Các luật, pháp lệnh có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo sẽ được sửa đổi toàn diện
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo của các luật, pháp lệnh gây khó khăn cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội; trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ nhất.
Chiều 14/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì buổi làm việc với Lãnh đạo các Bộ về việc sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội. Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cùng đại diện lãnh đạo pháp chế các Bộ, ngành.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ: Theo Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo của các luật, pháp lệnh gây khó khăn cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội; trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ nhất.
Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 3777/VPCP-PL thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh về việc giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo của các luật, pháp lệnh gây khó khăn cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp, báo cáo Chính phủ trước ngày 20/6/2021. “Vì thời hạn gấp nên Bộ Tư pháp muốn nghe các ý kiến cụ thể từ các Bộ để thống nhất cách làm và có các đề xuất cụ thể”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp và yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ có liên quan đề nghị rà soát, đề xuất quy định của một số luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung, thay thế theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan để trao đổi, thảo luận về một số nguyên tắc, phạm vi và cách thức xây dựng dự thảo Nghị quyết.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đề xuất nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị quyết theo hướng chỉ lựa chọn để sửa đổi, bổ sung một số quy định của một số luật có mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn. Những quy định cần phải sửa đổi, bổ sung phải đang gây khó khăn, vướng mắc thực sự cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội mà nếu không sửa kịp thời ngay sẽ khó thực hiện hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh
Cho ý kiến về các luật đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng cần sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vì có nhiều vấn đề phát sinh các bất cập như: phát triển dự án nhà ở giá rẻ, nhà xã hội; cải tạo lại chung cư cũ; phát triển nhà ở cho công nhân… Còn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất sửa đổi một số Luật có nhiều quy định hiện đang gây ách tắc trong đời sống sản xuất, kinh doanh như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Giá, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…
Nhất trí với nội dung căn cứ rà soát, nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị quyết, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ cho rằng cần cân nhắc phạm vi rà soát xây dựng Nghị quyết, nên đưa cả luật của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 như Luật Đất đai, Luật Thuế giá trị gia tăng… đồng thời, lưu ý đến cả những luật đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đã được Thủ tướng chỉ đạo: những quy định đang còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp nhưng đang gây cản trở, vướng mắc... Ngoài ra, các Bộ, ngành cũng cần phải có những đề nghị cụ thể để Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ.
Sau khi nghe các ý kiến dự họp, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Vụ Vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp trích yếu một số nội dung có ý kiến tại cuộc họp và yêu cầu các Bộ, ngành có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi lại Bộ Tư pháp vào chiều ngày 15/6 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ trưởng lưu ý hồ sơ gồm có: Dự thảo Nghị quyết; Tờ trình dự thảo Nghị quyết; Báo cáo đánh giá tác động chính sách và Báo cáo thẩm định.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
Vũ Huệ
22:43 11/01.2025Trả lời