Các đối tượng phạm hai tội Cướp tài sản và Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

Nghiên cứu bài viết “Vay 100 triệu, đã trả 45 triệu vẫn phải viết giấy nhận nợ 284 triệu đồng, rồi viết giấy nhận cọc 320 triệu đồng nữa. Chủ nợ sai người bắt giữ, đánh người vay để đòi tiền. Hành vi của những người “đòi nợ” này phạm tội gì?” của tác giả Huỳnh Phan Châu Thành đăng ngày 10/8/2021, chúng tôi xin trao đổi quan điểm về việc xác định tội danh của nhóm đối tượng “đòi nợ” này.

Trước hết, chúng tôi không đồng tình với quan điểm thứ nhất cho rằng nhóm đối tượng phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo Điều 157 BLHS.  Đối với tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, người phạm tội có thể vì động cơ và mục đích khác nhau và mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nhưng nếu động cơ, mục đích là dấu hiệu bắt buộc của một số tội khác thì không còn là hành vi phạm tội này nữa mà tùy từng trường hợp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở các tội phạm cụ thể. Trong vụ án này, mục đích của các đối tượng là nhằm chiếm đoạt tài sản, đây là dấu hiệu bắt buộc của tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” do đó các đối tượng bị truy cứu về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 169 BLHS.

Chúng tôi cũng không đồng tình với quan điểm thứ hai khi cho rằng các đối tượng phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 BLHS. Bởi vì tội cưỡng đoạt tài sản là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội. Nhưng trong vụ án này, các đối tượng đã có các hành vi dùng vũ lực và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đây không phải hành vi của tội cưỡng đoạt tài sản mà là hành vi của tội “Cướp tài sản” và tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo các Điều 168 và Điều 169 BLHS.

Chúng tôi cho rằng hành vi của các đối tượng Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A, Nguyễn Văn T phạm hai tội “Cướp tài sản” và “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo các Điều 168 và Điều 169 BLHS.

Theo như những dữ kiện tác giả đưa ra, cần phải xác định diễn biến của vụ việc gồm có hai quá trình và các đối tượng đã thực hiện các hành vi khác nhau.

- Giai đoạn 1: Từ khoảng 19 giờ 30 phút ngày 18/7/2020 đến trước khi quán nước tại số 35 Cửu Long, quận T, thành phố M đóng cửa.

Trong thời gian này các đối tượng Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A đã có hành vi dùng vũ lực đối với chị N, làm cho chị N  sợ bị đánh tiếp nên đã điện thoại cho bạn là anh G mượn tiền và anh G đã chuyển vào tài khoản của L số tiền 20.000.000 đồng và L đã chuyển số tiền này cho Nguyễn Văn T.

Các đối tượng thực hiện hành vi với mục đích là đòi chị N trả tiền cho T nhưng với hoàn cảnh lúc đó, tương quan lực lượng quá chênh lệch, chị L đã bị đánh nên bị tê liệt ý chí, buộc phải gọi điện vay tiền để chuyển cho T. Hành vi này của các đối tượng đã xâm phạm đến hai khách thể là tính mạng, sức khoẻ và quan hệ sở hữu tài sản. Do đó, đây là hành vi “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 168 BLHS.

T là người nhờ các đối tượng đi đòi tiền cho mình và T nói với L “cứ xử lý đi” có nghĩa là T đồng ý cho các đối tượng dùng vũ lực để ép buộc chị T trả tiền. Do đó, T đồng phạm với các đối tượng Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A về tội “Cướp tài sản”.

- Giai đoạn 2: Sau thời điểm quán nước tại số 35 Cửu Long, quận T, thành phố M đóng cửa (khoảng sau 23 giờ ngày 18/7/2020).

Trong thời gian này các đối tượng đã có hành vi dùng tay nắm, kéo tay N đi ra khỏi quán, N không chịu đi theo nên K xông vào đẩy N ra ngoài và cùng D bắt, khống chế N đưa lên xe ô tô, rồi đưa về địa chỉ 73 đường TB, quận S, thành phố M, cả nhóm đưa N lên phòng khách ở lầu 1 tiếp tục chửi mắng ép buộc N trả nợ. Tại đây Quang A, L, K, D có dùng tay đánh N.

Nhóm đối  đối tượng A, L, K, D không phải là người có thẩm quyền bắt, giữ người nhưng đã bắt giữ chị N để buộc chị N trả tiền cho T một cách trái pháp luật. Hành vi bắt, giữ chị N xâm phạm đến quyền tự do thân thể, mục đích là buộc chị N phải trả tiền trái pháp luật xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Do đó, hành vi này cùng lúc xâm phạm đến hai khách thể là quyền tự do thân thể và quyền sở hữu tài sản của chị N. Đây chính là dấu hiệu của tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 169 BLHS.

Từ những phân tích các giai đoạn thực hiện hành vi phạm tội khác nhau của các đối tượng chúng tôi cho rằng cần phải truy tố, xét xử các đối tượng Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A, Nguyễn Văn T về 02 tội “Cướp tài sản” và “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo các Điều 168 và Điều 169 BLHS là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không làm oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Bên cạnh đó theo chúng tôi, trước khi sự kiện “đòi nợ” diễn ra, Nguyễn Văn T còn thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” khi bắt chị N viết giấy nhận nợ 284.000.000 đồng, nhưng do bài viết của tác giả không có thông tin cần thiết nên tạm thời chúng tôi không đề cập đến hành vi này.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi về việc định Các đối tượng Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A, Nguyễn Văn T phạm tội gì, xin được trao đổi cùng tác giả, đồng nghiệp và quý độc giả.

 

TAND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án cướp tài sản - Ảnh: Nguyễn Tâm

ThS. TRẦN DOÃN HƯNG (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)