Bà S và Chi cục thi hành án dân sự - ai có quyền khởi kiện?

Bà S là người mua được tài sản bán đấu giá. Đây là tài sản do Chi cục Thi hành án dân sự thị xã B đã tổ chức thi hành án theo bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi bàn giao tài sản trúng đấu giá cho bà S thì ngôi nhà trên thửa đất đã bị bà M tháo dỡ. Ai có quyền khởi kiện trong vụ này?

Nội dung tranh chấp được tóm tắt như sau:

Trong quá trình thi hành án, Chấp hành viên đã tiến hành xác minh tài sản của ông Q bà T, thì  được bà M cho biết vào năm 2002, bà có nhận chuyển nhượng từ ông Q và bà T diện tích đất khoảng 480 m² diện tích đất này là một phần của thửa đất của ông Q, bà T. Bà M đã xây dựng căn nhà cấp 4 trên đất để ở từ đó cho đến nay.

Chấp hành viên yêu cầu bà M cung cấp giấy tờ chứng minh việc sang nhượng đất của ông Q bà T nhưng bà M không cung cấp được. Riêng đối với căn nhà cấp 4 diện tích 70 m² đang do bà M quản lý, sử dụng xây dựng trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng của ông Q bà T được chính quyền địa phương và ông Q bà T cung cấp thì căn nhà này do chính bà M xây dựng.

Để bảo đảm thi hành án và bảo đảm quyền lợi của bà M, Chấp hành viên đã ban hành Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của vợ chồng ông Q bà T. Sau khi kê biên, Chấp hành viên thông báo hợp lệ cho bà M biết quyền được khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà bà M đã khai là nhận chuyển nhượng từ ông Q bà T, nhưng hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ bà M không khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

Do vậy, căn nhà của của bà M xây trên đất của ông Q bà T có trước khi ông Q bà T (người phải thi hành án) nhận được quyết định thi hành án nên Chấp hành viên căn cứ điểm a khoản 1 Điều 113 Luật Thi hành án dân sự 2014 để yêu cầu bà M tự nguyện di chuyển tài sản để trả quyền sử dụng đất cho người phải thi hành án, hoặc thỏa thuận bằng văn bản với người phải thi hành án về phương thức giải quyết tài sản. Nhưng hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bà M nhận được thông báo hợp lệ bà M không tự nguyện di chuyển tài sản để trả lại quyền sử dụng đất cũng như không thỏa thuận về phương thức giải quyết về căn nhà của bà M xây dựng trên đất với người phải thi hành án (ông Q bà T). Vì vậy, chấp hành viên đã xử lý tài sản là căn nhà xây của bà M cùng với quyền sử dụng đất và thanh toán lại phần giá trị căn nhà cho bà M (căn nhà của bà M đã được định giá là 100.000.000 đồng).

Ngày 20/10/2020, tài sản kê biên của ông Q bà T và tài sản của bà M xây dựng trên đất của ông Q bà T đã được Công ty Đấu giá tổ chức bán đấu giá thành, người mua được tài sản là bà S với giá: 1.200.000.000 đồng trong đó giá trị phần tài sản là căn nhà xây của bà M là 100.000.000 đồng. Sau khi bà S nộp đủ tiền thì Chi cục thi hành án dân sự tiến hành bàn giao tài sản trúng đấu giá cho bà S. Khi đến tại thửa đất thì bà M đang cho người tháo dỡ và đập phá tài sản là căn nhà đã được bà S mua đấu giá. Do vậy, việc bàn giao tài sản là căn nhà của bà M không thực hiện được.

Hiện số tiền là giá trị căn nhà của bà M mà bà S mua là 100.000.000 đồng đang được Chi cục Thi hành án dân sự giữ lại.

Hiện có các quan điểm khác nhau về quyền khởi kiện với nội dung tranh chấp trên như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Bà S và CCTHADS thị xã B đều có quyền khởi kiện với lập luận như sau:

Một là: Tranh chấp nói trên là “Tranh chấp hợp đồng dân sự” theo quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS. Vì tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự mua bán tài sản đấu giá giữa bên mua là bà S và bên bán là cơ quan CC THADS thị xã B. Đối tượng trong giao dịch mua bán là tài sản gồm quyền sử dụng đối thửa đất  và hai căn nhà gắn liền với thửa đất (01 căn nhà của vợ chồng ông Q và ba T, 01 căn nhà của bà M). Và việc mua bán tài sản này được lập thành hợp đồng mua bán qua đấu giá nên xác định quan hệ này là tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản  theo quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS nên bà S có quyền khởi kiện yêu cầu CCTHADS hoàn trả lại số tiền do không bàn giao đủ tài sản khi mua đấu giá.

Hai là, sau khi Tòa án thụ lý vụ án, CC THADS thị xã B có đơn yêu cầu độc lập, đề nghị Tòa án buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà M phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại giá trị căn nhà cho CCTHADS thị xã B do bà M đã phá bỏ làm mất giá trị sử dụng của căn nhà thì Tòa án phải thụ lý đơn yêu cầu này. Bởi lẽ, kể từ khi ký kết hợp đồng mua bán tài sản thì CC THADS thị xã B là người chịu trách nhiệm về tài sản đã bán, việc không bàn giao được căn nhà cho bà S là trách nhiệm của CC THADS thị xã B. Bà M phá bỏ nhà là vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của CC THADS thị xã B làm cho CC THADS thị xã B không có tài sản để bàn giao. Theo quy định tại Điều 186 BLTTDS về quyền khởi kiện thì “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Do đó, CC THADS thị xã B có quyền khởi kiện yêu cầu bà M phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại giá trị căn nhà cho CC THADS thị xã B là đúng quy định.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Bà S và CCTHADS thị xã B đều không có quyền khởi kiện với lập luận như sau:

Bà S chỉ yêu cầu CC THADS thị xã B hoàn trả lại số tiền trị giá căn nhà do CC THADS thị xã B không bàn giao đủ tài sản, không tranh chấp gì về kết quả bán đấu giá, không yêu cầu huỷ kết quả bán đấu giá nên không phải là “Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản” theo quy định tại khoản 13 Điều 26 BLTTDS. Theo quy định tại Điều 102 Luật Thi hành án dân sự thì bà S và chấp hành viên không yêu cầu huỷ kết quả bán đấu giá tài sản nên không có quyền khởi kiện. Bà S yêu cầu CC THADS thị xã B hoàn trả lại số tiền trị giá căn nhà do CC THADS thị xã B không bàn giao đủ tài sản mà CC THADS thị xã B không trả thì có quyền khiếu nại theo quy định của Luật thi hành án dân sự. Mặt khác số tiền này CC THADS thị xã B chưa giao cho bà M, bà M tự phá bỏ căn nhà là tự từ chối quyền tài sản của mình, không xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của CC THADS thị xã B nên CC THADS thị xã B không có quyền khởi kiện đòi tài sản của bà M.

Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm của người viết cho rằng: Bà S có quyền khởi kiện, CCTHADS thị xã B không có quyền khởi kiện với lập luận như sau:

Một là: Tranh chấp nói trên là “Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản” theo quy định tại khoản 13 Điều 26 BLTTDS khác với tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản thông thường quy định tại khoản 3 Điều 26 BLTTDS vì trường hợp này, do các đương sự không tự nguyện thi hành án. Việc bán đấu giá này thông qua quyền lực Nhà nước là cưỡng chế thi hành án, người có tài sản bán đấu giá là Chấp hành viên, chủ sở hữu tài sản đã mất quyền sở hữu của người có tài sản bán đấu giá. Việc không bàn giao đủ tài sản là kết quả bán đấu giá chưa hoàn thành nên bà S có quyền khởi kiện yêu cầu trả lại tài sản là trị giá căn nhà.

Hai là: CCTHADS thị xã B không có quyền khởi kiện vì việc bán đấu giá này thông qua quyền lực Nhà nước là cưỡng chế thi hành án, người có tài sản bán đấu giá là Chấp hành viên, chủ sở hữu tài sản đã mất quyền sở hữu của người có tài sản bán đấu giá. Bà M có quyền được nhận lại tài sản trị giá căn nhà nhưng bà M tự phá bỏ căn nhà là từ chối quyền nhận lại tài sản của mình, Bà M không nhận tài sản trị giá căn nhà không xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của CCTHADS thị xã B vì CC THADS thị xã B chưa giao tiền trị giá căn nhà cho bà M nên không có quyền khởi kiện đòi tài sản của bà M.

Đây là các quan điểm, nhận thức khác nhau liên quan đến việc tranh chấp nói trên, do đó, người viết rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các quý đồng nghiệp và độc giả để nhận thức pháp luật được thống nhất.

 

Một vụ thi hành án dân sự ở Hà Nội - Ảnh: MH

 

 

NGUYỄN ANH - VĂN KHANH (TAND TX Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk)