Bàn về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015

Bài viết tập trung phân tích, luận bàn quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội quy định tại Điều 123 BLDS năm 2015. Từ đó, tác giả nêu những đánh giá, nhận xét, bình luận nhằm nhận dạng các quy định được coi là vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

1. Về nội hàm Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015

 Có thể khẳng định Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) không chỉ áp dụng cho giao dịch dân sự theo nghĩa hẹp, mà phải hiểu thuật ngữ dân sự theo nghĩa rộng, bao gồm các giao dịch trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình. Điều 123 BLDS năm 2015 cũng đã định nghĩa về điều cấm của luật và trái đạo đức xã hội. Theo đó “Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”; “Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”.

Để hiểu sâu sắc, thấu đáo Điều 123 của Bộ luật, chúng ta cần tiếp cận dưới các góc nhìn khác nhau.

Có thể thấy, quy định của Điều 123 BLDS năm 2015 có nội dung liên quan đến hai phạm trù khác nhau. Một là giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật. Hai là giao dịch dân sự có mục đích, nội dung trái đạo đức xã hội.

Như vậy, cả hai phạm trù này đều cần phải soi chiếu trong quá trình áp dụng. Đối với quy định điều cấm của luật thì căn cứ vào những quy định mà Bộ luật, luật khác đã thể hiện bằng quy định cấm đoán để xác định (chứ không phải điều cấm của pháp luật như quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005 và các văn bản luật trước đây).

Nhưng với phạm trù đạo đức xã hội, trên thực tế, có những quan hệ thuộc phạm trù này đã được luật hóa trong Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thương mại,... Nếu quan hệ đạo đức được luật hóa thành quy định cấm thì căn cứ vào quy định của luật để xử lý, nó không còn đơn thuần là quan hệ đạo đức. Chỉ những trường hợp giao dịch vi phạm quan hệ đạo đức, mà quan hệ đạo đức đó chưa được luật hóa thì mới xem xét có trái đạo đức xã hội hay không.

 Cũng từ phân tích trên cho thấy, chúng ta không chỉ xem xét nội dung của giao dịch có vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội hay không mà còn xem xét về mặt chủ quan, ý chí của các bên khi tham gia giao dịch, đó là giao dịch dân sự có mục đích vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội không.

Mục đích của giao dịch chính là cái mà các bên trong giao dịch hướng tới. Tại Điều 118 BLDS năm 2015 đã định nghĩa về mục đích của giao dịch như sau: “Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó”.

Để nhận biết nội dung của giao dịch phải trên cơ sở xem xét thỏa thuận của các bên về đối tượng, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên trong giao dịch. Từ đối tượng của giao dịch, quyền, nghĩa vụ của các bên mà xác định giao dịch có vi phạm điều cấm của luật, có trái đạo đức xã hội hay không. Trên cơ sở quyền, nghĩa vụ của các bên giúp chúng ta có thể xác định được mục đích của việc xác lập, thực hiện giao dịch.

Mặt khác, trong nhiều điều luật khi đề cập đến “mục đích...” đều có cách thể hiện tương đối giống nhau: “Mục đích của giao dịch dân sự...” (Điều 118), “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự...” (điểm c khoản 1 Điều 117), “giao dịch dân sự có mục đích và nội dung...” (Điều 123), nhưng đó chỉ là cách diễn đạt tắt, vì tự thân giao dịch làm sao có mục đích? Mà phải là mục đích của chủ thể xác lập... giao dịch. Các chủ thể xác lập, thực hiện giao dịch nhằm mục đích gì? Đa phần mục đích của chủ thể xác lập giao dịch đã được thể hiện trong nội dung về quyền, nghĩa vụ của các bên. Mục đích của mỗi bên trong  một giao dịch có thể trùng nhau, có cùng mục đích, nhưng trong không ít trường hợp là khác nhau về mục đích. Do đó, có những trường hợp mục đích của một trong các bên hoặc cả hai bên trong giao dịch vi phạm Điều cấm của luật, nhưng nội dung giao dịch, đối tượng, quyền, nghĩa vụ của hai bên có thể không vi phạm điều cấm của luật.

Ví dụ về trường hợp nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của luật. Hai cá nhân xác lập giao dịch mua bán súng quân dụng đều nhằm mục đích thu lợi nhuận, chứ không bên nào có mục đích được sở hữu khẩu súng, không có mục đích khai thác giá trị sử dụng của khẩu súng. Trong giao dịch này, nội dung giao dịch vi phạm điều cấm của luật, đối tượng trong giao dịch thuộc trường hợp bị cấm lưu thông dân sự nên quyền, nghĩa vụ của các bên trong giao dịch đều thuộc phạm vi điều cấm của luật, dù mục đích (thu lợi  nhuận) nhà nước không cấm mà còn khuyến khích trong kinh doanh, nhưng lợi nhuận phải có được trên cơ sở kinh doanh hợp pháp, đối tượng được phép kinh doanh thì lợi nhuận thu được mới là tài sản hợp pháp, mới được chấp nhận. 

Về trường hợp mục đích xác lập giao dịch vi phạm điều cấm của luật, để dễ hình dung tác giả xin đưa ra các ví dụ.

 Ví dụ thứ nhất: A tặng cho B tài sản với mục đích trốn tránh nghĩa vụ với người khác, B biết được mục đích của A đã cùng A xác lập giao dịch.

Ví dụ thứ hai: K và H xác lập giao dịch, trong đó, K bán căn nhà cho H, H là bên mua căn nhà. Trong nội dung của giao dịch, các bên thể hiện đối tượng giao dịch là tài sản thuộc sở hữu của bên bán, quyền, nghĩa vụ của hai bên về giao vật, giao tiền, thời hạn thực hiện...  đều rõ ràng, đầy đủ. Đối với bên bán (K) có mục đích chính là nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác. Đối với bên mua (H) thực hiện giao dịch mua bán nhằm được sở hữu căn nhà, khai thác, sử dụng căn nhà để ở (mục đích chính), nhưng bên mua cũng biết được mục đích chính của bên bán, đã tiếp nhận mục đích của bên bán, nên đã mua. Trong trường hợp này, có thể coi bên mua có “mục đích kép”, đó là đã tiếp nhận mục đích của bên bán, có thể được hưởng lợi khi tiếp nhận mục đích của bên bán (mua với giá rẻ hơn) giúp bên bán trốn tránh nghĩa vụ, đồng thời cũng đạt mục đích được sở hữu, sử dụng căn nhà để ở. Trong những trường hợp này, có thể xác định mục đích của giao dịch là vi phạm điều cấm của luật.

Song, cũng ví dụ trên nhưng bên mua (H) không biết được mục đích thực sự của bên bán (K), bên mua (H) đã thực hiện việc mua bán bình thường, mua nhà để ở. Mục đích của bên mua (H) không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Nhưng như trên đã phân tích bên bán tham gia giao dịch  không chỉ nhằm thu được một lượng giá trị của tài sản mà sâu xa hơn, mục đích thực sự là nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác. Chính mục đích này là động lực để bên bán (K) thực hiện giao dịch, nếu không thì bên bán (K) chưa có nhu cầu thực hiện giao dịch. Trong trường hợp này, mục đích của mỗi bên (K và H) trong giao dịch là khác nhau. Thông qua quyền, nghĩa vụ của hai bên chúng ta xác định được mục đích của bên mua khi xác lập, thực hiện giao dịch, mục đích đó là hợp pháp. Song, nếu chỉ đơn thuần nhìn vào đối tượng, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong giao dịch, chúng ta khó có thể xác định được mục đích thực sự, sâu xa của bên bán, mà phải sau khi thực hiện xong giao dịch (bên bán tẩu tán số tiền thu được từ việc bán nhà) mới  có căn cứ xác định được mục đích xác lập, thực hiện giao dịch của bên bán. Như vậy, chỉ có mục đích của một bên vi phạm điều cấm của luật, thì giao dịch có vô hiệu không?

Mục đích của bên bán nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ với người khác là vi phạm nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 3 và vi phạm quy định tại Điều 9, Điều 10 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Khoản 1 Điều 9 quy định: 1. Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, không được trái với quy định tại Điều 3 và Điều 10 của Bộ luật này.”

Tại Điều 10 quy định: “1. Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật.

2. Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.”.

Đối với trường hợp bên mua biết hoặc phải biết về mục đích tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ của bên bán thì việc tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không có gì phải băn khoăn, nhưng trong trường hợp người tham gia giao dịch không biết, hoàn toàn ngay tình và nếu không thuộc trường hợp buộc phải biết mà vẫn xác định giao dịch vô hiệu thì có xung đột với quy định tại Điều 133 hay không?

Điều 133 BLDS năm 2015 quy định: “1.Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167[1] của Bộ luật này.

2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”

 Ý kiến đối với trường hợp này rất khác nhau, dù còn chút băn khoăn nhưng tác giả nghiêng về việc cần giải thích, hướng dẫn là giao dịch đó vô hiệu, bởi lý do sau:

Một là, Điều 133 không bao hàm việc bảo vệ một bên ngay tình khi mục đích và nội dung giao dịch vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Hai là, không thể duy trì bất kỳ giao dịch nào mà trong đó hàm chứa sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội. Luật thực định cũng không có quy định nào buộc phải xác định mục đích của tất cả các bên tham gia giao dịch đều phải vi phạm điều cấm… thì mới vô hiệu. Có phải xuất phát từ hàm ý này nên trong Bộ luật mới quy định: “Mục đích của giao dịch dân sự…”, chứ không quy định mục đích của hai bên trong giao dịch”?

Ba là, điều cấm của luật, đạo đức xã hội là những giá trị phải được bảo vệ tuyệt đối. Chỉ có thượng tôn pháp luật mới bảo đảm ngăn ngừa “lách luật”, có như vậy mới bảo vệ được những giá trị được coi là cốt lõi. Có lẽ chính vì các lý do này mà giao dịch vi phạm điều cấm của luật thuộc trường hợp Bộ luật quy định vô hiệu tuyệt đối.

Bốn là, có thể giải thích, tuy bên mua khi tham gia giao dịch là ngay tình, nhưng thuộc trường hợp luật buộc bên tham gia giao dịch phải biết?

Có thể thấy, trong các quy định của luật không có quy định nào liệt kê những trường hợp mà người tham gia giao dịch buộc phải biết. Do đó, giải thích quy định này chỉ dựa trên quy định cấm của luật và thực tiễn, diễn biến của sự việc để xác định là thuộc trường hợp luật buộc phải biết.

Vấn đề nêu trên rất phức tạp, ý kiến rất khác nhau cũng là điều dễ hiểu, khó có thể khẳng định quan điểm nào là chính xác, mà sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, đặc biêt là cơ quan có thẩm quyền giải thích luật. Nếu có sự giải thích luật của cơ quan có thẩm quyền thì phải áp dụng, thực thi theo sự giải thích đó. Trong khi chưa có giải thích của cơ quan có thẩm quyền, nếu coi những giá trị có tính cốt lõi phải bảo vệ tuyệt đối sẽ lựa chọn như quan điểm của tác giả, ngược lại sẽ có lựa chọn khác (mặc dù tác giả cũng không đồng nhất mọi điều cấm của luật đều chứa những giá trị có tính cốt lõi của xã hội, nhưng chắc chắn nó thuộc về những vấn đề mà nhà nước không mong muốn diễn ra). Để việc áp dụng được đúng đắn, thống nhất thì rất cần cơ quan có thẩm quyền giải thích.

2. Thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu do vi phạm quy định tại Điều 123 không bị hạn chế về thời gian và cơ sở của quy định này

Nếu như các trường hợp quy định tại các điều 125,126,127, 128 và 129 về thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu chỉ có hai năm, thì trường hợp vô hiệu theo quy định tại Điều 123 không bị khống chế về thời gian yêu cầu, điều đó có nghĩa bất cứ khi nào các bên cũng có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu. Trong quá trình giải quyết tranh chấp mà xuất hiện yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và yêu cầu này là đúng thì dù giao dịch được xác lập nhưng chưa thực hiện, đang thực hiện hoặc đã thực hiện xong, thời gian xác lập, thực hiện  dù đã lâu thì cơ quan tài phán căn cứ Điều 123 phải chấp nhận yêu cầu đó, trừ khi thực tiễn lập pháp, hành pháp đã thay đổi, hoặc do thực tiễn cuộc sống, bản thân sự vật đó đã thay đổi về chất thì cần phải cân nhắc khi quyết định. Trong trường hợp này, phải căn cứ vào các nguyên tắc cơ bản của BLDS năm 2015, của luật khác có liên quan để quyết định, nhằm làm cho việc xử lý phù hợp với sự vận động, biến đổi của cuộc sống.

Vì sao Bộ luật không khống chế thời hạn yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, không đặt nặng yêu cầu ổn định quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại... trong trường hợp này và nó xuất phát từ cơ sở nào?

Thứ nhất, có thể nhận thấy, BLDS năm 2015 đã tạo một hành lang rất thông thoáng cho giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại,... khi chỉ quy định giao dịch có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật (chứ không phải là pháp luật như các Bộ luật trước đây), trái đạo đức xã hội thì mới vô hiệu.

Thứ hai, Nhà nước, xã hội tôn trọng quyền tự do, quyền tự quyết của các chủ thể khi tham gia giao dịch, nhưng có một nguyên tắc có tính bao trùm là quyền tự do, tự quyết của các bên trong giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại,... không được làm tổn hại, xâm phạm quyền, lợi ích của các chủ thể khác trong xã hội (lợi ích của các chủ thể khác được hiểu theo nghĩa rộng nhất, bao gồm lợi ích của các cá nhân, pháp nhân, tổ chức, lợi ích quốc gia, cộng đồng, dân tộc, nhà nước...) và không được xâm phạm những giá trị về đạo đức. Vì vậy, Bộ luật, luật khác đều xác định những “ranh giới đỏ” mà các bên tham gia giao dịch không được vượt qua. Ranh giới đó là điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Thứ ba, khi xâm phạm vào ranh giới này trong nhiều trường hợp là xâm phạm vào những giá trị có tính phổ quát, căn bản, hoặc làm đảo lộn những giá trị đạo đức được cả xã hội, cộng đồng tôn trọng.

Thứ tư, mục đích, nội dung của giao dịch là yếu tố cốt lõi của giao dịch, nhưng một khi mục đích và nội dung giao dịch vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội là giao dịch đã xâm phạm nghiêm trọng trật tự mà luật pháp, đạo đức xã hội đặt ra, những giá trị cực kỳ quan trọng. Nếu bỏ qua những vi phạm này thì trật tự pháp luật, đạo đức tốt đẹp của xã hội không được duy trì, xã hội không còn kỷ cương. Đó là lý do vấn đề này phải được đề cao hơn so với yêu cầu về tính ổn định quan hệ dân sự. Vì vậy, bất kể khi nào có chủ thể yêu cầu đều phải xem xét nhằm bảo vệ, duy trì những giá trị đó.

Thứ năm, những chủ thể tham gia giao dịch dân sự có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Nhưng quy định tại Điều 123, khoản 2 Điều 132 BLDS năm 2015 không cản trở chủ thể khác, dù không phải là chủ thể tham gia trong giao dịch đó cũng có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu.Ví dụ người thứ ba không tham gia giao dịch, nhưng quá trình hai bên xác lập, thực hiện giao dịch đã xâm phạm lợi ích của người thứ ba, người thứ ba này có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu.

3. Nhận diện những quy định được coi là “điều cấm của luật”, “trái đạo đức xã hội”

3.1. Nhận diện những quy định được coi là “điều cấm của luật”

Theo định nghĩa đã được nêu trong BLDS năm 2015 thì điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Khi thuộc trường hợp luật không cho mà các bên tham gia giao dịch vẫn cứ thực hiện những hành vi mà luật không cho phép, thì khi đó giao dịch bị coi là vi phạm điều cấm của luật.

Tuy nhiên, làm thế nào để nhận diện những quy định được coi là “ không cho phép chủ thể thực hiện hành vi”, thuộc trường hợp luật cấm? Có ý kiến cho rằng chỉ những trường hợp luật ghi rõ là cấm, hoặc trong điều luật ghi rõ không được thực hiện giao dịch thì mới xác định là vi phạm “điều cấm”, còn trong điều luật không ghi rõ, không có từ cấm thì không thuộc phạm vi điều cấm.

Tác giả cơ bản đồng tình với ý kiến trên. Những trường hợp trong điều luật, điều khoản đã ghi rõ là cấm rất dễ nhận diện, ví dụ Điều 3 của Luật nhà ở năm 2023; Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014; Điều 12 Luật đất đai số 45/2013/QH 13 ngày 29 tháng 11 năm 2013; Điều 11 Luật đất đai năm 2024; khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2014; Điều 17 Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13... Các Điều luật này đều quy định về các hành vi bị cấm, bị ngiêm cấm, trong đó có hành vi liên quan đến giao dịch. Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ...; Điều 25 Luật Thương mại 2005 quy định về hàng hóa cấm kinh doanh...

Nếu như những giao dịch dân sự thuộc phạm vi bị cấm, hoặc liên quan trực tiếp với “các hành vi bị nghiêm cấm” thì đương nhiên xác định giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại,... vi phạm điều cấm của luật. Do điều luật đã ghi rõ nên các trường hợp này không khó trong việc nhận diện giao dịch có vi phạm điều cấm của luật hay không.

Nghiên cứu các quy định của luật thực định, tác giả nhận thấy có những cách thể hiện khác nhau liên quan đến những nội dung thuộc phạm trù “điều cấm của luật”. Trong nhiều trường hợp trong luật đã ghi rõ là “cấm” như nêu trên, nhưng cũng có trường hợp không quy định trực tiếp và những quy định có liên quan cũng không có từ “cấm”, nhưng từ nội dung được thể hiện trong quy phạm đó có thể xác định được hậu quả pháp lý cũng tương đương với quy định  mà luật cấm. Để có thể nhận dạng thuận lợi hơn, tác giả tạm chia ra hai dạng được coi là có hàm chứa hậu quả pháp lý tương tự như trường hợp luật cấm:

Dạng thứ nhất: dù trong điều luật không ghi là cấm, mà thể hiện dưới hình thức là điều kiện (dù quy định của luật có thể không có từ “điều kiện” như quy định tại Điều 126 Luật Nhà ở năm 2005[2], còn tại Điều 8 Luật Nhà ở số 65/2014/QH13[3][4]- (Điều 8  Luật nhà ở năm 2023) đều ghi rõ là điều kiện là ví dụ). Những đối tượng không thuộc các trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà thực hiện giao dịch nhằm sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì giao dịch đó vi phạm điểm a khoản 1 Điều 117 Bộ luật, do họ không có “năng lực pháp luật” theo quy định của luật Việt Nam.

Tại Điều 16 Bộ luật quy định: “1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.

2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.”

Điều 17 BLDS năm 2015 quy định:

“1. Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản.

2. Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản.

3.Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.”

Với quy định năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra, do đó, chủ thể này có quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản; quyền tham gia vào quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ dân sự đó. Nhưng nếu là công dân nước ngoài thì chủ thể này không đương nhiên có năng lực pháp luật như công dân Việt Nam. Do đó, họ không đương nhiên được sở hữu một số loại tài sản như nhà, quyền sử dụng đất, không đương nhiên được quyền tham gia giao dịch đó. Bởi theo quy định của luật đối với một số chủ thể việc tham gia vào các quan hệ pháp luật đó đòi hỏi phải thỏa mãn điều kiện nhất định. Chủ thể là pháp nhân cũng vậy, dù là pháp nhân Việt Nam nhưng có những loại ngành nghề đặc thù thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, không phải pháp nhân nào cũng được phép hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xét về mặt kỹ thuật thì có thể coi đây là cách quy định loại trừ giữa chủ thể có quyền dân sự và chủ thể không có quyền dân sự đó, (chủ thể đáp ứng quy định của luật thì có quyền thực hiện giao dịch để xác lập quyền sở hữu nhà ở, chủ thể không đáp ứng điều kiện luật định thì không có quyền đó). Không có quyền dân sự mà thực hiện là vi phạm và hậu quả pháp lý tương tự như trường hợp luật cấm. 

Dạng thứ hai là các trường hợp vượt quá giới hạn quyền dân sự:

Trong giới hạn quyền, tức là các bên thực hiện hành vi dân sự, quyền dân sự trong phạm vi của luật, không thuộc phạm vi điều cấm (đó là biên độ tối đa của quyền, chủ thể được phép trong giới hạn đó) nhưng vượt quá giới hạn quyền thì trong nhiều trường hợp có thể vi phạm điều “cấm” của luật.

Trên thực tế, nhiều trường hợp vượt ra ngoài giới hạn của quyền dân sự thì đã được thể hiện trong quy định cấm của luật, nhưng không phải mọi trường hợp luật đều ghi là điều cấm. Đối với những trường hợp vượt ra ngoài giới hạn của quyền nhưng luật không liệt kê, ghi rõ trong điều luật là “cấm”, thì phải soi chiếu về giới hạn quyền của chủ thể để xem có vượt quá giới hạn quyền hay không, xem xét các quy định có liên quan để xác định có thuộc trường hợp chủ thể được quyền tham gia giao dịch hay không? 

Từ phân tích trên, trong thực tiễn áp dụng pháp luật cần lưu ý:

- Không nên đồng nhất mọi trường hợp coi vượt quá giới hạn của quyền là thuộc phạm vi điều cấm, là đương nhiên vô hiệu mà cần phải xem xét các quy định có liên quan để quyết định, để không nhầm lẫn giữa vượt quá với chưa “vượt quá giới hạn quyền”.

- Trong giao dịch có phần trong giới hạn quyền, có phần vượt quá giới hạn quyền, thì phần thỏa thuận trong giới hạn quyền (của giao dịch) vẫn có hiệu lực.

- Khi xác lập giao dịch thì giao dịch có phần vi phạm điều cấm, nhưng khi thực hiện các bên không thực hiện phần vi phạm điều cấm của luật thì vẫn công nhận kết quả thực hiện giao dịch đó.

3.2. Nhận diện về giao dịch “trái đạo đức xã hội”

Theo Từ điển Luật học do nhà xuất bản từ điển bách khoa, nhà xuất bản Tư pháp phối hợp ấn hành thì đạo đức xã hội là phạm trù thuộc ý thức xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng, là tổng hợp những chuẩn mực, nguyên tắc ứng xử được xã hội thừa nhận để điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác và xã hội.

Đạo đức xã hội không chỉ phụ thuộc vào cơ sở kinh tế trong từng giai đoạn, từng thời kỳ nhất định mà còn phụ thuộc quan niệm và ý chí của giai cấp thống trị.

Điều 123 BLDS năm 2015 đã đưa ra định nghĩa về đạo đức xã hội rất cô đọng: “Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”

Để nhận diện được thế nào là giao dịch dân sự “trái đạo đức xã hội” trong nhiều trường hợp là không dễ, bởi :

- Khái niệm cộng đồng cần được hiểu như thế nào? Theo Từ điển tiếng Việt do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học ấn hành năm 1997 thì cộng đồng là toàn thể những người sống thành một xã hội, nói chung có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối. Ví dụ: Cộng đồng ngôn ngữ, cộng đồng tộc người.

Cộng đồng tộc người là cộng đồng người có những đặc chưng về tên gọi, ngôn ngữ, văn hóa vv...giống nhau, có thể gồm một hay nhiều tộc người thân thuộc.

- Khái niệm đạo đức được nêu trong Từ điển Luật học hoặc được khái quát trong Điều 123 là rất trừu tượng. Trong khi đó, xã hội là một hình thái cộng đồng luôn tồn tại trong mọi thời đại và đạo đức xã hội được hình thành trong cộng đồng đó. Trong khi một nhà nước khó có một cộng đồng đồng nhất, điều đó cũng có nghĩa sẽ có những quan hệ mà trong cộng đồng này cho là hợp đạo đức, còn cộng đồng khác cho là trái đạo đức. Ví dụ như hình thức hôn nhân “nối dây” gồm hôn nhân anh em trai lấy vợ của nhau khi người kia qua đời tồn tại trong một vài tộc người ở Việt Nam (và không chỉ có ở Việt nam mà còn có ở một vài nơi trên thế giới anh em trai, chú cháu có thể lấy vợ của nhau khi người kia qua đời) là một ví dụ. Vậy có áp dụng quan hệ đạo đức chỉ tồn tại trong một, một số cộng cộng đồng, một vùng, miền khu vực dân cư hay chỉ áp dụng những quan hệ đao đức có tính bao trùm chung cho nhiều vùng miền, nhiều tộc người?

- Mặt khác, giao dịch dân sự “trái đạo đức xã hội” cũng hiếm khi được đưa ra cơ quan tài phán, nên cũng không có nhiều tri thức, kinh nghiệm trong vận dụng quy phạm đạo đức trong hoạt động tài phán.

Dù ít khi phải áp dụng quy định này nhưng vì tính phức tạp trong nhận diện, áp dụng nên vẫn cần nghiên cứu, tìm hiểu.

Tác giả cho rằng, đối với những giao dịch có mục đích, nội dung “trái đạo đức xã hội” chỉ áp dụng cho những trường hợp quan hệ đạo đức đó chưa được luật hóa. Đồng thời, phải xác định vô hiệu cho những giao dịch vi phạm những quan hệ đạo đức có giá trị bao trùm chung cho nhiều vùng miền, nhiều tộc người.

Đối với những giao dịch vi phạm những quan hệ đạo đức chỉ tồn tại trong một cộng đồng (phạm vi hẹp), đó là trong một tộc người hay một vài tộc người có bị coi là vô hiệu hay không? Tác giả cho rằng, trường hợp này vẫn tuyên bố vô hiệu, nếu giao dịch đó được xác lập thực hiện tại cộng đồng đó.

Cơ sở cho lựa chọn là nếu quy phạm của luật đương nhiên được áp dụng cho tất cả các chủ thể trong một nhà nước, thì quy phạm đạo đức không phải trong mọi trường hợp đều như vậy. Bên cạnh những quan hệ đạo đức có tính bao trùm, thì cũng có những quan hệ đạo đức được hình thành, tồn tại trên nền tảng văn hóa, phong tục của một, một số cộng đồng. Những quy phạm đạo đức này chỉ điều chỉnh đối với những chủ thể trong cộng đồng đó và chủ thể quan hệ với cộng đồng đó. Tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, phong tục thì cũng cần tôn trọng quan hệ đạo đức của cộng đồng đó (không bao gồm trường hợp quan hệ đạo đức đã được luật điều chỉnh theo hướng bắt buộc thực hiện, cấm thực hiện... đó là quan hệ đạo đức đã được luật hóa, sẽ thực hiện theo luật định, không thuộc trường hợp đề cập ở đây). Do đó, những giao dịch vi phạm nghiêm trọng đạo đức của cộng đồng mà giao dịch đó được xác lập, thực hiện tại cộng đồng nếu vẫn được công nhận thì không được cư dân ở đó đồng tình, sẽ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường về an ninh trật tự, về văn hóa và ổn định xã hội tại khu vực bị điều tiết bởi quan hệ đạo đức đó.  Với phân tích trên, tác giả cho rằng cần xác định giao dịch đó vô hiệu.

Đây là vấn đề khó và phức tạp, xin luận bàn một số nội dung để bạn đọc cùng nghiên cứu và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tạo nhận thức thống nhất trong áp dụng.

TƯỞNG DUY LƯỢNG (Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

[1] Điều 167 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình.

Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”

[2]  Điều 126. “Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam và các đối tượng khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. 2. Người Việt Nam định

cư ở nước ngoài không thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều này đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.”

[3] “Điều 8. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở.

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này".

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.