Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Dự thảo luật quy định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu).
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức đơn vị hành chính (ĐVHC) và mô hình chính quyền địa phương 02 cấp (gồm: cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện) phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, ĐVHC kinh tế - đặc biệt.
Theo đó, cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành (gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), nhưng sáp nhập một số ĐVHC cấp tỉnh để bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời để mở rộng không gian phát triển. Tổ chức lại các ĐVHC cấp xã hiện nay để hình thành các ĐVHC cấp cơ sở (gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo) để phù hợp với mô hình tổ chức mới. ĐVHC kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chủ trì một cuộc họp của Bộ Nội vụ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ
Theo dự thảo, số lượng đại biểu HĐND cấp cơ sở tối đa là 40 đại biểu (riêng đối với các xã do có vị trí biệt lập không tiến hành tổ chức lại nếu có quy mô dân số ít thì cơ bản giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành). Theo đề xuất, UBND cấp cơ sở có 5 cơ quan chuyên môn, gồm: Văn phòng (tham mưu thực hiện nhiệm vụ chung của Đảng ủy, HĐND, UBND cấp cơ sở; Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); Phòng Nội vụ - Tư pháp; Phòng Văn hóa - Xã hội và Trung tâm phục vụ hành chính công.
Dự thảo luật nêu rõ Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch, số lượng Ủy viên UBND, khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND.
Theo Tờ trình của Bộ Nội vụ, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cụ thể hoá quy định của Hiến pháp (sau khi sửa đổi) nhằm chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp như hiện nay (gồm cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) thành 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện). Qua đó, bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Trên cơ sở mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Bộ Nội vụ đề xuất cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên cơ sở, vượt quá năng lực giải quyết của cơ sở, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh.
Để thực hiện nhất quán nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp tỉnh hiện hành, dự thảo bổ sung một số quy định đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương về cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành cơ chế, chính sách, lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư.
Cấp cơ sở tổ chức thực hiện chính sách (từ trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở. Cụ thể, chính quyền cấp cơ sở sẽ đảm nhận nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã và huyện hiện nay.
Căn cứ thực tiễn, cấp tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp xã nhằm nâng cao năng lực quản trị, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chính quyền đặc khu ở khu vực hải đảo được trao nhiều quyền tự chủ đảm bảo linh hoạt, chủ động ứng phó khi có sự kiện, tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Theo dự thảo tờ trình, qua rà soát, dự kiến khoảng 15% nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay phải chuyển giao cho cấp tỉnh thực hiện; dự kiến có 85% nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay sẽ chuyển giao cho cấp cơ sở thực hiện.
Xem dự thảo tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và đóng góp ý kiến tại đây: https://moha.gov.vn/van-ban/van-ban-du-thao/du-thao-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi-832.html
Bài liên quan
-
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
-
Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh trước ngày 30/6/2025
-
Đảng ủy TANDTC hoàn thiện Tờ trình, Đề án theo định hướng không tổ chức cấp huyện báo cáo Ban Chấp hành Trung ương trước 01/4
-
Đảng ủy Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị đề án sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện trước 25/3/2025
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đề xuất mô hình Tòa án 3 cấp khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ đối với Tạ Tấn P
-
Người vay dùng tiền lừa đảo để trả nợ, người cho vay có trách nhiệm trả lại không?
-
Người khởi kiện có bắt buộc xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện hay không?
Bình luận