bởi lẽ, Thẩm phán sẽ gần như phụ thuộc vào bản dịch tiếng Việt nếu không có khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn để đọc, hiểu nội dung pháp luật nước ngoài. Từ đó, việc áp dụng pháp luật nước ngoài sẽ rất khó khăn và không bảo đảm yêu cầu đặt ra.

Thứ tư, về cách thức áp dụng nội dung pháp luật nước ngoài

Theo quy định tại Điều 667 BLDS, trong trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng nhưng có cách hiểu khác nhau, thì việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó.

Như vậy, theo quy định nêu trên của BLDS, chỉ trong trường hợp có cách hiểu khác nhau về nội dung pháp luật nước ngoài cụ thể, thì việc áp dụng nội dung đó của pháp luật nước ngoài phải tuân theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ban hành.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng quy định nêu trên của BLDS chưa thực sự phù hợp, chưa làm rõ được cách thức áp dụng pháp luật nước ngoài. Cụ thể:

- Điều 667 BLDS không nêu cụ thể những chủ thể nào có “cách hiểu khác nhau” về nội dung pháp luật nước ngoài nhưng có thể mặc định rằng đây là các bên đương sự trong vụ việc dân sự, Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng lý do “có cách hiểu khác nhau” nêu trên để làm căn cứ chỉ dẫn cho việc áp dụng pháp luật nước ngoài phải tuân theo “sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài” sẽ gây khó khăn cho Tòa án. Bởi lẽ, không phải mọi trường hợp nội dung pháp luật nước ngoài nào cũng được cơ quan có thẩm quyền của nước đó giải thích. Thông thường, chỉ có những quy định mà khi áp dụng thì tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau do có nội dung không rõ ràng, cụ thể hoặc được quy định một cách khái quát, trìu tượng hoặc pháp luật chưa có quy định điều chỉnh, thì có thể được Tòa án giải thích, xác lập nguyên tắc để giải quyết trong bản án, quyết định của mình hoặc được cơ quan lập pháp giải thích trong những văn bản cụ thể.

Nói cách khác, trên thực tế có thể có nhiều quy định của pháp luật nhưng không có sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về nội dung pháp luật cụ thể đó với lý do chủ yếu là không phát sinh nhiều “cách hiểu khác nhau” về nội dung pháp luật đó.

Như vậy, vấn đề đặt ra là Tòa án sẽ áp dụng pháp luật nước ngoài thế nào trong các trường hợp sau đây:

- Không có sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về nội dung pháp luật nước ngoài;

- Giữa đương sự hoặc giữa đương sự với Tòa án không có “cách hiểu khác nhau” về nội dung pháp luật nước ngoài.

Về các vấn đề này, có ý kiến cho rằng Tòa án chỉ cần căn cứ bản dịch ra tiếng Việt của nội dung pháp luật nước ngoài để áp dụng.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng việc căn cứ bản dịch để áp dụng có nhiều rủi ro khi chất lượng bản dịch không bảo đảm. Bên cạnh đó, kể cả trường hợp bản dịch ra tiếng Việt có chất lượng tốt, thì việc áp dụng pháp luật nước ngoài cũng không hề dễ dàng. Bởi lẽ, tương tự pháp luật Việt Nam, pháp luật nước ngoài cũng có những quy định hết sức khái quát, trìu tượng nên việc hiểu đúng nội dung pháp luật nước ngoài cụ thể đó là một thách thức lớn cho Thẩm phán. Đặc biệt, trong trường hợp án lệ của Tòa án nước ngoài được coi là sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, thì việc áp dụng án lệ đó không hoàn toàn dễ dàng. Bởi lẽ, Thẩm phán phải có sự hiểu biết cơ bản lý luận về án lệ của các nước thông luật để vận dụng tìm hiểu án lệ và áp dụng án lệ của Tòa án nước ngoài vào vụ việc cụ thể.

Ví dụ: các Thẩm phán phải biết được án lệ tại các nước thông luật do Thẩm phán xét xử vụ án xác lập tồn tại trong hai hình thức:

(i) Là các nguyên tắc pháp luật được Thẩm phán định ra để áp dụng giải quyết các vấn đề pháp lý nảy sinh trong vụ án mà các vấn đề pháp lý này chưa có luật cụ thể nào điều chỉnh. Đây là nguồn gốc ban đầu của án lệ. Sau này khi Quốc hội với tư cách là một thiết chế của Nhà nước được thành lập thì án lệ xác lập ra nguyên tắc pháp luật vẫn tồn tại theo truyền thống và song song với các đạo luật do Quốc hội ban hành.

- Là phần giải thích một khái niệm, nội dung, từ ngữ cụ thể trong một điều luật cụ thể do Quốc hội ban hành bởi Thẩm phán áp dụng điều luật đó để giải quyết vụ án. Đây là trường hợp mà từ ngữ của điều luật nào đó do Quốc hội ban hành không rõ ràng, có thể giải thích theo nhiều hướng khác nhau hoặc không được Quốc hội giải thích rõ ràng, cụ thể nên khi áp dụng điều luật đó trong việc xét xử một vụ án cụ thể, thì Thẩm phán có quyền giải thích nội dung, từ ngữ của điều luật đó. Từ đó, nội dung giải thích từ ngữ, thuật ngữ điều luật trở thành án lệ bắt buộc áp dụng.[1]

Cùng với đó, Thẩm phán cũng phải biết cách thức áp dụng án lệ của Tòa án nước ngoài. Theo đó, Tòa án chỉ áp dụng một phần nội dung trong bản án, được gọi theo tiếng La tinh là “the ratio decidendi” hay còn gọi là án lệ bắt buộc áp dụng.[2] Thực chất, đây là phần lý do mà dựa trên đó phán quyết giải quyết vụ án được đưa ra. Nói cách khác, đây là phần Thẩm phán giải thích lý do đưa ra quyết định giải quyết nội dung tranh chấp, phân định quyền, lợi ích của đương sự. Những lý do này được xác lập bởi Thẩm phán ( trong vụ án do một Thẩm phán xét xử ) hoặc đa số ý kiến đồng thuận của các thẩm phán au khi đánh giá các tình tiết khách quan của vụ án. Cách thức tiếp cận án lệ này dẫn đến việc các ý kiến bảo lưu của các thẩm phán và các ý kiến khác mang tính tổng quát về một vấn đề chung của pháp luật có liên quan hoặc những vấn đề không quan trọng trong vụ án sẽ không phải là những thành phần của án lệ bắt buộc áp dụng. Thành phần này được gọi theo tiếng Latinh là “The obiter dicta” - có nghĩa là phần tham khảo, không bắt buộc áp dụng.[3] Thành phần này trên thực tế có thể được các Tòa án cấp dưới tham khảo khi xét xử các vụ án nên được gọi là án lệ tham khảo. Tuy nhiên, việc xác định nội dung án lệ bắt buộc áp dụng và án lệ tham khảo trong bản án của Tòa án nước ngoài là hết sức khó khăn. Bởi lẽ, không có quy tắc thống nhất cách thức xác định và Thẩm phán không bao giờ khẳng định, chỉ ra phần lập luận, lý giải cụ thể nào là án lệ bắt buộc áp dụng hay án lệ tham khảo trong bản án.[4] Việc công chúng biết đến một án lệ cụ thể trong một bản án thường là kết quả nghiên cứu được công bố dưới hình thức bài viết trên báo chí, tạp chí chuyên ngành, sách chuyên ngành luật.

Bên cạnh đó, việc áp dụng án lệ đòi hỏi vụ án Tòa án đang giải quyết và vụ án mà trong đó án lệ đã được xác lập phải có sự tương tự nhau trên các phương diện chính sau đây: (i) Các tình tiết khách quan cơ bản của vụ án; (ii) Quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp. Điều này có nghĩa rằng cần phải có sự đánh giá, so sánh cụ thể giữa hai vụ án để tìm ra những điểm chung cơ bản làm cơ sở cho việc đề xuất áp dụng án lệ. Tuy nhiên, đây là công việc hết sức phức tạp, khó khăn; chỉ những người am hiểu sâu về án lệ, mới có thể thực hiện được. Trong bối cảnh đó, việc thu thập án lệ sẽ trở nên khó khăn hơn cho cả đương sự và Tòa án. Đặc biệt, trong trường hợp cả đương sự và người đại diện theo ủy quyền đều thiếu kiến thức cơ bản về án lệ thì việc đề nghị luật sư nước ngoài cung cấp dịch vụ tìm kiếm án lệ phù hợp với vụ án tại Tòa án Việt Nam là hết sức khó khăn hoặc không thể thực hiện được.

Thứ năm, về tâm lý e ngại của Thẩm phán nếu phải áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết vụ việc dân sự

Qua trao đổi, khảo sát, có thể nói rằng tâm lý chung của một số các Thẩm phán của Việt Nam là có phần e ngại nếu phải áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, Thẩm phán của Việt Nam không phải là ngoại lệ. Bởi lẽ, trên thực tế, vấn đề e ngại áp dụng pháp luật nước ngoài cũng là tình hình chung của nhiều Thẩm phán các nước Châu Âu -những nước mà việc áp dụng pháp luật nước ngoài không phải là hiện tượng cá biệt. Theo kết quả khảo sát của Viện Luật so sánh của Thụy Sỹ năm 2011 thì có tới 60.7% Thẩm phán Cộng hòa Síp (17/28 Thẩm phán); 60% Thẩm phán Tây Ban Nha (15/25 Thẩm phán);  57% Thẩm phán Bỉ (4/7 Thẩm phán); 56,7% Thẩm phán Đức (17/30 Thẩm phán); 45.8% Thẩm phán Bungari (11/28 Thẩm phán); 46% Thẩm phán Phần Lan (6/13 Thẩm phán); 40% Thẩm phán Đan Mạch (6/15 Thẩm phán) đều trả lời không muốn áp dụng pháp luật nước ngoài.[5]

Ở Việt Nam, theo chúng tôi, việc Thẩm phán có tâm lý e ngại áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết vụ việc dân sự có cả nguyên nhân khách quan (như đã phân tích ở các phần trên) và nguyên nhân chủ quan sau đây:

- Pháp luật nước ngoài có thể khác biệt với pháp luật Việt Nam, trong khi không thể đòi hỏi Thẩm phán phải hiểu biết thông thạo về pháp luật nước ngoài và cách áp dụng pháp luật nước ngoài đó;

- Chất lượng bản dịch ra tiếng Việt của nội dung pháp luật nước ngoài còn chưa đáp ứng được yêu cầu.       

- Việc áp dụng pháp luật nước ngoài không hề đơn giản. Bởi lẽ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam không có cơ sở pháp lý cũng như nguồn lực để ban hành văn bản hướng dẫn, diễn giải về nội dung pháp luật nước ngoài. Do đó, Thẩm phán phải có trách nhiệm tìm hiểu, xác định đúng nội dung pháp luật nước ngoài cần được áp dụng. Đây là một công việc khó khăn, phức tạp và có thể phát sinh ý kiến khác nhau ngay trong hệ thống Tòa án; giữa Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm hoặc giữa Tòa án cấp giám đốc thẩm với các Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm. Từ đây, vụ án có thể bị hủy để xem xét, giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc phúc thẩm.

Như vậy, qua sự phân tích, đánh giá, so sánh nêu trên, việc xác định, thu thập, cung cấp, áp dụng nội dung pháp luật nước ngoài của đương sự cũng như Tòa án có thể gặp nhiều khó khăn, bất cập nếu phát sinh trên thực tế. Từ đó, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đề xuất cho được một hoặc một số giải pháp hữu hiệu, khả thi nhằm góp phần hạn chế, khắc phục những khó khăn nêu trên, bảo đảm cho việc Tòa án áp dụng có chất lượng pháp luật nước ngoài trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

4. Một số kiến nghị, giải pháp

4.1. Về việc ban hành văn bản hướng dẫn quy định tại Điều 481 BLTTDS

Tòa án nhân dân tối cao cần phải ban hành văn bản hướng dẫn về quy định tại Điều 481 BLTTDS. Đây là một trong những giải pháp cơ bản để góp phần bảo đảm việc áp dụng pháp luật nước ngoài có chất lượng, hiệu quả. Cụ thể, cần hướng dẫn việc thu thập nội dung pháp luật nước ngoài theo hướng sau đây:

a.Sử dụng tổ chức, chuyên gia về pháp luật nước ngoài

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều văn phòng luật sư nước ngoài, văn phòng luật sư, công ty luật tại Việt Nam có thể đáp ứng được việc thu thập thông tin về nội dung pháp luật nước ngoài và dịch ra tiếng Việt nội dung pháp luật nước ngoài đó. Cùng với đó, tại các số trường đại học, cơ quan nhà nước, cũng có nhiều viên chức, công chức có chuyên môn, trình độ, am hiểu về luật pháp nước ngoài trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là nguồn cung cấp và dịch thuật có thể tin cậy về nội dung pháp luật nước ngoài. Vì vậy, trong trường hợp này Tòa án nhân dân tối cao cần có công văn gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam, các cơ quan nhà nước trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo... đề nghị thông báo tới các đoàn luật sư, hội luật gia, các cơ quan trực thuộc, các trường đại học trên cả nước về việc làm cộng tác viên cho Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp cao trong việc cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài theo hợp đồng với Tòa án hoặc với đương sự trong vụ việc cụ thể. Với cách làm này, các Tòa án sẽ có một danh sách các chuyên gia được phân loại theo lĩnh vực quan hệ pháp luật nước ngoài để có thể liên hệ hoặc giới thiệu cho đương sự khi cần phải thu thập, cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài.

b) Tòa án nhân dân tối cao hỗ trợ các Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp cao trong việc thu thập, kiểm tra, cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài

Hiện nay, trên mạng internet đang có nhiều cơ sở dữ liệu về pháp luật nước ngoài được cung cấp miễn phí. Đây là một trong những nguồn cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự, Tòa án có thể sử dụng. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng cán bộ, thẩm phán tại Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp cao được đào tạo trong lĩnh vực luật pháp hoặc kinh doanh, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...chưa nhiều. Do đó, trong những trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp cao có thể đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hỗ trợ trong việc thu thập nội dung pháp luật nước ngoài thông qua các cơ sở dữ liệu pháp luật sẵn có trên mạng internet.

4.2. Ký kết thỏa thuận song phương với nước ngoài về việc hỗ trợ lẫn nhau trong việc cung cấp thông tin, nội dung pháp luật của mỗi nước

Tòa án nhân dân tối cao tăng cường nghiên cứu, đề xuất với Tòa án tối cao nước ngoài về việc ký Thỏa thuận giữa 2 cơ quan trong việc cung cấp nội dung pháp luật của mỗi nước để phục vụ việc xét xử, giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế. Trên cơ sở các Thỏa thuận này, Tòa án nhân dân tối cao sẽ hỗ trợ các Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp cao trong việc đề nghị phía nước ngoài cung cấp nội dung pháp luật cụ thể để giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Như vậy, về lâu dài, thỏa thuận nêu trên có thể là kênh chính cho việc thu thập, cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài cho Tòa án.

4.3. Về việc cải thiện chất lượng bản dịch tiếng Việt của nội dung pháp luật nước ngoài 

Hiện nay, có rất nhiều công ty, cá nhân cung cấp dịch vụ dịch thuật tiếng nước ngoài hoạt động ở các tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng chất lượng không đồng đều, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch thuật về pháp luật. Đây là một trong những khó khăn lớn cho cả đương sự và Tòa án trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi Tòa án phải có một mạng lưới cộng tác viên về phiên dịch, đặc biệt là phiên dịch về pháp luật nước ngoài. Trên tinh thần đó, việc thiết lập mạng lưới này có thể được thực hiện tương tự mạng lưới cộng tác viên chuyên gia về pháp luật nước ngoài. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản đăng tải công khai về việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên dịch thuật về pháp luật nước ngoài với những tiêu chí cụ thể về trình độ, năng lực, kinh nghiệm dịch thuật. Tòa án nhân dân tối cao sẽ cung cấp danh sách các cộng tác viên là cá nhân, công ty dịch thuật này cho Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp cao để hoặc giới thiệu cho đương sự khi cần phải dịch nội dung pháp luật nước ngoài./.

 

Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận, TP HCM tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án chia tài sản chung, chia thừa kế - Ảnh: Trần Thị Phương Dung

 

[1] John Carvan, Understanding the Australian Legal System ( LBC Information Services, 3rd 1999), trang 21.

[2] D. Neil MacCorMick and Robert S. Summers (eds), Interpreting Precedents: A Comparative Study (Ashgate Publishing, 1997); Geoffrey Marshall, ‘What is Binding in a Precedent’ in D. Neil MacCorMick and Robert S. Summers (eds), Interpreting Precedents: A Comparative Study (Ashgate Publishing, 1997).

[3] Michael Kirby, ‘Precedent, Practice & Trends in Australia’ (2007) 28 Australian Bar Review, trang 5; Catriona Cook et al (eds), Laying Down the Law, (LexisNexis Butterworths, 6th 2005) trang 74; Zenon Bankowski, D. Neil MacCorMick and Robert S. Summers, ‘Precedent in the United Kingdom’ in D. Neil MacCorMick and Robert S. Summers (eds), Interpreting Precedents: A Comparative Study (Ashgate Publishing, 1997); Robert S. Summers, ‘Precedent in the United States (New York state)’ in D. Neil MacCorMick and Robert S. Summers (eds), Interpreting Precedents: A Comparative Study (Ashgate Publishing, 1997).

[4] Catriona Cook et al (eds), Laying Down the Law, (LexisNexis Butterworths, 6th 2005) trang 74.

[5] Swiss Institute of Comparative Laws, “The application of Foreign Law in civil matters in the EU member states and its perspectives for the future”, 2011.

LÊ MẠNH HÙNG (Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, TANDTC)