Bản án chỉ ghi căn cứ khoản 1 Điều 173 để tuyên án là thiếu sót
Qua theo dõi bài viết “Điều 173 BLHS – tội trộm cắp tài sản có các điểm thuộc khoản 1 hay không?” của tác giả Hoàng Quảng Lực, được đăng tải trên Tạp chí Toà án điện tử ngày 15/8/2021, tôi có quan điểm khác với tác giả.
Tôi không thống nhất với quan điểm của tác giả cho rằng đối với trường hợp xét xử bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản có hành vi chiếm đoạt tài sản dưới 02 triệu đồng, bản án chỉ cần ghi căn cứ vào khoản 1 Điều 173 BLHS, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 173 quy định rõ “1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”
Với cấu tạo điều luật như trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy khoản 1 Điều 173 là một điều khoản có kết cấu “phức” có điều kiện được phân chia bằng cụm từ “hoặc”. Theo Từ điển Tiếng Việt, kết từ “hoặc” để biểu thị quan hệ tuyển chọn giữa hai điều được nói đến, có điều này thì không có điều kia và ngược lại. Trong cùng một đoạn nếu tách các cụm riêng biệt sẽ có thể hình thành một câu có ý nghĩa tương tự. Cụ thể:
- Trường hợp 1: Nếu người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng sẽ phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS.
- Trường hợp 2: Nếu người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp tại điểm a,b,c,d,đ sẽ phạm tội quy định tại điểm khoản cụ thể tương ứng tại khoản 1 Điều 173 BLHS.
Như vậy, có thể khẳng định các điểm quy định hành vi phạm tội trong trường hợp 2 là điểm khoản quy định của khoản 1 Điều 173 BLHS. Do đó, việc tác giả cho rằng “để được xem là các điểm của một khoản nào đó của một điều luật trong BLHS, đòi hỏi nếu tập hợp các điểm này lại, thì tập hợp này phải chứa đựng trong đó tất cả các trường hợp phạm tội của khoản, tức là một hành vi phạm tội được xác định thuộc khoản thì phải hoặc thuộc điểm này, hoặc thuộc điểm kia, không thể xảy ra khả năng hành vi không thuộc bất cứ điểm nào” và cho rằng “nếu cho rằng a, b, c, d, đ, là các điểm thuộc khoản 1 Điều 173 BLHS, thì theo lập luận, lý giải đã nói rõ ở trên, mọi hành vi phạm tội thuộc khoản 1 Điều 173 BLHS phải được quy định ở ít nhất một trong các điểm a, b, c, d, đ trên. Thế nhưng rõ ràng hành vi của người chiếm đoạt tài sản giá 3 triệu đồng là thuộc khoản 1 Điều 173 BLHS, nhưng không thỏa mãn bất cứ điểm nào trong các điểm a,b,c,d,đ”, đồng thời lấy ví dụ minh hoạ tại khoản 2 Điều này là không chính xác. Bởi lẽ, khoản 2 Điều 173 có kết cấu “đơn”, tức là hành vi phạm tội thuộc khoản 2 Điều 173 BLHS khi hành vi đó thuộc các điểm a,b,c,d,đ,e,g mà không có các trường hợp khác được xây dựng sau cụm từ “hoặc” tại khoản 2 tương tự như khoản 1. Do đó, việc minh hoạ cho luận điểm trên bằng khoản 2 Điều 173 BLHS không phù hợp với nội dung vấn đề.
Ngoài ra, chúng ta cần phân tích, so sánh thêm về kết cấu khoản 1 Điều 173 BLHS 2015 và khoản 1 Điều 138 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 để nhận thức rõ sự khác biệt trong cấu trúc hai điều luật. Có thể nhận thấy, nếu theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS: “1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm” thì đối với trường hợp một người trộm cắp tài sản dưới định lượng quy định (nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt trước đó), các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật chỉ cần căn cứ khoản 1 Điều 138 BLHS đã đầy đủ, đúng quy định.
Thứ hai, nếu theo quan điểm của tác giả Hoàng Quảng Lực, trong trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu đồng (người này đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản trước đó) và đây là phương tiện kiếm sống chính của của bị hại mà Toà án tuyên án chỉ tuyên áp dụng khoản 1 Điều 173 BLHS sẽ không phản ánh được tính chất, mức độ nghiêm trọng hành vi phạm tội của bị cáo.
Mặt khác, tác giả còn cho rằng tại phần nhận định, HĐXX đã đánh giá các tình tiết trên do đó tại phần quyết định của bản án chỉ cần ghi căn cứ vào khoản 1 Điều 173 BLHS đã đầy đủ. Theo tôi, quan điểm này chưa chính xác.
Thực tiễn hiện nay cho thấy đã rất nhiều trường hợp bản án trong các lĩnh vực, HĐXX quyết định khác với phần nhận định dẫn đến phải đính chính bản án, thậm chí phải huỷ án, sửa án nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 260 BLTTHS, Bản án phải nêu rõ điểm, khoản, điều của BLHS mà VKS truy tố, nhận định của HĐXX phải xác định bị cáo có tội không và nếu bị cáo có tội thì là tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của BLHS và các văn bản quy phạm pháp luật khác, phân tích lý do mà HĐXX chấp nhận, không chấp nhận các đề nghị của KSV, yêu cầu của người tham gia tố tụng khác… Do đó, nếu HĐXX đã đánh giá cụ thể, cặn kẽ các tình tiết trên tại phần nhận định, thì không có lý do gì đến phần quyết định lại lấy lý do “tuyên án một cách dài dòng như vậy là rất khó nghe” để lược bỏ đi các điểm, khoản của một điều luật.
Đây là nội dung không có vướng mắc và cơ bản đã được thực hiện xuyên suốt, đồng bộ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng kể từ khi BLHS, BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành. Đối với dạng vi phạm nêu trên, thông thường Viện kiểm sát sẽ có kiến nghị để Toà án cùng cấp đính chính bản án sao cho phù hợp với nhận định của HĐXX tại phiên toà. Tuy nhiên, nếu vi phạm nêu trên có tính chất kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần, nhằm bảo đảm việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, VKSND các cấp thực hiện quyền kháng nghị đối với bản án là phù hợp, đúng pháp luật.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi của người đọc./.
TAND Thị xã An Nhơn, Bình Định xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Đức Hà
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
1 Bình luận
Nguyễn Tuấn Anh
15:44 04/01.2025Trả lời