BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài được hiểu là: các bên chủ thể bao gồm bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có quốc tịch khác nhau hoặc nơi cư trú khác nhau (đối với cá nhân) hoặc có trụ sở ở các nước khác nhau (đối với pháp nhân); hay hành vi gây thiệt hại hoặc hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại xảy ra ở nước ngoài.

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự về quan hệ bồi thường thiệt hại mà trước khi xảy ra thiệt hại, các bên chủ thể là bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại không có thoả thuận hoặc hợp đồng nào. Khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng, vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được giải quyết trên cơ sở của thiệt hại thực tế đã xảy ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài được hiểu là: các bên chủ thể bao gồm bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có quốc tịch khác nhau hoặc nơi cư trú khác nhau (đối với cá nhân) hoặc có trụ sở ở các nước khác nhau (đối với pháp nhân); hay hành vi gây thiệt hại hoặc hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại xảy ra ở nước ngoài.

Theo quy định pháp luật Việt Nam, vấn đề giải quyết xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 773 BLDS 2005, Nghị định số 138-CP ngày 15.12.2005 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Điều 773 BLDS quy định như sau:

“1. Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại.

Việc bồi thường thiệt hại do tàu bay, tàu biển gây ra ở không phận quốc tế hoặc  biển cả được xác định theo pháp luật của nước mà tàu bay, tàu biển mang quốc tịch, trừ trường hợp pháp luật về hàng không dân dụng và pháp luật về hàng hải của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác.

Trong trường hợp hành vi gây thiệt hại xảy ra ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều là công dân hoặc pháp nhân Việt Nam thì áp dụng pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định áp dụng pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật (Lex loci delicti commisi). Việc áp dụng này thể hiện tính khách quan, công bằng đối với mỗi bên đương sự bởi vì không phải lúc nào bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại cũng có cùng quốc tịch hoặc nơi cư trú. Hơn nữa, điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng để Tòa án có thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ, xác minh thiệt hại trên thực tế, lợi ích của bên bị thiệt hại cũng vì thế mà được bảo đảm chặt chẽ hơn. Về khái niệm nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, pháp luật Việt Nam quy định đó có thể là nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại. Tuy nhiên, có một điểm hạn chế đó là nhà làm luật chỉ quy định chung là “xác định theo pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại” mà không đưa ra thứ tự ưu tiên áp dụng luật như thế nào. Do đó, đây là vấn đề cần được hướng dẫn rõ ràng hơn để tránh việc các cơ quan có thẩm quyền áp dụng luật một cách tùy tiện, không thống nhất.

Ngoài ra, đối với những trường hợp không thể xác định được nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại nằm trong lãnh thổ của một quốc gia nhất định như các trường hợp thiệt hại do tàu bay, tàu biển gây ra ở không phận quốc tế hoặc biển cả cũng được quy định tại khoản 2 Điều 773 BLDS 2005. Theo đó, luật quốc tịch của tàu bay, tàu biển sẽ được áp dụng để giải quyết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, một điểm bất cập đặt ra khiến cho quy định này khó có được tính khả thi đó là nhà làm luật đã không dự liệu tới các trường hợp như: tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch của quốc gia nào thì sẽ được điều chỉnh như thế nào; các tàu bay, tàu biển có quốc tịch khác nhau va chạm nhau gây thiệt hại cũng không có cơ sở để điều chỉnh.

Bên cạnh việc áp dụng pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật (Lex loci delicti commisi), pháp luật Việt Nam quy định áp dụng hệ thuộc luật quốc tịch của các bên đương sự tức bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại và hệ thuộc luật quốc tịch của phương tiện. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 773 quy định: Trong trường hợp hành vi gây thiệt hại xảy ra ở ngoài lãnh thổ của Việt Nam mà người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều là công dân hoặc pháp nhân Việt Nam, thì áp dụng pháp luật Việt Nam (Lex Nationalis). Quy định này giúp cơ quan có thẩm quyền giải quyết có cơ sở pháp lý rõ ràng để áp dụng. Đồng thời, do luật quốc tịch gần gũi với các bên đương sự hơn cả nên việc áp dụng hệ thuộc này là phù hợp và có thể đảm bảo quyền và lợi ích của các bên đương sự. Để hướng dẫn tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 138/2006 ngày 15/11/2006 quy định chi tiết thi hành các quy định của BLDS  về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đã quy định như sau: “2. Trong trường hợp áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì tuân theo các quy định tại Chương XXI Phần thứ ba của Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan”.

Như vậy, trong việc điều chỉnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài pháp luật của chúng ta quy định áp dụng pháp luật nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật với việc kết hợp cả hai quan điểm là theo pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc theo pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại và áp dụng pháp luật quốc tịch của các đương sự.

Các quy định trên đã từng bước đi vào cuộc sống góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị vi phạm, góp phần làm lành mạnh quan hệ xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các quy định trên cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế nhất định. Vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện các quy định về bồi thường thiệt hại có yếu tố nước ngoài để phù hợp với sự phát triển của các quan hệ phát sinh trong đời sống quốc tế, đáp ứng với yêu cầu của hội nhập và phát triển:

Thứ nhất: Về quy phạm xung đột, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định dưới dạng quy phạm xung đột được ghi nhận ở Điều 773 BLDS. Theo quy định của điều này, thì việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại. Quy định trên không nêu thứ tự ưu tiên áp dụng hệ thuộc luật nào nên có thể lựa chọn pháp luật của nước này hoặc nước kia là do ý muốn chủ quan của cơ quan Tư pháp. Do vậy, định hướng sửa đổi về vấn đề này là thống nhất áp dụng pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại. Còn việc áp dụng pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây hại chỉ đặt ra khi không xác định được nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại.

Thứ hai: Về bồi thường thiệt hại do tàu bay, tàu biển gây ra quy định tại khoản 2 Điều 773 không nên quy định việc bồi thường thiệt hại do tầu bay, tàu biển gây ra ở không phận quốc tế hoặc biển cả, vì quy định này mang tính chất chuyên ngành nên được quy định trong luật chuyên ngành (Luật Hàng không, Luật Hàng hải). Mặt khác, quy định tai khoản 2 Điều 773 không có tính khả thi trong trường hợp việc bồi thường thiệt hại do tàu bay, tàu biển gây ra mà các tàu bay, tàu biển mang các quốc tịch khác nhau va chạm nhau gây thiệt hại thì không xác định được pháp luật áp dụng trong trường hợp này hoặc trong trường hợp tàu bay, tàu biển không mang cờ (không xác định được quốc tịch của tàu mang cờ) thì cũng không thể xác định được luật áp dụng.

Nhằm khắc phục hạn chế trên cũng như đảm bảo tương thích với tư pháp quốc tế trên thế giới, Điều 687 BLDS năm 2015 đã quy định: Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 687.

Như vậy, nguyên tắc chung trong việc giải quyết xung đột pháp luật từ quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là các bên được lựa chọn luật áp dụng; đồng thời dự liệu trường hợp các bên không có thỏa thuận thì pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng.

Khoản 2 Điều 687 còn quy định trường hợp ngoại lệ, (không tuân theo nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật nêu ở khoản 1) đó là bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có nơi cư trú (đối với cá nhân) hoặc thành lập (đối với pháp nhân) tại cùng một nước thì pháp luật của nước đó được áp dụng. Việc quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho việc bồi thường thiệt hại diễn ra nhanh chóng, kịp thời và phù hợp với tư pháp quốc tế của nhiều nước trên thế giới.

Hồ Nguyễn Quân - Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4