Ban Chỉ đạo trung ương về quản lý biên chế nhiệm kỳ 2021-2026 làm việc với Ban Cán sự đảng TANDTC
Ngày 13/12/2021, Đoàn khảo sát tình hình thực hiện quản lý biên chế do bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban cán sự đảng TANDTC.
Đoàn khảo sát còn có ông Mai Văn Chính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực, Ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Quang Dương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo quản lý kinh tế; ông Trần Sĩ Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng kiểm toán nhà nước; ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cùng các lãnh đạo cấp vụ của Ban Tổ chức TW, Bộ Nội vụ.
Về phía TANDTC, có ông Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC cùng các Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC, đại diện TAQS trung ương, lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC.
Tại buổi làm việc, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết việc thực hiện quản lý biên chế giai đoạn 2016 - 2021, đề xuất biên chế giai đoạn 2022 - 2026.
Theo đó, việc thực hiện tinh giản biên chế được các Tòa án triển khai thực hiện trong bối cảnh đồng thời với việc triển khai thi hành Luật tổ chức TAND năm 2014, cơ cấu tổ chức có nhiều thay đổi. Mặc dù an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn ổn định song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động, có tính chất xuyên quốc gia; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính gia tăng về số lượng và có tính chất ngày càng gay gắt, phức tạp. Bên cạnh việc phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, đáp ứng các chỉ tiêu, yêu cầu theo nghị quyết của Quốc hội, các Tòa án còn phải tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; tổ chức triển khai thi hành các đạo luật quan trọng liên quan tới hoạt động của Tòa án và triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị.
Ông Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC phát biểu tại buổi làm việc
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế và xây dựng vị trí việc làm: Ban cán sự đảng TANDTC đã chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương trong TAND, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, xác định rõ tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh gọn bộ máy, xây dựng vị trí việc làm là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Căn cứ các nghị quyết của Trung ương, Ban cán sự đảng TANDTC đã cụ thể hóa thành nghị quyết, kế hoạch, để tổ chức thực hiện thống nhất trong các TAND; phân công cho từng thành viên Ban cán sự đảng chỉ đạo các đơn vị TAND thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Đảng, kế hoạch, nghị quyết của Ban cán sự đảng.
Về tổ chức bộ máy
Căn cứ vào tính chất đặc thù của TAND, Chánh án TANDTC đã ban hành các quy định về tổ chức, bộ máy đối với từng cấp Tòa án:
+ Đối với TANDTC: Quyết định số 918/2015/QĐ-TANDTC, ngày 23/6/2015 quyết định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của TANDTC.
+ Đối với TAND cấp cao: Chánh án TANDTC ban hành các Quyết định số 986, 987, 988/QĐ-TANDTC về việc tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Đối với TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện: Chánh án TANDTC ban hành Quyết định số 663/QĐ-TANDTC ngày 12/4/2017, quy định về số lượng lãnh đạo, quản lý cấp phó; Quyết định số 345/2016/QĐ-TANDTC về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Ban cán sự đảng đã ban hành Kế hoạch số 889-KH/BCS, ngày 22/5/2018 về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng trong các TAND. Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 1223a/QĐ-TANDTC ngày 30/7/2018 về thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch và giao trách nhiệm đến từng lãnh đạo TANDTC, từng đơn vị chức năng để tổ chức thực hiện.
Về quản lý, sử dụng và tinh giản biên chế
Căn cứ Nghị quyết số 473a/NQ-UBTVQH13 ngày 28/3/2012 của UBTVQH, Chánh án TANDTC đã ban hành các quyết định phân bổ biên chế đối với các đơn vị trong TAND đảm bảo số chỉ tiêu phân bố cho các đơn vị, Tòa án các cấp trong phạm vi chỉ tiêu được UBTVQH giao và tương xứng với tính chất, khối lượng công việc của các đơn vị Tòa án.
Ban hành Kế hoạch số 458-KH/BCS, ngày 26/5/2017 về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TAND đến năm 2021, trong đó xác định rõ lộ trình, chỉ tiêu, trách nhiệm đến từng Tòa án. Đồng thời, chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TAND giai đoạn từ nay đến năm 2021. Trên cơ sở đó, Đề án tinh giản biên chế của TAND, cùng với các văn bản hướng dẫn TAND các cấp thực hiện việc tinh giản biên chế theo Kế hoạch mà Ban cán sự đảng đề ra đã được ban hành.
Về xây dựng vị trí việc làm
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng TANDTC đã sớm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng Đề án vị trí việc làm trong TAND. Đề án đã báo cáo UBTVQH vào tháng 4/2017, hoàn thiện và gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ tháng 7/2017.
Ngày 14/3/2019, Ban Tổ chức Trung ương có Công văn số 7590 CV/BTCTW về việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức, theo đó, Ban cán sự đảng TANDTC đã thành lập và chỉ đạo Tổ Biên tập hệ thống vị trí việc làm TAND xây dựng lại danh mục vị trí việc làm trong TAND. Tổ biên tập hệ thống vị trí việc làm đã ban hành Kế hoạch và Công văn hướng dẫn các đơn vị xây dựng danh mục và bản mô tả vị trí việc làm theo đúng quy định.
Ban cán sự đảng TANDTC luôn chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Tòa án các cấp trong quá trình triển khai thực hiện. Việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng, tinh giản biên chế được lồng ghép trong các cuộc kiểm tra định kỳ hằng năm về công tác chuyên môn hoặc kiểm tra đột xuất nắm tình hình trong khi làm quy trình cán bộ tại các đơn vị, Tòa án địa phương. Trong 6 năm qua, TANDTC đã thành lập 68 đoàn kiểm tra vừa tiến hành kiểm tra công tác xét xử, đồng thời kiểm tra về công tác cán bộ, quản lý và sử dụng biên chế tại các TAND cấp cao, 95 lượt TAND cấp tỉnh và 220 lượt TAND cấp huyện. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện đồng thời phát hiện những vướng mắc, hạn chế để đề ra giải pháp khắc phục, kịp thời có văn bản hướng dẫn các đơn vị, địa phương.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế phát biểu tại buổi làm việc
Ban cán sự đảng đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về quản lý biên chế. Quá trình triển khai được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đã được ban hành đầy đủ, kịp thời hướng dẫn cho TAND các cấp tổ chức triển khai thực hiện.
Ban cán sự đảng TANDTC đã khẩn trương rà soát các nhiệm vụ, tập trung chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của TAND các cấp theo quy định, kịp thời ổn định cơ cấu tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiến; đồng thời điều chỉnh biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, điều động, bổ nhiệm các chức vụ và chức danh tư pháp, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
Thực hiện tốt công tác quản lý biên chế; bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức hợp lý. Việc xây dựng vị trí việc làm, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được triển khai đồng bộ từ TANDTC xuống TAND các cấp. Công tác tuyển dụng công chức để bổ sung cho các đơn vị trong TAND đáp ứng nhu cầu nhưng phải gắn với thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39.
Đã tập trung chỉ đạo đơn vị chức năng triển khai nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện vị trí việc làm đảm bảo đúng quy định và tiến độ. TAND là một trong những đơn vị trong hệ thống chính trị đã nỗ lực cao, hoàn thiện sớm đề án vị trí việc làm, được Ban Tổ chức Trung ương, Ban Công tác đại biểu Quốc hội ghi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như:
Việc thực hiện tinh giản biên chế trong một số trường hợp còn lúng túng, do khó xác định thuộc trường hợp nào để tiến hành thủ tục xét tinh giản biên chế cho phù hợp và đảm bảo quyền lợi cho công chức.
Số lượng tinh giản do giảm tự nhiên (nghỉ hưu) chiếm tỷ lệ 95,19%, chưa đạt yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Cơ cấu chức danh tư pháp không hợp lý (nhiều Thẩm phán ít Thư ký Tòa án) đã gây áp lực cho đội ngũ Thư ký Tòa án. Số lượng Thẩm phán không đáp ứng yêu cầu chuyên môn hóa hoạt động xét xử ở Tòa án cấp huyện theo quy định của Luật, cũng như thành lập Tòa chuyên trách về hôn nhân, gia đình và người chưa thành niên theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia
Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số đơn vị trong TAND còn chồng chéo, trùng lắp. Cơ cấu tổ chức một số đơn vị, Tòa án chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là tổ chức các TAND cấp huyện gây dàn trải về biên chế, cơ sở vật chất; tạo thừa, thiếu cục bộ.
Mặc dù chất lượng công chức đã được nâng lên, nhưng số lượng công chức có kinh nghiệm chuyên môn sâu, có năng lực giải quyết các vụ án quốc tế, nhất là các chuyên gia đầu ngành vẫn còn hạn chế.
Nguyên nhân được xác định do biên chế được giao cho ngành Tòa án từ năm 2012, đến nay đã gần 10 năm, không những không được giao thêm mà còn phải thực hiện tinh giản thêm 10% đã tạo ra áp lực lớn cho ngành Tòa án trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng gia tăng, năm sau tăng hơn năm trước trung bình 8,5%; nhưng vẫn phải đảm bảo các chỉ tiêu của Quốc hội về chất lượng xét xử, giải quyết các vụ, việc và yêu cầu của công tác cải cách tư pháp.
Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ở một số đơn vị vẫn chưa đảm bảo thực chất, còn mang tính hình thức, cả nể nên việc xét tinh giản biên chế còn khó khăn.
Thẩm quyền của Tòa án được mở rộng; bổ sung nhiều nhiệm vụ mới trong xu thế hội nhập, quy mô nền kinh tế, quy mô dân số của cả nước và ở từng địa phương cũng không ngừng tăng; tính chất các loại vụ việc ngày càng phức tạp, phát sinh nhiều loại tội phạm mới; tranh chấp xuyên biên giới, hôn nhân đa quốc tịch, khiếu kiện có yếu tố nước ngoài tăng; số lượng các vụ án về hành chính gia tăng gấp đôi nhưng biên chế phải giảm là áp lực lớn cho TAND các cấp; Việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng cũng đã tác động đến việc xây dựng đội ngũ chuyên gia.
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn kiểm tra đã đặt ra các câu hỏi thảo luận, trao đổi và đã được đại diện TANDTC trả lời. Các thành viên đoàn kiểm tra đều bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của TANDTC, đồng thời chia sẻ sự khó khăn về biên chế mà hệ thống TAND đang gặp phải trong khi số lượng công việc ngày càng gia tăng nhưng số lượng biên chế không những không được giao thêm mà còn phải thực hiện tinh giản khiến ngành Tòa án gặp phải áp lực rất lớn.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC cảm ơn các đồng chí trong đoàn kiểm tra đã quan tâm, lựa chọn TANDTC là đơn vị kiểm tra và cảm ơn sự chia sẻ của đoàn với những khó khăn về biên chế mà hệ thống TAND đang gặp phải.
Nhằm đáp ứng tinh gọn bộ máy, giải quyết vấn đề về biên chế, Chánh án TANDTC đề nghị xem xét việc chuyển các hợp đồng 68 sang nguồn lực xã hội hóa. Về tổ chức, sau 5 năm vận hành, Luật Tổ chức TAND đã bộc lộ một số bất cập, do đó cần có lộ trình sửa luật. Sau khi hệ thống TAND giảm 10% lượng biên chế, số lượng thư ký bị sụt giảm, tạo ra áp lực rất lớn với các thư ký. Qua khảo sát các nước, tất cả các quốc gia có số lượng dân cư tương đương Việt Nam đều có lượng án rất lớn. Do đó, cần đảm bảo số lượng biên chế của hệ thống Tòa án nhằm đáp ứng lượng công việc ngày càng nhiều.
Kết luận buổi làm việc, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đánh giá cao những mặt đã đạt được của Ban Cán sự đảng TANDTC về tổ chức bộ máy, biên chế, tổ chức thực hiện, các câu trả lời của đại diện TANDTC về các câu hỏi của đoàn kiểm tra hết sức thuyết phục.
Bà Trương Thị Mai đánh giá cao việc thực hiện các Nghị Quyết của hệ thống TAND, công tác lãnh đạo chỉ đạo của lãnh đạo của Ban cán sự đảng TANDTC hết sức sát sao, đảm bảo công tác giám sát kiểm tra. Tòa án đang giữ số biên chế không tăng mà vẫn tiếp tục giảm, trong khi lượng án ngày một tăng, về vấn đề này bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đánh giá cao, ghi nhận, chia sẻ với hệ thống TAND. Đề nghị tiếp tục xem xét việc sắp xếp biên chế gắn với chức năng nhiệm vụ được giao, vị trí việc làm, yêu cầu của công việc.
Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh vị trí của TAND trong Hiến pháp, quyết định của Tòa án là quyết định cuối cùng, Tòa án là trung tâm của hoạt động tư pháp. Do đó cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo, hoàn thiện các chức danh, chức vụ, nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ có chất lượng chuyên môn cao.
Bài liên quan
-
Vụ Công tác phía Nam TANDTC triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bổ nhiệm Chánh án TAND huyện Phú Lộc và huyện Phong Điền
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí: Công tác ngành Tòa án năm sau phải tốt hơn năm trước
-
Trao Quyết định Bổ nhiệm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Bổ nhiệm Trợ lý, Thư ký của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận