Cần tịch thu số tiền 3.000.000 đồng nộp ngân sách nhà nước
Qua nghiên cứu bài viết “Áp dụng biện pháp tư pháp tại các Điều 47, 48 BLHS” của tác giả Huỳnh Minh Nhựt, tôi cho rằng cần phải tịch thu số tiền 3.000.000 đồng nêu trên nộp ngân sách nhà nước.
Thứ nhất, số tiền 3.000.000 đồng là tiền mà Nguyễn Văn A có được từ việc bán cho Nguyễn Văn B chiếc xe máy trị giá 50.000.000 đồng mà mình đã chiếm đoạt được của chị Nguyễn Thị C. Vì vậy, đây là tiền do mua bán từ vật phạm tội mà có, không phải là tiền A bồi thường cho chị C và cũng không phải là tài sản của chị C mà A đã chiếm đoạt, sử dụng trái phép nên cách lập luận theo quan điểm 1, 2 và 3 như tác giả trình bày là không chính xác. Theo tôi, vì đây là tiền do mua bán từ vật phạm tội mà có, không phải là tiền bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép nên căn cứ khoản 1, 2 Điều 47 và khoản 1 Điều 48 BLHS thì cần phải tịch thu số tiền 3.000.000 đồng nêu trên nộp ngân sách nhà nước.
Thứ hai, cũng có quan điểm cho rằng số tiền 3.000.000 đồng là tài sản của B và B không có lỗi trong việc mua xe do không biết chiếc xe máy mà A bán cho mình là tài sản do phạm tội mà có, đồng thời giao dịch dân sự giữa A và B vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật nên cần phải hoàn trả số tiền này cho B. Theo tôi, đây là quan điểm không chính xác bởi:
- Điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS quy định vật hoặc tiền do mua bán, đổi chác từ vật hoặc tiền do phạm tội mà có thì phải tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy. Chúng ta thấy giao dịch mua bán, đổi chác vật hoặc tiền do phạm tội mà có luôn vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật nên nếu trả lại vật hoặc tiền có được từ giao dịch mua bán, đổi chác nêu trên thì sẽ không phù hợp, làm cho việc xây dựng quy định nêu trên trở nên dư thừa, không có ý nghĩa và không áp dụng được trong thực tiễn.
- Việc tịch thu số tiền nêu trên là phù hợp nhằm ngăn chặn, khắc phục nguyên nhân, điều kiện cũng như động cơ, mục đích phạm tội của A (A phạm tội là để kiếm tiền tiêu xài cá nhân).
- Việc A hoàn trả số tiền 3.000.000 đồng cho B là nghĩa vụ dân sự mà A phải thực hiện và có tính chất khác với số tiền 3.000.000 đồng mà A đã nhận được từ B thông qua giao dịch mua bán xe. Còn việc tịch thu số tiền 3.000.000 đồng mà A đã nhận được từ B thông qua giao dịch mua bán xe để nộp ngân sách nhà nước là trách nhiệm mà A phải chịu với nhà nước vì đã thực hiện hành vi phạm tội. Điều này là hoàn toàn phù hợp nhằm phân hóa trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự của người phạm tội, bảo đảm tình răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung của pháp luật.
- Đối chiếu với các quy định tại Điều 47 và Điều 48 BLHS thì chỉ có vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép mới không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nên việc tịch thu số tiền 3.000.000 đồng nêu trên là phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ ba, tác giả cho rằng khi giải quyết vụ án hình sự cần phải xác định:
“Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội cần tịch thu là việc người phạm tội bằng hành vi tội phạm mà hình thành vật hoặc tiền thông qua việc chế tạo, mua bán, trao đổi… hoặc thu lợi từ vật hoặc tiền bị chiếm đoạt trái pháp luật (nghĩa là hình thành mới từ hành vi phạm tội) thì vật hoặc tiền này phải bị tich thu. Vd: Tiền mua bán trái phép chất ma túy; tiền từ việc chiếm đoạt tài sản của người khác rồi đầu tư sinh lợi nhuận (số tiền sinh lợi là thu lợi bất chính); tiền cướp được của những người tham gia đánh bạc hoặc tiền do phạm tội mà có rồi mua vật có giá trị…
Vật hoặc tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép không bị tịch thu là tài sản hợp pháp của chủ sở hữu bị chiếm đoạt trái pháp luật, mặc dù tài sản đó có thể bị chuyển giá trị vật chất khác”.
Tôi nhận thấy quan điểm “…mặc dù tài sản có thể bị chuyển giá trị vật chất khác” ở đoạn thứ 2 là không phù hợp bởi vì việc chuyển giá trị vật chất chính là kết quả của hoạt động mua bán, đổi chác. Chẳng hạn, để chuyển giá trị của chiếc xe máy thành tiền thì phải thông qua hoạt động mua bán: Người mua trả tiền cho người bán để nhận lấy chiếc xe máy. Vì vậy, cần phải bỏ ý này ở đoạn thứ 2 của quan diểm trên.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các đồng chí và bạn đọc.
TAND huyện Kinh Môn, Hải Dương xét xử vụ án trộm cắp, tiêu thụ xe máy - Ảnh: PV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận