Bàn về xác định sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong tố tụng dân sự

Trong tố tụng dân sự, sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một trong những căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng còn gặp những vướng mắc, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Xác định sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một trong những bước Tòa án phải tiến hành đầu tiên để xác định vụ án dân sự có đủ điều kiện để thụ lý hay không từ đó mới có thể tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo.

Xác định sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Trong tố tụng dân sự, một trong các trường hợp để Tòa án trả lại đơn khởi kiện là sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án thuộc một số trường hợp nhất định theo Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (sửa đổi, bổ sung) (“BLTTDS 2015”).

Dưới góc độ tố tụng dân sự, “sự việc” ở đây được hiểu là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập của các bên trong vụ án dân sự. Theo quy định trên, trừ một số trường hợp ngoại lệ (dù trước đó đã bị Tòa án bác đơn hoặc chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại) thì các trường hợp còn lại, nếu Tòa án xác định sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tùy từng trường hợp khác nhau, Tòa án sẽ có hướng giải quyết khác nhau. Cụ thể:

Trường hợp 1: Vào thời điểm nộp đơn khởi kiện đến trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án, nếu xác định vụ việc thuộc trường hợp trên thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, tức không thụ lý vụ án dân sự để giải quyết (điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015). Nếu không có việc thụ lý vụ án của Tòa án thì sẽ không có các bước tiếp theo của quá trình tố tụng.

Trường hợp 2: Nếu Tòa án đã thụ lý vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của mình nhưng sau đó mới phát hiện thuộc trường hợp này thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015).

Như vậy, trừ trường hợp ngoại lệ, hậu quả pháp lý cuối cùng của trường hợp trên là Tòa án không giải quyết yêu cầu của đương sự và người khởi kiện không có quyền khởi kiện lại nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp (khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015). Do đó, rất cần thiết phải thận trọng trong trường hợp này. Bản án, quyết định nêu trên có thể thuộc một trong hai trường hợp sau đây: (i) Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án (Án lệ số 38/2020/AL về việc không thụ lý yêu cầu đòi tài sản đã được phân chia bằng bản án có hiệu lực pháp luật); (ii) Quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tòa án là cơ quan xét xử, có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nên việc xác định sự việc thuộc trường hợp (i) trong thực tiễn hầu như không có khó khăn và bất đồng quan điểm. Vấn đề còn vướng mắc là trường hợp (ii). Hệ thống cơ quan Nhà nước bao gồm nhiều cơ quan. Vậy quyết định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trừ Tòa án) được xác định là quyết định đã giải quyết sự việc? Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 tuy hướng dẫn về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án nhưng lại không hướng dẫn điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015. Chính vì vậy, thực tiễn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. 

Những ý kiến khác nhau từ thực tiễn một vụ việc

Công ty A là chủ đầu tư của Dự án bất động sản X, Y, Z. Năm 2007, Công ty A đã vay tiền của Ngân hàng B bằng Hợp đồng tín dụng  01 và được đảm bảo bằng Hợp đồng thế chấp 02 (thế chấp toàn bộ quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất) và Hợp đồng thế chấp 03 (thế chấp toàn bộ quyền sử dụng đất không thu tiền sử dụng đất). Sau đó, Công ty A không thanh toán được khoản nợ đến hạn nên Ngân hàng B (Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) đã tiến hành thủ tục để bán đấu giá tài sản bảo đảm nhằm thu hồi nợ. Việc bán đấu giá tài sản do Công ty bán đấu giá C tiến hành. Năm 2015, Công ty D đã trúng đấu giá (nhưng chậm thanh toán tiền trúng đấu giá).

Sau đó, do nhận được một số đơn tố cáo về những sai phạm xảy ra trong quá trình đấu giá mà Thanh tra Bộ Tư pháp để tiến hành thanh tra vụ việc này. Năm 2018, Kết luận Thanh tra 04 của Thanh tra Bộ Tư pháp đã kết luận: “Trong quá trình ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản, tổ chức bán đấu giá tài sản, Công ty C đã có một số tồn tại, vi phạm như sau: Không kiểm tra chặt chẽ thông tin do Ngân hàng B cung cấp, không thực hiện việc kiểm tra mức giá đã giảm, đã thông báo bán đấu giá sai giá khởi điểm, Quy chế bán đấu giá và Thông báo bán đấu giá tài sản có nội dung khác nhau về thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán tiền mua tài sản”. Từ đó, Thanh tra Bộ Tư pháp kiến nghị:

- Ngân hàng B: Khẩn trương thu hồi tiền bán đấu giá tài sản từ Công ty D. Không để kéo dài thời gian thanh toán ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ xấu của Ngân hàng và quyền lợi của Nhà nước. Nếu Công ty D không thanh toán đủ tiền trúng đấu giá thì chỉ đạo, xem xét, có hình thức xử lý phù hợp, tránh làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

- Sở Tư pháp tỉnh E: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với tổ chức bán đấu giá trên địa bàn tỉnh E.

- Công ty đấu giá C: Rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót mà kết luận thanh tra đã nêu ra.

- Báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Bộ Tư pháp.

Năm 2019, Công ty A khởi kiện Công ty đấu giá C tại Tòa án để yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản. Tòa án có trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” không? Có hai nhóm quan điểm khác nhau về trường hợp này:

Quan điểm 1: Yêu cầu khởi kiện đã được giải quyết bởi quyết định có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Kết luận Thanh tra 04). Do đó, Tòa án tiếp tục thụ lý giải quyết vụ án là vi phạm thủ tục tố tụng, nên phải căn cứ điểm c khoản 1 Điều 192 và điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án.

Quan điểm 2: Điều 18 Luật Thanh tra năm 2010 và khoản 1 Điều 1 Quyết định số 285/QĐ-BTP ngày 12/02/2018 của Bộ Tư pháp quy định nhiệm vụ, quyền hạn chức năng của Thanh tra Bộ Tư pháp là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ. Kết luận Thanh tra 04 chỉ ra có sai phạm hay không có sai phạm và nêu kiến nghị không phải là kết quả giải quyết tranh chấp. Kết quả đấu giá trong sự việc này chưa từng được giải quyết bằng bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật. Do đó, Tòa án thụ lý vụ án này để giải quyết (nếu đáp ứng các điều kiện khác để thụ lý vụ án) là đúng thủ tục tố tụng.

Trong vụ án này, tác giả đồng tình với quan điểm 2, vì: Trong vụ việc trên, theo quy định của pháp luật về thanh tra, Thanh tra Bộ tư pháp chỉ thanh tra theo nội dung đơn tố cáo. Việc thanh tra của Bộ Tư pháp là để trả lời đơn tố cáo, để xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra nếu có vi phạm pháp luật hình sự. Nói cách khác, Kết luận Thanh tra số 04 trong vụ án này chỉ có thể giải quyết được vấn đề về xử lý hình sự hoặc hành chính, không giải quyết vấn đề dân sự của vụ việc trên (yêu cầu “hủy kết quả bán đấu giá” là yêu cầu về dân sự, được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật dân sự). Thanh tra Bộ Tư pháp không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về yêu cầu tuyên hủy kết quả bán đấu giá và kết luận thanh tra trong vụ việc này không phải và không thể thay thế kết quả giải quyết tranh chấp về mặt dân sự. Do đó, vụ việc trên không thuộc trường hợp tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015.

Một số kiến nghị

Tác giả cho rằng, xác định “sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” rất quan trọng vì điều này ảnh hưởng đến việc có giải quyết hoặc tiếp tục giải quyết vụ án hay không. Do đó, tác giả cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này để có thể áp dụng pháp luật thống nhất, tránh ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Từ vụ việc trên cho thấy vấn đề vướng mắc còn tồn tại đó là xác định “quyết định nào” của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là “quyết định giải quyết sự việc đã có hiệu lực pháp luật”. Tác giả cho rằng, chỉ khi quyết định trên được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết sự việc “về quan hệ dân sự” theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó thì mới thuộc trường hợp nêu trên.

Chính vì vậy, tác giả kiến nghị điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 nên được bổ sung như sau:

“Điều 192. Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện

1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

c) Quyền, nghĩa vụ dân sự trong sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp …”.

Bên cạnh đó, để tránh các tình huống pháp lý phức tạp phát sinh, ngay từ thời điểm bắt đầu xem xét đơn khởi kiện (đơn phản tố, đơn yêu cầu độc lập), Thẩm phán được phân công cần xác định thận trọng trường hợp này trên cơ sở quy định của các Luật chuyên ngành (Luật Thanh tra, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…) để trả lại đơn khởi kiện, tránh xác định không đúng dẫn đến sự tốn kém về thời gian, chi phí và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự./.

 

VŨ THỊ BÍCH HẢI- ĐINH THU THỦY