Bàn về biện pháp ngăn chặn tạm giam theo quy định của BLTTHS
Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nói chung, biện pháp tạm giam nói riêng theo quy định của BLTTHS trong quá trình giải quyết vụ án vô cùng quan trọng. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin trình bày quan điểm cá nhân về một số quy định còn vướng mắc khi áp dụng biện pháp tạm giam và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
1.Quy định của điều luật
Biện pháp tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong tố tụng hình sự, khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này, người bị tạm giam bị cách ly khỏi xã hội một thời gian nhất định, bị hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do thân thể, cư trú, đi lại …
Biện pháp tạm giam có ý nghĩa lớn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thể hiện sự cương quyết của Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm quyền con người, quyền công dân của những người lương thiện không bị xâm hại, bảo đảm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đạt hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, khi áp dụng biện pháp này, Cơ quan tiến hành tố tụng phải thật thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng quy định của BLTTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 119 BLTTHS 2015 quy định về biện pháp tạm giam như sau: Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp: a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; b) Tiếp tục phạm tội; c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh, quyết định tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.
Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết.
2.Một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng
Thứ nhất, theo khoản 1 Điều 119 BLTTHS thì có thể hiểu biện pháp ngăn chặn tạm giam đương nhiên áp dụng với tội phạm “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng”. Tuy nhiên, điều luật lại diễn đạt “… có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng. Tác giả cho rằng, quy định như vậy chưa chặt chẽ và dẫn đến áp dụng không thống nhất tại các địa phương.
Thứ hai, về khoản 2 Điều 119, điều luật cũng diễn đạt bằng các cụm từ mang tính tùy nghi như “có thể”; “có dấu hiệu tiếp tục phạm tội”; “có dấu hiệu bỏ trốn”. Theo tác giả, để bảo đảm áp dụng không gặp vướng mắc thì cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các quy định này.
Thứ ba, qua nghiên cứu biểu mẫu số 04-HS. Quyết định tạm giam áp dụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam trong Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, tác giả thấy rằng, nghị quyết hướng dẫn về thời hạn tạm giam tại mục (9) của biễu mẫu số 04-HS còn dễ gây hiểu nhầm khi áp dụng, cụ thể mục (9) biểu mẫu 04-HS quy định thời hạn tạm giam ghi “thời hạn tạm giam là … kể từ ngày hết thời hạn tạm giam theo Quyết định tạm giam trước đó”. Theo quy định này, thì có thể hiểu ngày hết thời hạn tạm giam theo Quyết định tạm giam trước đó là ngày kế tiếp của quyết định tạm giam trước đó.
Ví dụ: Lệnh tạm giam của Viện kiểm sát có thời hạn 13 ngày từ ngày 14/7/2020 đến ngày 26/7/2020, khi thụ lý vụ án, Tòa án tiếp tục áp dụng biện pháp này từ ngày 27/7/2020 với điều kiện thời hạn tạm giam không được quá thời hạn xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 278 BLTTHS. Tuy nhiên, vấn đề tác giả muốn đề cập ở đây đó là đã có nhiều quan điểm hiểu nhầm quy định trên và cho rằng “kể từ ngày hết thời hạn tạm giam theo quyết định tạm giam trước đó” là ngày cuối cùng của quyết định tạm giam trước đó, cụ thể, tại ví dụ trên, quan điểm này cho rằng Tòa án ra quyết định tạm giam ghi từ ngày 26/7/2020.
Đối với quy định trên, mặc dù có cách hiểu và áp dụng khác nhau nhưng về bản chất thời hạn tạm giam không thay đổi và không ảnh hưởng đến quyền của bị can, bị cáo. Tuy nhiên, để áp dụng thống nhất, cần sửa đổi, diễn đạt thuật ngữ theo hướng dễ hiểu hơn, tránh các cụm từ trừu tượng gây ra hiểu nhầm khi áp dụng. Nội dung này, trước đây đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP, nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “xét xử sơ thẩm” của BLTTHS năm 2003: Theo quy định tại đoạn 2 Điều 177 của BLTTHS, thì thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này. Do đó, sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà cần kiểm tra ngay các tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp ngăn chặn, để quyết định như sau:
Đối với bị can đang bị tạm giam mà khi thời hạn tạm giam gần hết (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày) và xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị can thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh tạm giam. Thời hạn tạm giam trong trường hợp này được tính kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và không được quá bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và ba tháng mười lăm ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với bị can đang bị tạm giam mà thời hạn tạm giam đang còn, thì khi thời hạn tạm giam gần hết (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày) cần phải xem xét có cần thiết tiếp tục tạm giam nữa hay không. Nếu xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị can (hoặc bị cáo, nếu đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử) thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh tạm giam. Thời hạn tạm giam trong trường hợp này được tính kể từ ngày tiếp theo ngày tạm giam cuối cùng của lệnh tạm giam trước đó và không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của BLTTHS và được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.2.1 mục 1 Phần I của Nghị quyết này trừ đi thời hạn bị can (hoặc bị cáo) bị tạm giam, kể từ ngày Toà án nhận hồ sơ vụ án.
Ví dụ: Ngày 01-02-2004, Toà án nhận được hồ sơ vụ án đối với bị can A. Bị can A bị Viện kiểm sát truy tố về tội phạm nghiêm trọng và đang bị tạm giam theo lệnh tạm giam của Viện kiểm sát đến hết ngày 15-02-2004. Khi thời hạn tạm giam theo lệnh tạm giam trước đó gần hết và xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị can (hoặc bị cáo, nếu đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử) thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh tạm giam kể từ ngày 16-02-2004 và thời hạn tạm giam không được quá bốn mươi lăm ngày (hai tháng là thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm nghiêm trọng trừ đi mười lăm ngày bị can đã bị tạm giam theo lệnh tạm giam trước đó, kể từ ngày 01-02-2004 là ngày nhận hồ sơ vụ án).
Như vậy, từ những phân tích trên, đối với các quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, khắc phúc những vướng mắc về những quy định mang tính tùy nghi dẫn đến hiểu sai bản chất khi áp dụng.
Công an Thừa Thiên Huế thi hành lệnh bắt tạm giam – Ảnh: Hồ Thị Hiệp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
1 Bình luận
Nguyễn Thị Yến Nhi
01:32 13/01.2025Trả lời
1 phản hồi