Bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm
Về bài viết Kháng cáo của bị hại trong vụ án “giết người” và “gây rối trật tự công cộng” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 17/12/2018, tôi có một số ý kiến trao đổi
Bài viết tại link https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/khang-cao-cua-bi-hai-trong-vu-an-giet-nguoi-va-gay-roi-trat-tu-cong-cong
Điểm e khoản 2 Điều 51 BLTTHS 2003 quy định người bị hại có quyền: “e) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo.”
Tuy nhiên, về chủ thể có quyền kháng cáo tại đoạn thứ nhất Điều 231 BLTTHS năm 2015 lại quy định: “Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.”.
Với quy định tại đoạn thứ nhất Điều 231 BLTTHS 2015, phạm vi kháng cáo của người bị hại lại mở rộng hơn so với quy định tại điểm 2 khoản 2 Điều 51 BLHS 2003.
Có thể thấy, các quy định nêu trên về quyền kháng cáo của “người bị hại” có sự thiếu thống nhất và cũng là một trong những hạn chế, bất cập của BLTTHS 2003.
Vì vậy, để bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 trong đó có hướng dẫn về chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn của việc kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm như sau: “Người bị hại, người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của người bị hại trong trường hợp người bị hại chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.”
Với hướng dẫn này của Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP, người bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm.
Thực tế, “người bị hại” không chỉ là cá nhân mà còn bao gồm cả cơ quan, tổ chức. Vì vậy, BLTTHS 2015 đã sử dụng thuật ngữ “bị hại” thay thế cho thuật ngữ “người bị hại” trong BLTTHS 2003.
Đồng thời, BLTTHS 2015 đã khắc phục hạn chế, bất cập của BLTTHS 2003 nêu trên về quyền kháng cáo của bị hại bằng cách sửa đổi điểm e khoản 2 Điều 51 BLTTHS 2003 nêu trên bằng quy định tại điểm m khoản 2 Điều 62 “m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;”.
Về chủ thể có quyền kháng cáo BLTTHS 2015 giữ nguyên quy định tại đoạn thứ nhất Điều 231 BLTTHS 2003, chỉ sửa đổi về kỹ thuật (thay thuật ngữ “người bị hại” bằng thuật ngữ “bị hại”), cụ thể khoản 1 Điều 331 BLTTHS 2015 quy định: “Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm”.
Như vậy, phạm vi kháng cáo của bị hại quy định tại điểm m khoản 2 Điều 62 và khoản 1 Điều 331 BLTTHS 2015 là thống nhất: Bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
Vì vậy, theo tác giả tình huống nêu trong bài viết “Kháng cáo của bị hại trong vụ án “giết người” và “gây rối trật tự công cộng”, bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận