Cần giám định để xác định huyết thống giữa cháu Th và bị hại

Qua nghiên cứu bài viết Vướng mắc trong việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự của tác giả Thanh Thủy, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.

Tác giả có đưa ra hai quan điểm. Qua nghiên cứu bài viết, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai là giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của chị Ngô Thi Thảo Ng vì việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, nên Tòa án phải yêu cầu Viện kiểm sát trưng cầu giám định xét nghiệm huyết thống giữa cháu Ngô Trí Th và mẹ của bị hại Nguyễn Phong H. Căn cứ kết luận giám định, nếu kết luận cháu Ngô Trí Th là có cùng huyết thống với mẹ của bị hại Nguyễn Phong H, Tòa án sẽ xem xét giải quyết yêu cầu của chị Ngô Thị Thảo Ng theo quy định của pháp luật.

Theo dữ kiện trong bài thì kết quả xác minh có chị Ngô Thị Thảo Ng có sống chung sống như vợ chồng với  bị hại Nguyễn Phong H, có một con chung là cháu Ngô Trí Th, sinh năm 2017. Tuy nhiên các tài liệu chị Ng cung cấp chưa đủ căn cứ để chứng minh cháu Th là con của bị hại H, nhưng vẫn trong quá trình vụ án. Để đủ căn cứ để xác định cháu Th là con của bị hại H hay không thì Tòa án (trong trường hợp này không cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho VKS) phối hợp với VKS, yêu cầu giám định xét nghiệm huyết thống giữa cháu Th và bị hại H. Nếu kết quả giám định cháu Th và bị hại H có quan hệ cha – con thì chị Ng hoàn toàn có quyền yêu cầu các bị cáo bồi thường khoản tiền tổn thất tinh thần, tiền cấp dưỡng cho cháu Th đến khi cháu Th đủ 18 tuổi và có khả năng lao động.

Trường hợp, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vụ án nhưng không xác định tư cách tố tụng của chị Ng (chị Ng đã cung cấp các tài liệu chứng minh cho mối quan hệ của chị và bị hại Nguyễn Phong H, gồm: hình ảnh đám cưới của chị Ng với bị hại H, giấy khai sinh của cháu Ngô Trí Th nhưng không có họ tên cha, giấy tờ xác nhận của tổ dân phố xác nhận cháu Ngô Trí Th là con của chị Ngô Thị Thảo Ng với bị hại Nguyễn Phong H) mà Tòa án không yêu cầu VKS giám định huyết thống là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Tôi không nhất trí với quan điểm thứ nhất cho rằng theo quy định tại Điều 30 BLTTDS quy định thì yêu cầu bồi thường của chị Ngô Thị Thảo Ng là chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự, yêu cầu này của chị Ngô Thị Thảo Ng có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Khi chị Ngô Thị Thảo Ng chuẩn bị đầy đủ chứng cứ, chứng minh để yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho mình thì làm đơn khởi kiện vụ án dân sự riêng. Bởi lẽ việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Nếu cho rằng trường hợp của vụ án trên là chưa có điều kiện chứng minh để tách ra giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự là chưa phù hợp.

Trên đây là quan điểm của tôi về bài viết, rất mong được độc giả quan tâm trao đổi./.

Khai mạc phiên tòa hình sự – Ảnh Internet

ThS. VŨ TUẤN HAI (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 3)