Bàn luận về chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra

Chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra được quy định tại Điều 604 BLDS 2015. Bài viết tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Đặt vấn đề

Hiện nay, do quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh chóng ở các thành phố lớn cũng như  thiên tai ở các tỉnh miền Trung, tình trạng nhiều cây xanh trên các tuyến đường gãy đổ gây các sự cố gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, về tài sản đối với những phương tiện đậu, đỗ xe khu vực liền kề, sát với cây xanh ngày càng nghiêm trọng dẫn đến nhiều vấn đề như: quyền lợi của người dân bị thiệt hại sẽ như thế nào? Trách nhiệm của tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong  vấn đề này ra sao?

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) do cây cối gây ra ngắn gọn, chưa chi tiết, còn mang tính chung chung, có nhiều yếu tố bất cập gây khó khăn trong việc giải quyết tình huống này trên thực tế. Thông qua việc phân tích, đối chiếu văn bản pháp luật hiện hành với thực tiễn xét xử của Tòa án cho thấy vấn đề chưa được thể hiện hoàn chỉnh; cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp.

1.  Những vấn đề cơ bản về trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra

1.1.Căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra

Chỉ khi nào đáp ứng đủ ba điều kiện sau đây thì mới phát sinh trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra:

Thứ nhất, phải có thiệt hại xảy ra: Đây là điều kiện tiên quyết trong trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra nói riêng, bởi nếu không có thiệt hại xảy ra thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường[1]. Điều kiện này được ghi nhận tại Điều 584 BLDS 2015 như sau: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường...”. Đây cũng là điều kiện bắt buộc được quy định trong một văn bản của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng[2]. Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Tuy nhiên, như thế nào là thiệt hại thực tế. Thiệt hại thực tế là thiệt hại dựa trên thực tiễn, có thể hiểu là thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp. Đối với thiệt hại do cây cối gây ra là các thiệt hại về tính mạng, sức  khỏe, tài sản và tinh thần của con người, cơ quan, tổ chức.

Thứ hai, có sự kiện cây cối gây thiệt hại trái pháp luật. Nếu như hành vi gây thiệt hại trái pháp luật của con người là nguyên nhân phố biến làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra chỉ được áp dụng khi thiệt hại là “do sự   tác động tự thân của cây cối” và sự kiện gây thiệt hại nằm ngoài sự kiểm soát của con người[3]. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định trái pháp luật do cây cối gây thiệt hại. Tính trái pháp luật ở đây có thể được hiểu là: không thuộc các trường hợp được pháp luật cho phép, không thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm.

Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện cây cối gây thiệt hại trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Việc xác định mối quan hệ nhân quả có ý nghĩa quan trọng trong việc có hay không có trách nhiệm của chủ sở hữu, người quản lý cây cối. Về nguyên tắc, sự kiện trái pháp luật xảy ra trước, theo sau là hậu quả. Vì vậy, để phát sinh trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra thì nguyên nhân trực tiếp gây ra phải là do cây cối mà không có sự tác động của con người; thiệt hại  xảy ra phải là kết quả tất yếu của việc cây cối gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các  chủ thể.

1.2. Chủ thể chịu trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra

Theo Điều 604 BLDS 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải BTTH do cây cối gây ra. Chủ sở hữu phải có nghĩa vụ kiểm tra xem cây cối của mình có an toàn hay không trong quá trình sinh trưởng; phải kiểm tra cây có nguy cơ đổ gãy hay không và trong trường hợp cành lá, tán lá nhiều và rộng, mưa gióc ó thể dẫn đến gãy cành thì phải tổ chức cắt tỉa để cây không gây ra nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của chủ thể khác[4].

Đối với người chiếm hữu như được hưởng dụng tài sản theo thỏa thuận, chủ thể được giao nhiệm vụ quản lý, chăm sóc cây xanh công cộng… thì các chủ thể phải áp dụng các biện pháp bảo quản đối với cây cối, tránh gây thiệt hại cho chủ thể khác. Tuy nhiên, trong trường hợp cây cối đổ gãy gây thiệt hại do sự kiện bất khả kháng dẫn đến không lường trước được hoặc đã áp dụng mọi biện pháp để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất nhưng thiệt hại vẫn xảy ra, không tác động được thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người quản lý không phải bồi thường.

2. Trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra trong pháp luật một số quốc gia trên thế giới và bất cập trong thực tiễn xét xử tại Việt Nam

2.1. Quy định trong pháp luật một số quốc gia trên thế giới

Hiện nay, với xu hướng toàn cầu hóa, quy định trong pháp luật của các quốc gia trên thế giới có một vài điểm tương đồng, tạo điều kiện giao lưu phát triển giữa các quốc gia với nhau. Nhật Bản là quốc gia có vị trí địa lý gần Việt Nam, hệ thống pháp luật cũng có nhiều quy định tiến bộ. Trong BLDS Nhật Bản, trách nhiệm BTTH được quy định trong chương Hành vi không hợp pháp.

Theo đó, người có hành vi gây thiệt hại thì phải bồi thường, cho dù là lỗi vô ý hay cố ý, cụ thể  tại Điều 709: Một người vi phạm do cố ý hoặc do vô ý mà vi phạm quyền của người khác thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh từ vi phạm ấy”[5]. Tùy thuộc vào thiệt hại gây ra mà họ phải bồi thường ở các mức tương ứng khác nhau. Pháp luật dân sự Nhật Bản chỉ quy định về BTTH do công trình xây dựng, động vật gây ra (Điều 717, 718 BLDS Nhật Bản), chưa có quy định về BTTH do cây cối gây ra. Việc giải quyết các tình huống có liên quan chủ yếu dựa vào các quy định mang tính chất nguyên tắc để xử lý tranh chấp.

BLDS Pháp đã quy định về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng thành một chương riêng. Về trách nhiệm BTTH, Điều 1383 BLDS Pháp quy định: Mỗi người phải  chịu trách nhiệm về thiệt hại do mình gây ra, không những do hành vi mà còn do sự cầu thả hoặc không thận trọng của mình”. Điều 1384 quy định: “Mỗi người phải chịu trách nhiệm không những về  thiệt hại do mình gây ra mà cả về thiệt hại do những người mà mình chịu trách nhiệm hoặc những vật  mà mình coi giữ gây ra”[6].

Điều 673 BLDS Pháp quy định: Chủ sở hữu bất động sản có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản liền kề phải chặt cành cây mọc vươn sang đất của mình. Nếu hoa quả ở cành cây đó tự nhiên rụng xuống thì chủ sở hữu đất bị cành cây vươn sang được hưởng. Nếu rễ cây hoặc cành cây nhỏ mọc vươn sang bất động sản liền kề thì chủ sở hữu bất động sản đó có quyền xén rễ, tỉa cành phần vượt quá ranh giới giữa hai bất động sản.

Theo quy định này, chủ thể chịu trách nhiệm BTTH bao gồm  chủ sở hữu tài sản và người có trách nhiệm quản lý coi giữ tài sản. Đồng thời trách nhiệm bồi thường được đặt ra khi người này có lỗi do sự cầu thả hoặc không thận trọng của mình”. Đây là những quy định mang tính chất nguyên tắc để áp dụng chung cho tất cả các thiệt hại mà chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý “vật” để gây thiệt hại bao gồm cả thiệt hại do cây cối gây ra.

Tuy nhiên, khi quy định về các trường hợp phải BTTH cụ thể, BLDS Pháp cũng không có quy định nào về BTTH do cây cối gây ra mà chỉ có các quy định do con vật, công trình xây dựng gây ra tại Điều 1835, Điều 1836. Tương tự như pháp luật Việt Nam,   pháp luật dân sự Pháp cũng quy định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường và chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý tài sản. Đồng thời, lỗi của chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường được xác định cả lỗi cố ý và lỗi vô ý.

 2.2. Bất cập trong thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

 2.2.1. Về chủ thể chịu trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra

Theo quy định tại Điều 604 BLDS 2015, chủ thể phải chịu trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra bao gồm: chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây cối. Quy định này đã khắc phục được điểm hạn chế trong quy định ở Điều 626 BLDS 2005 khi chỉ đề cập đến chủ thể là chủ sở hữu, bao gồm cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác[7]. Tuy nhiên, quy định của pháp luật dân sự hiện hành lại có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn.

Giao dịch dân sự ngày càng đa dạng, đề cao nguyên tắc sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Ví dụ: Công ty A và công ty B ký hợp đồng cho thuê vuờn cây trong 05 năm. Nội dung hợp đồng ghi rõ: trong trường hợp cây cối gây thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe cho các chủ thể khác thì hai bên sẽ liên đới chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, theo quy định của luật thì chỉ có công ty B phải chịu trách nhiệm BTTH, vì công ty B được xác định là người chiếm hữu cây cối. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc Tòa án xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm BTTH. Có hai quan điểm trong vấn đề này, quan điểm thứ nhất cho rằng: cây cối thuộc quyền sở hữu của ai thì người đó phải bồi thường; quan điểm thứ hai cho rằng cây cối gây thiệt hại là do lỗi của người đang có trách nhiệm quản lý, do đó công ty B phải chịu trách nhiệm. Trên quan điểm cá nhân, tác giả ủng hộ quan điểm thứ hai, bởi giữa công ty A và công ty B đã xác lập một hợp đồng cho thuê cây cối, có sự chuyển giao quyền từ chủ sở hữu sang chủ thể khác (công ty B) và việc cây cối gây thiệt hại xảy ra khi vườn cây đang thuộc sự quản lý của công ty B, do đó công ty B phải chịu trách nhiệm BTTH.

Hơn nữa, pháp luật dân sự cũng chưa quy định về trường hợp các chủ thể chiếm hữu, quản lý cây cối trái pháp luật. Pháp luật cần nêu rõ khi cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có hành vi chiếm hữu, quản lý cây cối trái pháp luật mà cây cối gây thiệt hại thì các chủ thể này phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Ngoài ra, đối với các loại cây cối thuộc sở hữu của cộng đồng gây thiệt hại thì việc xác định trách nhiệm bồi thường cũng chưa được đề cập trong quy định của pháp luật. Cộng đồng có quyền sở hữu chung đối với tài sản theo quy định tại Điều 211 BLDS 2015[8]. Có thể kể đến vụ việc trên thực tế  giữa ông Thiện với ông Tòng. Cặp ranh nhà hai ông có cây bạch đàn rất to của ông Tòng. Vào một ngày nọ, cây bạch đàn bị gãy ngã trúng vào nhà ông Thiện làm cho một phần nhà bị hư hỏng. Sau đó, cả hai đã tiến hành xem xét thiệt hại và tính toán chi phí nhưng quá thời hạn ông Tòng vẫn không giao tiền. Vì vậy, ông Thiện khởi kiện yêu cầu ông Tòng phải có trách nhiệm sửa chữa lại căn nhà cho ông như hiện trạng ban đầu. Ông Tòng cho biết cây bạch đàn bị ngã nằm trên phần diện tích đất mà ông đã cho con gái là bà Thu thông qua hợp đồng chuyển nhượng và đã được UBND xã xác nhận. Theo đó, cây bạch đàn gây thiệt hại do ông Tòng và bà Thu cùng chăm sóc, quản lý. Việc cây bạch đàn bị gãy gây thiệt hại cho ông Thiện không thuộc trường hợp sự kiện bất khả kháng, mà có lỗi của ông Tòng và bà Thu trong việc quản lý cây cối.

Tuy nhiên, tại Điều 587 BLDS 2015 quy định về BTTH do nhiều người cùng gây ra: Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”. Theo quy định này thì chỉ mới dừng lại việc quy định trách nhiệm liên đới bồi thường do hành vi của nhiều người cùng gây ra, chứ chưa quy định trách nhiệm liên đới bồi thường do tài sản chung của nhiều người gây ra.

2.2.2. Về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra

Điều 604 BLDS 2015 chưa có quy định cụ thể về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH. Điều này dẫn đến sự lúng túng trong việc xác định trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra, trong đó có việc nhận diện yếu tố lỗi. Phần lớn lỗi trong BTTH do cây cối gây ra là lỗi vô ý, đồng thời còn mang tính chất “suy đoán” nên việc xác định có lỗi hay không có lỗi trong các trường hợp BTTH do cây cối gây ra là rất khó khăn và phụ thuộc vào suy luận của cá nhân.

Hiện nay vấn đề trách nhiệm bồi thường do cây cối gẫy, đổ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng... luôn được sự quan tâm lớn của dư luận. Gần đây là sự việc nhánh cây ở độ cao 25m trong công viên Tao Đàn (Quận 1 TP. Hồ Chí Minh) rơi xuống, đè nhiều người tập thể dục, có hai nạn nhân tử vong vào sáng ngày 9/8/2024. Thời điểm xảy ra sự việc, khu vực không có mưa hay gió lớn[9].

Hầu hết các vụ việc xảy ra thì các cơ quan có chức năng quản lý cây xanh luôn đổ lỗi do sự kiện bất khả kháng, họ không có lỗi trong trường hợp cây gẫy đổ gây thiệt hại. Theo quan điểm của tác giả, để “suy đoán” lỗi của cá nhân, tổ chức quản lý cây cối cần phải căn cứ vào các nội dung sau:

- Lỗi trong việc chăm sóc, quản lý cây cối. Thực trạng cây cối bị đổ gẫy ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cho thấy có rất nhiều cây trong tình trạng là “không rễ, rỗng ruột”. Đây là một vấn để đánh giá về trách nhiệm quản lý của các công ty cây xanh. Khoản 3, 4 Điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018) quy định: Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có các biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phát tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình. Như vậy, việc để cây cối trong phạm vì quán lý của mình có tình trạng “không rễ, rỗng ruột” mà không có bất kỳ một biện pháp gì để kiểm soát, phòng ngừa dẫn tới việc đổ, gẫy gây thiệt hại cho người khác thì phải xác định lỗi của cơ quan quản lý. Mặc khác, bên cạnh việc chăm sóc, cắt tỉa cành cây theo định kỳ trước mùa mưa hoặc khi được thông báo có giông bão thì công ty cây xanh cũng phải thực hiện việc quản lý, cắt bớt cành cây, cưa ngọn… bảo đảm cây không bị gẫy đổ.

- Lỗi trong việc trồng cây thuộc danh mục cấm trồng: Hiện nay, UBND các tỉnh đều ban hành các quyết định quy định danh mục các cây khuyến khích trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trên đường phố. Trong trường hợp mà cây cối đổ gẫy gây thuộc hại thuộc danh mục các cây cấm trồng mà các cơ quan quản lý cây xanh trồng sau khi các quyết định này có hiệu lực hoặc đã hết thời hạn theo kế hoạch mà chưa thực hiện việc thay thế bằng cây trồng khác thì lỗi đương nhiên thuộc về cơ quan quản lý cây xanh.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, để áp dụng thống nhất quy định của pháp luật đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của các công ty quản lý cây xanh, pháp luật cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý cây cối, nên đặt ra quy định rõ ràng thế nào là sự kiện bất khả kháng khi xảy ra thiệt hại do cây cối gây ra, tránh để các bên lợi dụng “lỗ hổng” của pháp luật trốn tránh trách nhiệm và bảo đảm quyền lợi cho người bị thiệt hại.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 604 BLDS 2015

Điều 604 BLDS 2015 nên được sửa đổi về ba khoản như sau: Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải BTTH do cây cối gây ra. Trong trường hợp cây cối bị chủ thể chiếm hữu, sử dụng cây cối trái pháp luật thì chủ thể đó phải BTTH. Ngoài ra cũng cần bổ sung chủ thể là cộng đồng vào quy định của pháp luật.

Thứ ba, hướng dẫn trách nhiệm bồi thường do tài sản của nhiều người gây ra đối với từng trường hợp: sở hữu chung của vợ chồng, sở hữu chung theo phần, sở hữu chung của cộng đồng.

Về lâu dài nên sửa đổi, bổ sung Điều 587 BLDS 2015 quy định về trách nhiệm BTTH của nhiều người. Theo đó quy định hiện tại là khoản 1 và bổ sung khoản 2 trách nhiệm liên đới BTTH do tài sản chung gây ra.

Kết luận 

BTTH do cây cối gây ra là một chế định quan trọng của chế định BTTH ngoài hợp đồng. Trên cơ sở phân tích, làm rõ các vấn đề lý luận về chế định bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như khái niệm, chủ thể chịu trách nhiệm BTTH, căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH do cây cối gây ra. Đồng thời so sánh với quy định của một số quốc gia trên thế giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành giải quyết các tranh chấp dân sự về BTTH do  cây cối gây ra, cũng như góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại; tạo được hành lang pháp lý khá vững chắc, phần nào tạo thuận lợi cho công tác giải quyết của Tòa án cũng như các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình triển khai trên thực tiễn, việc thực hiện quyền khởi kiện cũng như quá trình giải quyết các vụ kiện liên quan đến BTTH do cây cối  gây ra đã gặp không ít khó khăn, trở ngại, nảy sinh nhiều bất cập bởi nhiều quy phạm pháp luật chưa dự trù hết các tình huống trên thực tế, nhiều nội dung còn chưa hợp lý, chưa rõ ràng, cơ chế thực hiện, giải quyết các vụ kiện, tranh chấp về BTTH do cây cối gây ra chưa thực sự đem lại hiệu quả.

 

TRẦN PHẠM HỒNG DUYÊN (Sinh viên Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP.HCM)

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Hiến pháp năm 2013.

2. Bộ luật Dân sự năm 1995, 2005, 2015.

3. Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804.

4. Bộ luật Dân sự Nhật Bản năm 1896 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

5. Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

6. Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Tái bản lần thứ 1, có sửa đổi và bổ sung), Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, 2019.

7. Bộ Tư pháp, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1995, Hà Nội.

8. Trương Quang Dũng, Bộ luật Dân sự Pháp, Nxb. Tư pháp, 2005, Hà Nội.

9. Nguyễn Minh Oanh, Khái niệm chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phân loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Đề tài nghiên cứu khoa học, khoa Luật Dân sự - Trường Đại học Luật Hà Nội, 2009.

10. Phan Châu Thanh, Nguyễn Thị Phương Vi, Phạm Thị Nhiên, Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra theo pháp luật Việt Nam, Báo cáo đề tài Nghiên cứu khoa học Trường Đại học Thủ Dầu Một, 2017.

11. Nguyễn Như Ý, Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 1998, Hà Nội.

12. Vnexpress, Nhánh cây rơi đè chết 2 người ở công viên Tao Đàn, https://vnexpress.net/nhanh-cay-roi-de-chet-2-nguoi-o-cong-vien-tao-dan-4779452.html#:~:text=TP%20HCMNh%C3%A1nh%20c%C3%A2y%20%E1%BB%9F,c%E1%BB%95ng%20sau%20Dinh%20Th%E1%BB%91ng%20Nh%E1%BA%A5t).

 

 

[1] Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Giáo trình pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Tái bản lần thứ 1, có sửa đổi và bổ sung), Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr.377.

[2]  Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

[3] Phan Châu Thanh, Nguyễn Thị Phương Vi, Phạm Thị Nhiên (2017), “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra theo pháp luật Việt Nam”, Báo cáo đề tài Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Thủ Dầu Một, tr.27.

[4] Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, Giáo trình pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Tái bản lần thứ 1, có sửa đổi và bổ sung), Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, 2019, tr.428.

[5] Bộ Tư pháp, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.233.

[6] Trương Quang Dũng, Bộ luật Dân sự Pháp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr.776.

[7] Điều 626 BLDS 2005 quy định: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt          hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.

[8] Điều 211 BLDS 2015 quy định:

“1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.

2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội…”.

 

 

Cây đổ trên đường Hồ Tùng Mậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội trong cơn bão số 3. Ảnh Hải Danh