Cách tính thời điểm bắt đầu và kết thúc các loại thời hạn trong tố tụng dân sự
Trong tố tụng dân sự có rất nhiều loại thời hạn như thời hạn kháng cáo kháng nghị, thời hạn ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự, thời hạn gửi bản án, quyết định, thời hạn hợp đồng, thời hạn vay... Thực tiễn, nhiều đương sự vẫn chưa biết về các loại thời hạn tố tụng cũng như cách tính các thời hạn này.
Để các đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, người tiến hành tố tụng thực hiện đúng quy định pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có liên quan, đòi hỏi các đương sự và cả những người tiến hành tố tụng phải xác định đúng thời điểm bắt đầu và kết thúc của các loại thời hạn để chủ động trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự đảm bảo quy định pháp luật. Thực tiễn nhiều đương sự vẫn chưa biết về các loại thời hạn tố tụng cũng như cách tính các thời hạn này. Đối với những người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự vẫn có nhiều quan điểm chưa thống nhất về cách xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc của các thời hạn tố tụng nên vẫn còn tồn tại việc xác định không đúng thời hạn tố tụng.
Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra”. Trong quan hệ pháp luật dân sự, thời hạn rất quan trọng, thời hạn sẽ xác định tính hợp pháp của giao dịch, dựa vào thời hạn sẽ xác định được hành vi vi phạm của chủ thể vi phạm ngoài ra thời hạn là điều kiện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể.
Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về cách tính thời hạn cũng như thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn cụ thể như sau:
Cách tính thời hạn: Thời hạn được tính theo dương lịch, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn:
– Trường hợp các bên có thoả thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính cụ thể như sau: Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày; nửa năm là sáu tháng; một tháng là ba mươi ngày; nửa tháng là mười lăm ngày; một tuần là bảy ngày, .v.v.
– Trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu tháng thì tức là ngày đầu tiên của tháng, giữa tháng tức là ngày thứ 15 của tháng, cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.
– Trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu năm thì được tính là ngày đầu tiên của tháng một, giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu, cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.
Ảnh minh họa |
Xác định thời điểm bắt đầu thời hạn
– Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
– Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
– Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó.
Xác định thời điểm kết thúc thời hạn
– Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
– Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.
– Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
– Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.
– Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
– Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.
Từ những căn cứ pháp luật nêu trên có thể xác định thời điểm bắt đầu và kết thức của một số loại thời hạn cụ thể trong tố tụng dân sự như sau:
Thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày tuyên án theo (VD: Ngày 10/5/2018 Nguyễn Văn B nhận được bản án số 15/2018 của TAND huyện NĐ, thời điểm bắt đầu của thời hạn là ngày 11/5 ngày tiếp theo của ngày B nhận được bản án và thời điểm kết thúc là ngày cuối cùng của thời hạn, ngày 25/5).
Thời hạn ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là 07 ngày, kể từ ngày hòa giải thành, theo Điều 212 BLTTDS (VD: Ngày 18/5/2018 TA lập biên bản hòa giải thành giữa A và B, thời điểm tính thời hạn từ ngày 19/5 đến ngày 25/5, nếu ngày 25 là ngày thứ 7 thì ngày kết thúc là ngày làm việc đầu tiên là thứ 2 tức là ngày 27/5 Tòa án phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự.)
Thời hạn gửi thông báo thụ lý là 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án Tòa án phải gửi thông báo cho các đương sự, Viện kiểm sát biết, theo Điều 196 BLTTDS (VD: ngày 01/6/2018 TA thụ lý vụ án, thì thời hạn được tính từ ngày 02/6/2018 đến 04/6/2018).
Thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải sao gửi Bản án cho đương sự, Viện kiểm sát theo Điều 269 BLTTDS (ngày 10/6/2018 Tòa tuyên án, thì thời hạn 10 ngày được tính cả ngày nghĩ, từ ngày 11/6/2018 đến ngày 20/6/2018).
Đối với thời hạn vay theo thỏa thuận của đương sự (VD: ngày 01/6/2018, A vay của B 100 triệu, thời hạn vay 20 ngày, thời hạn vay được tính từ ngày 02/6 đến 20/6/2018).
Theo kiemsat.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
2 Bình luận
Thế Anh Nguyễn
14:53 10/01.2025Trả lời
1 phản hồi
Phan phan
14:53 10/01.2025Trả lời