Bị cáo K phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng Tái phạm nguy hiểm
Sau khi nghiên cứu bài viết “Áp dụng hay không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng?” của các tác giả Th.S Đỗ Ngọc Bình, Th.S Chu Mạnh Hà và các ý kiến trao đổi, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất.
Tôi cho rằng cần xác định bị cáo K phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm q khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015 và tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 256 BLHS năm 2015. Để làm rõ vấn đề này, trước hết chúng ta cần phải xác định thời hiệu thi hành việc đóng án phí hình sự có phụ thuộc vào thời hiệu thi hành bản án hình sự theo quy định tại Điều 60 BLHS năm 2015 hay không? Cụ thể:
Mục 1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (gọi tắt là Nghị quyết số 01/2007) có quy định:
“1.1. Thời hiệu thi hành bản án quy định tại Điều 55 của BLHS là thời hiệu thi hành bản án hình sự về quyết định hình phạt. Đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản thì việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
1.2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 55 của BLHS mà người bị kết án lại phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kề từ ngày phạm tội mới”.
Vì đây là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cho BLHS năm 1999 đã hết hiệu lực thi hành nên căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), thì Nghị quyết nêu trên cũng đã hết hiệu lực thi hành và không được áp dụng cho BLHS năm 2015. Hiện nay, do vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn về vấn đề thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định trong BLHS năm 2015 nên việc áp dụng gặp nhiều khó khăn. Đối chiếu vấn đề thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định trong BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, nhận thấy:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 BLHS năm 2015 thì: “Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên”. Đồng thời, khoản 1 Điều 55 BLHS năm 1999 cũng quy định: “Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên”. Như vậy, khi đối chiếu và so sánh hai nội dung trên, có thể thấy khái niệm “Thời hiệu thi hành bản án hình sự” được nêu trong hai quy định này là như nhau về cách tính thời hiệu, chỉ khác nhau về chủ thể được áp dụng. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 01/2007 cũng chỉ hướng dẫn về cách tính thời hiệu, không hướng dẫn về chủ thể được áp dụng. Do đó, trong khi chưa có văn bản hướng dẫn cho BLHS năm 2015 thì có thể vận dụng tinh thần của Nghị quyết số 01/2007 để áp dụng cho phù hợp đối với từng trường hợp, từng tình huống cụ thể nhưng không được viện dẫn điều khoản của văn bản này khi lập luận. Điều này có nghĩa, thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định tại Điều 60 BLHS năm 2015 sẽ được hiểu là thời hiệu thi hành bản án hình sự về quyết định hình phạt, còn đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản thì việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Vấn đề này cũng hoàn toàn phù hợp với Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) khi quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án. Ta có thể đưa ra ví dụ như sau:
A bị kết án 2 năm tù về tội Trộm cắp tài sản và phải bồi thường thiệt hại cho bị hại B với số tiền là 10 triệu đồng. Bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng do tắc trách nên các cơ quan có thẩm quyền đã không thi hành hình phạt tù đối với A. Sau 5 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, do không có bất kỳ một nội dung nào trong bản án được thi hành nên căn cứ điểm a khoản 2 Điều 60 BLHS năm 2015, thì thời hiệu thi hành bản án đối với A đã hết. Đến đây, nếu tính thời hiệu thi hành vấn đề bồi thường dân sự theo thời hiệu thi hành bản án hình sự thì sau 5 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, B không có quyền yêu cầu thi hành vấn đề bồi thường thiệt hại nữa. Trong trường hợp bình thường thì điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Tuy nhiên, nếu trường hợp B chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà mình không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn, thì việc tính thời hiệu thi hành vấn đề bồi thường dân sự theo thời hiệu thi hành bản án hình sự sẽ dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của B và trái với quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Vì vậy, để bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì cần thiết phải tính thời hiệu thi hành vấn đề bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và không phụ thuộc vào thời hiệu thi hành bản án hình sự như đã phân tích ở trên.
Quay trở lại tình huống, chúng ta thấy bị cáo K có 2 tiền án gồm 1 tiền án về tội Cưỡng đoạt tài sản theo Bản án số 41/2008/HSST ngày 12/8/2008 của TAND huyện H, tỉnh P với mức phạt là 42 tháng tù và 01 tiền án về tội Trốn khỏi nơi giam theo Bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của TAND huyện M, tỉnh P với mức phạt là 36 tháng tù. Đối với tiền án sau, K được xác định là “Tái phạm” và chưa thực hiện việc đóng án phí hình sự do Chi cục THADS huyện M, tỉnh P không nhận được bản án nên không ra quyết định thi hành án theo quy định. Như vậy, Chi cục THADS huyện M, tỉnh P không ra quyết định thi hành án và không thông báo việc thi hành án cho K là do nguyên nhân khách quan. Theo hướng dẫn tại mục 7 phần I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC thì:
“7. Người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, đã đủ thời gian được xem là đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự nhưng chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp này có được đương nhiên xóa án tích không?
Điều 70 của Bộ luật Hình sự quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.
Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự”.
Như vậy, việc Chi cục THADS huyện M, tỉnh P không ra quyết định thi hành án, không thông báo việc thi hành án cho K do không nhận được bản án không loại trừ nghĩa vụ đóng án phí hình sự của K. Bản thân K đã nhận được bản án, được nghe công bố bản án tại phiên tòa xét xử nên biết rõ mình phải chấp hành những vấn đề gì và hoàn toàn có thể tự nguyện thi hành hoặc nhờ thân nhân nộp thay án phí hình sự, không nhất thiết phải chờ đến khi có quyết định thi hành án và thông báo việc thi hành án thì mới thực hiện. Đồng thời, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) không quy định về thời hiệu thi hành việc đóng án phí hình sự và thời hiệu này cũng không phụ thuộc vào thời hiệu thi hành bản án hình sự. Do đó, căn cứ vào những phân tích nêu trên thì K được xem là chưa chấp hành xong Bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của TAND huyện M, tỉnh P nên đến thời điểm thực hiện hành vi phạm tội mới do cố ý, K chưa được xóa án tích và thuộc trường hợp “Tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015. Vì vậy, việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Tái phạm nguy hiểm” đối với K là phù hợp với các quy định của pháp luật, bảo đảm được tính nghiên minh và răn đe của pháp luật.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các đồng chí và quý bạn đọc.
Long An xét xử bị cáo phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy - Ảnh: BLA
Bài liên quan
-
N, P và Q phạm tội gì, áp dụng tình tiết định khung tăng nặng như thế nào?
-
Áp dụng tình tiết tăng nặng “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” và không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Phạm tội có tính chất côn đồ” đối với H
-
Áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “ có tính chất côn đồ” đối với Nguyễn Thanh T
-
Áp dụng hay không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận