Bàn về công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử Tòa án
Trên thực tế có số lượng lớn bản án, quyết định không được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án vì lý do người tham gia tố tụng có yêu cầu không công bố nhưng không nói rõ lý do mà vẫn được chấp nhận. Do đó cần phải làm sáng tỏ vấn đề này để có sự thống nhất, tránh tình trạng Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Theo qui định tại Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án TANDTC về việc ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND nếu Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án theo quy định của Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì sẽ bị xử lý trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế có số lượng lớn bản án, quyết định không được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án vì lý do người tham gia tố tụng có yêu cầu không công bố nhưng không nói rõ lý do mà vẫn được chấp nhận. Do đó cần phải làm sáng tỏ vấn đề này để có sự thống nhất, tránh tình trạng Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến một số qui định có liên quan xoay quanh vấn đề công bố bản án, quyết định để có cái nhìn toàn diện hơn.
1.Qui định và hướng dẫn việc về công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án
Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP qui định về nguyên tắc, bản án, quyết định nào được hay không được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, trách nhiệm của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp trong việc công bố bản án, quyết định, thời hạn công bố bản án, quyết định; việc mã hoá thông tin, số hoá bản án, quyết định, đính chính bản án, quyết định được công bố không chính xác. TANDTC đã ban hành Công văn 144/TANDTC-PC ngày 04 /7/2017 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 03/2017/NQ – HĐTP.
1.1.Bản án, quyết định không được công bố, bao gồm: Bản án, quyết định về vụ việc được Tòa án xét xử kín; bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật; vụ việc có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi[1]. Ngoài các trường hợp trên, khi giải quyết, xét xử Toà án phải nhận định, phân tích nhiều tình tiết nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án nên bản án, quyết định của Toà án sẽ chứa đựng những nội dung như: thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ hoặc chứa đựng những nội dung mà Nhà nước chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước; thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được bộc lộ, có thể được sử dụng và tạo lợi thế trong kinh doanh (Phải có yêu cầu); có chứa đựng nội dung ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư; liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hoá theo qui định (đã được dự liệu và qui định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP)[2] thì không được công bố.
Để thực hiện đúng và thống nhất qui định tại Điều 4, Mục 1 Công văn 144/TANDTC-PC có nêu: Việc xác định bản án, quyết định thuộc trường hợp được công bố hay không được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án phải căn cứ vào các điều 2, 3 và 4 của Nghị quyết. Do đó việc xác định bản án, quyết định thuộc trường hợp không được công bố vẫn phải căn cứ vào Điều 4 Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP.
Điều 4 Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP không có qui định trường hợp nếu người tham gia tố tụng có yêu cầu không công bố bản án thì Thẩm phán chủ toạ không công bố bản án, quyết định đó. Trong trường hợp mà nội dung bản án, quyết định chứa đựng thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được bộc lộ, có thể được sử dụng và tạo lợi thế trong kinh doanh thì Thẩm phán trực tiếp giải quyết xét xử khó mà nhận biết được nên người tham gia tố tụng được quyền yêu cầu gữ bí mật thông tin và phải có trách nhiệm nêu rõ (chứng minh). Nếu có căn cứ thì Thẩm phán sẽ không công bố trên Cổng thông tin điện tử Toà án.
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý là trường hợp bản án, quyết định có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình rất nhiều, nhất là các vụ án hôn nhân và gia đình, các tình tiết trong vụ án có thể liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình nhưng khi được mã hoá và theo hướng dẫn của Mục 1 Công văn 144/TANDTC-PC thì các thông tin liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được bảo đảm và việc công bố bản án, quyết định đó trên Cổng thông tin điện tử không vi phạm quy định về bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Qui định như thế nhưng có quan điểm khi có người tham gia tố tụng yêu cầu không công bố bản án, quyết định vì lý do nêu trên và người tham gia tố tụng cũng không đưa ra được căn cứ nhưng Thẩm phán chủ toạ phiên toà vẫn không cho công bố bản án, quyết định là chưa chính xác. Trong tình huống này, Toà án nên giải thích cho người tham gia tố tụng và quyết định công bố hay không công bố nếu có căn cứ.
Tóm lại, không có qui định về trường hợp nếu người tham gia tố tụng yêu cầu không công bố bản án, quyết định là Toà án chấp nhận yêu cầu và không cho công bố. Trách nhiệm của Thẩm phán chủ toạ phải xác định được bản án nào được công bố hay không công bố. Trong trường hợp đương sự có yêu cầu không công bố thì phải có trách nhiệm chứng minh (nêu rõ lý do) vì sao không phải công bố để Toà án quyết định.
1.2.Chủ thể có quyền quyết định công bố hay không công bố bản án: Theo Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP, tại Điều 1 có nêu: Trách nhiệm của Tòa án trong việc công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và tại Điều 5: Trách nhiệm của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp trong việc công bố bản án, quyết định. Công văn 144/TANDTC-PC cũng chỉ đề cập trách nhiệm của Thẩm phán chủ toạ phiên toà, phiên họp. Trong trường hợp xét xử, thì Hội thẩm không có quyền này. Hay nói cách khác Hội đồng xét xử không có quyền quyết định mà chỉ do Thẩm phán chủ toạ quyết định nên Thẩm phán phải chịu trách nhiệm công bố bản án, quyết định.
Quyết định công bố hay không công bố bản án, quyết định sau khi có kết thúc quá trình xét xử, giải quyết vụ việc. Do đó, điểm cần lưu ý là nếu vụ việc được xét xử thì khi phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, Chủ tọa phiên tòa phải thông báo cho họ biết bản án, quyết định giải quyết vụ việc mà họ là người tham gia tố tụng thuộc diện được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và thông báo quyền của họ được yêu cầu giữ bí mật một số thông tin theo quy định của pháp luật. Thuộc diện được hiểu là có thể nhưng không chắc chắn rằng là bản án, quyết định sẽ được công bố hay không công bố. Thẩm phán chủ toạ phiên toà không nên vội đưa ra quyết định ngay sau khi có người tham gia tố tụng có yêu cầu là không được công bố.
1.3.Về thời điểm thực hiện quyền yêu cầu của người tham gia tố tụng: Theo Công văn 144/TANDTC-PC thì người tham gia tố tụng có thể được yêu cầu về giữ bí mật thực hiện trước khi mở phiên tòa, phiên họp hoặc tại phiên tòa, phiên họp. Yêu cầu về giữ bí mật của người tham gia tố tụng trước khi mở phiên tòa, phiên họp phải được làm bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do để Tòa án xem xét. Theo cá nhân người viết, Toà án nên cho người tham gia tố tụng thực hiện quyền yêu cầu giữ bí mật sau khi kết thúc việc giải quyết vụ việc. Bởi vì, nếu ngay tại phiên toà họ chưa có tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình, chỉ trình bày bằng lời nói thì có thể chưa thuyết phục được Toà án. Nhưng sau khi xét xử, giải quyết họ cung cấp cho Toà án mà Toà án thấy có căn cứ thì phải không công bố, nếu công bố rồi thì phải gỡ bỏ bản án, quyết định đã công bố xem như thuộc trường hợp không được công bố. Hay trong người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa, phiên họp và Tòa án xét xử, giải quyết vắng mặt họ theo quy định của pháp luật mà người vắng mặt không có văn bản yêu cầu Tòa án giữ bí mật thông tin thì được xác định là họ không yêu cầu giữ bí mật thông tin. Nhưng sau đó người vắng mặt nhận được bản án, quyết định của Toà án và họ thấy việc công bố bản án, quyết định có ảnh hưởng đến bí mật và họ muốn yêu cầu giữ bí mật và đồng thời cung cấp tài liệu chứng cứ cho Toà án. Nếu Toà án thấy yêu cầu của họ có căn cứ thì Toà án xác định trong tình huống này bản án, quyết định của Toà án thuộc trường hợp không được công bố và phải gỡ bỏ bản án, quyết định đó. Nhận thức này là nhằm đảm bảo quyền dân sự của cá nhân, tổ chức mà chính Tòa án là chủ thể vừa có trách nhiệm tôn trọng và đồng thời cũng là chủ thể thực thi việc bảo vệ quyền này cho cá nhân tổ, tổ chức nếu bị xâm phạm hoặc có tranh chấp[3].
2.Một vài nhận xét và kiến nghị
Việc yêu cầu phải công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án là một quyết định đúng đắn, có ý nghĩa đột phá trong cải cách thủ tục tư pháp tại Toà án. Thực hiện tốt việc giám sát Thẩm phán, làm cho Thẩm phán phải cẩn trọng trước khi quyết định và cho ra đời sản phẩm tinh thần của mình là bản án, quyết định. Năng lực, trách nhiệm của Thẩm phán cuối cùng được thể hiện qua bản án, quyết định – sản phẩm cuối cùng của quá trình tố tụng. Nhưng cũng cần chia sẻ rằng việc công bố bản án, quyết định của Thẩm phán để toàn xã hội giám sát là một áp lực quá lớn đối với Thẩm phán. Với sự lan truyền và tương tác tốc độ cao của Internet hiện nay, áp lực đó càng lớn.
Trong thời gian ngắn, TANDTC đã ban hành ra hai văn bản Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP và Công văn 144/TANDTC-PC đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết để thực hiện việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Đây là tiền đề, cơ sở để triển khai trên thực tế nhưng cũng phải cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện qui định về vấn đề này. Người viết sau khi nghiên cứu hai văn bản trên xin có một vài kiến nghị nhỏ.
Thứ nhất: Như đã phân tích tại mục 1, TANDTC cần qui định, hướng dẫn theo hướng người tham gia tố tụng có quyền yêu cầu Toà án giữ bí mật bất cứ thời điểm nào trước khi mở phiên toà, tại phiên toà và sau khi giải quyết xét xử nếu có yêu cầu và yêu cầu đó phải có lý do, có căn cứ.
Thứ hai: Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP và Công văn 144/TANDTC-PC có qui định và hướng dẫn về quyền của người tham gia tố tụng đối với yêu cầu Toà án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh, quyền yêu cầu giữ bí mật thông tin theo qui định của pháp luật. Và quyền này bắt buộc phải Thẩm phán phải thông báo cho người tham gia tố tụng tại phần thủ tục phiên toà trong khi đó các BLTTDS, BLTTHS, LTTHC chưa có qui định. Để quyền này của người tham gia tố tụng được đảm bảo nên cần qui định quyền này của người tham gia tố tụng trong các luật tố tụng với một điều khoản rõ ràng.
Thứ ba: Hiểu như thế nào là yêu cầu Toà án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh theo Nghị quyết và quyền yêu cầu giữ bí mật thông tin theo qui định của pháp luật theo Công văn 144/TANDTC-PC (mặc dù đã có lưu ý) nhưng chưa đưa ra hướng xử lý cụ thể để Thẩm phán thực hiện khi có yêu cầu không được công bố. Nếu quyền này được chấp nhận thì phải bỏ bớt nội dung đó trong bản án, quyết định và cũng phải công bố bản án, quyết định sau khi xử lý kỹ thuật hay là nếu chỉ có những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh (có căn cứ) thì nó thuộc trường hợp bản án, quyết định không được công bố. TANDTC cần có hướng dẫn, giải thích vấn đề này.
[1] Xem Điều 4 Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP
[2] Xem Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP
[3] Xem Điều 14 Bộ luật dân sự năm 2015.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
1 Bình luận
Lê Thanh Bình
07:43 28/12.2024Trả lời