Bàn thêm về cách tính thời điểm mở thừa kế

Thư ký Tòa Dân sự, TAND tỉnh Phú Yên

1.Các quy định về thời điểm mở thừa kế trước ngày 10/9/1990.

         Khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế quy định: Đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này thì thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tính từ ngày công bố Pháp lệnh này (ngày 10/9/1990).

         Tại điểm a, khoản 6 Nghị quyết ngày 28/10/1995 của Quốc hội khóa IX về thi hành BLDS năm 1995 Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây có quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định về thời hiệu của các văn bản pháp luật đó”.

         Tại Mục III, điểm c tiểu mục 1 Thông tư liên ngành số 03/TTLN ngày 10/8/1996 của TANDTC – VKSNDTC quy định: Theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế, đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này, thì thời hạn mười năm để người thừa kế thực hiện quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác, được tính từ ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế (ngày 10/9/1990). Như vậy, các việc thừa kế đã mở trước ngày 30/8/1990 người thừa kế có quyền khởi kiện đến hết ngày 9/9/2000. Sau ngày 9/9/2000 đương sự không có quyền khởi kiện đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày 30/8/1990”.

         Tại điểm a, tiểu mục 2.2, Mục I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình quy định:

         “Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 1/7/1996, thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của HĐTP TANDTC “hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế”.

         Khi xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 1/7/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 1/7/1996 đến ngày 1/1/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện (khoản 2 Điều 17 Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10)”.

         Tại điểm b khoản 10 Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 quy định: “Đối với những việc thừa kế đã mở trước ngày 10-9-1990, thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990, do đó: Sau ngày 10-9-2000, đương sự không có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác…”.

         Theo điểm b, khoản 2 Nghị quyết 45/2005/NQ-QH11, ngày 14/6/2005 của Quốc hội về thi hành BLDS năm 2005 quy định: “Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực thì …. hoặc giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà có tranh chấp xảy ra thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và các văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng Bộ luật dân sự năm 1995 để giải quyết”.

         Ngoài ra, trong giai đoạn thi hành BLDS 2005 đến trước thời điểm ngày BLDS 2015 có hiệu lực thi hành, khi Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về thừa kế đối với di sản là bất động sản (nhà ở, quyền sử dụng đất) còn phải lưu ý áp dụng Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 để giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Tại khoản 2 Điều 39 quy định “Thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia”. Nghĩa là, trong giai đoạn này các vụ án tranh chấp di sản thừa kế đối với bất động sản là nhà ở mà có đương sự ở nước ngoài tham gia thì khoảng thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006 sẽ không tính vào thời hiệu thừa kế.

         Như vậy, trước khi BLDS 2015 có hiệu lực thi hành, việc áp dụng thời điểm mở thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 được các Tòa án áp dụng thống nhất lấy thời điểm tính từ ngày 10/9/1990 để xác định là thời điểm mở thừa kế để tính thời hiệu thừa kế, tùy từng trường hợp Tòa án còn phải áp dụng Nghị quyết 58 và Nghị quyết 1037 để giải quyết.

         Việc lấy mốc thời điểm ngày 10/9/1990 để bắt đầu tính thời hiệu thừa kế, là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn về hoàn cảnh, điều kiện lịch sử nước ta gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn đất nước có nhiều trường hợp chết, mất tích, biệt tích trong chiến tranh trước ngày 10/9/1990 chưa được xác định, hoặc có nhiều trường hợp đương sự bỏ ra nước ngoài trong thời gian này… Do đó, để đảm bảo cho tất cả mọi người đều có quyền thừa kế, đảm bảo cho tất cả mọi người “không” bị mất, hoặc hạn chế quyền thừa kế trong giai đoạn lịch sử của đất nước, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật trước đây (từ Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 đến trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực thi hành) xác định thời điểm mở thừa kế được tính từ ngày 10/9/1990. Hơn nữa, do việc coi trọng những phong tục tập quán, tình cảm gia đình đã khiến cho không ít người bỏ qua việc đảm bảo thi hành quyền để lại thừa kế và quyền thừa kế. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp người để lại thừa kế đã lập di chúc nhưng do thiếu hiểu biết, nhận thức pháp luật thời điểm trước năm 1990 của người dân còn hạn chế, nên có những bản di chúc  không phù hợp quy định của pháp luật, khiến những người thừa kế lại phải giải quyết tranh chấp bằng pháp luật, làm mất đi tình cảm vốn có. Và quyền để lại thừa kế và quyền thừa kế là những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo hộ, trong khi các quy định pháp luật trước thời điểm năm 1990 chưa được hoàn thiện và rõ ràng.

         2.Thời điểm mở thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 để tính thời hiệu thừa theo quy định BLDS 2015.

           Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế…”. Như vậy, quy định “thời điểm” tính thời hiệu thừa kế của BLDS năm 2015 cũng giống với quy định tại Pháp lệnh về thừa kế năm 1990, BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 là tính kể từ thời điểm mở thừa kế. Và nội hàm quy định về “Thời điểm mở thừa kế” tại khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh về thừa kế năm 1990, khoản 1 Điều 636 BLDS năm 1995, khoản 1 Điều 633 BLDS năm 2005, cũng như tại khoản 1 Điều 611 BLDS năm 2015 là giống nhau, được hiểu theo nghĩa chung nhất là thời điểm người có tài sản chết (chết thực tế về mặt sinh học), hoặc trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết (chết về mặt pháp lý).

         Tại khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của HĐTP TANDTC hướng dẫn: Từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

         Theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015: “c)Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết; d)Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.

         Tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của HĐTP TANDTC quy định: “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015 … là:

         a) Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết” nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

        Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện không có quyn nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó;

         b) Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01-01-2017 Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung, nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế đối với di sản thừa kế đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

          Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó”.

         Tiểu mục 1 Mục III Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của TANDTC giải đáp một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự hướng dẫn: “… Kể từ ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 để xác định thời hiệu đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-01-2017. Tuy nhiên, cần lưu ý quy định tại khoản 2 Điều 688 BLDS năm 2015: “Không áp dụng Bộ luật này đkháng nghị theo thủ tục giám đốc thm, tái thm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực”.

         Như vậy, với các quy định nêu trên, từ ngày 01/7/2017, các vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế được Tòa án thụ lý, thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP để chia di sản thừa kế là bất động sản, mà thời điểm mở thừa kế được mở trước ngày 10/9/1990, hiện nay có nhiều quan điểm về cách xác định thời điểm mở thừa kế để tính thời hiệu:

         Quan điểm thứ nhất: “Nếu mở thừa kế trước ngày 10/9/1990, thì thời mở thừa kế tính từ ngày 10/9/1990 … như vậy, đến ngày 10/9/2020 mới hết thời hiệu mở thừa kế nên trước ngày 10/9/2020 Tòa án phải chia thừa kế với mọi thời điểm mở thừa kế”[1].

         Quan điểm thứ hai: “… Có áp dụng thời hạn 30 năm để xác định thời hạn không?… tùy từng trường hợp mà có đường lối xử lý phù hợp với diễn biến thực tiễn…, có nhiều quan điểm khác nhau về hướng giải quyết, mỗi hướng đều có hạt nhân hợp lý…”[2].

         Quan điểm thứ ba: Thời điểm mở thừa kế sẽ được áp dụng theo quy định của BLDS 2015, không phải áp dụng các văn bản trước đây. Nghĩa là, thời điểm mở thừa kế phải áp dụng Điều 611, là thời điểm người có tài sản chết, trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của BLDS 2015, để tính thời hiệu thừa kế 30 năm đối với bất động sản, không áp dụng thời điểm mở thừa kế tính từ ngày 10/9/1990 theo các văn bản pháp luật trước đây. Cụ thể như tại Quyết định số 07/2017/QĐ-PT ngày 08/12/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã áp dụng giải quyết không chấp nhận kháng cáo của các đồng nguyên đơn ông Lê Văn Q, Lê Văn S, Lê Văn T, giữ nguyên Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm với lý do thời hiệu tranh chấp chia di sản thừa kế đối với di sản của cụ Phạm Thị Đ (chết năm 1982) đã hết theo quy định tại Điều 623 BLDS 2015.

         Việc thời hiệu yêu cầu chia di sản là bất động sản tăng từ 10 năm theo BLDS năm 2005 lên 30 năm theo BLDS năm 2015, nhằm đảm bảo các quyền công dân, quyền con người được pháp luật bảo hộ, được hiến định. Do đó, như đã phân tích trên, tác giả đồng tình theo quan điểm thứ nhất, thời điểm mở thừa kế được mở trước ngày 10/9/1990 phải được tính từ ngày 10/9/1990.  

         Đây là vấn đề phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng cách tính về thời điểm mở thừa kế theo quy định BLDS 2015, bài viết chỉ dừng lại ở góc độ nghiên cứu các văn bản pháp luật trước ngày BLDS 2015 đang còn hiệu lực pháp luật thi hành so sánh với quy định tại BLDS 2015.

 Ảnh minh họa: BLDS năm 2015 quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản

[1] Phan Thị Vân Hương – Đặng Thị Phượng: “Áp dụng thời hiệu thừa kế đối với di sản là bất động sản từ ngày 01/01/2017”, Vụ Giám đốc kiểm tra II – TANDTC, Tạp chí Tòa án nhân dân (Số 15/2017), tr.11.

[2] Tưởng Duy Lượng: “Bàn thêm về áp dụng Điều 623, Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015 về thời hiệu thừa kế”, Tạp chí Tòa án nhân dân (Số 17/2017), tr. 28-31.

NGUYỄN HỮU DUYÊN