
Cần xác định giá trị vàng thực tế đã chuyển giao
Qua nghiên cứu bài viết "Vướng mắc vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản là vàng" của tác giả Dương Tấn Thanh đăng ngày 8/3/2021, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai.
Theo nội dung bài viết thì năm 2004, bà A cho bà B vay 20 chỉ vàng 24K. Theo thỏa thuận hàng tháng bà B phải đóng lãi cho bà A 01 chỉ vàng 24K. Thời gian trả là không xác định thời hạn. Nay bà B thừa nhận còn nợ bà A 20 chỉ vàng nhưng cho rằng đã đóng lãi cho bà A quá nhiều nên không đồng ý trả vàng theo yêu cầu của bà A.
Thứ nhất: Tôi đồng ý với quan điểm thứ 2 về việc Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (NĐ 24) không điều chỉnh hoạt động cho vay vàng giữa bà A và B. Tại Điều 1 NĐ 24 có quy định: “Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm: Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng”. Như vậy, có thể thấy phạm vi điều chỉnh của Nghị định 24 là về hoạt động kinh doanh vàng, không phải là hoạt động cho vay.
Thứ hai: Cần xác định giá trị vàng thực tế mà bà B đã chuyển giao cho bà A.
Hoạt động cho vay vàng trên thuộc đối tượng của hợp đồng cho vay tài sản, quy định cụ thể tại Điều 463 BLDS 2015: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định".
Trường hợp này các bên có thỏa thuận về tiền lãi vay vàng là 01 chỉ vàng 24K/tháng. Tuy nhiên bà A khởi kiện yêu cầu bà B trả 20 chỉ vàng, không yêu cầu tính lãi và bà B cũng thừa nhận nợ bà A 20 chỉ vàng. Như vậy, các bên đã có thỏa thuận mới về việc cho vay không yêu cầu tính lãi.
Do đó, Tòa án cần xác định giá trị số vàng trên thực tế bà B đã chuyển giao cho bà A từ khi vay cho đến nay, từ đó xem xét có yêu cầu bà B có phải trả thêm cho bà A nữa hay không.
Thứ ba: Hiện nay Thông tư liên tịch số 01/1997 hướng dẫn lãi suất hợp đồng vay vàng chỉ tính bằng mức lãi suất do Ngân hàng nhà nước quy định, nhưng hiện nay Ngân hàng nhà nước không quy định về lãi suất cho vay vàng. Do đó, nếu có phát sinh vấn đề này thì Tòa án cần phải xem xét đối với số tiền lãi trong phạm vi pháp luật quy định để đảm bảo quyền lợi của người cho vay vàng.
Trên đây là quan điểm của tác giả về hợp đồng cho vay tài sản là vàng. Rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi của quý đồng nghiệp./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
-
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân
-
Cần làm rõ quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là xác định chứng cứ hay đó chỉ là nguồn chứng cứ
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Từ ngày 01/6/2025 sẽ "hết mẹo" trong sát hạch giấy phép lái xe
Bình luận