Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định với các tỉnh ĐBSCL liên kết phát triển du lịch vùng

Sở Du Lịch các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định phối hợp Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị Xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng giữa 3 tỉnh với các tỉnh ĐBSCL.

Ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, phát biểu Khai mạc tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, khẳng định: Du Lịch là một trong những ngành kinh tế hàng đầu, phát triển với tốc độ cao, mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội. Với sự tăng trưởng liên tục trong nhiều thập kỷ qua, du lịch đã khẳng định là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh nhất và lớn nhất trên bình diện thế giới, góp phần vào phát triển và thịnh vượng của các quốc gia. Bên cạnh đó, trong điều kiện hội nhập, liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương, nhằm khai thác lợi thể tiềm năng đưa ngành Du lịch phát triển, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương. Liên kết vùng, liên kết chuỗi nhằm hợp lực phát triển các sản phẩm du lịch “đặc sản” từng nơi là một trong những giải pháp quan trọng để nâng tầm du lịch khu vực và mỗi địa phương.

Đối với 3 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định là những địa phương có đặc điểm văn hoá, tự nhiên đặc sắc, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch di sản, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá, lễ hội, du lịch biển đảo,… “Quảng Ninh là tỉnh ven biển Đông Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nơi có Vịnh Hạ Long là di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Quy Nhơn (Bình Định) nơi có biển xanh, bãi cát trắng dài thơ mộng, sự cổ kính của Tháp Chàm và nhiều di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng. Tỉnh Ninh Bình nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, là mảnh đất thiêng, từng là kinh đô của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, gắn liền với 3 Vương triều Đinh, tiền Lê, Lý. Đặc biệt là Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á.

Quang cảnh tại Hội nghị

Ông Tùng cho biết thêm: “Thị trường khách du lịch ĐBSCL hiện là một trong những thị trường tiềm năng và rất quan trọng đối với Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định, đặc biệt trong giai đoạn các tỉnh đang xây dựng chiến lược thu hút khách nội địa. ĐBSCL như 1 thế giới sông nước với mật độ sông và kênh rạch dày đặc, có hệ sinh thái đất ngập nước với sinh cảnh rừng ngập mặn ven biển, rừng ngập nước nội địa lớn nhất Việt Nam, đa dạng về các loại hình văn hoá, trong đó Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân  loại,… Thông qua sự kiện này, chúng tôi mong muốn tạo nhiều cơ hội để các địa phương cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi giá trị du lịch giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch”.

 

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết: Trong 8 tháng năm 2022, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã thu hút khoảng 30 triệu lượt khách tham quan du lịch, với hơn 8 triệu lượt khách lưu trú. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng. Các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch nội vùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc tạo dựng thương hiệu du lịch vùng ĐBSCL. Đặc biệt gắn với các loại hình du lịch tâm linh, sinh thái và con người vùng ĐBSCL hào sảng nghĩa tình cùng với phong tục tập quán lâu đời, có nhiều di tích văn hoá - lịch sử, lễ hội và nét văn hoá đặc trưng, sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc và nổi tiếng với các nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, ẩm thực dân gian…, đã hình thành nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hoá đặc trưng của các địa phương trong vùng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch. Qua đó việc mở rộng kết nối và hợp tác với ba tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định mang ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với các bên.

Đại diện các Sở, ngành ĐBSCL tham dự tại Hội nghị

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch), đánh giá: Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định và TP. Cần Thơ là 4 trung tâm du lịch lớn của cả nước, sau khi phục hồi ngành du lịch “4 địa phương này có thể mạnh rất đặc sắc, nổi trội, phần bù cho nhau, tạo ra nhu cầu cần liên kết trao đổi khách giữa các vùng. Các địa phương cần tăng cường công tác thông tin quảng bá bằng nhiều hình thức, nhiều kênh về điểm đến, sản phẩm du lịch nổi trội của mỗi địa phương. Đồng thời yêu cầu các địa phương cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa việc kết nối hàng không để làm sao các sân bay phát huy hiệu quả, tiện ích thường xuyên các chuyến bay cho du khách đi và đến tham quan các vùng.

Trần Tú

QC