Cần tăng cường kiểm soát giai đoạn tiền khởi tố
Điều 5 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLLTTHS) 2015 sửa đổi theo hướng nếu có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan thanh tra, kiểm toán và các cơ quan nhà nước khác phải chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra ngay. Tuy nhiên, trước một số vụ việc do cơ quan Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, kết luận sai phạm với những thống kê vi phạm, thiệt hại lớn, khá rõ ràng, nhưng dư luận băn khoăn vì sao không chuyển cơ quan điều tra?
Có dấu hiệu tội phạm, Thanh tra phải chuyển ngay cơ quan điều tra
Điều 48, Điều 55 Luật Thanh tra 2010 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra. Theo đó, người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Điều 5, Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nêu rõ: “Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự.”
Như vậy là theo tinh thần mới nhất của BLTTHS 2015, thì ngay khi có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan chức năng như kiểm toán, thanh tra có nghĩa vụ chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để xem xét khởi tố vụ án. Quy trình xem xét dấu hiệu tội phạm để khởi tố vụ án sau đó được quy định cụ thể trong BLTTHS.
Sau khi chuyển hồ sơ, Luật Thanh tra cũng quy định tại Điều 60 về Trách nhiệm của cơ quan điều tra (sau khi nhận hồ sơ do cơ quan Thanh tra chuyển – PV): Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật quy định tại điểm o khoản 1 Điều 48 và điểm n khoản 1 Điều 55 của Luật này và xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan điều tra phải thông báo bằng văn bản về việc xử lý cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; trường hợp vụ việc có nội dung, tình tiết phức tạp thì thời hạn trả lời có thể kéo dài, nhưng không quá 60 ngày; quá thời hạn này mà cơ quan thực hiện chức năng thanh tra không nhận được thông báo bằng văn bản về việc xử lý của cơ quan điều tra thì có quyền kiến nghị Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan điều tra cấp trên. Như vậy, quy định pháp luật về sự phối hợp giữa các cơ quan đã có, sau quá trình chuyển cơ quan điều tra, cũng quy định rõ về sự giám sát của Viện kiểm sát trong quá trình xem xét dấu hiệu tội phạm.
Băn khoăn vụ việc sai phạm lớn…, nhưng chưa chuyển cơ quan điều tra
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định: Một số vụ việc gần đây, có sai phạm được chuyển cơ quan điều tra, có vụ việc không. Theo tôi đó là quyền của cơ quan Thanh tra. Việc nào chuyển điều tra, việc nào không chuyển, cần căn cứ vào thực tế thanh tra và theo quy định pháp luật. Theo quan điểm cá nhân tôi, có những vụ có dấu hiệu tội phạm, cần chuyển điều tra nhưng lại chưa chuyển, khiến dư luận hoài nghi. Ví dụ như vụ việc liên quan đến Cổ phần cảng Quy Nhơn. Theo đó: Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra vụ việc Cổ phần hóa ở Cảng Quy Nhơn. Phát hiện một số sai phạm như việc UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GTVT, Thủ tướng cho phép cổ phần hóa cảng Quy Nhơn và việc Bí thư Tỉnh ủy Bình Định có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bán toàn bộ 49% cổ phần của Nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn là không đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; đồng thời không đúng với đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tiếp đến phương thức chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn không rõ ràng, thiếu nhất quán, ban đầu chỉ đạo bán đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán, nhưng sau đó lại cho phép Vinalines bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, không báo cáo, trái thẩm quyền. Theo Luật sư Kiệm, vụ việc trên có vi phạm được định lượng cụ thể, hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; hoặc tội Vi phạm các quy định nhà nước về quản lý vốn nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Đối với vụ việc ở Thủ Thiêm, kết luận của Thanh tra Chính phủ có những nội dung đáng chú ý như: Việc UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 tại Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16/9/1998, trong đó: điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền (giảm 23,3 ha đất đã giao dự án cho 05 doanh nghiệp trước đó nhưng vẫn lập và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/5000); tăng 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 không đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời thu hồi thêm 4,3 ha ngoài quy hoạch.
Ngoài ra, việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng có trường hợp đang khiếu nại chưa phù hợp quy định, chưa đúng thời điểm thu hồi đất, nhất là khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực; không có kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng nhà tái định cư trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; UBND TP đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi Khu tái định cư 160 ha thuộc 05 phường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó, đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6 ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng… sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư. Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg và Văn bản số 190/CP-NN, dẫn đến, làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo Luật sư Kiệm, đối với những vi phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì số liệu chứng minh vi phạm đã khá rõ ràng. Diện tích 4.3 ha không nằm trong ranh giới quy hoạch vẫn thu hồi. Vi phạm trong diện tích 160 ha để làm khu tái định cư nhưng chính quyền lại đem bán để kinh doanh. Rõ ràng ở vụ việc này, có hành vi cố ý làm trái, nhưng tại sao không chuyển cơ quan điều tra? Hành vi trên xảy ra khi BLHS 1999 (có hiệu lực) có dấu hiệu của tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng theo tôi, dấu hiệu rõ ràng hơn ở tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu bị truy cứu trong giai đoạn này, khi BLHS 2015 (sửa đổi 2017) có hiệu lực thì có tội danh như tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tội Vi phạm các quy định nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai…
Cần tăng cường kiểm soát giai đoạn tiền khởi tố vụ án
Cũng theo Luật sư Kiệm, việc không chuyển cơ quan điều tra với những vi phạm nghiêm trọng có thể gây hệ lụy xấu. Luật sư Kiệm dẫn ra việc kết luận Thanh tra về những vi phạm về đất rừng ở Sóc Sơn từ nhiều năm trước. Nếu chiếu theo các quy định của pháp luật hình sự thì rõ ràng những hành vi sai phạm trong quản lý đất đai ở Sóc Sơn đã có dấu hiệu của tội phạm, lẽ ra cần phải bị xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên việc không chuyển cơ quan điều tra, sai phạm không được xử lý đến nơi đến chốn, không có chế tài răn đe nào dẫn đến những vi phạm tiếp tục xảy ra. Hiện số lượng công trình vi phạm đã tăng. 27 công trình xây dựng trên đất rừng phòng hộ tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí; 18 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất rừng phòng hộ thuộc thôn Lâm Trường, xã Minh Phú. Hiện nay, các cơ quan chức năng lại phải tiến hành thanh tra lại. Đây là ví dụ điển hình của việc coi thường pháp luật.
Kiến nghị giải quyết thực trạng trên, theo Luật sư Kiệm, một mặt, cơ quan thanh tra cần nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, mặt khác cũng cần sự phối hợp tích cực của cơ quan điều tra. Từ thực tế Luật sư, tham gia tố tụng nhiều vụ việc mà từ các cơ quan như Biên phòng, Thanh tra, Kiểm lâm chuyển cơ quan điều tra, Luật sư Kiệm cho rằng cần có cơ chế pháp lý để tăng cường kiểm soát giai đoạn các cơ quan thứ 3 trên chuyển sang cơ quan điều tra để phòng ngừa việc cơ quan điều tra bao che cho sai phạm. Nếu cơ quan thanh tra chuyển, mà cơ quan điều tra không đấu tranh làm rõ tội phạm thì cơ quan thanh tra cũng nản?!. Từ thực tế đó, tới đây, cần phải nâng cao vai trò của kiểm soát trong giai đoạn tiền khởi tố vụ án. Trong trường hợp không phát hiện dấu hiệu hình sự thì cần có giải trình rõ ràng.
Theo phaply.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận