Bàn về hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 – Một số vướng mắc và đề xuất, kiến nghị

Bài viết tập trung phân tích, luận bàn về quy định hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015), từ đó chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị cụ thể.

1. Quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù trong Bộ luật Hình sự năm 2015

Hoãn chấp hành hình phạt tù được quy định tại Điều 67 BLHS năm 2015 như sau:

“1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:

a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;

b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.

2. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”.

Như vậy, Điều luật quy định 04 trường hợp cụ thể thỏa mãn những điều kiện luật định thì được xem xét hoãn chấp hành hình phạt tù (khoản 1); đồng thời, cũng đặt ra quy định trong trường hợp một người mà đang trong thời gian hoãn chấp hành hình phạt tù mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bán án mới theo quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015.

Về thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù:

Căn cứ Điều 24 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về thủ tục hoãn chấp hành hình phạt tù, như sau:

- Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án làm việc hoặc cư trú ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù.

Đơn đề nghị hoặc văn bản đề nghị phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo các giấy tờ có liên quan.

- Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định.

Trường hợp không đồng ý hoãn chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản trả lời người có đơn đề nghị hoặc cơ quan có văn bản đề nghị và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

+ Người được hoãn chấp hành án và người đại diện trong trường hợp người được hoãn chấp hành án là người dưới 18 tuổi;

+ Viện kiểm sát cùng cấp;

+ Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người được hoãn thi hành án cư trú, làm việc;

+ Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở;

+ Bộ Ngoại giao trong trường hợp người được hoãn chấp hành án là người nước ngoài.

Đồng thời, căn cứ khoản 6 Điều 25 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về việc thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù như sau:

Thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù

...

6. Chậm nhất 07 ngày trước khi hết thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã quyết định hoãn chấp hành án phạt tù phải thông báo bằng văn bản về việc hết thời hạn hoãn và gửi ngay cho cá nhân, cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật này. Sau thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù mà người được hoãn không có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để chấp hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định áp giải thi hành án trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Như vậy, chậm nhất 07 ngày trước khi hết thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã quyết định hoãn chấp hành án phạt tù phải thông báo bằng văn bản về việc hết thời hạn hoãn và gửi ngay cho người được hoãn thi hành án hình sự.

Về thẩm quyền hoãn chấp hành hình phạt tù: Theo quy định tại điểm d, đ và e khoản 1 Điều 44 BLTTHS năm 2015 thì: “1. Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn:... đ) Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù....

Khi vắng mặt, Chánh án Tòa án ủy quyền cho một Phó Chánh án Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án. Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án về nhiệm vụ được ủy quyền”.

2. Một số vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị

Quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù là quy định được áp dụng khá phổ biến trong thực tiễn, để bảo đảm quy định này được áp dụng thống nhất, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP ngày 10/6/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP). Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện.

2.1. Về hoãn chấp hành hình phạt tù và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù

Quy định tại Điều 67 BLHS năm 2015 chỉ ghi nhận các trường hợp được xem xét hoãn chấp hành hình phạt tù mà không nêu cụ thể khái niệm thế nào là hoãn chấp hành hình phạt tù. Nội dung hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP cũng không quy định khái niệm về hoãn chấp hành hình phạt tù.

Tuy nhiên, nghiên cứu với các quy định khác của BLHS năm 2015 thì thấy, tại Điều 68 BLHS năm 2015 quy định về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù như sau:

“1. Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật này, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

2. Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù”.

Đồng thời, Điều luật này cũng không đưa ra khái niệm thế nào là tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

Căn cứ nội dung Điều 67 và Điều 68 BLHS năm 2015 thì có thể hiểu, hoãn chấp hành hình phạt tù được thực hiện ở thời điểm mà người bị kết án phạt tù chưa thi hành án phạt tù, còn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là ở thời điểm người đó đang chấp hành hình phạt tù rooif. Tương ứng thì quy định về chủ thể có thẩm quyền ra quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cũng như quy trình, thủ tục áp dụng đối với hai trường hợp này là khác nhau, được quy định trong các Luật có liên quan là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng, việc tách thành 02 điều luật là Điều 67 và Điều 68 là không thực sự cần thiết. Bởi lẽ, hai điều luật này chỉ khác nhau về thời điểm xem xét, ban hành quyết định và quy trình, thủ tục tố tụng có liên quan, còn về bản chất thì tương tự nhau.  "Tạm đình chỉ" có thể hiểu là tạm ngừng một hoạt động nào đó trong một khoảng thời gian nhất định, không phải là chấm dứt hoàn toàn. “Hoãn” cũng có nghĩa là chuyển việc gì đó từ thời điểm dự kiến ban đầu sang một thời điểm sau đó; về bản chất, hoãn cũng chính là việc tạm ngừng một hoạt động nào đó trong một khoảng thời gian nhất định mà không phải là chấm dứt hoạt động đó. Sự khác nhau ở đây là cách dùng tư ngữ, còn về bản chất thì hai thuật ngữ này có thể mang cách hiểu tương đồng. Bên cạnh đó, việc tách thành 01 điều luật độc lập là Điều 68 thực sự là không cần thiết khi nhà làm luật quy định các ngf hợp tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù chính là các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 67 về hoãn chấp hành hình phạt tù.

Do vậy, tác giả kiến nghị, khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015, nhà làm luật cần sửa đổi, bổ sung theo hướng thu hút quy định tại Điều 68 vào Điều 67 và được thể hiện thành một khoản riêng. Tác giả đề xuất nội dung điều khoản sau khi được sửa đổi, bổ sung được thể hiện như sau:

“3. Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù.

Thời gian hoãn chấp hành hình phạt tù trong trường hợp này không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù”.

Việc sửa đổi, bổ sung này bảo đảm tính lo gic, chặt chẽ trong kỹ thuật lập pháp. Các quy định có liên quan trong các luật tương ứng cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp.

2.2. Về trường hợp người phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Điểm b khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 quy định:

“Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;”

Nội dung điều khoản này được hướng dẫn chi tiết tại Điều 7 Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP như sau:

“1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi không phân biệt là con đẻ hay con nuôi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

…..

4. Giải quyết một số trường hợp sau khi được hoãn chấp hành hình phạt tù:

a) Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người được hoãn chấp hành hình phạt tù lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì Tòa án có thể quyết định cho họ được hoãn đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi;

….”.

Như vậy, nội dung điều khoản này quy định đối với trường hợp người phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi không phân biệt là con đẻ hay con nuôi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Đây là trường hợp còn tồn tại hạn chế, vướng mắc. Ở đây, tác giả không phân tích, luận bàn về trường hợp người phụ nữ nuôi con đẻ, vì trường hợp này việc xem xét cho hoãn chấp hành hình phạt tù là hoàn toàn phù hợp về mặt đạo lý, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn nêu rõ không phân biệt con đẻ hay con nuôi, có nghĩa là trong trường hợp người phụ nữ nhận con nuôi vẫn được xem xét hoãn chấp hành hình phạt tù.

Đối chiếu với quy định tại Luật Nuôi con nuôi năm 2010, tại Điều 2 Luật này quy định về mục đích nuôi con nuôi như sau:

“Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình”.

Đây là quy định phù hợp, nhân văn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho người được nhận làm con nuôi.

Điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định:

“Điều 13. Các hành vi bị cấm

1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.

2. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.

3. Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

4. Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.

5. Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

6. Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.

7. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.”

Trong số những hành vi bị cấm này lại không quy định hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để “trốn tránh nghĩa vụ chấp hành hình phạt tù”.

Đây là một kẽ hở để những đối tượng có mục đích xấu lợi dụng để thực hiện hành vi không đúng, trong đó có việc lợi dụng việc nhận nuôi con nuôi để xin hoãn chấp hành hình phạt tù.

Ví dụ: Đối tượng Nguyễn Thị B, đầu năm 2022, khi biết có thông tin hành vi vi phạm pháp luật của mình sẽ bị điều tra và khả năng sẽ bị buộc chấp hành hình phạt tù thì đã tiến hành các thủ tục để nhận cháu C làm con nuôi, lúc này cháu C được 01 tháng tuổi. Các thủ tục nhận con nuôi được tiến hành theo Luật Nuôi con nuôi năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đến đầu năm 2023, B bị truy tố, xét xử và bị tuyên phạt mức phạt tù là 4 năm tù. Tuy nhiên, B thuộc trường hợp là đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên được hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại Điều 67 BLHS năm 2015.

Như vậy, trường hợp này việc xem xét để được hoãn chấp hành hình phạt tù với điều kiện là đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi không phân biệt là con đẻ hay con nuôi là chưa bảo đảm phù hợp, chưa bảo đảm tính nghiêm khắc trong thực hiện các quy định của BLHS năm 2015 và do đó cũng chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong xử lý hình sự đối với người phạm tội[1].

Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP nhấn mạnh: “phải gắn với hoàn cảnh đặc biệt và phải xem xét thận trọng, chặt chẽ.”. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng, khi xét thấy có đủ điều kiện phân tích ở trên là có thể cho người bị kết án phạt tù được hoãn chấp hành hình phạt tù. Đây là một vướng mắc cần sớm được khắc phục để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của BLHS năm 2015 trong thực tiễn.

Tác giả kiến nghị, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp người phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng là con nuôi được xem xét hoãn chấp hành hình phạt tù với điều kiện Hội đồng xét xử cần đánh giá việc nhận nuôi con nuôi trong các trường hợp cụ thể. Việc xét thấy có dấu hiệu nhận nuôi con nuôi để trốn tránh chấp hành hình phạt tù, để hoãn chấp hành hình phạt tù thì không được xét cho hoãn chấp hành hình phạt tù dù người con nuôi đó dưới 36 tháng tuổi. Với trường hợp này, việc nhận nuôi con nuôi không thỏa mãn mục đích nhận nuôi con nuôi quy định tại Điều 2 Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Đồng thời, tác giả kiến nghị, khi sửa đổi, bổ sung Luật Nuôi con nuôi năm 2010, nhà làm luật cần bổ sung vào quy định tại Điều 13 về các hành vi bị cấm như sau:

“1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em hoặc để trốn tránh thực hiện trách nhiệm do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra”.

Kết luận

Hoãn chấp hành hình phạt tù là một chế định thể hiện chính sách nhân văn, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, để việc áp dụng quy định này thực sự đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc xử lý tội phạm quy định trong BLHS năm 2015 thì cần có những điều chỉnh, bổ sung bảo đảm chặt chẽ, thận trọng và phù hợp. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số hạn chế, vướng mắc trong áp dụng quy định của Điều luật này là hoàn toàn cần thiết, tất yếu khách quan.

 

[1] Điểm b khoản 1 Điều 3 BLHS năm 2015.

HOÀNG THỊ THỦY (Thư ký TAND khu vực 10, thành phố Hải phòng)

Ảnh: nguồn Internet

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật HÌnh sự năm 2015;

2. Luật Nuôi con nuôi năm 2010;

3. Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP ngày 10/6/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.