Các bị cáo không phạm tội cướp tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Các đối tượng phạm tội gì?” của tác giả Huỳnh Phan Châu Thành đăng trên Tạp chí điện tử Tòa án nhân dân ngày 10/8/2021, tôi có một số ý kiến trao đổi cùng tác giả và bạn đọc.

Hiện nay, có rất nhiều vụ việc xảy ra trong thực tiễn, người đi thu nợ sử dụng vũ lực, hành hung “con nợ” để ép trả nợ thì người đi thu nợ, người bị mất tài sản lại trở thành bị cáo với tội danh “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 BLHS năm 2015. Điều đó đã để lại nhiều băn khoăn, trăn trở cho những người tiến hành tố tụng và dư luận xã hội. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử những vụ việc như vậy, thực tế tất cả chúng ta đều nhận thấy một điều, việc dùng vũ lực, hành hung “con nợ” ép để trả nợ, trả tài sản vốn là của mình hoàn toàn khác với bản chất việc dùng vũ lực để cướp tài sản của người khác. Mặt khác, đối với các vụ án đi đòi nợ, đi đòi tài sản thuê, cho mượn thì quan hệ sở hữu tài sản là một vấn đề còn có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến định tội danh. Thực tế sẽ có trường hợp tài sản đó là của chính người đi đòi bị con nợ cố tình không trả hoặc cố tình chiếm giữ chứ không phải là tài sản của con nợ hoặc tài sản của người khác. Khách thể của hành vi cướp tài sản và hành vi đòi nợ trái pháp luật trong những trường hợp này về bản chất là khác nhau.

Xét về nguyên nhân, động cơ và mục đích phạm tội thì tội “Cướp tài sản” là mong muốn chiếm đoạt tài sản của người khác trái pháp luật, trong khi đó người đi đòi nợ có lý do chính đáng vì tài sản con nợ chiếm giữ có thể là tài sản của người đi đòi nợ, cái sai của người đi đòi là dùng vũ lực để đòi nợ, trở thành “cướp tài sản” của chính mình. Nếu các cơ quan và người tiến hành tố tụng chỉ nhìn vào hình thức biểu hiện của hành vi mà không xem xét rõ bản chất của sự việc thì sẽ không tránh khỏi việc xảy ra oan sai trong quá trình định tội danh.

Từ sự phân tích nêu trên và dựa theo nội dung vụ án, quan điểm của tôi cho rằng, Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” quy định tại Điều 157 BLHS năm 2015 (trong đó Nguyễn Văn T có thể xem xét với vai trò là đồng phạm với nhóm của L dựa trên tài liệu, chứng cứ thu thập được) và không đồng ý với quan điểm của tác giả cho rằng Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A, Nguyễn Văn T phạm tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 BLHS 2015.

Bởi vì theo quy định tại Điều 168 BLHS, hành vi phạm tội phải thỏa mãn hai dấu hiệu bắt buộc là có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự và phải có mục đích chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, hành vi của L, K, D, A, T chỉ thỏa mãn một dấu hiệu đó là nhóm của L dùng vũ lực đối với chị N, nhưng không thỏa mãn dấu hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản bởi số tiền các bị cáo đòi được là 20.000.000 đồng (số tiền chị N đã điện thoại cho bạn tên Đỗ Văn G mượn và nhờ G chuyển vào tài khoản ngân hàng của L, L đã đưa số tiền này cho T) là tài sản của bị cáo T đang bị chị N chiếm đoạt. Do đó, hành vi của L, K, D, A và T không cấu thành tội “Cướp tài sản”.  

Việc L, A, K, D bắt, khống chế chị N đưa lên xe ô tô rồi đưa về nhà A thuê tại địa chỉ 73 đường TB, quận S, thành phố M tiếp tục chửi mắng ép buộc chị N trả nợ đã đủ yếu tố cấu thành tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”. Việc bắt, giữ chị N của nhóm đối tượng L là hoàn toàn cố ý, trái pháp luật, thể hiện ở hành vi khống chế chị N để tạm giữ, gây cản trở, hạn chế và tước đoạt quyền tự do thân thể của chị N và không cho chị N đi đâu vượt ra ngoài sự kiểm soát của nhóm đối tượng L trong một khoảng thời gian ngắn nhằm mục đích ép buộc chị N phải trả nợ. Do đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A về tội danh “Bắt, giữ người trái pháp luật” quy định tại Điều 157 BLHS năm 2015 là hoàn toàn phù hợp trên cả phương diện lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Còn đối với Nguyễn Văn T, nếu có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh T và L có thỏa thuận trao đổi rằng nếu L gặp chị N, N vẫn không chịu trả nợ cho T thì L cứ việc bắt giữ chị N, và T có biết việc nhóm của L giữ chị N tại nhà của A tại địa chỉ 73 đường TB, quận S, thành phố M thì T là đồng phạm với nhóm của L với tội danh “Bắt, giữ người trái pháp luật”.

Thông qua vụ án mà tác giả Huỳnh Phan Châu Thành nêu ra, tôi nhận thấy rằng đối với những vụ việc người đi đòi nợ sử dụng vũ lực, hành hung “con nợ” để đòi lại tài sản của mình đang bị con nợ chiếm giữ khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh “Cướp tài sản” sẽ là khá nặng so với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nếu giá trị tài sản chiếm đoạt lớn thì khung hình phạt người phạm tội bị áp dụng là rất nặng, có thể là tù chung thân. Nếu nhận định và xử lý như vậy có thể là không hợp lý và thiệt thòi cho người phạm tội.

Rõ ràng, tính chất, mức độ của hành vi đòi nợ trái pháp luật và hành vi cướp tài sản trên thực tế là khác nhau; nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội cũng khác nhau. Do đó, đối với những vụ việc như vậy, tôi nhận thấy, để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng và xử lý một cách thống nhất trong thực tiễn, các cơ quan lập pháp cần sớm nghiên cứu, bổ sung một tội danh riêng và độc lập trong BLHS là tội “Đòi nợ trái pháp luật”, trong đó cần nêu rõ dấu hiệu cấu thành của tội phạm này. Hoặc cũng có thể bổ sung trong tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 BLHS một khung hình phạt riêng về hành vi cướp tài sản xuất phát từ đòi nợ trái pháp luật để tương xứng với tính chất, mức độ hành vi mà các đối tượng phạm tội gây ra./.

 

 Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bắt giữ hình sự sáu đối tượng có hành vi bắt giữ người trái pháp luật - Ảnh: Thiên Vương/ BND

           

         

 

ThS. LẠI SƠN TÙNG (Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân)