Cần bổ sung quy định về bình đẳng giới tại khoản 4 Điều 8 Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014.
Vấn đề bình đẳng giới đang được đặt ra một cách cấp thiết, nhằm bảo đảm sự công bằng trong lao động của nữ giới. Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014 đang được lấy ý kiến, tác giả cho rằng quy định tại Điều 8. Nghĩa vụ của doanh nghiệp cần sửa đổi, bổ sung cụ thể về bình đẳng giới, để phụ nữ không bị thiệt thòi.
Luật Doanh nghiệp 2014 và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành. Ngoài ra, một số nội dung khác cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.(5)
Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014 quy định tại Điều 8. Nghĩa vụ của doanh nghiệp
“4. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật”.
Quy định trong dự thảo chưa đưa vào được nội dung bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ, bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm việc trả lương bình đẳng không phân biệt về giới tính.
Theo Công ước số 111 về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp năm 1958, Việt Nam đã phê chuẩn năm 1997 về cả hai công ước trên. “Điều 11. Trong Công ước này, thuật ngữ “phân biệt đối xử” bao gồm:
a). Mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, chính kiến, dòng dõi dân tộc hoặc nguồn gốc xã hội, có tác động triệt bỏ hoặc làm phương hại sự bình đẳng về cơ may hoặc về đối xử trong việc làm hoặc nghề nghiệp;”
“Điều 3: Mỗi nước thành viên chịu hiệu lực của Công ước này phải có các biện pháp thích ứng với hoàn cảnh và thực tiễn quốc gia để … ban hành các đạo luật và thúc đẩy các chương trình giáo dục có việc chấp nhận và áp dụng chính sách đó;”
Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau 1951, Điều 1 b) “trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau” là nói về các mức trả công được ấn định không phân biệt đối xử về giới tính.
Căn cứ theo hai Công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn, được cụ thể hóa tại Luật Bình đẳng giới được Quốc hội nước CH XHCN Việt Nam khoá XII thông qua vào ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định về vấn đề bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó quy định bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, cụ thể như sau:
Điều 13. Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động
1. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.
2. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.
3. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
a) Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;
b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;
c) Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
Bộ luật Lao động 2012 đã dành một chương riêng để quy định về lao động nữ, đó là chương X. Những quy định riêng đối với lao động nữ từ Điều 153 đến Điều 159 trong đó quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm quyền bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ trong tuyển dụng, tiền lương và các chế độ khác, bảo vệ thai sản đối với lao động nữ.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ. Khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Lao động nữ chiếm số đông trong những ngành nghề có vị thế thấp, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, có thu nhập thấp, điều kiện lao động nghèo nàn, thời gian lao động kéo dài và việc làm bấp bênh, độ rủi ro cao. Việc thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn tình trạng phân biệt về giới tính. Một số doanh nghiệp vẫn còn chưa thực hiện trách nhiệm xã hội của mình trong việc đảm bảo bình đẳng giới.
Với những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng trong dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần nhấn mạnh nghĩa vụ của doanh nghiệp trong thực hiện bình đẳng giới cũng như bảo đảm các quyền của lao động nữ.
Vì vậy, xin góp ý bổ sung thêm các nội dung theo hướng quy định rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp trong bảo đảm quyền của lao động nữ, cụ thể như sau:
“4. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, quyền làm việc, trả lương bình đẳng cho lao động nữ, bảo đảm chế độ thai sản cho lao động nữ; không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động nữ trong doanh nghiệp; không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong đó có lao động nữ tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật”.
Bình đẳng giới này đã được nhắc đến tại khoản 8 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2014 về nghĩa vụ của doanh nghiệp nhưng chưa có quy định đảm bảo bình đẳng giới một cách cụ thể. Vì vậy, chúng tôi đề nghị sửa đổi bổ sung đưa vào dự thảo quy định về quyền lao động nữ, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi trong đó có lao động nữ để bảo đảm bình đẳng giới để đảm bảo việc doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế đặc biệt là bình đẳng giới sẽ là điều kiện cần thiết khi Việt Nam đã gia nhập Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).
Tài liệu tham khảo
1.Công ước số 111 về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp năm 1958.
2.Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau 1951
3. Luật Doanh nghiệp năm 2014;
4. Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi;
5. Tờ trình dự thảo Luật Doanh nghiệp
6. Bộ luật Lao động 2012
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận