Bàn về sự tương thích giữa Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và BLTTHS
Năm 2015, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, sửa đổi, bổ sung vào năm 2021, nhằm điều chỉnh và hoàn thiện các điều khoản. Tuy nhiên Luật cũng bộc lộ những vướng mắc, không tương thích với BLTTHS.
Đặt vấn đề
Một trong những điểm mạnh của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (TCCQĐTHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) là việc tạo ra cơ chế quản lý hiệu quả hơn, bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động của các Cơ quan điều tra (CQĐT). Điều này giúp tăng cường sự tin tưởng của người dân và nâng cao chất lượng công tác điều tra. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn và vướng mắc cần được giải quyết. Một trong những thách thức lớn nhất là cần thời gian để các CQĐT thích nghi và triển khai các điều khoản mới của luật. Sự hiểu biết về luật và khả năng áp dụng nó đồng đều trong các cơ quan và địa phương vẫn còn bất đồng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thi hành luật không đồng đều và không hiệu quả.
Những khó khăn còn tồn tại
Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về nhiệm vụ, quyền hạn của các CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả khởi tố, điều tra vụ án hình sự.
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, khoản 6 Điều 9 Luật TCCQĐTHS năm 2015 thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Đội An ninh Công an cấp huyện chỉ gồm Cán bộ điều tra, không có cấp trưởng, cấp phó. Khoản 1 Điều 37 Luật TCCQĐTHS năm 2015 quy định Đội An ninh Công an cấp huyện có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra trong trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh thì tiến hành ngay việc truy bắt người có hành vi phạm tội chạy trốn để lấy lời khai và báo cáo cho Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh; đồng thời, Đội An ninh Công an cấp huyện có thẩm quyền tiếp nhận, nhưng không có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Các quy định này gây ra những khó khăn trong tổ chức thực hiện các hoạt động điều tra để thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ vụ việc của Đội An ninh Công an cấp huyện.
Thứ ba, Luật TCCQĐTHS năm 2015 không đưa ra tiêu chuẩn bổ nhiệm cấp trưởng, cấp phó và Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà chỉ quy định khi tiến hành điều tra vụ án, Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phân công người thuộc cơ quan, đơn vị làm Cán bộ điều tra giúp mình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều tra. Như vậy, Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có tiêu chuẩn cụ thể, không được đào tạo và không có chuyên môn, nghiệp vụ điều tra tiến hành điều tra vụ án sẽ gây ảnh hưởng và làm giảm hiệu quả của việc điều tra vụ án.
Thứ tư, khoản 1 Điều 1, Điều 2 Luật số 02/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS năm 2015 và Điều 44 Luật TCCQĐTHS năm 2015 đã bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an). Tuy nhiên, Luật TCCQĐTHS năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa ghi nhận Công an cấp xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nên hiện nay Viện kiểm sát không thể kiểm sát được hoạt động tiếp nhận, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã ngay từ đầu.
Thứ năm, một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, song không có thẩm quyền thực hiện các hoạt động trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, như là: Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư chỉ được trưng cầu giám định đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng.
Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp về lai lịch thì không có thẩm quyền trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản (Điều 33, Điều 34, Điều 36 Luật TCCQĐTHS năm 2015). Các cơ quan thuộc An ninh trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ quan thuộc lực lượng Cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có thẩm quyền trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản (Điều 37, Điều 38, Điều 39 Luật TCCQĐTHS năm 2015).
Thực tế cho thấy, quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền, nhiều trường hợp cần có kết luận giám định, kết quả định giá tài sản để làm căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự như tố giác, tin báo về tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, trong đó vật chứng thu được là tiền giả bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định... Tuy nhiên, luật không quy định Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, các cơ quan thuộc An ninh trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ quan thuộc lực lượng Cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền thực hiện hoạt động trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản gây ra nhiều khó khăn cho khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cũng như trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có thẩm quyền ra lệnh khám xét khẩn cấp nên gây khó khăn trong ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn người bị tố giác bỏ trốn, hoặc có hành vi tiêu hủy tài liệu, vật chứng của vụ án.
Kiến nghị, đề xuất
Một là, bổ sung quy định Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, các cơ quan thuộc An ninh trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ quan thuộc lực lượng Cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, được quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản và khám xét khẩn cấp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan này trong kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, thu thập được căn cứ khởi tố vụ án hình sự; ngăn chặn việc các đối tượng bị tố giác bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu, vật chứng. Mặt khác, việc bổ sung thẩm quyền trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản của các cơ quan này còn góp phần bảo đảm sự thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015.
Hai là, bổ sung vào các điều 185, 188, 193, 197, 198, 201 BLTTHS năm 2015 về chủ thể thực hiện các hoạt động điều tra bao gồm Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc bổ sung chủ thể này trong quy định của BLTTHS năm 2015 để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Ba là, sửa đổi Điều 40 BLTTHS năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp trưởng, cấp phó, Cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Bốn là, bổ sung quy định về cấp trưởng, cấp phó của Đội An ninh Công an cấp huyện và thẩm quyền giải quyết sơ bộ đối với tố giác, tin báo về tội phạm mà Đội An ninh Công an cấp huyện tiếp nhận. Để bảo đảm yêu cầu trong mối quan hệ phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, với Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh cũng như tổ chức chỉ đạo thực hiện các hoạt động điều tra hình sự, BLTTHS năm 2015, Luật TCCQĐTHS năm 2015 cần sửa đổi, bổ sung theo hướng 01 Phó Trưởng Công an huyện phụ trách lĩnh vực an ninh là cấp trưởng, Đội trưởng Đội An ninh là cấp phó trong thực hiện các hoạt động điều tra của Đội An ninh Công an cấp huyện.
Năm là, quy định Công an cấp xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ cùng tội phạm ma túy. Ảnh: Trần Danh
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Quân, Một số vướng mắc bất cập của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2641, truy cập ngày 05/01/2024.
2. ThS. Trần Ngọc Minh - ThS. Đặng Mạnh Cường (kiemsat.vn), Hoàn thiện pháp luật về các biện pháp điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/cong-tac-kiem-sat/hoan-thien-phap-luat-ve-cac-bien-phap-dieu-tra-the-d10-t11572.html?Page=2#new-related, truy cập ngày 05/01/2024.
3. KL, Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, https://baochinhphu.vn/de-nghi-sua-doi-bo-sung-luat-to-chuc-co-quan-dieu-tra-hinh-su-nam-2015-102277388.htm, truy cập ngày 05/01/2024.
4. TS. Sái Ngọc Hưng, Hoàn thiện pháp luật về các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, https://kiemsat.vn/hoan-thien-phap-luat-ve-cac-co-quan-khac-trong-cong-an-nhan-dan-duoc-giao-nhiem-vu-tien-hanh-mot-so-hoat-dong-dieu-tra-65235.html, truy cập ngày 05/01/2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận