Bàn về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Tạp chí TAND điện tử có đăng bài viết “Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị” của tác giả Thân Văn Nhường. Sau khi nghiên cứu bài viết, chúng tôi xin có ý kiến trao đổi.
Trong bài viết có nêu trường hợp ví dụ như sau:
Ông Nguyễn Văn A khởi kiện ông Trần Văn B ra TAND tỉnh X để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Văn A còn cung cấp một số tài liệu chứng cứ cho Tòa án. Sau khi nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo, TAND tỉnh X đã tiến hành các thủ tục để ông Nguyễn Văn A đóng tiền tạm ứng án phí và sau đó Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện của ông. Sau khi thụ lý vụ án, TAND tỉnh X đã 02 lần ban hành giấy triệu tập và đã tống đạt hợp lệ với nội dung mời ông Nguyễn Văn A đến trụ sở Tòa án để làm việc và cung cấp một số thông tin liên quan đến việc khởi kiện của ông. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn A hai lần vắng mặt không có lý do.
TAND tỉnh X đã căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS năm 2015 đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn A.
Không đồng ý với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND tỉnh X, ông Nguyễn Văn A kháng cáo đến Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu hủy quyết đình đình chỉ của Tòa án nhân dân tỉnh X, với lý do Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án là ảnh hưởng đến quyền lợi của ông.
Trong trường hợp vụ án nêu trên, có hai quan điểm giải quyết vụ án của Tòa án cấp phúc thẩm.
Quan điểm thứ nhất: Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn A, giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án nhân dân tỉnh X với lý do “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”. Trong trường hợp này, ông Nguyễn Văn A đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt.
Quan điểm thứ hai: Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn A, hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án nhân dân tỉnh X, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh X tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định chung của pháp luật. Lý do mà Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ là: Tòa án cấp sơ thẩm chưa tiến hành đầy đủ các quá trình tố tụng tiếp theo, Tòa án cấp sơ thẩm chưa đưa vụ án ra xét xử, chưa triệu tập ông Nguyễn Văn A hợp lệ hai lần để tham dự phiên tòa.
Bài viết đã chỉ rõ những quy định pháp luật có liên quan và thực tiễn áp dụng vẫn còn chưa thống nhất giữa các Tòa án với nhau cũng như giữa các Thẩm phán trong cùng một Tòa án. Cụ thể là Tòa án có quyền đình chỉ khi nguyên đơn vắng mặt dù đã được triệu tập hợp lệ hai lần nhưng việc triệu tập này có phải để tham dự phiên tòa hay không? Vấn đề này thực tiễn còn nhiều vướng mắc, việc áp dụng không thống nhất. Do đó, cần có giải pháp để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất, tức là, Tòa án có quyền đình chỉ giải quyết vụ án nếu nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ hai lần mà vắng mặt, không phân biệt việc triệu tập để tham dự phiên tòa hay không. Bởi vì, điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 quy định về các trường hợp đình chỉ có nêu trường hợp: “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”. Do đó, về nguyên tắc, nếu nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Chỉ trừ trường hợp ngoại lệ là họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan. Tức là nếu nguyên đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc có chứng cứ chứng minh vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Tòa án mới tiếp tục giải quyết và không đình chỉ. Do đó, việc đình chỉ là phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với quan điểm thứ hai cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Theo quan điểm này, tại Tòa án cấp sơ thẩm, việc giải quyết một vụ án dân sự cụ thể, sẽ được tiến hành qua từng giai đoạn tố tụng khác nhau và kế tiếp nhau. Trong mỗi giai đoạn tố tụng, trường hợp đương sự không đến Tòa án (mặc dù đã được triệu tập hợp lệ), nếu không vì phải nộp tạm ứng chi phí tố tụng (điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015), thì Tòa án phải chuyển việc giải quyết vụ án sang giai đoạn tố tụng kế tiếp; chỉ khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, sẽ bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và lúc này, Tòa án mới được quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Chúng tôi không thống nhất với quan điểm này, bởi lẽ, trong thực tiễn áp dụng, có rất nhiều vụ án, vì một lý do nào đó, đương sự khởi kiện tranh chấp với nhau và cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Điều này không chỉ có bị đơn, mà ngay cả nguyên đơn cũng cố tình khởi kiện để kéo dài thời gian giải quyết. Việc Tòa án triệu tập để làm sáng tỏ nội dung vụ án là cần thiết. Điều này sẽ giúp Tòa án giải quyết nhanh và bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
2. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
4. Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải”.
Nói cách khác, với quy định hiện tại, nếu như nguyên đơn khởi kiện nhưng không thể đến Tòa án thì họ có thể làm đơn để xin giải quyết vắng mặt, Tòa án sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đưa ra xét xử theo quy định. Việc đương sự là người khởi kiện nhưng không đến Tòa án mà không có đơn cũng không vì sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan thể hiện thái độ bất hợp tác, không tôn trọng Tòa án, cũng như, không tôn trọng pháp luật, gây khó khăn cho việc giải quyết án.
Từ những phân tích trên, tác giả nhận thấy rằng cần thiết phải có hướng dẫn rõ vấn đề này để bảo đảm việc áp dụng pháp luật được thống nhất cũng như bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Từ thực tiễn áp dụng pháp luật, chúng tôi đề xuất nên sửa đổi BLTTDS năm 2015 theo hướng sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 217 như sau:
“c. Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị giải quyết vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”.
TAND huyện Thới Lai, Tp. Cần Thơ tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng tín dụng” - Ảnh: Phục Hưng.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận