Bình luận một số quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong BLTTDS 2015

Bài viết này đi sâu vào việc trình bày và phân tích quy định liên quan đến thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong BLTTDS năm 2015. Qua việc phân tích có thể thấy đây là quy định có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy các bên trong quan hệ dân sự lựa chọn phương thức hòa giải trong trường hợp phát sinh tranh chấp từ đó góp phần giảm bớt áp lực cho hoạt động của Tòa án.

1.Tổng quan

Hòa giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp bên cạnh những phương thức khác như thương lượng, Trọng tài, Tòa án. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Như vậy, có thể thấy thông qua việc quy định Tòa án công nhận kết quả giải quyết tranh chấp của những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án của Nghị quyết số 49-NQ/TW đã khắc phục được những hạn chế của các phương thức giải quyết tranh chấp này từ đó thúc đẩy các bên tranh chấp lựa chọn một trong những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án trong đó có hòa giải để giải quyết tranh chấp, góp phần giảm bớt áp lực cho hoạt động của Tòa án.

Trên cơ sở thể chế hóa quy định nêu trên của Nghị quyết số 49-NQ/TW, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thêm quy định hoàn toàn mới so với BLTTDS trước đây là thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ trình bày, phân tích các quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong BLTTDS 2015 và một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả cho thủ tục này khi triển khai thực hiện trên thực tế.

2. Quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

Quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là một trong những quy định mới được sửa đổi, bổ sung vào BLTTDS 2015 so với BLTTDS 2004 sửa đổi, bổ sung 2011. Cụ thể, BLTTDS 2015 đã dành Chương XXXIII để quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo đó, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được quy định như sau:

Thứ nhất, chỉ những kết quả hòa giải thành thỏa mãn điều kiện theo quy định mới được Tòa án xem xét công nhận theo thủ tục việc dân sự

Cụ thể, căn cứ Điều 416 BLTTDS 2015 thì chỉ những kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải mới được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận. Như vậy, không phải tất cả kết quả hòa giải thành vụ việc ngoài Tòa án đều được công nhận. Để được công nhận, kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải do người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải như quy định về hòa giải cơ sở (Luật hòa giải ở cơ sở 2013), quy định về hòa giải trong lĩnh vực đất đai (Luật đất đai 2013),…[1].

Thứ hai, về điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

Bên cạnh việc giới hạn những kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được xem xét công nhận theo thủ tục việc dân sự đã được trình bày ở trên, BLTTDS 2015 còn quy định cụ thể điều kiện để những kết quả này được Tòa án công nhận. Quy định này nhằm tạo cơ sở cho cá nhân, cơ quan, tổ chức và Tòa án thực hiện thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo đó, để được công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải thõa mãn các điều kiện sau đây:

Đầu tiên, các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Tương tự như những quan hệ pháp luật khác, để có thể tham gia vào việc thỏa thuận hòa giải thì điều kiện tiên quyết là các bên tham gia phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Chỉ khi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì các bên mới có đủ khả năng thể hiện ý chí của mình một cách chính xác và đầy đủ nhất. Do vậy, pháp luật tố tụng quy định kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án chỉ có thể được công nhận khi và chỉ khi kết quả đó do những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự tham gia thỏa thuận.

Kế đến, các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý. Điều kiện này rất hợp lý bởi lẽ quan hệ dân sự là những mối quan hệ được hình thành dựa trên sự tự do thỏa thuận, tự do ý chí giữa các bên đương sự. Do vậy, khi phát sinh tranh chấp các bên trong quan hệ đó có quyền tham gia thỏa thuận hòa giải để giải quyết. Trong trường hợp thỏa thuận hòa giải thành thì các bên tham gia thỏa thuận có nghĩa vụ tuân thủ những nội dung mà mình đã cam kết. Chính vì vậy mà người tham gia thỏa thuận hòa giải phải là người có quyền và nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Nếu việc thỏa thuận liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người thứ ba thì cần phải có sự đồng ý của người sau cùng này nhằm đảm bảo cho việc thực hiện nội dung thỏa thuận.

Tiếp theo, một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận. Theo quy định hiện nay, việc Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thực hiện theo thủ tục việc dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật tố tụng dân sự do đó Tòa án không đương nhiên xem xét, công nhận. Nói cách khác, Tòa án chỉ thực hiện việc xem xét, công nhận khi có đơn yêu cầu của một hoặc hai bên đã tham gia thỏa thuận hòa giải.

Cuối cùng, nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba. Có thể thấy nguyên tắc cơ bản được thể hiện xuyên suốt trong việc phát sinh, thực hiện, chấm dứt các quan hệ dân sự là bình đẳng, tự do ý chí, tự do thỏa thuận cho nên việc hòa giải giải quyết tranh chấp cũng phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản này. Việc tham gia thỏa thuận hòa giải, nội dung thỏa thuận hòa giải phải xuất phát từ sự tự nguyện của các bên, không bên nào được quyền đe dọa, cưỡng ép bên nào. Về nguyên tắc, pháp luật dân sự đề cao sự tự do ý chí, tự do thỏa thuận của các bên khi tham gia vào các quan hệ dân sự trong đó có việc thỏa thuận hòa giải giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những nội dung thỏa thuận hòa giải vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba thì không được công nhận bởi lẽ nó xâm phạm đến trật tự xã hội, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người khác.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện nay thì kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án cần phải thỏa mãn tất cả các điều kiện nêu trên mới được Tòa án ra quyết định công nhận. Việc không thỏa mãn một hay một số điều kiện sẽ dẫn đến kết quả không được Tòa án công nhận. Có thể thấy pháp luật tố tụng hiện nay quy định cụ thể các điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện quyền yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân; hạn chế việc yêu cầu tràn lan gây quá tải cho hoạt động của Tòa án. Đồng thời, quy định này cũng là căn cứ giúp cho Tòa án xem xét, quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo thủ tục việc dân sự.

Thứ ba, về thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

Về hình thức yêu cầu, theo quy định tại Điều 418 BLTTDS 2015 thì người yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải thực hiện dưới hình thức bằng văn bản. Ngoài những nội dung cơ bản tương tự như đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự nói chung, đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án còn cần phải có thông tin của cá nhân, tổ chức đã tiến hành hòa giải; nội dung, thỏa thuận hòa giải thành yêu cầu Tòa án công nhận. Ngoài ra, khi yêu cầu người yêu cầu còn phải gửi kèm theo văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật có liên quan. Về chủ thể có quyền yêu cầu, chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là một hoặc cả hai bên tham gia thỏa thuận hòa giải. Đây là một trong những điều kiện để Tòa án xem xét công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án như đã trình bày ở trên. Về thời hạn yêu cầu, cũng theo quy định của điều luật nêu trên việc yêu cầu phải được thực hiện trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành.

Thứ tư, về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

Nhằm tạo cơ sở cho Tòa án thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, Điều 419 BLTTDS 2015 đã quy định khi yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải, người yêu cầu phải gửi kèm theo văn bản về kết quả hòa giải thành. Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 15 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Sau khi hết thời hạn này Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu và phiên họp này phải được mở trong thời hạn mười ngày tiếp theo kể từ ngày ra quyết định nêu trên. Về thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu, những người tham gia phiên họp, thủ tục tiến hành phiên họp được thực hiện theo thủ tục chung. Tòa án chỉ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong trường hợp có đủ các điều kiện công nhận theo quy định. Trong trường hợp không đủ một trong các điều kiện quy định thì Tòa án ra quyết định không công nhận. Tuy nhiên, cần lưu ý việc không công nhận của Tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và được gửi cho người tham gia thỏa thuận hòa giải, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp[2].

Quy định này là hoàn toàn hợp lý bởi lẽ cho dù Tòa án có công nhận hay không thì về nguyên tắc các bên tham gia thỏa thuận đều có nghĩa vụ phải thực hiện cam kết của mình một cách thiện chí và trung thực. Do vậy, việc không được Tòa án công nhận kết quả hòa giải một cách hợp lý không phải là lý do để các bên viện dẫn cho việc không tuân thủ cam kết của mình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong trường hợp kết quả hòa giải không được Tòa án công nhận và đương sự không tự nguyện thực hiện cam kết của mình thì việc thực hiện thỏa thuận sẽ được giải quyết như thế nào? Như đã trình bày ở trên, Điều 419 BLTTDS 2015 chỉ quy định chung chung là “việc không công nhận của Tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án”.

Xem xét các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, ví dụ như Luật Hòa giải ở cơ sở 2013, Điều 25 quy định các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành và Điều 26 quy định Hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành do mình trực tiếp giải quyết; kịp thời thông báo cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Trưởng ban công tác Mặt trận những vấn đề phát sinh trong quá trình theo dõi, đôn đốc thực hiện... Như vậy, khi quy định về việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành thì BLTTDS 2015 cũng như văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chỉ quy định “trách nhiệm” chung chung mà chưa quy định cụ thể về trách nhiệm, biện pháp xử lý hay hậu quả pháp lý mà các bên đương sự phải gánh chịu trong trường hợp không thực hiện thỏa thuận, v.v... Điều này dẫn đến việc thực hiện kết quả hòa giải trong trường hợp không được Tòa án công nhận hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của đương sự. Trong trường hợp có một bên thay đổi và không thiện chí trong việc thực hiện thỏa thuận thì quyền lợi của đương sự còn lại sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Do đó, có thể nói sự ra đời của thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án như là giải pháp tích cực cho hoạt động hòa giải ngoài Tòa án, góp phần hạn chế tình trạng các đương sự đã thỏa thuận nhưng sau đó lại không tự giác thực hiện cam kết của mình. Tuy nhiên, để nâng cao được hiệu lực cũng như hiệu quả thực hiện các thỏa thuận hòa giải thành ngoài Tòa án thì cần phải khắc phục những hạn chế trong công tác hòa giải hiện nay. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với những giải pháp do tác giả Phan Hồng Nguyên đưa ra như nâng cao năng lực của đội ngũ hòa giải viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bên đương sự tham gia hòa giải, v.v…[3]

Bên cạnh đó, việc quy định quyết định công nhận của Tòa án có giá trị thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm vừa giúp cho thủ tục giải quyết việc dân sự này được đơn giản hơn từ đó bảo vệ được tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, vừa tiết kiệm được công sức, thời gian, chi phí cả người tham gia tố tụng lẫn cơ quan tiến hành tố tụng mà vẫn không vi phạm nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử trong tố tụng dân sự. Bởi lẽ, nếu đồng ý việc kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án trong trường hợp này thì vô hình trung đã hợp pháp hóa việc vi phạm nguyên tắc tự nguyện, tự do ý chí trong quan hệ dân sự.

3. Tổng kết

Tóm lại, từ những phân tích ở trên cho thấy rằng quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án sẽ góp phần tích cực trong việc khuyến khích các bên trong quan hệ dân sự lựa chọn phương thức hòa giải khi có tranh chấp phát sinh. Việc bổ sung quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong BLTTDS 2015 thể hiện tư tưởng tiến bộ của các nhà lập pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội từ đó góp phần bảo vệ kịp thời các lợi ích chính đáng của người dân, phát triển các giao dịch dân sự cũng như duy trì ổn định trật tự xã hội.

 

 

[1] Xem thêm Tòa dân sự, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2016), Chuyên đề tập huấn BLTTDS 2015 – Những quy định mới của BLTTDS 2015; Chuyên đề tập huấn năm 2016 (Phần tố tụng dân sự), trang 31-32.

[2] Xem thêm Nguyễn Thị Hồng Nhung (chủ biên), Huỳnh Thị Nam Hải (2016), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự, NXB.ĐHQG TP.HCM, trang 338.

[3] Xem thêm ThS. Phan Thị Hồng Nguyên, Bộ Tư pháp, Công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=293, truy cập ngày 13/8/2018.

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI - ThS. HOÀNG THỊ NGỮ (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật VNU –HCM)