Bàn về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt
Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng là chế định thể hiện sự ưu việt của pháp luật hình sự Việt Nam, đề cao tính nhân văn, nhân đạo đối với người có hành vi phạm tội thông qua việc giảm bớt trách nhiệm hình sự bằng việc áp dụng loại hình phạt khác nhẹ hơn và mức hình phạt bị áp dụng thấp hơn so với việc người bị kết án sẽ bị áp dụng loại hình phạt, mức hình phạt nặng hơn nếu người đó bị Tòa án quyết định hình phạt trong trường hợp thông thường. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người bị kết án nhận ra lỗi lầm, tích cực cải tạo để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Điều 54 BLHS năm 2015 không quy định việc áp dụng hình phạt trong khung liền kề nhẹ hơn phải là hình phạt cùng loại đã làm nảy sinh vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn.
1. Khoản 1 Điều 54 BLHS không quy định áp dụng hình phạt trong khung liền kề nhẹ hơn phải là hình phạt cùng loại
Tại khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định như sau: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS, để quyết định hình phạt nhẹ hơn thì người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Về giới hạn, việc áp dụng quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Khi quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo khoản 1 Điều 54 BLHS thì cần phải hiểu khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật là khung hình phạt liền kề trước hoặc liền kề sau có mức hình phạt cao nhất nhẹ hơn mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt bị truy tố.
Theo quy định trên, Tòa án chỉ có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung nhẹ hơn liền kề trước hoặc liền sau đó của điều luật, nếu có ít nhất là hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Tức là trong số các tình tiết giảm nhẹ được vận dụng thì ít nhất phải có hai tình tiết được luật quy định, đồng thời giới hạn hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt phải trong phạm vi của khung hình phạt nhẹ hơn liền trước hay liền sau của khung đó. Trên thực tế, vì Điều 54 BLHS không quy định việc áp dụng hình phạt trong khung liền kề nhẹ hơn phải là hình phạt cùng loại và chưa có văn bản quy định chi tiết về vấn đề này nên dẫn tới sự tùy tiện áp dụng và không thống nhất ở các Tòa án.
Trong trường hợp điều khoản liền kề nhẹ hơn có khung hình phạt quy định cả loại hình phạt tù có thời hạn và loại hình phạt khác là cải tạo không giam giữ, phạt tiền thì Tòa án có được phép áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo hay không, đang là vấn đề có các quan điểm khác nhau.
Ví dụ 1: Điều 321 BLHS quy định về tội đánh bạc như sau:
“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm…
3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.
Vậy khi bị cáo phạm tội thuộc khoản 2 Điều 321 BLHS và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, thì Tòa án có thể áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo không? Hay chỉ được áp dụng hình phạt tù từ 06 tháng đến dưới 03 năm theo khoản 1 Điều 321 BLHS?
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Điều 54 BLHS quy định khi bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, thì Tòa án có thể dùng khung hình phạt liền kề nhẹ hơn để áp dụng đối với bị cáo. Do đó, nếu bị cáo phạm tội “Đánh bạc” theo khoản 2 Điều 321 BLHS, trong trường hợp bị cáo đủ điều kiện để áp dụng Điều 54 BLHS, Tòa án được quyền áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Điều 54 BLHS không có câu chữ nào nói rằng khi bị cáo có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, thì Tòa án có thể “dùng khung hình phạt liền kề nhẹ hơn” để áp dụng đối với bị cáo. Điều luật này chỉ cho phép Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn hoặc không bắt buộc trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn đối với trường hợp bị cáo phạm tội lần đầu và là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Hai điều này là hoàn toàn khác nhau. Khung hình phạt được áp dụng đối với bị cáo trong ví dụ này là khung hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Do đó, hình phạt áp dụng đối với trường hợp này chỉ có thể là hình phạt tù ở mức từ 06 tháng đến dưới 03 năm, không thể là hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tiền.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Bởi lẽ Điều 54 BLHS quy định việc chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn so với loại hình phạt quy định ở khung hình phạt mà bị cáo phạm phải không được áp dụng đối với trường hợp bị cáo phạm vào tội mà điều luật quy định có nhiều khung hình phạt và khung hình phạt mà bị cáo phạm phải không phải là khung hình phạt nhẹ nhất.
Mặt khác, trong tình hình các loại tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc những năm gần đây đang diễn ra khá phức tạp ở nhiều địa phương, trong đó việc sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội ngày càng phổ biến, tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá ngày càng tăng. Tuy vậy, một số trường hợp phạm tội theo khoản 2 Điều 321 BLHS đều được hưởng hình phạt cải tạo không giam giữ, với lý do bị cáo có đủ điều kiện để áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS, mà khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015 có quy định loại hình phạt cải tạo không giam giữ, nên việc cho bị cáo được hưởng loại hình phạt này mặc dù đúng pháp luật nhưng đã làm cho việc xử lý loại tội phạm này không đạt được mục đích của hình phạt là giáo dục, răn đe người phạm tội và không đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Ví dụ 2: Tại Bản án số 11/2020/HS-ST ngày 30/11/2020 của Tòa án quân sự Khu vực X Quân khu 5 xét xử bị cáo Trần Xuân M, Thiếu úy, bị Viện kiểm sát quân sự Khu vực 2 QC PK-KQ truy tố về tội “Làm nhục người khác” theo điểm e khoản 2 Điều 155 BLHS.
Tóm tắt nội dung vụ án như sau: Trần Xuân M và Lê Thị T có quan hệ yêu đương từ tháng 6/2018 đến tháng 10/2019 thì chia tay. Do muốn nối lại quan hệ tình cảm với Lê Thị T nhưng không được T chấp nhận, M bực tức, nên khoảng 16 giờ ngày 08/3/2020, M sử dụng điện thoại di động Iphone 6S Plus thực hiện hành vi cắt ghép hình ảnh của T với ảnh video clip khiêu dâm đăng lên mạng xã hội facebook mục đích để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm T, để T bẽ mặt với bạn bè, người thân.
Đến 19 giờ cùng ngày, sau khi nhận được tin nhắn của T và thấy hành vi của mình là sai trái nên M đã gỡ bỏ hình ảnh trên. Hậu quả T bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sinh hoạt, học tập và công việc; bị nhắn tin trêu chọc, có những lời lẽ khiếm nhã, xúc phạm nhân phẩm, danh dự T, gia đình nghĩ T là đứa con hư hỏng, mất niềm tin vào T, gây ức chế tâm lý trong một thời gian. Sau khi vụ án xảy ra, M đã xin lỗi và thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho Lê Thị T với số tiền 40.000.000đ. T đã rút đơn tố cáo và có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho Trần Xuân M. Về hình sự, HĐXX đã tuyên bị cáo Trần Xuân M phạm tội “Làm nhục người khác”. Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 155; các điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 35 BLHS xử phạt bị cáo Trần Xuân M 30.000.000đ.
Bản án này đã có hiệu lực pháp luật, chưa bị Tòa án cấp trên nhận xét. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, việc Tòa án quân sự Khu vực X Quân khu 5 áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS xử phạt bị cáo M 30.000.000 đồng là chưa phù hợp. Do quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS không quy định việc áp dụng hình phạt trong khung liền kề nhẹ hơn phải là hình phạt cùng loại và chưa có văn bản quy định về vấn đề này đã dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Mặt khác, tác giả nhận thấy, bị cáo Trần Xuân M bị Viện kiểm sát quân sự Khu vực 2 QC PK-KQ và Tòa án quân sự Khu vực X Quân khu 5 truy tố, xét xử về tội “Làm nhục người khác” theo điểm e khoản 2 Điều 155 BLHS có khung hình phạt tù có thời hạn từ 03 tháng đến 02 năm là khung hình phạt tù nhẹ nhất của điều luật. Tòa án quân sự Khu vực X Quân khu 5 xử phạt bị cáo Trần Xuân M hình phạt tiền 30.000.000 đồng là đã “chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn” theo khoản 3 Điều 54 BLHS, vì vậy, bản án không ghi áp dụng khoản 3 Điều 54 BLHS trong phần Quyết định về hình sự đối với bị cáo là thiếu sót.
Như vậy, phạm vi lựa chọn để áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật là rất rộng. Mặc dù mục đích của hình phạt đều giống nhau song mỗi loại hình phạt chỉ có thể phát huy được tác dụng của nó nếu được đem áp dụng thích hợp đối với từng loại tội phạm cụ thể.
2. Đề xuất, kiến nghị
Từ thực tiễn công tác, tác giả thấy rằng để tránh trường hợp khi chuyển sang khung hình phạt khác liền kề nhẹ hơn, phạm vi lựa chọn để áp dụng hình phạt quá rộng và không thống nhất, dẫn tới khi quyết định hình phạt đối với bị cáo lại không tương xứng với tính chất và hành vi phạm tội. Theo đó, cần ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định khoản 1 Điều 54 theo hướng sau:
“Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt cùng loại liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.”
Việc ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS khi quyết định hình phạt trong khung liền kề nhẹ hơn phải là hình phạt cùng loại là cho phép cơ quan áp dụng pháp luật có thể vận dụng quy định hình sự linh hoạt hơn để quyết định một hình phạt cụ thể để đảm bảo nguyên tắc nhân đạo và công bằng, hợp lý và đúng với mục đích của hình phạt đối với bị cáo./.
Tòa án nhân dân huyện Nam Giang, Quảng Nam xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Lê Thị Linh Giang
Bài liên quan
-
Về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt tại Điều 54 BLHS năm 2015
-
Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo BLHS Liên bang Nga và gợi mở cho pháp luật hình sự Việt Nam
-
Bàn về quyết định hình phạt theo khoản 2 Điều 54 của BLHS
-
Hội nghị trực tuyến tập huấn chuyên đề: Quyết định hình phạt chính ngoài hình phạt tù
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận