Bàn về cách tính lãi quá hạn trong hợp đồng vay không ghi lãi suất
Ngày 15/10/2024, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử có đăng bài “Vướng mắc về cách tính lãi quá hạn trong hợp đồng vay không ghi lãi suất” của tác giả Lê Văn Quang. Sau khi nghiên cứu, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất trong bài viết.
Trong giao dịch vay tiền này, bà Nguyễn Thị T và bà Bùi Thị H chỉ thỏa thuận số tiền vay, thời hạn trả bằng văn bản, còn việc trả lãi các bên thỏa thuận miệng, mức 6%. Đối với hợp đồng vay tài sản, luật không yêu cầu bắt buộc phải thể hiện toàn bộ bằng văn bản. Do vậy, thỏa thuận về việc trả lãi của hai bên vẫn có hiệu lực đối với mức lãi suất luật cho phép. Tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 đã quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. …Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Như vậy, mức lãi suất vượt quá 20%/năm các bên đã thỏa thuận là vô hiệu, mức lãi suất trong giới hạn luật cho phép vẫn có hiệu lực. Với các nội dung hai bên đã thỏa thuận bằng văn bản và thỏa thuận miệng cho việc thực hiện hợp đồng này thì hợp đồng này được xác định là hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi.
Thực tế thì hai bên chỉ có tranh chấp về số tiền lãi và thời gian đã trả lãi, không tranh chấp về mức lãi suất thỏa thuận ban đầu (vì bà H cũng thừa nhận thỏa thuận trả lãi 6%/tháng). Việc bà Bùi Thị H chỉ chấp nhận trả lãi cho bà Nguyễn Thị T ở mức 10%/năm chỉ là sự lựa chọn của bà H khi bà T khởi kiện để có lợi cho mình trong việc trả lãi. Tòa án sẽ chấp nhận quan điểm của bà T hay bà H để áp dụng loại hợp đồng và mức lãi suất nào phải trả cho nhau phải căn cứ quy định của khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 để quyết định. Khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”. Nội dung này được hướng dẫn cụ thể tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP :
“2. Hợp đồng vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì lãi, lãi suất được xác định như sau:
a. Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ…”.
Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 và hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP là thống nhất. Muốn chuyển áp dụng khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 để buộc tính lãi trong vụ kiện này phải thỏa mãn hai điều kiện.
Một là, các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất. Điều kiện này không thỏa mãn vì thực tế hai bên đều thừa nhận đã thỏa thuận trả lãi cho hợp đồng vay này với mức lãi suất là 6%/tháng.
Hai là, và có tranh chấp thì lãi suất. Nội dung này thỏa mãn vì hai bên đang có tranh chấp về số tiền lãi đã trả và thời gian đã trả lãi.
Vì không thỏa mãn hai điều kiện nói trên nên không thể áp dụng mức lãi suất 50% theo quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 để chấp nhận yêu cầu của bà Bùi Thị H trong vụ kiện này trong khi tất cả các nội dung khác của hợp đồng đã thỏa mãn các quy định của pháp luật và có hiệu lực.
Ảnh minh họa - TTXVN
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận